Giao lưu trực tuyến về hướng nghiệp cho thanh niên
16:10 10/12/2014 516
Công tác tuyên truyền, giáo dục Vào lúc 14 giờ chiều ngày 28.8, trên Báo điện tử Thanh Niên Online sẽ diễn ra Chương trình giao lưu trực tuyến do Ban điều hành Đề án 103, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức.
Chương trình giao lưu tư vấn hướng nghiệp sẽ cung cấp cho bạn trẻ thông tin về các cơ hội học nghề để lập nghiệp, chính sách hỗ trợ về học nghề, định hướng chọn ngành nghề phù hợp với nhu cầu thị trường lao động hiện nay.
Chương trình có sự tham gia của các khách mời: ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Tri Quang, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên thành phố Hồ Chí Minh và ông Phạm Văn Tiến, Phó vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên – Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư T.Ư Đoàn phát biểu tại buổi giao lưu - Ảnh: N.Tuấn |
Diễn ra trong khoảng thời gian 120 phút, chương trình giao lưu trực tuyến có chủ đề: Tư vấn hướng nghiệp và học nghề cho thanh niên. Các khách mời sẽ giải đáp mọi băn khoăn của học sinh, sinh viên nói riêng và thanh niên nói chung trước ngưỡng cửa chọn nghề để lập nghiệp.
Các chuyên gia sẽ cung cấp thông tin hữu ích về các ngành nghề có tỷ lệ việc làm cao, cơ hội học tập cho những bạn chưa đỗ vào các trường ĐH, CĐ… Dưới góc độ các cơ quan quản lý nhà nước, các vị khách mời sẽ tư vấn, giúp cộng đồng xã hội nhìn nhận đúng về giá trị bằng cấp, vị trí nghề nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
|
Học càng cao càng dễ thất nghiệp
Thực trạng cử nhân, thạc sĩ, thậm chí cả tiến sĩ phải quay trở lại học ở bậc học thấp hơn để có việc làm không còn là điều lạ trong mấy năm trở lại đây. Theo ông Hoàng Hữu Niềm, Trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hiện nay con số này ngày càng tăng lên do tỷ lệ người có trình độ từ cử nhân trở lên thất nghiệp ngày càng tăng.
|
Lý do chính của tình trạng thất nghiệp này, theo ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội (Bộ Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội), là do chất lượng đào tạo trong các trường đại học chưa cao nên lao động mới tốt nghiệp không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp.
Ông Hoàng Hữu Niềm cũng cho rằng, dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng số cử nhân của Hà Nội thất nghiệp rất lớn do số lượng đào tạo đã vượt quá nhu cầu sử dụng. Nhiều bậc cha mẹ cứ cố cho con vào đại học nhưng chưa biết ra trường sẽ làm gì. Có những ngành đã quá thừa lao động nên không có nhu cầu tuyển dụng, dù người học có trình độ rất cao là thạc sĩ và tiến sĩ.
Cử nhân quay lại học nghề
Tại Hà Nội, tình trạng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đi học nghề không còn là chuyện lạ. Theo ông Dương Đức Lân, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề thì hiện nay, ở rất nhiều trường nghề đều có đối tượng theo học là những người đã từng tốt nghiệp đại học. Đa số những người này đều có chung lý do là sau khi ra trường không kiếm được việc làm. Trong khi có rất nhiều nghề trong xã hội đang khát lao động nhưng lại không tuyển được nhân lực. Có người thì chấp nhận đi làm công nhân để có thu nhập. Ông Lân kể: “Khi tôi đi thăm một doanh nghiệp làm về may mặc thì trong số 600 công nhân có tới 200 người đã từng tốt nghiệp ĐH, thậm chí không ít người có tới 2 bằng đại học.”
Theo tìm hiểu của Thanh Niên Online thì tại rất nhiều trường Trung cấp chuyên nghiệp, trường đào tạo nghề có cử nhân, tiến sĩ đang theo học. Tại trường trung cấp Kinh tế du lịch Hoa Sữa, mỗi năm có hàng chục cử nhân đến đăng ký học nghề. Ông Trần Sĩ Nguyên, Trưởng phòng đào tạo của trường cho biết: “Nhiều người đến học ở trường đều đã tốt nghiệp ở một trường địa phương hoặc học trường dân lập nhưng ra trường không thể kiếm được việc làm. Vì vậy họ quyết định đi học nghề để sau khi ra trường có thể kiếm được việc làm ngay”.
|
Tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cũng có không ít người có trình độ cao đến học, trong đó có nhiều sinh viên tốt nghiệp những trường đại học lớn của Hà Nội như Đại học Bách Khoa, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội)… Cũng tại trường này, năm 2013 có 46 sinh viên thi đỗ đại học điểm cao nhưng không học mà vẫn đi học nghề. Đặc biệt, tại trường có một người là tiến sĩ đang theo học.
Ông Lê Thế Hưng, Trưởng phòng đào tạo của trường cho biết: “Chúng tôi tiếp nhận nhiều người đã có trình độ cao nhưng vẫn đến học nghề. Có những người cho biết là do chọn sai ngành khi học ĐH nên khi đi làm thấy không phù hợp, có người do thiếu kỹ năng nên không được các đơn vị lao động tuyển dụng, có người do học thuần túy về nghiên cứu nên họ thiếu kiến thức thực hành và muốn đi học thêm để có khả năng làm việc tốt hơn”.
Ông Hưng nhận định: “Gần đây, do những thay đổi của nền kinh tế nên buộc người học phải thay đổi tư duy để thích ứng với thị trường lao động. Vì vậy, việc học nghề đã được xã hội quan tâm hơn vì học nghề có việc làm ngay và nhiều nghề có khả năng tự tạo việc làm.”
Tiến sĩ vẫn học nghề
“Học nghề là bổ ích”, đó là kinh nghiệm rút ra từ bản thân sau khi đi học nghề của tiến sĩ Ngô Thị Thanh Vân hiện đang học nghề tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Dù không phải là người thất nghiệp như các bạn trẻ khác nhưng do thấy thiếu kiến thức thực hành, chị vẫn quyết định đi học nghề.
