Hành trình địa chỉ đỏ- Giáo dục tuổi trẻ Quảng Ngãi truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng

09:50 06/02/2023     1440

Công tác tuyên truyền, giáo dục   ĐTN: Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023), Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức Hành trình đến với địa chỉ đỏ, về cái nôi cách mạng của tỉnh Quảng Ngãi, địa điểm thành lập tổ chức “Dự bị cộng sản” làm nhiệm vụ vận động thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 3/1930.

Tại hành trình, cán bộ, đoàn viên thanh niên đã ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt 93 năm thành lập đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

 

Địa chỉ đỏ Di tích Núi Xương Rồng, địa điểm thành lập tổ chức “Dự bị cộng sản” làm nhiệm vụ vận động thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 3/1930.

 

Di tích Núi Xương Rồng, địa điểm thành lập tổ chức “Dự bị cộng sản” làm nhiệm vụ vận động thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 3/1930.

Tháng 7-1929, đồng chí Trương Quang Trọng, Bí thư Tinh bộ triệu tập các đồng chí Nguyễn Nghiêm, Phạm Viết Mỹ, Đặng Tòng, Hồ Độ, Lê Trọng Kha họp tại núi Xương Rồng (xã Phổ Phong. Đức Phổ).

Đồng chí Trương Quang Trọng thông báo tình hình đại hội của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng thời nêu lên những băn khoăn về tình hình trong nước cùng lúc có nhiều nhóm cộng sản, nên chưa biết gia nhập nhóm cộng sản nào. Sau khi thảo luận, Hội nghị nhất trí tuyên bố tất cả cán bộ và hội viên của Tỉnh bộ phải hoạt động theo tính thần của một tổ chức cộng sản, đồng thời quyết định thành lập tổ chức Dự bị Cộng sản. làm nhiệm vụ của Ban vận động thành lập Đảng bộ Cộng sản của tỉnh do đồng chí Nguyễn Nghiêm phụ trách. Hội nghị cũng thông báo danh sách các hội viên trong tỉnh và các tỉnh bạn đã bị lộ, để ra những biện pháp tích cực để đối phó với những cuộc khủng bố lớn của địch. Hội nghị bố trí một số đồng chỉ có năng lực thoát khỏi sự đàn áp, bắt bớ của địch để chịu trách nhiệm xúc tiến thành lập Đảng bộ Cộng sản Quảng Ngãi, do các đồng chí Nguyễn Nghiêm và Phạm Việt Mỹ đảm nhận, đồng thời tìm bắt liên lạc với các tổ chức cộng sản.

Thực hiện nghị quyết của Hội nghị Tinh bộ, cán bộ, hội viên tích cực hoạt động, xây dựng các chi bộ Dự bị Cộng sản, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng bộ tỉnh. Tháng 3-1930, sau khi bắt liên lạc với Xứ ủy Trung Kỳ. đồng chí Nguyễn Nghiêm triệu tập đại biểu các huyện và một số đồng chỉ ở Nam Bộ về làng Tân Hội (xã Phổ Phong, Đức Phổ) để truyền đạt nghị quyết thống nhất Đảng toàn quốc, đồng thời tuyên bố chính thức thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Cộng sản Quảng Ngãi và chuyển chi bộ Dự bị Cộng sản thành những chi bộ Cộng sản.

 

Cán bộ, ĐVTN dâng hương tưởng nhớ đồng chí Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh tại Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm.

 

 Thăm, dâng hương tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm

Đồng chí Nguyễn Nghiêm (1904 -1914) - Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi. người cộng sản kiên trung, suốt đời tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, một nhà lãnh đạo tài năng, cực kỳ dũng cảm của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi, người chiến sĩ cách mạng kiên cường đã vì Đảng, vì dân mà hy sinh đầy dũng liệt.

Sinh năm 1904 tại làng Tân Hội, xã Phổ Phong, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Nghiêm gắn liền với những mốc son lịch sử oanh liệt của Đảng bộ Quảng Ngãi trong giai đoạn đầu cách mạng khi có Đảng cộng sản. Đồng chí là người khởi xướng thành lập tổ chức “Dự bị cộng sản”, xúc tiến thành lập Đảng bộ tỉnh và là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ Quảng Ngãi. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Nghiêm, tối 7/10/1930, lực lượng biểu tình từ hơn 20 làng trong huyện đã tiến về huyện lỵ chiếm Huyện đường. Cuộc biểu tình đã thu được kết quả và có tiếng vang lớn trong tỉnh, tạo niềm tin của nhân dân với Đảng. Giữa lúc phong trào cách mạng đang lên cao, các tổ chức đoàn thể cách mạng trong tỉnh được củng cố và phát triển, ngày 6/3/1931 trên đường đi nắm tình hình, đồng chí Nguyễn Nghiêm bị địch vây bắt và xử tử vào 4 giờ ngày 23/4/1931.

 

Cán bộ, ĐVTN được giới thiệu tư liệu lịch sử Nhà tưởng niệm Nguyễn Nghiêm.

 

Theo đồng chí Cao Lê Tùng Nghĩa, Bí thư Tỉnh đoàn, Hành trình về địa chỉ đỏ được tổ chức nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử vẻ vang của Đảng ta nói chung và Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nói riêng cho cán bộ, đoàn viên thanh niên. Qua đó, nâng cao lòng tự hào, niềm tin và ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống của các thế hệ cách mạng, từ đó ra sức rèn luyện, cống hiến trong công cuộc xây dựng quê hương Quảng Ngãi ngày càng giàu, đẹp, văn minh.

Dương Thành Tuyên