Giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc cho tuổi trẻ Việt Nam hiện nay
15:53 23/03/2022 5501
Công tác tuyên truyền, giáo dục Giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc cho tuổi trẻ Việt Nam để thế hệ trẻ thực sự trở thành lực lượng tiên phong trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, trở thành những người chủ tương lai của đất nước là công việc có ý nghĩa cấp thiết hiện nay.
Ý thức dân tộc và giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc
Ý thức dân tộc là một thành tố của chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc là một hệ thống tư tưởng khẳng định sự tôn nghiêm, lợi ích và giá trị của quốc gia trong quan hệ so sánh với các quốc gia khác. Nó được thể hiện ở tính tự tôn, giá trị văn hóa dân tộc, ý thức dân tộc và bản sắc dân tộc mạnh mẽ. Khái niệm chủ nghĩa dân tộc chỉ bắt đầu xuất hiện ở phương Tây từ thời cận đại với nội dung đề cao bản sắc dân tộc, độc lập dân tộc và quyền tự quyết của dân tộc. Nếu hiểu ý thức dân tộc là ý thức của một dân tộc, thì chủ nghĩa yêu nước là sự thể hiện cao nhất của ý thức quốc gia, còn chủ nghĩa dân tộc là sự thể hiện cao nhất của ý thức dân tộc. Hiện nay, chủ nghĩa yêu nước ngày càng thay thế chủ nghĩa dân tộc và ý thức dân tộc cũng ngày càng hòa quyện với chủ nghĩa yêu nước.
Ý thức dân tộc không thể hình thành từ vũ lực hay từ sức ép bên ngoài, mà được hình thành một cách tự nhiên từ bên trong một tộc người hoặc trong một dân tộc có nhiều tộc người, với các nhân tố ngôn ngữ chung, lãnh thổ, tín ngưỡng, lối sống, phong tục, ý thức tự giác tộc người,... và các yếu tố tự nhiên khác.
Sự cố kết dân tộc và sức mạnh của văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ ở phương Đông, mà còn ở các quốc gia phương Tây. Trong thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy ở phương Tây, nhiều quốc gia đã đặc biệt chú ý đến mối quan hệ giữa giáo dục và ý thức dân tộc, tầm quan trọng của giáo dục ý thức dân tộc. Sau chiến tranh Pháp - Phổ, các học giả Phổ đã cố gắng sử dụng giáo dục như là phương tiện để khơi dậy ý thức dân tộc của những người Phổ vốn còn đang say giấc nồng, làm sống lại lòng tin của người Phổ đối với quốc gia, đặc biệt là khơi dậy lòng yêu nước của thanh niên Phổ. Một trong những nhân vật tương đối quen thuộc với chúng ta là triết gia Giô-han Gót-lip Phích-tơ (Johann Gottlieb Fichte, 1762 - 1814), người góp phần hình thành nên chủ nghĩa dân tộc Đức. G. Phích-tơ đã xuất bản cuốn sách Phát biểu gửi quốc dân Đức (Addresses to the German Nation) ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Đức, khuyến khích mọi người khôi phục tinh thần dân tộc để phản ứng lại việc đế quốc Pháp của Na-pô-lê-ông chiếm đóng và chinh phục các lãnh thổ của Đức. Bên cạnh đó, G. Phích-tơ còn nhận thấy rằng các nhà giáo dục, đặc biệt là giáo viên trong các trường học, cần phải gánh vác trách nhiệm quảng bá, truyền thụ văn hóa dân tộc. Những tư tưởng và hoạt động của G. Phích-tơ về giáo dục tinh thần dân tộc đã góp phần vực dậy được tinh thần dân tộc, từ đó thống nhất hoàn toàn nước Phổ. Các nhà sử học thường coi đây là một ví dụ lịch sử cụ thể về sự kết hợp giữa giáo dục và chủ nghĩa dân tộc.