Tiến sĩ Vân chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp bằng giỏi ngành Hóa học của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sau đó về làm giảng viên khoa Hóa của Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội. Do cần trình độ tiến sĩ nên tôi đã được đào tạo tiến sĩ tại Pháp để về tiếp tục làm giảng viên. Tuy nhiên, với những kiến thức có được chỉ thuần túy về nghiên cứu nên không tạo được ra những sản phẩm từ ý tưởng của mình. Tôi quyết định đi học nghề để có thêm kiến thức thực hành và có thể triển khai thiết bị, làm ra sản phẩm cần thiết”.
Chị Vân cũng cho biết, việc học nghề rất bổ ích vì hiện nay việc đào tạo ở các trường đại học của Việt Nam rất nặng về lý thuyết. Sinh viên phải học rất nhiều nhưng ra trường không biết làm gì do thiếu kỹ năng thực hành. Vì vậy học đại học chỉ là để có tư duy tốt, còn muốn làm việc được thì cần phải đi học nghề.
Giỏi nghề, việc sẽ tự tìm mình
Chọn đi học nghề sau khi thất bại trong kỳ thi đại học, Nhữ Thị Phương đã gặt hái được nhiều thành công khi chọn học nghề dịch vụ nhà hàng. Hiện tại, Phương là giảng viên Khoa dịch vụ nhà hàng, Trường cao đẳng nghề dịch vụ và du lịch Hải Phòng.
Nhữ Thị Phương tham dự cuộc thi tay nghề quốc tế tại Đức năm 2013 - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Khác với môi trường học tập trước đây, Phương cảm nhận học nghề thực sự rất vất vả, đòi hỏi sự tập trung dành nhiều thời gian để thực hành. Bù lại, Phương được tiếp xúc và làm quen với môi trường có tính thực tiễn cao, tiếp xúc với nhiều loại trang thiết bị. Những gì học trên lớp có thể áp dụng ngay vào công việc thực tiễn.
Vừa học vừa thực hành, tập sự trong môi trường thực tế, sau lễ tốt nghiệp Phương được nhiều doanh nghiệp trải thảm mời về làm, trả lương hậu hĩnh. Nhà trường cũng gặp gỡ trao đổi mời ở lại làm giảng viên. Phương chọn ở lại trường để làm giảng viên tiếp tục trau dồi trình độ, kỹ năng năng nghề nghiệp.
Ngoài giải thưởng Người thợ trẻ giỏi toàn quốc năm 2014 do Trung ương Đoàn tuyên dương, Nhữ Thị Phương đang tự tin chinh phục thêm thử thách mới để tiến xa hơn trên con đường đã chọn. Phương nằm trong số những giáo viên được chọn đưa đi đào tạo nâng cao trình độ tại Úc.
“Ngành nghề nào cũng vậy, mỗi người phải bắt đầu từ việc phấn đấu trở thành một người thạo việc, sau đó là nhân viên giỏi nghề để tiến lên vị trí quản lý, lãnh đạo chứ không phải chỉ học đại học, có bằng cấp này ra mới là người thành đạt quản lý. Nếu phấn đấu, rèn luyện trở thành những người thợ lành nghề, giỏi việc thì công việc sẽ tự tìm đến mình, không phải đi tìm hay xin việc”, Phương chia sẻ.
Nội dung giao lưu
* Mong các chuyên gia tư vấn giúp, hiện nay việc dạy nghề cho thanh niên nông thôn và khu vực miền núi có chính sách ưu tiên như thế nào?
Lò Văn Quyết(Thanh Thủy, Phú Thọ)
- Ông Phạm Văn Tiến, Phó vụ trưởng Vụ học sinh, sinh viên Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội: Đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên nói chung. Trong đó, có thanh niên nông thôn như: dạy nghề cho lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ, học sinh dân tộc thiểu số nội trú, lao động bị thu hồi đất canh tác…. Ở đây xin giới thiệu chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27.11.2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, cụ thể: 1. Lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác được hỗ trợ chi phí đào tạo ngắn hạn mức 3 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn mức 15.000 đồng/ngày thực học/người; hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên. 2. Lao động nông thôn thuộc diện có thu nhập tối đa bằng 150% của hộ nghèo được hỗ trợ nghề ngắn hạn mức tối đa 2,5 triệu đồng/khóa học. 3. Lao động nông thôn khác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn mức tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học. Ngoài ra, còn được vay vốn để học nghề, được hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay để học nghề; được vay vốn sau khi học nghề từ Quỹ quốc gia về việc làm thuộc chương trình mục tiêu quốc gia việc làm để tự tạo việc làm. * Xin được hỏi ông Hoàng Ngọc Vinh, hiện nay, nếu tính trung bình tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học của chúng ta đang là 129/10.000 dân (trung bình thế giới chỉ 100/10.000 dân). Nhưng tại sao chúng ta không có giải pháp để kiểm soát việc đào tạo ĐH tràn lan như hiện nay và định hướng sang học nghề?
Lê Thị Mai(Hà Nội)
- Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo: Câu hỏi của bạn rất hay nhưng số liệu bạn đưa ra chưa chính xác. Hiện nay tỷ lệ lao động có trình độ CĐ và ĐH ở nước ta chiếm khoảng 6,5% trong tổng số 51 triệu người trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ này còn rất thấp so với tỷ lệ trung bình của các quốc gia phát triển (khoảng 25-30%). Nếu năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa thì phải tham chiếu đến các tỷ lệ người lao động có trình độ ĐH của các quốc gia công nghiệp. Điều đáng ngại của đất nước ta là trong 51 triệu người trong độ tuổi lao động thì chỉ có khoảng 17% được đào tạo chuyên môn kỹ thuật (theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư). Vì vậy chúng ta phải đứng trước hai thách thức lớn là vừa phải phát triển giáo dục ĐH để tăng tốc quá trình công nghiệp hóa, vừa phải đào tạo kỹ năng cho người lao động trong điều kiện nguồn lực hạn chế và việc làm còn thiếu thốn, cơ cấu hệ thống giáo dục đào tạo còn phức tạp, thiếu hội nhập. Nhu cầu học ĐH là nhu cầu chính đáng của mọi người. Tuy nhiên chúng ta cần một nền giáo dục ĐH có chất lượng thì mới đáp ứng được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tăng cường tiềm lực an ninh quốc phòng. Chúng ta cần chuyển mạnh đào tạo ĐH từ quá chú trọng về phát triển quy mô sang tập trung nâng cao chất lượng, phát triển quy mô hợp lý, hài hòa với giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu, cung cấp thông tin để định hướng, hướng nghiệp rất quan trọng. Nếu tăng cường tự chủ ĐH mà thiếu cơ chế kiểm soát chất lượng và giải trình trách nhiệm; thiếu hệ thống thông tin dự báo thì sẽ tiếp tục gây ra việc mất cân đối về cơ cấu trình độ và ngành đào tạo. Việc định hướng sang học nghề thì bản thân các cơ sở dạy nghề phải nâng cao chất lượng, đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp để người học có nhiều cơ hội việc làm thì mới thu hút người học. Ngoài ra, phải có những chính sách đủ để thu hút người học nghề trong quá trình học và sau khi tốt nghiệp như chính sách về học bổng, học phí, tuyển dụng, mức lương... Về việc này thì Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc điều phối nguồn lực và cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường lao động. * Ở địa phương em, nếu là hội viên của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ thì có rất nhiều nguồn vốn vay làm ăn phát triển kinh tế nhưng nếu là đoàn viên hoặc vay qua Đoàn thì số vốn vay được rất ít. Mong Trung ương Đoàn hướng dẫn có cách nào để vay được nhiều vốn đầu tư vào sản xuất?
