Hiệu trưởng trẻ tuổi nhất Việt Nam: Đừng mong thành công dễ dàng

08:15 24/02/2015     1430

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Là hiệu trưởng đại học trẻ tuổi nhất Việt Nam, TS Đàm Quang Minh chia sẻ đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn để có được thành công như ngày hôm nay. Anh cho rằng các bạn trẻ không nên mong đợi thành công một cách dễ dàng.
- Là hiệu trưởng Đại học FPT khi mới 35 tuổi, anh có thể chia sẻ bí quyết thành công của mình?

- Tôi nghĩ ngoài nỗ lực của bản thân trong suốt thời gian dài thì còn có một phần may mắn. Thế hệ tôi và trước tôi một chút, những người giỏi giang phần nhiều tham gia thương trường và đã rất thành công. Còn số người tham gia vào làm giáo dục như tôi ít hơn trong khi đó nhu cầu về giáo dục có chất lượng một cách đúng nghĩa ngày một tăng, do đó tôi có nhiều cơ hội hơn trong lĩnh vực này.

"Đừng mong đợi có một thành công dễ dàng", hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam chia sẻ.
"Đừng mong đợi có một thành công dễ dàng", hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam chia sẻ.
Tôi cũng cho rằng, thành công bước đầu thì dễ, thường thì mọi người đều có thể làm được, nhưng để duy trì được trong thời gian dài thì ít người làm được hơn. Để có động lực trong suốt hành trình dài của cuộc đời, ngoài những nỗ lực của bản thân, chúng ta cần được chia sẻ và động viên của người thân, bạn bè. Và quan trọng nhất là không bao giờ được phép tự hài lòng với mình. Với tôi, không hài lòng với chính mình là động lực lớn nhất để vươn lên.

Trong những năm tới, tôi tin rằng sẽ có thêm nhiều người trẻ nữa sẽ dẫn dắt hệ thống giáo dục của Việt Nam.


- Từng tâm sự với sinh viên mình không thuộc hàng “con ông cháu cha” và còn có một tuổi thơ khá cơ cực, anh có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Năm 2014 khi nhận nhiệm vụ hiệu trưởng Đại học FPT và trở thành vị hiệu trưởng trẻ nhất Việt Nam, tôi phát hiện ra nhiều người đã tìm kiếm trên Google cụm từ “Đàm Quang Minh là con ai?”. Mọi người đoán chắc tôi phải là con cháu của ai đó có quyền chức?

Thực tế thì ba mất khi tôi 8 tuổi, còn mẹ tôi là giáo viên bình thường dạy môn phụ của một trường đại học. Khi còn nhỏ, mẹ đi vắng, ba thì ốm nên tôi được gửi hết nhà bà ngoại sang nhà bà nội ở một vùng quê nghèo trồng lúa. Đến khi học phổ thông, tôi may mắn thi được vào lớp chuyên toán. Tuy nhiên, thay vì được đi học thêm để luyện thi đầy đủ thì tôi phải đi làm thêm đủ thứ việc để có tiền trang trải việc học.

Tuổi thơ phải trải qua nhiều khó khăn nên thay vì vùi đầu vào sách vở, tôi lại có thời gian trải nghiệm với cuộc sống và từ đó có được vốn sống quý báu từ lúc còn nhỏ. Khi lớn hơn, với tôi khó khăn và thất bại đều là những bước chuyển mình lớn. Có những thất bại mà đến giờ tôi vẫn phải thầm cảm ơn vì nhờ có nó tôi mới có động lực để tiếp tục học hỏi không ngừng.

Có một sai lầm mà đến giờ tôi vẫn nhớ đó là cuối năm lớp 12, là thành viên “cứng” của đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, tôi hoàn toàn tự tin sẽ được giải cao và được tuyển thẳng, tuy nhiên sau đó tôi mắc sai lầm ngớ ngẩn khi làm bài nên chỉ được giải khuyến khích. Điều đó đồng nghĩa với việc phải thi tốt nghiệp và thi đại học khi chỉ có 3 tháng để ôn tập. Tôi đã phải nhờ bạn bè kèm cặp để có thể vượt qua hai kỳ thi này.

- Khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, đã khi nào anh cảm thấy chán nản và muốn buông xuôi?

- Nhiều khi gặp khó khăn tôi đã không ít lần thắc mắc "sao cuộc đời lại bất công với mình như vậy". Hôm nay, sau khi vượt qua tất cả những khó khăn mà mình đã gặp phải tôi cho rằng “cuộc sống này vốn dĩ bất công”. Không phải ai cũng may mắn được sinh ra trong những gia đình hạnh phúc và giàu có, không phải ai cũng được sinh ra với trí tuệ thiên phú.

Tuy nhiên, khi cảm thấy là bất công, tôi nghĩ rằng than vãn và đổ lỗi không phải là một lựa chọn tốt mà thay vào đó là cần tìm cách để vượt qua. Ngay cả khi gặp may mắn tôi cũng cho rằng nó sẽ không lặp lại cả cuộc đời. Trong cuộc sống này mỗi người đều sẽ gặp phải rất nhiều thất bại, điều quan trọng là các bạn cần biết đối mặt với nó để thành công.

- Sinh viên mới ra trường thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, anh có lời khuyên gì với các bạn?

- Trên thực tế, các bạn trẻ đối diện với khó khăn càng sớm càng tốt để cảm nhận được cuộc sống một cách chân thực. Không có điều gì đạt được dễ dàng cả, đằng sau vẻ hào nhoáng của thành công bao giờ cũng là những nỗ lực không ngừng. Tuy nhiên, khi chưa trải nếm được những vấp ngã, khó khăn của cuộc sống các bạn trẻ thường chỉ nhìn thấy bề ngoài trong khi đó bản chất thành công nằm ở bên trong.

Vì vậy các bạn trẻ đừng mong đợi ở một thành công nhanh chóng, hãy chịu khó học hỏi và trưởng thành qua các trải nghiệm thực tiễn.

Tiến sĩ Đàm Quang Minh trở thành hiệu trưởng đại học trẻ tuổi nhất Việt Nam ở tuổi 35 khi được UBND TP Hà Nội ra quyết định công nhận giữ chức vụ Hiệu trưởng ĐH FPT theo đề nghị của Hội đồng quản trị FPT và ĐH FPT vào tháng 9/2014.

Tiến sĩ Minh đã có hơn 13 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục đại học, cao đẳng và hợp tác quốc tế. Anh từng là Giám đốc FPT Polytechnic Việt Nam, Viện phó Viện đào tạo quốc tế FPT, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ (IAE), Giám đốc Văn phòng đại diện công ty Moskito-GIS, CHLB Đức, giảng viên tại ĐH Quốc gia Hà Nội.

Anh Minh nhận bằng tiến sĩ về Khoa học Trái đất của ĐH Tổng hợp Greifswald (CHLB Đức) năm 2007. Trước đó, anh là học sinh khối chuyên Toán - Tin, ĐH Tổng hợp và sau đó tốt nghiệp đại học chuyên ngành Địa chất Khóa 1 chương trình đào tạo Cử nhân Khoa học Tài năng, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) năm 2001.