Không chỉ giáo dục có tác động đến ý thức dân tộc, mà ý thức dân tộc cũng có ảnh hưởng đến giáo dục. Sự phát triển ý thức dân tộc ở phương Tây đã góp phần định hình môi trường giáo dục quốc dân với những ngôn ngữ chung thống nhất, chú trọng đến các nội dung lịch sử, địa lý, văn hóa quốc gia trong chương trình giáo dục để hình thành một hệ tư tưởng, một giá trị và một quan điểm văn hóa chung. Việc coi trọng giáo dục công dân trong giáo dục, nuôi dưỡng tình cảm yêu nước, phát triển niềm tin dân tộc và tính ưu việt của quốc gia mình đều có thể được coi là những minh chứng cụ thể của giáo dục ý thức dân tộc phương Tây hiện đại.
Thế giới đương đại đã vượt qua chủ nghĩa dân tộc chủng tộc (ethnic nationalism). Hiện nay, ở phương Tây thường nói đến chủ nghĩa dân tộc quốc gia (state nationalism) và chủ nghĩa dân tộc văn hóa (cutural nationalism).
Ở Việt Nam, ý thức dân tộc gắn liền với chủ nghĩa yêu nước, khác hẳn với chủ nghĩa dân tộc cực đoan vốn hẹp hòi, ích kỷ, mù quáng. Ý thức dân tộc cũng như chủ nghĩa yêu nước ở Việt Nam hiện nay, với truyền thống hòa hiếu, hòa hợp hàng nghìn năm, lại trải qua sự hòa quyện trong tinh thần quốc tế vô sản gần 100 năm qua, đã trở thành ý thức dân tộc hòa bình, luôn gắn kết Tổ quốc với các nước láng giềng và thế giới, gắn kết dân tộc với nhân loại, cùng chia sẻ và cùng chịu trách nhiệm.
Ý thức dân tộc Việt Nam có một số đặc trưng cơ bản sau: Một là, ý thức dân tộc Việt Nam được hình thành qua nhiều cuộc chiến tranh giữ nước, sự gắn bó qua các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm đã góp phần tôi luyện nên một cộng đồng dân tộc có ý thức mãnh liệt về chủ quyền quốc gia, bản sắc văn hóa và quyền tự quyết dân tộc. Hai là, ý thức dân tộc Việt Nam đã dần vượt khỏi ý thức của một dân tộc cụ thể trong 54 dân tộc, hòa quyện với nhau thành ý thức của cộng đồng đa dân tộc, hay nói chính xác hơn là ý thức của quốc gia dân tộc. Ba là, ý thức dân tộc Việt Nam luôn gắn liền với giao lưu đa văn hóa. Ý thức dân tộc Việt Nam do cộng đồng 54 dân tộc anh em cùng vun đắp, tương tự lịch sử Việt Nam là lịch sử được viết bởi 54 dân tộc anh em. Bốn là, ý thức dân tộc Việt Nam có chung số phận, cùng chia sẻ quá khứ, hiện tại và tương lai. Nói cách khác, đó là ý thức dân tộc cộng đồng, cộng cảm, cộng mệnh(1).