Thanh Liêm(Hà Nam)
Anh Ngọ Văn Khuyến, Phó trưởng Ban thanh niên Công nhân và đô thị - T.Ư Đoàn: Hiện nay cùng với các tổ chức chính trị - xã hội, Đoàn đang hỗ trợ thanh niên vay vốn thông qua các chương trình tín dụng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Các chương trình cho vay này chủ yếu là dành cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách… Việc vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện thông qua các tổ tiết kiệm vay vốn do các tổ chức, đoàn thể trên quản lý trực tiếp. Về mức vay, lãi suất cho vay từ các chương trình tín dụng này là như nhau chứ không phải là với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ thì được vay nhiều hơn. Để tiếp cận được các nguồn vốn vay này bạn cần phải tham gia vào tổ tiết kiệm vay vốn do Đoàn hoặc các tổ chức chính trị - xã hội quản lý. Bạn có thể đến Đoàn xã để được hướng dẫn cụ thể hơn về chương trình cho vay này. * Nhóm bọn em đang xây dựng dự án khôi phục lại nghề lò rèn truyền thống của quê hương theo mô hình hợp tác xã. Để có vốn đầu tư vào mô hình này, hiện Đoàn có chính sách vay vốn, hỗ trợ nào không? Mức vay tối đa là bao nhiêu? Mong anh chỉ dẫn! Xin cảm ơn anh.
Nguyễn Văn Bảy(Vĩnh Phúc)
- Anh Ngọ Văn Khuyến, Phó trưởng Ban thanh niên Công nhân và đô thị - T.Ư Đoàn: Hiện tại Đoàn luôn khuyến khích và biểu dương các thanh niên trẻ có ý tưởng phát triển ngành nghề truyền thống để tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Để giúp các bạn trẻ thực hiện ý tưởng đó, Đoàn đang triển khai việc cho vay phát triển sản xuất kinh doanh gắn với tạo việc làm thông qua Chương trình cho vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (Vốn 120), mô hình Hợp tác xã của bạn là phù hợp với đối tượng cho vay của chương trình này. Theo chương trình, mức vay tối đa từ nguồn vốn 120 là 500 triệu đồng với lãi suất là 0,6%/tháng. Để tham gia được chương trình vay vốn bạn cần liên hệ với tổ chức Đoàn địa phương (đoàn xã hoặc đoàn phường) để được tư vấn, hướng dẫn xây dựng dự án và lập hồ sơ vay vốn. * Học nghề vẫn là lựa chọn cuối cùng sau cuộc đua vào đại học thất bại. Vì sao học sinh vẫn không mặn mà học nghề? Tôi thấy truyền thông định hướng học nghề vẫn còn quá ít thông tin, quá ít trường tốt, uy tín cho người học lựa chọn, vì sao?
Trần Thị Hà(Nam Định)
- Ông Phạm Văn Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ học sinh, sinh viên Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội: Do nhận thức của gia đình và bản thân thanh niên còn nặng nề về bằng cấp. Mục tiêu số 1 là đại học và đi học đại học. Học nghề chỉ là phương án cuối cùng theo đúng như suy nghĩ của bạn. Để khắc phục tình trạng này, trong những năm qua, Tổng cục Dạy nghề đã tích cực có nhiều chương trình tuyên truyền về học nghề trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và đã có một chuyên trang (tuyensinh.tcdn.gov.vn) về tuyển sinh và học nghề. Tại đó, bạn có thể biết được các thông tin về nghề đào tạo và cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, thông tin còn chưa đến hết được với thanh niên và người lao động. Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới Tổng cục Dạy nghề sẽ phối với các cơ quan liên quan để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến người lao động. Hiện nay, 100% các địa phương có trường cao đẳng hoặc trung cấp nghề trên địa bàn. Bên cạnh đó, mạng lưới các trung tâm dạy nghề đã phát triển đến các huyện để đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong đó, có một số trường nghề đã đào tạo được lao động có tay nghề đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. * Khó khăn lớn nhất chung của các mô hình kinh tế thanh niên ở địa bàn nông thôn hiện nay là tìm đầu ra cho nông sản, sản phẩm chăn nuôi, Trung ương Đoàn có cách gì giúp đỡ thanh niên chúng tôi?
