Hai cử nhân về quê nuôi thỏ

09:13 06/01/2014     1242

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Quyết định không bám lại thành phố sau khi tốt nghiệp đại học để về quê nuôi thỏ của đôi bạn trẻ đã gặp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình. Nhưng cả hai đã chứng minh con đường lập nghiệp của riêng mình.
5
Hiếu và Lê chăm sóc thỏ giống tại trang trại của mình - Ảnh: Hoàng Sơn

“Có lúc sợ phải thức dậy…”

Đó là trải lòng của Mai Thị Lê (23 tuổi), một trong hai “trại chủ” của trại thỏ Chiến Huy, tại thôn Đông Tác, xã Bình Nam, huyệnThăng Bình, Quảng Nam, khi nói về thất bại của những ngày đầu khởi nghiệp. Đã có lúc tưởng chừng dự án đầu đời của 2 cử nhân ngành kinh tế, Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng phải dở dang vì thỏ chết hàng loạt. Nhưng bằng bản lĩnh của những người trẻ, họ lại đứng dậy để đi khiến nhiều người không khỏi khâm phục.

Lê kể: “Mình tốt nghiệp chuyên ngành tài chính ngân hàng, còn bạn trai mình là Vương Đình Hiếu (23 tuổi) tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh. Thế nhưng, từ giữa năm cuối đại học, tụi mình đã xác định không đi theo chuyên ngành đã được học mà về quê làm… nông dân”. Hiếu tiếp lời: “Mình là con trai út trong một gia đình cũng thuộc hàng có điều kiện tại TP.Đà Nẵng. Công việc tốt với thu nhập cao đã chờ sẵn khi ra trường, nhưng mình chỉ thích nuôi thỏ thôi…”.

Trước khi đến với nghề nuôi thỏ, cả hai bạn trẻ đã từng nghiên cứu nhiều mô hình chăn nuôi. Những vật nuôi thuộc loại đặc sản như: nhím, heo rừng… cần nhiều vốn, trong khi đó những con vật như gà, vịt thì lại quá nhiều dịch bệnh. Con vật mà cả hai quan tâm tìm kiếm phải có “tiêu chuẩn”: thả nuôi trong vòng vài tháng là có thể xuất chuồng để có tiền quay vòng. Trăn trở với việc “nuôi con gì” nhiều tháng, cuối cùng Hiếu và Lê đã vay mượn người thân số tiền 200 triệu đồng để xây dựng trang trại nuôi thỏ. Thế nhưng, biết hai bạn thích làm nông dân, người nhà đã ngăn cản kịch liệt. “Ba nói với mình, ba nuôi ăn học để kiếm một cái nghề nhàn nhã ở phố, chứ không phải học đại học xong về quê làm nhà nông. Thuyết phục mãi, ba mới chấp nhận vay mượn tiền cho em”, Lê kể.

Có tiền, có đất để xây trang trại, Hiếu và Lê tìm nguồn cung giống trong người dân. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật nên 50 con thỏ mua về cứ chết dần, chết mòn. Gia đình, bạn bè của cả hai vốn đã không ủng hộ càng thêm bực tức vì khuyên nhủ thế nào Hiếu và Lê cũng không bỏ ý định. Tiếp tục làm lại, hai cử nhân trẻ tự mày mò nghiên cứu tài liệu thì được biết, thỏ chết là do cận huyết, thoái hóa giống. “Bọn mình gặp nhiều thất bại nhưng nhớ nhất lần 50 con thỏ đầu tiên bị chết. Ngày nào thỏ cũng chết, đến mức phải sợ. Có lúc sợ phải thức dậy vì cứ ngủ dậy cầm đèn pin ra trại là thấy thỏ chết… Quyết định nuôi lại lứa mới, bọn mình phải bỏ hết số thỏ đã mua”, Hiếu kể.

Lối đi riêng
Nhìn đôi trẻ thất bại liên tiếp, nhiều người không khỏi hoài nghi về khả năng làm nhà nông của họ. Đã không ít người bảo họ là “gàn”, là “khùng” nhưng cả hai không nản chí, ngược lại càng quyết tâm theo đuổi. Và thành công chỉ đến khi Hiếu và Lê tiếp cận được với giống thỏ ngoại New Zealand thuần chủng từ Viện Nghiên cứu dê và thỏ (thuộc Viện Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT).

Hiếu phân tích: “Khi mới bắt đầu nuôi, do không hiểu rõ các khâu chăm sóc nên thỏ bị chết. Mấu chốt là phải thay thế và tìm được con giống tối ưu”. Vừa làm vừa trau dồi kiến thức, Lê trở thành một “bác sĩ” thú y thực thụ. Nhắc tới bệnh gì trên thỏ, Lê cũng có thể nói vanh vách về triệu chứng cũng như cách điều trị. Còn Hiếu phụ trách đầu ra từ các tỉnh Bình Định đến Nghệ An đã xây dựng được mạng lưới thị trường ổn định.

Từ 50 con giống bố mẹ, đến nay trại thỏ Chiến Huy đã phát triển đến 200 con. Điểm đặc biệt ở giống thỏ này là lớn nhanh, ít bị bệnh nên có thể thu hồi vốn trong thời gian ngắn. Mỗi con thỏ xuất bán được nặng khoảng 2 - 3 kg chỉ nuôi chưa đầy 3 tháng. “Thỏ thịt giá khoảng 85.000 đồng/kg, thỏ giống là 130.000 đồng/kg. Mỗi năm thỏ mẹ đẻ khoảng 6 - 7 lứa, mỗi lứa khoảng 6 con, như vậy nếu nuôi dưỡng tốt thì 1 thỏ mẹ cho thu nhập 1 triệu đồng là điều không khó”, Lê nói. Đi đúng hướng nên chỉ hơn 1 năm sau khi nuôi loại thỏ này, tổng tài sản của 2 bạn trẻ đã lên hơn 400 triệu đồng.

Từ thành công bước đầu, Hiếu và Lê quay trở lại giúp đỡ cho những người nông dân trên đất quê bằng cách chuyển giao kỹ thuật. Những hộ dân nào có nhu cầu nuôi thỏ đều được hai bạn bán với giá ưu đãi kèm theo hỗ trợ kỹ thuật. Người dân chỉ việc nuôi sao cho tốt còn thỏ bị bệnh thì Lê sẽ lo điều trị, Hiếu sẽ lo đầu ra. “Nói chung là bọn mình lo con giống và lo luôn cả việc bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người nông dân. Hiện cung không đủ cầu”, Hiếu nói thêm.

Hiếu cho biết: “Khi bọn mình thất bại thì cố tìm cho ra nguyên nhân để khắc phục. Bọn mình còn lập trang web để quảng bá sản phẩm, giới thiệu kỹ thuật và cách chế biến món ăn từ thỏ…”.