Định hướng nâng cao hiệu quả giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc cho thế hệ trẻ nước ta hiện nay
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn trò chuyện với đoàn viên, sinh viên tham dự Hội thi Olymipic toàn quốc các môn khoa học Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh: “Ánh sáng soi đường” lần thứ IV, năm 2021 _Ảnh: TTXVN
Ở Việt Nam, ý thức dân tộc gắn liền với tinh thần yêu nước, chủ nghĩa dân tộc gắn liền với chủ nghĩa yêu nước. Yêu nước là tình cảm tự nhiên, tình cảm sâu sắc nhất của con người đối với Tổ quốc; đằng sau tình cảm ấy là tinh thần trách nhiệm và sứ mệnh đối với đất nước, nói như trước đây là “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Chính vì vậy, bản chất của lòng yêu nước là trung thành với Tổ quốc, là yêu quê hương, đất nước. Năm 1942, khi bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và giải đi khắp 13 huyện ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã tự hỏi lòng mình: “Phạm tội gì đây? Ta thử hỏi,/ Tội trung với nước, với dân à?”(2). Chữ “tội” ở đây không phải là tội lỗi hay là tội trước pháp luật, mà là sự tự vấn lương tâm đã làm tròn trách nhiệm với đất nước, với nhân dân, với dân tộc chưa. Và Người đã thấy vô cùng thanh thản và tự hào vì đã tận trung với dân tộc. “Tội” mà ngẩng cao đầu, mà vô cùng tự hào. Trước đó, trong ngục tù ở Trung Quốc, Phan Bội Châu cũng có sự đồng cảm như vậy. Năm 1913, khi bị Đô đốc Quảng Đông bắt giam dự định giao cho chính quyền thuộc địa Đông Dương, trong cuốn sách Ngục trung thư, Phan Bội Châu viết: “Tôi biết sớm chiều gì đây, đầu tôi cũng lìa khỏi cổ, nhưng tôi vẫn lấy làm vui vẻ. Than ôi! Bao nhiêu năm bôn-tẩu, mưu tính trăm việc mà không nên một việc gì, nghĩ mình tội nặng lỗi nhiều, có vui gì sống nữa mà ham”(3). Không cứu được dân tộc thoát khỏi kiếp nô lệ thì sống cũng không có ý nghĩa. “Tội” ở đây chính là trách nhiệm xã hội cao quý nhất, trách nhiệm với quốc gia dân tộc, trung thành với Tổ quốc. Rõ ràng, tinh thần dân tộc và lòng yêu nước là mầm mống có sẵn trong tất cả quốc dân, không ai xóa bỏ được. Lòng yêu nước là giá trị chung của nền văn minh và của xã hội loài người.
Giáo dục ý thức dân tộc luôn được đặc biệt chú trọng từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cho đến nay. Cần nhắc lại rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam được thai nghén và ra đời trong bối cảnh dân tộc sục sôi tinh thần yêu nước. Những câu chuyện về Nguyễn Tri Phương (1800 - 1873), Trương Định (1820 - 1864), Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888), Nguyễn Xuân Ôn (1825 - 1889), Hoàng Diệu (1829 - 1882), Hoàng Hoa Thám (1836 - 1913), Đinh Công Tráng (1842 - 1887), Nguyễn Thiện Thuật (1844 - 1926), Phan Đình Phùng (1847 - 1896),... luôn cháy bỏng trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam yêu nước đầu thế kỷ XX. Cũng tương tự như vậy, những tấm gương yêu nước đương thời như Lương Văn Can (1854 - 1927), Tăng Bạt Hổ (1858 - 1906), Nguyễn Thượng Hiền (1868 - 1925), Trần Quý Cáp (1870 - 1908), Phan Bội Châu (1867 - 1940), Phan Châu Trinh (1872 - 1926), Đặng Thái Thân (1874 - 1910), Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947), Ngô Đức Kế (1878 - 1929), Đội Cấn (1881 - 1918), Lương Ngọc Quyến (1885 - 1917)... cũng là nguồn sức mạnh tinh thần cao cả cho những người cộng sản hoàn thành sứ mệnh đang còn thực hiện dở dang của cha ông.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”(5). Tuổi trẻ là niềm hy vọng, là tương lai của Tổ quốc, là lực lượng xung kích, hăng hái nhất, mạnh mẽ nhất của đất nước. Họ chính là đối tượng chủ yếu của giáo dục ý thức dân tộc. Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trách nhiệm với đất nước... là cơ sở quan trọng, to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, giáo dục ý thức dân tộc trong giai đoạn hiện nay phải hướng đến đội ngũ thanh, thiếu niên; giáo dục một cách bài bản, có hệ thống. Giáo dục ý thức dân tộc cần lồng ghép trong toàn bộ chương trình học tập và hoạt động ngoại khóa của học sinh, sinh viên, cũng như các hoạt động xã hội khác của thanh, thiếu niên nói chung. Giáo dục ý thức dân tộc không chỉ dừng lại ở sách vở, mà phải thật sự đi vào chiều sâu, tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhận thức, tình cảm và hành vi của thanh, thiếu niên. Điều đó có nghĩa, tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước phải luôn hiện hữu trong tâm trí và trái tim thế hệ trẻ Việt Nam, sẵn sàng chuyển hóa thành những hành động cụ thể và thiết thực.