Ngô Văn Quang(Yên Bái)
- Anh Ngọ Văn Khuyến, Phó trưởng Ban thanh niên Công nhân và đô thị - T.Ư Đoàn: Trong thời gian qua, tổ chức Đoàn các cấp đã triển khai nhiều mô hình kinh tế thanh niên nông thôn như tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại trẻ, câu lạc bộ thanh niên giúp nhau làm kinh tế… Các mô hình này đều gắn với việc giải quyết việc làm tại chỗ, vươn lên làm giàu cho thanh niên nông thôn. Nhiều bạn thanh niên đã trở thành các triệu phú, tỷ phú từ các mô hình này, được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của. Thông qua các chương trình phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương…, T.Ư Đoàn đã và đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ là thanh niên, các mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên nông thôn (hợp tác xã, trang trại trẻ) như tập huấn nâng cao kiến thức, cung cấp thông tin về thị trường và kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Tại một số địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội…, tổ chức Đoàn đã kết nối tiêu thụ sản phẩm vào hệ thống các siêu thị lớn như Coopmart, Fivimart..., tiêu thụ sản phẩm vào các công ty như Orion, Bibica, với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Đây vẫn sẽ là những trọng tâm ưu tiên của tổ chức Đoàn trong thời gian tới đây. * Theo ông Vinh, tại sao tình trạng cử nhân thất nghiệp hiện nay ngày càng gia tăng? Cử nhân có nên chuyển sang học nghề sau khi tốt nghiệp để thụân lợi cho việc xin việc không.
Nguyễn Thị Như(Quảng Trị)
* Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục - Đào tạo: Hiện nay, tình trạng cử nhân ra trường không có việc làm đang là vấn đề bức xúc của xã hội, trong đó có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất do nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn và điều này ảnh hưởng đến việc làm mới được tạo ra trên thị trường lao động. Thứ hai, do chất lượng đào tạo của các trường chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Thứ ba, do công tác dự báo, quy hoạch và điều hành vĩ mô để đảm bảo cân đối trong cơ cấu trình độ đào tạo chưa tốt. Riêng về chất lượng thì có nhiều nguyên nhân: về suất đầu tư đào tạo trên đầu sinh viên, do chất lượng giảng viên, do mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp, do chính bản thân sinh viên chưa thực sự nỗ lực cố gắng rèn luyện - sinh viên cần bằng cấp hơn là năng lực thực sự. Điều đó ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của sinh viên. Theo tôi, cử nhân chưa có việc làm có thể học thêm các kỹ năng nghề nghiệp để cải thiện cơ hội việc làm. Thực chất học CĐ, ĐH là học để làm việc chứ không phải chỉ học để lấy kiến thức vì để được tuyển dụng thì người học phải có năng lực làm việc. Vì vậy, có bằng ĐH không có nghĩa là đương nhiên phải có việc làm mà đòi hỏi bản thân người học phải rèn luyện nhiều kỹ năng khác như: kỹ năng tìm kiếm việc làm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng giải quyết vấn đề... Đặc biệt là phải có năng lực thực hành. Việc học thêm các kỹ năng này là cần thiết và có thể học ở bất cứ cơ sở đào tạo nào để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. * Tôi nghe nói tỷ lệ học sinh học nghề ra trường có việc làm lên tới 80-90%, nhưng con tôi học nghề ra cũng phải chật vật mãi mới xin được việc làm. Nhưng cháu đi làm mức lương cũng chỉ bằng với các bạn lao động phổ thông, khoảng 3,5 triệu/ tháng? Không biết điều này có phổ biến không? Các bác làm công tác dạy nghề có biết không? Làm sao để cải thiện được điều này?
Nguyễn Thị Lan(Hà Nam)
- Ông Phạm Văn Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ học sinh, sinh viên Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội: Vấn đề con chị được hưởng 3,5 triệu đồng/tháng thì cũng không phải là thấp. Tuy nhiên, phải phụ thuộc vào vùng miền, cần xem xét đây là lương cơ bản hay theo năng suất. Theo thông tin tại bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 2, quý 2, năm 2014 thì mức bình quân của người lao động ở khu vực nông thôn là 3,5 - 3,7 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương của con chị thuộc mức bình quân chung. Nếu con chị được đào tạo đúng nghề đang làm việc thì chắc chắn trong một thời gian ngắn, yếu tố kỹ thuật chuyên môn đã học được phát huy dẫn đến tăng năng suất lao động và đương nhiên là tăng thu nhập nhanh hơn so với lao động phổ thông. Đồng thời, động viên con chị tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề để đáp ứng với yêu cầu sản xuất của người sử dụng lao động và tạo cơ hội thăng tiến trong công việc. Tuy nhiên, cũng còn tùy vào năng lực thích ứng với công việc hiện tại của con chị. * Xin cho biết, Trung ương Đoàn hiện nay đang có những chính sách hỗ trợ gì cho thanh niên học nghề và vay vốn khởi nghiệp?
Kim Nhung(Lai Châu)
- Anh Ngọ Văn Khuyến, Phó trưởng Ban thanh niên Công nhân và đô thị - T.Ư Đoàn: Đối với lĩnh vực học nghề của thanh niên, hiện nay Đoàn đang triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, dự án của Đề án Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015. Trong đó tập trung vào việc hỗ trợ tư vấn, định hướng việc chọn nghề, giới thiệu các nghề, các cơ sở đào tạo nghề có uy tín đối với thanh niên. Bên cạnh đó, hệ thống 38 Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên tại 32 tỉnh, thành phố cũng đã và đang tham gia dạy nghề trực tiếp cho các bạn với quy mô hàng năm khoảng trên 15.000 người. Đoàn thanh niên cũng tham gia công tác tư vấn, dạy nghề cho thanh niên theo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Ngoài ra để giúp các bạn có thể học nghề, tổ chức Đoàn cũng đang triển khai chương trình tín dụng cho vay học sinh, sinh viên theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đối với việc hỗ trợ thanh niên vay vốn khởi nghiệp, hiện nay Đoàn đang có 2 chương trình vay vốn lớn đó là chương trình cho vay vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội và chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia việc làm (vốn 120). Chương trình cho vay vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội do Đoàn triển khai gồm có 13 chương trình như giảm nghèo, giải quyết việc làm… Hiện nay đang có mức dư nợ trên 13.000 tỉ đồng đã giúp rất nhiều bạn thanh niên vươn lên thoát nghèo. Nguồn vốn 120 của Đoàn với trên 66 tỉ đồng cũng đã hỗ trợ nhiều hộ gia đình, nhóm hộ gia đình thanh niên và các cơ sở sản xuất kinh doanh do thanh niên làm chủ với việc giải quyết việc làm cho trên 2.000 thanh niên mỗi năm. Tại một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đoàn cũng được giao đảm nhận các nguồn quỹ hỗ trợ vay vốn cho thanh niên khởi nghiệp (như Quỹ khởi nghiệp của TP.HCM là 30 tỉ đồng, Hà Nội là 15 tỉ đồng). T.Ư Đoàn cũng đang phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Ngân hàng Chính sách xây dựng 1 chương trình tín dụng riêng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. * Tôi được biết Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội đã quy định phải có việc làm thì mới được dạy nghề xong thực tế nhiều cơ sở đào tạo nghề khi mới tuyển sinh cũng cam kết sẽ giới thiệu việc làm sau khi ra trường. Song đây chỉ là hứa suông. Tổng cục Dạy nghề và Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội sẽ có giải pháp gì để đảm bảo cơ sở đào tạo nghề không nuốt lời?
