Hà Giang: Lấy ý kiến xây dựng mẫu Tượng đài Lý Tự Trọng
13:38 22/11/2017 1180
Công tác tuyên truyền, giáo dục Web.ĐTN: Ngày 21.11, tại Công viên cây xanh (thành phố Hà Giang), Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến xây dựng mẫu Tượng đài Lý Tự Trọng với sự tham gia của hơn 500 ĐVTN cùng đông đảo người dân.
ĐVTN và nhân dân góp ý kiến về mẫu Tượng đài Lý Tự Trọng |
Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh năm 1913, quê gốc ở xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1923, Lý Tự Trọng được đưa sang Trung Quốc học tập và tham gia hoạt động trong Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Năm 1929, Lý Tự Trọng về nước hoạt động với nhiệm vụ thành lập thanh niên cứu quốc (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) và làm liên lạc cho xứ ủy Nam Kì. Ngày 9.2.931, Lý Tự Trọng bị bắt, rồi bị tử hình khi dũng cảm bắn chết thanh tra mật thám Legrant trong buổi mít tinh kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái tổ chức tại Sài Gòn. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của anh mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ Việt Nam noi theo.
Nhằm giáo dục, nhắc nhở thế hệ trẻ ghi nhớ và phát huy truyền thống cách mạng của thanh niên Việt Nam; sự nỗ lực học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng; lập thân, lập nghiệp; khẳng định vai trò xung kích của thanh niên Hà Giang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đề xuất kế hoạch xây dựng Tượng đài Lý Tự Trọng. Tượng đài sẽ là nơi để cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi trong toàn tỉnh đến tham quan, sinh hoạt và tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống của Đoàn, Hội, Đội về tấm gương người đoàn viên của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Tượng đài Lý Tự Trọng cao 2,5m sẽ được xây dựng tại khu vực Công viên cây xanh, thuộc phường Nguyễn Trãi, Thành phố Hà Giang. Khuôn viên Tượng đài rộng 6m, dài 7m và được xây dựng bằng vật liệu đá xanh Thanh Hóa. Kinh phí xây dựng Tượng đài từ nguồn xã hội hóa và kinh phí đóng góp của cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong toàn tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham quan, đóng góp ý kiến vào mẫu phác thảo được Hội đồng tư vấn nghệ thuật xây dựng Tượng đài Lý Tự Trọng lựa chọn. Các đại biểu đóng góp ý kiến điều chỉnh một số chi tiết để giống với hình ảnh thực tế về con người anh hùng Lý Tự Trọng như: Mắt, sống mũi, miệng, vóc dáng, vị trí tay nắm, cổ, bụng, trang phục.
Sau hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn, của đoàn viên, thanh niên và quần chúng nhân dân trên trang thông tin điện tử Tỉnh đoàn http://tinhdoan.hagiang.gov.vn để tổng hợp ý kiến trình Hội đồng tư vấn nghệ thuật xây dựng tượng đài Lý Tự Trọng xem xét để điều chỉnh lần cuối trước khi xây dựng.