Hiện nay, ở tầm vĩ mô, Việt Nam đang thiếu một chiến lược giáo dục ý thức dân tộc; ở tầm vi mô, chúng ta đang thiếu chương trình, giáo trình, công cụ, phương pháp và đội ngũ nhà giáo - những người trực tiếp truyền lửa, giáo dục lòng yêu nước và ý thức dân tộc cho thế hệ trẻ. Khách quan mà nói, tuy chưa có chiến lược giáo dục ý thức dân tộc, song ý thức dân tộc và tinh thần yêu nước vẫn được giảng dạy thường xuyên trong môi trường giáo dục, nhất là thông qua lồng ghép trong các môn học. Thông qua công nghệ thông tin, internet, thế hệ trẻ nước ta đã tìm ra nhiều kênh và cách thức đa dạng để thể hiện lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Tuy nhiên, sự thể hiện lòng yêu nước, tinh thần dân tộc của thế hệ trẻ không chỉ giới hạn ở internet, mà còn thông qua các hoạt động truyền thông, ngoại khóa, văn hóa nhà trường để hòa chung nhịp đập với văn hóa dân tộc, giá trị dân tộc, sự thiêng liêng của chủ quyền quốc gia.
Giáo dục ý thức dân tộc có vai trò vô cùng quan trọng và gắn liền với việc xây dựng ý thức cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Ý thức cộng đồng, quốc gia, dân tộc là điều kiện tiên quyết để đoàn kết dân tộc, là chìa khóa để hội tụ bản sắc dân tộc, là cội nguồn của tự tôn dân tộc, là sức mạnh của tinh thần dân tộc. Văn hóa Việt Nam, văn hiến Việt Nam với sự đa dạng sắc màu của các dân tộc đã trở thành một thể thống nhất. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi - luận điểm bất hủ ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật giản dị, nhưng lại hết sức sâu sắc, thấm đậm tính triết lý và thể hiện trọn vẹn niềm tự hào, tự cường dân tộc của mọi người dân đất Việt. Thực vậy, đất nước Việt Nam là của người Việt Nam thuộc cộng đồng 54 dân tộc anh em luôn hòa thuận, kết thành một khối thống nhất và bền vững để cùng sáng tạo nên lịch sử của mình.
Giáo dục ý thức dân tộc cho tuổi trẻ không thể tách rời việc giáo dục tư tưởng chính trị, gắn liền tinh thần yêu nước, yêu dân tộc với yêu Đảng, yêu Bác Hồ và yêu chủ nghĩa xã hội. Trong Di chúc của mình, với niềm tin tuyệt đối vào thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(5). Thế hệ trẻ chính là người nối tiếp sự nghiệp cách mạng, những người sẽ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Giáo dục ý thức dân tộc cần gắn liền với việc nâng cao ý thức bảo vệ Tổ quốc, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ý thức dân tộc luôn mang đặc trưng riêng của thời đại. Thời đại khác nhau có nội dung tư tưởng, hình thức biểu hiện, yêu cầu thực tiễn khác nhau. Giáo dục ý thức dân tộc ở Việt Nam hiện nay không chỉ cần bám sát nội dung cốt lõi của giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, mà còn phải nắm được xu thế mới và phản ánh được đặc điểm mới của thời đại, phù hợp với yêu cầu mới của thời đại.