Nguyễn Văn Tuấn(Thanh Oai, Hà Nội)
- Ông Phạm Văn Tiến, Phó vụ trưởng Vụ học sinh, sinh viên Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội: Dạy nghề đã được chỉ đạo thống nhất từ Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh – Xã Hội, Tổng cục Dạy nghề theo nguyên tắc gắn với thị trường lao động, thăm dò thị trường lao động thường xuyên và liên tục, gắn với trường học và doanh nghiệp. Nếu được, bạn có thể cho Tổng cục Dạy nghề biết cơ sở dạy nghề nào hứa suông để điều chỉnh lâu dài, đảm bảo quyền lợi cho người học.
* Chúng tôi là những đối tượng chuẩn bị gia nhập vào hàng ngũ lao động. Chúng tôi muốn kiếm một nghề vững vàng cho tương lai, nhưng hiện không thể định hướng được nên học gì và học như thế nào. Xin hỏi Đoàn có liên kết với các đơn vị nào để tư vấn định hướng cho thanh niên chúng tôi, có thể giới thiệu cho chúng tôi một vài địa chỉ tin cậy? Xin cám ơn!
Lê Tùng(Bắc Ninh)
- Anh Ngọ Văn Khuyến, Phó trưởng Ban thanh niên Công nhân và đô thị - T.Ư Đoàn: Trong tương lai có một số ngành nghề có cơ hội việc làm lớn như các ngành dệt may, điện tử, chế biến thủy hải sản, công nghiệp xây dựng, dịch vụ, điều dưỡng viên… Vì vậy các bạn nên lựa chọn một cho mình một nghề thích hợp với khả năng, sở thích của bản thân và gia đình để chọn trường nghề theo học. Tại Bắc Ninh hiện nay cơ hội việc làm cho người lao động rất lớn vì có nhiều khu công nghiệp tập trung. Chẳng hạn như Nhà máy Nokia Bắc Ninh có nhu cầu tuyển dụng hàng ngàn lao động trong năm 2014 và những năm tiếp theo… Ngoài ra, để nhận được sự giúp đỡ và tư vấn, bạn có thể tìm đến Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh Bắc Ninh có trụ sở tại đường Lý Thái Tổ, phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh hoặc liên hệ tới số điện thoại 0241 385 4777. * Học nghề mãi mãi làm thợ. Tôi không thấy có chính sách cụ thể hoặc một hệ thống đào tạo hoàn chỉnh giúp người học nghề nhìn thấy rõ cơ hội được học tập cao hơn, được thăng tiến trong công việc?
Thanh Hải(Văn Lãng, Lạng Sơn)
- Ông Phạm Văn Tiến, Phó vụ trưởng Vụ học sinh, sinh viên Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội: Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cùng với Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành Thông tư số 27 ngày 28.10.2010 hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng và đại học. Do đó, người học nghề có nhu cầu và khả năng học cao hơn thì hoàn toàn có cơ hội để học đại học và cao hơn nữa để có cơ hội làm việc tốt hơn, thăng tiến trong sự nghiệp. - Tổng cục Dạy nghề có thống kê hay dự báo về nhu cầu nhân lực trong các ngành nghề cụ thể hay không? Xin ông cho biết những ngành nghề nào đang hot nhất hiện nay?
Vũ Thế Sơn(Kim Bôi, Hòa Bình)
- Ông Phạm Văn Tiến, Phó vụ trưởng Vụ học sinh, sinh viên Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội: Hiện nay, thực hiện dạy nghề theo nguyên tắc gắn với thị trường lao động, gắn với việc làm và đương nhiên Tổng cục Dạy nghề phải thường xuyên cập nhật về nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động. Hiện nay, các ngành phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế là có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực. Ví dụ, ngành công nghiệp, dịch vụ, xây dựng... * Bản thân tôi tốt nghiệp trường nghề ra vẫn bị doanh nghiệp chê, thậm chí có doanh nghiệp còn nói thẳng chỉ nhận lao động phổ thông vào rồi tự đào tạo đỡ phải trả lương cho người đã qua học nghề cao hơn? Bộ Lao động, Thương binh và xã hội có cách gì quản lý giúp người học nghề có được cơ hội việc làm tốt hơn không? (Nguyễn Văn Tình, Điện Bản, Quảng Nam).
Nguyễn Văn Tình()
- Ông Phạm Văn Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ học sinh, sinh viên Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội:
Đây là một bất cập trong công tác đào tạo nghề đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo cần khắc phục hạn chế này trong thời gian tới. Cụ thể là yêu cầu các cơ sở dạy nghề thành lập bộ phận chức năng có nhiệm vụ quan hệ với doanh nghiệp và thị trường lao động và chuyển dần từ hướng cung sang hướng cầu của thị trường lao động, chuyển đào tạo từ năng lực sẵn có của cơ sở dạy nghề sang đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động. Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức thí điểm dạy nghề theo hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ dạy nghề đối với cơ sở dạy nghề đáp ứng được các yêu cầu nhân lực của doanh nghiệp, kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp đang sử dụng dây chuyền sản xuất nên yêu cầu sử dụng cho một công đoạn của dây chuyền thì cũng cần phải bồi dưỡng để người lao động tiếp cận để làm việc trong dây chuyền. * Trước giờ em nghe nói Đoàn là nơi kết nối thanh niên. Thế trong việc học nghề lập nghiệp này, nếu em hoàn thành chương trình xong, Đoàn có đứng ra giới thiệu việc làm hay là người bảo đảm giùm em không?