Cần giáo dục ý thức dân tộc một cách sinh động, sáng tạo, tích cực đổi mới phương thức giáo dục ý thức dân tộc. Thế hệ trẻ ngày nay rất nhạy bén trong tư duy và cách tiếp cận, luôn khao khát và sẵn sàng đón nhận cái mới; vì vậy, cần tránh lối giáo dục một chiều, cứng nhắc, nói suông, mà cần cụ thể, thiết thực, sinh động, lồng vào các hoạt động thực tiễn và hòa vào trong cuộc sống. Giáo dục ý thức dân tộc không chỉ thuần túy dựa vào tình cảm thông qua những câu chuyện sâu lắng và xúc động, mà còn phải nhấn mạnh đến lý trí, nghĩa là phải có tư duy, có con số, có tư liệu, dữ liệu, có những điển hình tích cực phù hợp thời đại mới.
Giáo dục ý thức dân tộc cho tuổi trẻ là đối tượng học sinh, sinh viên, trách nhiệm trước hết và lớn nhất thuộc về nhà trường. Cần phát huy cao nhất vai trò chủ đạo của kênh giáo dục chính thống này. Muốn vậy, cần tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới cách tiếp cận đối tượng học sinh, sinh viên. Tiếp tục thực hiện quan điểm lấy người học làm trung tâm, phát huy sức sáng tạo và sự nhiệt tình của người học, sử dụng đa dạng các phương pháp dạy học và tương tác để nâng cao hiệu quả của giáo dục ý thức dân tộc. Kết hợp môi trường nhà trường với môi trường văn hóa, giáo dục không chỉ ở trên lớp mà còn thông qua các hoạt động ngoại khóa, như thăm quan di tích văn hóa, bảo tàng lịch sử, đài tưởng niệm liệt sĩ...
Đoàn viên, thanh niên tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại cầu tàu 914 Côn Đảo
Bên cạnh các kênh giáo dục chính thống, cần tập trung vào các nền tảng mạng xã hội cũng như tận dụng môi trường internet để giáo dục ý thức dân tộc.
Giáo dục ý thức dân tộc phải bắt nguồn từ tình cảm yêu gia đình, ông bà, cha mẹ, cho đến tinh thần nhân văn và truyền thống anh dũng, bất khuất của dân tộc. Tự hào với quá khứ hào hùng, truyền thống dân tộc, di sản văn hiến là nền tảng cho tự tin dân tộc và tự tôn dân tộc. Giáo dục ý thức dân tộc cũng phải gắn truyền thống với hiện đại, hiện đại ở đây chính là thành quả ấm no, hạnh phúc của người dân Việt Nam đạt được trong những năm qua, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay. Từ truyền thống gắn kết với hiện đại và phải hướng đến tương lai, đó chính là một xã hội xã hội chủ nghĩa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, cho mọi người và do mọi người dân Việt Nam cùng chung tay xây dựng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”(6). Chủ nghĩa dân tộc chân chính là động lực phát triển của Việt Nam, xưa cũng vậy mà nay cũng vậy. Có lòng tự tôn dân tộc, có niềm tin trải dài từ quá khứ đến tương lai, đó chính là giá đỡ, bệ phóng giúp thế hệ trẻ nước nhà vượt qua những khó khăn và thử thách, dũng cảm gánh vác trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc để bước vào kỷ nguyên hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.
-----------------
(1) Xem: Ngô Đức Thịnh: “Lễ hội truyền thống ở nước ta”, Tạp chí Cộng sản, số 820, tháng 2-2011, tr. 101
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 424
(3) Đào Trinh Nhất: Đời cách mạng Phan-Bội-Châu: Kể theo tập “Ngục-trung-thư” của Phan tiên-sinh tự truyện, Nippon-BunKa-Kaikan, Hà Nội, 1945, tr. 6
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 216
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 510
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 466