Trần Văn Thanh(Thái Nguyên)
- Anh Ngọ Văn Khuyến, Phó trưởng Ban thanh niên Công nhân và đô thị - T.Ư Đoàn: Đoàn có hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm cho thanh niên, đồng thời tổ chức những ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm để kết nối giữa thanh niên có nhu cầu về việc làm với những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động. Tại Thái Nguyên, bạn có thể tìm đến Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh Thái Nguyên, có trụ sở tại số 12, đường Nha Trang, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên hoặc liên hệ tới số điện thoại 0280 375 0671, 0904070 626 để được giúp đỡ. * Trung tâm của anh Quang hiện đào tạo những ngành nghề gì? Sau khi học xong, trung tâm có giúp giới thiệu việc làm không?
Minh Anh(Cần Thơ)
- Ông Nguyễn Tri Quang, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM: Hiện nay tại trung tâm có đào tạo các ngành nghề sau: 1. Quay phim, dựng phim, nhiếp ảnh; 2. Đào tạo diễn viên; 3. Đào tạo bartender, phục vụ nhà hàng, pha chế thức uống; 4. Kỹ thuật thiết kế đồ họa 2D, 3D; 5. Nghề tóc và trang điểm, chăm sóc da; 6. Kế toán; 7. Tin học A, B, Anh văn, Nhật ngữ; 8. Đào tạo lái xe từ A1 đến D. Ngoài ra trung tâm còn có các khóa huấn luyện kỹ năng như kỹ năng bán hàng, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng hoạch định cuộc đời... Trung tâm luôn có chế độ giảm học phí cho đối tượng thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, bộ đội xuất ngũ, thanh niên hoàn lương, đoàn viên, hội viên.
* Xin được hỏi bác Phạm Văn Tiến, cháu là học sinh vừa thi trượt đại học, muốn đi học nghề. Bác có thể tư vấn cho cháu liệu có trường nghề nào sau này dễ xin việc, để cháu theo học được không. Cháu học khối A, kỳ thi đại học vừa qua được 13 điểm. Cháu thích ngành liên quan tới hội họa, kiến trúc?
Nguyễn Mạnh Thể(Thái Bình)
- Ông Phạm Văn Tiến, Phó vụ trưởng Vụ học sinh, sinh viên Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội: Bạn không nói rõ bạn đang ở khu vực nào nên việc tư vấn trường nghề trên địa bàn là khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay có một số trường đào tạo nghề liên quan đến các ngành hội họa, kiến trúc như trường cao đẳng nghề Giao thông vận tải Trung ương 3 tại TP.HCM, trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội... Nếu ở các địa phương khác, bạn có thể tìm đến các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề trên địa bàn để được tư vấn. Ngoài ra, bạn có thể vào chuyên trang tuyển sinh của Tổng cục Dạy nghề tại địa chỉ: tuyensinh.tcdn.gov.vn. * Hiện nay tình trạng sinh viên, thanh niên bị các trung tâm giới thiệu việc làm lừa đảo thu rất nhiều tiền. Xin cho hỏi hệ thống trung tâm hướng nghiệp của T.Ư Đoàn đã có ở những địa phương nào để chúng tôi có thể tìm đến trong trường hợp cần sự trợ giúp, hỗ trợ
Cẩm Thủy(Phú Thọ)
- Anh Ngọ Văn Khuyến- Phó Trưởng Ban thanh niên Công nhân và đô thị- T.Ư Đoàn: Hiện nay Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh có 38 trung tâm đóng tại địa bàn của 32 tỉnh, thành phố. Theo quy định của Nhà nước, khi đến các trung tâm này bạn sẽ hoàn toàn được miễn phí tư vấn và giới thiệu việc làm. Tại Phú Thọ, bạn có thể đến Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh Phú Thọ, có trụ sở tại khu 2, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Bạn có thể liên hệ tới số điện thoại để nhận được tư vấn trực tiếp là 0210 3860 698.
* Xin chào ông Tiến, gia đình tôi rất quan tâm đến việc học nghề nhưng bắt đầu từ độ tuổi nào chúng tôi có thể định hướng cho con em mình lựa chọn được ngành nghề phù hợp? Nếu cần hỗ trợ, chúng tôi có thể tìm thông tin ở những đơn vị nào?
Bùi Thị Vân(Đà Nẵng)
- Ông Phạm Văn Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ học sinh, sinh viên Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội: Theo quy định của luật Lao động thì người học nghề, tập nghề phải từ 14 tuổi trở lên và có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu của nghề. Trừ một số nghề do Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội quy định. * Thanh niên khi bắt đầu khởi nghiệp cần người đỡ đầu, chia sẻ về kinh nghiệm hạn chế rủi ro. Đặc biệt là những doanh nhân thành đạt hoặc đội ngũ chuyên gia, Xin hỏi có cách nào để kết nối với họ không, mong anh chia sẻ và kết nối?
Lý A Sử(Điện Biên)
- Anh Ngọ Văn Khuyến- Phó Trưởng Ban thanh niên Công nhân và đô thị- T.Ư Đoàn: Để nhận được sự tư vấn của những doanh nhân thành đạt hoặc đội ngũ chuyên gia, bạn có thể truy cập vào địa chỉ website thanhgiong.vn, mục Mạng chuyên gia khởi nghiệp.
Thứ hai, bạn có thể trực tiếp đến các văn phòng của Hội Doanh nhân trẻ các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện nay Hội Doanh nhân trẻ có 10.000 hội viên, có nhiều người sẵn sàng chia sẻ thông tin và hỗ trợ cho các bạn.
Trong trường hợp các bạn khác ở Hà Nội bạn có thể đến trụ sở của T.Ư Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam ở số 64 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. * Em được biết ở TP.HCM đang có chương tình tiếp sức, hỗ trợ cho người lao động? Đối tượng của chương trình này là gì. Tôi hiện tại là công nhân liệu có trong diện hỗ trợ không?
Văn Bình(Tây Ninh)
- Ông Nguyễn Tri Quang, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM: Chương trình tiếp sức người lao động là một hoạt động hỗ trợ giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động tại bốn bến xe Miền Đông, Miền Tây, An Sương và Ngã Tư Ga.
Khi đến các văn phòng này các bạn sẽ được tư vấn giới thiệu việc làm hoàn toàn miễn phí, đồng thời được hướng dẫn đường đi và chỗ ở trọ với mức giá hợp lý. Bên cạnh đó các bạn sẽ được tham gia các khóa huấn luyện kỹ năng hỗ trợ nghề nghiệp, ngoại ngữ, tin học miễn phí. Chương trình này phục vụ cho tất cả các đối tượng, các bạn có thể tham khảo thông tin chi tiết tạo văn phòngh các bến xe, hoặc trên website của chương trình (sieuthivieclam.vn) * Tôi được biết hiện nay nhu cầu lao động đang cần nhiều người có trình độ tay nghề, tham gia công tác sản xuất trực tiếp. Nhưng số lượng thanh niên lựa chọn học nghề rất ít ỏi. Liệu chính sách và chất lượng dạy nghề có đảm bảo nhu cầu thực tế hay không?
Nguyễn Thanh Quang(Bình Xuyên, Vĩnh Phúc)
- Ông Phạm Văn Tiến, Phó vụ trưởng Vụ học sinh, sinh viên Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội: Hiện nay Nhà nước có rất nhiều chính sách hỗ trợ dạy nghề cho các đối tượng khác nhau. Trong đó, có một số đối tượng được Nhà nước chi trả chi phí đào tạo, hỗ trợ chi phí học tập. Tuy nhiên, hiện nay số lượng thanh niên vào học nghề còn thấp do một số nguyên nhân sau: Thứ nhất: Gia đình và bản thân thanh thanh niên còn chú trọng việc bằng cấp. Mục tiêu trước tiên là đi học đại học, còn học nghề là phương án cuối cùng. Thứ hai: Công tác phân luồng theo tinh thần chỉ thị số 10 ngày 5.12.2011 của Bộ Chính trị chưa được cụ thể hóa và chưa đi vào cuộc sống. Thứ ba: Công tác tư vấn, tuyên truyền về học nghề và việc làm chưa tốt, chưa đến từng người thanh niên, người lao động. * Tôi đang muốn cho con trai 20 tuổi đi học nghề. Nhưng tôi băn khoăn không biết nên cho cháu học nghề gì để con tôi có thể tự mở một cửa hàng ở vùng nông thôn. Nếu học nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi nên định hướng cháu chọn học nghề nào cho phù hợp?
Nguyễn Thị Hòa()
- Ông Phạm Văn Tiến, Phó vụ trưởng Vụ học sinh, sinh viên Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội:
Con trai của chị muốn lập nghiệp ở quê thì căn cứ vào nhu cầu của địa phương và năng khiếu của con trai chị. Sau đó, đến các cơ sở dạy nghề ở địa phương hoặc đến trung tâm giới thiệu việc làm để được tư vấn cụ thể. Có thể lựa chọn nghề sửa chữa xe máy, máy nông nghiệp... để sau khi học xong có thể lập nghiệp tại quê hương. * Đoàn có thống kê được số lượng theo học đào tạo nghề trong thanh niên hiện nay không? Tôi thấy, thuyết phục con cháu mình đi học nghề rất khó khăn bởi gần như chúng không có khái niệm phải làm thợ. Vậy theo anh, kinh nghiệm nào để thuyết phục được tư tưởng của những thanh niên còn trẻ chịu theo nghề?
Nguyễn Văn Phúc(Phú Thọ)
- Anh Ngọ Văn Khuyến, Phó trưởng Ban thanh niên Công nhân và đô thị - T.Ư Đoàn: Hiện nay, con số thống kê thanh niên đang tham gia học nghề ở các cấp trình độ khoảng gần 1,9 triệu người. Có một thực tế hiện nay là nhiều bạn trẻ có trình độ đại học và trên đại học chưa có việc làm và nhiều bạn đã xin đi làm công nhân. Hơn nữa có nhiều bạn trẻ học hết lớp 12 đã xin đi làm công nhân ngay. Thậm chí còn nhiều người khi hơn 30 tuổi có nguy cơ mất việc làm vì không có trình độ tay nghề. Bác có thể căn cứ vào thực tế như trên để động viên các bạn trẻ đi học nghề và cần thấy việc đi học nghề là điều rất cần thiết. Ngoài ra hiện nay Nhà nước còn có chính sách hỗ trợ cho những người tham gia đi học nghề và có các chương trình hỗ trợ cho người lao động có tay nghề tìm việc làm, nâng cao trình độ. * Em rất thích học nghề liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng qua tìm hiểu được biết, thị trường lao động dành cho nghề này đã bão hòa. Các chuyên gia có thể gợi ý cho em nên học nghề gì cho phù hợp. Em có sở thích đam mê máy móc điện tử. Xin cảm ơn
Văn Hưng(Lâm Đồng)
- Ông Nguyễn Tri Quang, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM: Thực ra hiện nay lĩnh vực công nghệ thông tin vẫn có nhu cầu tuyển dụng khá cao, đặc biệt là khi Microsoft đầu tư vào khu công nghệ cao tại TP.HCM. Vấn đề là năng lực học tập của bạn có đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp hay không. Nếu bạn đam mê hãy nỗ lực hết sức mình, chứng tỏ mình có năng lực thực sự thì việc tìm được việc làm không khó.
* Qua thực tế đào tạo, anh Quang cho biết những ngành nghề gì đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều và có thu nhập cao hiện nay?
Minh(Vũng Tàu)
- Ông Nguyễn Tri Quang, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM: Hiện nay tại TP.HCM, nhu cầu tuyển dụng về lĩnh vực du lịch tăng khá cao, ngoài ra các ngành nghề đòi hỏi yêu cầu về kỹ thuật phục vụ cho các khu công nghiệp chất lượng cao như điện - điện tử, hóa mỹ phẩm... cũng có nhiều triển vọng. Nhóm ngành nghề về truyền thông, marketing sẽ đem lại mức thu nhập cao, nhưng đòi hỏi về năng lực và khả năng cạnh tranh trong ngành nghề cũng khá cao.
* Em thử sức thi đại học 2 năm rồi không đậu. Giờ không muốn phí thời gian thêm nữa, em muốn đi học nghề và đang có ý định học nghề sửa chữa điện công nghiệp. Không biết tương lai của ngành nghề này ra sao. Mong được anh Quang tư vấn?
Nam(Thanh Hóa)
- Ông Nguyễn Tri Quang, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM: Theo quan điểm của chúng tôi, ĐH không phải là con đường duy nhất để bước vào đời. Hiện nay có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH nhưng không có việc làm. Việc bạn chọn lựa học nghề sửa chữa điện công nghiệp là một chọn lựa hợp lý. Bạn có thể học hệ trung cấp hay CĐ. Đây là nghề có khả năng tìm việc làm cao, bên cạnh đó sau khi ra làm việc nếu có điều kiện, các bạn vẫn có thể liên thông lên ĐH.
* Là một học sinh cấp 3, em rất băn khoăn khi chọn trường, chọn nghề, việc hướng nghiệp tại trường em thấy rất hạn chế. Xin hỏi T.Ư Đoàn có nội dung nào giúp chúng em trong vấn đề hướng nghiệp và có thể hiện hệ với đơn vị nào để có thể được tư vấn hướng nghiệp?
Nguyễn Thị Lụa(Yên Bái)
- Anh Ngọ Văn Khuyến, Phó trưởng Ban thanh niên Công nhân và đô thị - T.Ư Đoàn: Nếu em ở thành phố Yên Bái có thể đến các trung tâm dạy nghề thanh niên, giới thiệu việc làm Yên Bái hoặc các trung tâm giới thiệu việc làm ở Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Yên Bái. Từ năm 2013 đến nay, T.Ư Đoàn đã tổ chức các chương trình tư vấn trực tiếp tại các trường trung học phổ thông khu vực phía Bắc. Vì thế, em có thể liên hệ với trung tâm giới thiệu việc làm T.Ư Đoàn ở 347 Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội để có thể được tư vấn trực tiếp. Trong trường hợp cần thiết, em có thể gọi điện vào số điện thoại 0918197669 để anh có thể tư vấn trực tiếp giúp em. * Học sinh chúng em rất băn khoăn chọn thế nào để không nhầm nghề, nghĩa là chọn nghề đúng sở trường của mình. Nhưng làm thế nào để khám phá bản thân mình phù hợp với nghề nào nhất, xin các chuyên gia gợi ý, tư vấn?
Trần Văn Xuân(THPT Trần Phú, Vĩnh Phúc)
- Ông Nguyễn Tri Quang, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM: Nghề nào cũng cần có sự đam mê. Nếu phân vân trong việc chọn lựa nghề nghiệp, cách tốt nhất là bạn nên trải nghiệm với nghề, hỏi thăm các thầy cô, các cô chú anh chị đang hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề đó để hiểu cái khó khăn gian khổ của nghề, đồng thời cũng hiểu được những điều thú vị từ nghề nghiệp đó. Hiện nay Yes Center có tổ chức các chương trình "Hành trình trải nghiệm ước mơ" qua đó các bạn sẽ được đi thực tế tại môi trường học tập và trải nghiệm các ngành nghề tại các công ty, doanh nghiệp. Các bạn có thể tham khảo chương trình qua fanpage Facebook "Hành trình trải nghiệm ước mơ" (vi-vn.facebook.com/trainghiemuocmo).
* Xin anh Quang cho biết, trong vài năm tới nếu học những ngành nghề nào có khả năng đi xuất khẩu lao động?
Lê Văn Ca(Hà Tĩnh)
- Ông Nguyễn Tri Quang, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM: Hiện nay thị trường xuất khẩu lao động khá đa dạng có thể phân thành hai nhóm chính là:
1. Nhóm lao động phổ thông: không cần trình độ chuyên môn, chỉ yêu cầu về sức khỏe, thị trường xuất khẩu chủ yếu các nước và vùng lãnh thổ ở khu vực Trung Đông (như Ả rập Xê Út, Iran...), Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Singapore..), Đài Loan...; 2. Nhóm lao động đã qua đào tạo và đạt chuẩn về ngoại ngữ như Hàn Quốc (như nghề đánh bắt xa bờ, cơ khí, xây dựng...), Nhật Bản (điều dưỡng, nữ hộ sinh, các lĩnh vực liên quan truyền thông, điện điện tử...) và hiện nay đang mở rộng theo hướng tu nghiệp sinh ở thi trường Đông Âu. * Khi đi xin việc, học viên các trường nghề không có lợi thế nhiều về kỹ năng trả lời các câu hỏi phỏng vấn của nhà tuyển dụng? Theo anh Quang, trước khi đi phỏng vấn tuyển dụng, nên chuẩn bị trau dồi những kỹ năng gì?
Lùng Thị Tám(Hưng Yên)
- Ông Nguyễn Tri Quang, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM: Trước khi đi phỏng vấn các bạn cần chuẩn bị những nội dung sau: bộ hồ sơ xin việc cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh sử dụng các đơn xin việc theo mẫu; trang phục xin việc phải phù hợp với công việc ở vị trí tuyển dụng; cần nghiên cứu kỹ về doanh nghiệp tuyển dụng để hiểu họ cần tuyển dụng nhân viên ở vị trí nào và khả năng đáp ứng của bản thân.
Các bạn nên tham gia các khóa huấn luyện kỹ năng phỏng vấn xin việc để có những kiến thức tổng quát về yêu cầu của nhà tuyển dụng. Hiện nay hàng tháng tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM (Yes Center) luôn tổ chức các khóa huấn luyện kỹ năng phỏng vấn xin việc làm miễn phí, các bạn có thể liên hệ số điện thoại 08.38292066 để biết thêm chi tiết. Ngoài ra đối với các bạn học viên tốt nghiệp các trường trung cấp, tính kỷ luật và tác phong công nghiệp là yếu tố mà các nhà tuyển dụng luôn đòi hỏi, do đó các bạn cần thể hiện hai tố chất này trong các buổi phỏng vấn xin việc. * Theo anh Quang, để chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân, chúng em nên xem xét những yếu tố gì?
Hương(Bắc Ninh)
- Ông Nguyễn Tri Quang, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM: Để chọn được nghề nghiệp phù hợp thì có nhiều yếu tố để bạn chọn lựa, tuy nhiên theo ý kiến của chúng tôi, các bạn nên chọn theo phương thức "5 vừa": 1. Vừa trình độ; 2. Vừa khả năng; 3. Vừa sức khỏe; 4. Vừa với sở thích và 5. Vừa với điều kiện kinh tế.
|