Giá trị sống cho người trẻ
13:41 18/07/2013 3555
Công tác tuyên truyền, giáo dục Web.ĐTN: Những câu chuyện chán đời rạch tay, đi bụi thậm chí một số bạn trẻ có ý nghĩ tự tử, hay có những lời than thở buồn bã, chán nản tràn lan khắp mạng xã hội cho thấy một bộ phận bạn trẻ chưa được trang bị kỹ năng sống cần thiết để bước vào đời.
Nếu tình trạng khủng hoảng nói trên bị tác động theo chiều hướng tăng nặng thì sẽ là nguyên nhân đẩy thanh thiếu niên vào cuộc sống khép kín, vô cảm và không xác định được giá trị sống.
Lập nghiệp làm giàu là mục tiêu sống của nhiều thanh niên nông thôn. Trong ảnh đồng chí Nguyễn Long Hải – Bí thư Trung ương Đoàn thăm mô hình trồng dâu của thanh niên xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ. |
Suốt ngày quanh quẩn trên các diễn đàn mạng internet, Tùng (22 tuổi ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) sống ngày càng khép kín. Những tiếng chào ngày càng thưa thớt hoặc những buổi sum họp gia đình hiếm khi có mặt của bạn trẻ này. Dù cha mẹ đã nhiều lần trò chuyện, sắp xếp cho con tham dự những buổi gặp gỡ họ hàng, đám tiệc để Tùng có cơ hội tiếp xúc, gần gũi với nhiều người nhưng tất cả đã trở nên vô ích. Tùng viện đủ lý do để tránh mặt hoặc ra về sớm.
Lối sống khép kín lâu ngày khiến mối quan hệ xã hội của Tùng càng hạn hẹp và có thái độ dửng dưng trước mọi sự việc diễn ra trong cuộc sống. Cụ thể như một ngày cuối tuần, con hẻm trước nhà Tùng được đầu tư xây dựng. Hàng chục thanh niên trong khu vực tình nguyện góp công sức xây hẻm. Cán bộ khu vực đến vận động, Tùng cho rằng đó chẳng phải là chuyện của mình. Nhiều bậc trưởng bối phân tích cho cậu thanh niên hiểu trách nhiệm của thanh niên với cộng đồng, nhưng đáp lại Tùng cười trừ cho qua và dè bĩu, nói: "Chỉ những người rảnh rỗi mới lo chuyện bao đồng". Cha mẹ Tùng rất giận bởi sự quá quắt, vô cảm của con, nhưng không biết khuyên răn làm sao bởi thường ngày Tùng hay nhốt mình trong phòng và ít khi trò chuyện với gia đình. Một lần khác, khi đến trường, bạn bè bàn luận về một hoàn cảnh thương tâm là một học sinh bị tai nạn lao động cần được giúp đỡ, thế là cả nhóm kêu gọi Tùng cùng tham gia quyên góp hỗ trợ. Tưởng Tùng sẽ cảm động và cảm phục trước tấm gương một trẻ em sớm bươn chải vào đời để có tiền ăn học. Vậy mà trái lại Tùng tỏ vẻ bàng quan và cho rằng "chuyện nhà ai nấy lo, sao mình giúp hết cả thiên hạ".
Có một điệp khúc được lặp đi lặp lại trong những lời tâm sự từ các diễn đàn được chú ý nhiều nhất trên mạng của người trẻ là những nỗi buồn vu vơ không rõ nguyên nhân. Điển hình như trường hợp của Thanh - một viên chức trẻ ở TP Cần Thơ. Bạn bè đã nhiều lần thắc mắc gọi điện thăm hỏi khi đọc được đầy rẫy nhưng dòng tâm trạng chán nản, thậm chí muốn rời khỏi cõi đời để không còn bận tâm. Cũng như bao nhiêu bạn trẻ khác, mỗi sáng Thanh đều xách cặp đi làm việc, nhưng chủ yếu cho qua ngày. Khi về đến nhà, Thanh chỉ quẩn quanh phòng trọ rồi lên facebook than vãn từ công việc, đến mối quan hệ bạn bè. Cũng vì tâm trạng chán chường, không có mục tiêu phấn đấu rõ ràng trong công việc, nên Thanh nhảy việc liên tục. Cá biệt không ít lần, Thanh tự rạch tay để thể hiện sự "sành đời" hoặc đập đầu vào tường để tự hủy hoại bản thân, khiến cha mẹ một phen hoảng sợ. Bạn bè hỏi thăm thì Thanh bày tỏ "chán đời", "buồn quá" mà không rõ nguyên nhân. Vốn là một thạc sĩ, nếu xác định được mục tiêu phấn đấu, Thanh sẽ có những đóng góp thiết thực cho công việc, ngược lại với tính tình ủy mị và nỗi buồn vô cớ khiến anh ngày càng sao nhãng công việc.
Không riêng những bạn trẻ trên, trong cuộc sống không ít bạn trẻ dửng dưng, vô cảm trước những hoàn cảnh thương tâm, hoặc sống không có mục tiêu, lý tưởng. Điều đáng nói là hiện nay trên các diễn đàn giới trẻ, mạng xã hội có nhiều hội, nhóm cổ vũ cho lối sống thiếu mục tiêu, lý tưởng ảnh hưởng không tốt cho giới trẻ, như: Hội những giới trẻ buồn chán, hận đời… Đó không chỉ là biểu hiện "lờ mờ" về giá trị sống của bản thân, mà còn là lối sống thiếu trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội. Nguy hiểm hơn, việc không xác định được mục tiêu phấn đấu trong cuộc sống khiến một bộ phận thanh thiếu niên có xu hướng sống buông thả, hủy hoại bản thân. Điển hình như Vũ - học viên một trường trung cấp dược trên địa bàn thành phố. Nói là đi học, nhưng thật ra Vũ chỉ viện cớ để vòi vĩnh tiền của cha mẹ tiêu xài hoang phí. Vũ từng tâm sự mình đi học để làm vui lòng cha mẹ và cũng "mù mờ" về tương lai. Được cha mẹ nuông chiều và vốn quen sống dựa dẫm gia đình, Vũ ngày càng ỷ lại, háo thắng và có xu hướng bạo lực. Theo một số bạn bè Vũ kể, khi bạn bè mâu thuẫn, Vũ có thói quen giải quyết bằng bạo lực. Không có mục tiêu phấn đấu nên hằng ngày Vũ chỉ tụm năm tụm bảy la cà đi chơi, rồi túng quẫn lại vay mượn bạn bè khiến gia đình thêm khó khăn…
Nhiều lần tư vấn tâm sinh lý cho thanh thiếu niên, ông Ngô Thành Thuận, Chuyên viên tư vấn tâm lý Hội Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ, cho rằng giá trị sống của các bạn trẻ là biết học tốt, biết lao động, cảm thông, chia sẻ. Hiện nay, đặc biệt thanh thiếu niên sống ở thành thị, việc học được các bạn trẻ quan tâm hàng đầu, trong khi kỹ năng lao động, sẻ chia, thông cảm thường ít được lưu ý hơn. Bởi thực tế môi trường sống "kín cổng cao tường" ở đô thị phần nào hạn chế cơ hội trui rèn kỹ năng cho các bạn trẻ, đồng thời lối sống khép kín, ít giao tiếp xã hội là nguy cơ của bệnh tự kỷ, trầm cảm. Theo ông, việc giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên là tiền đề quan trọng để bạn trẻ sống tích cực hơn. Điều đó cần sự phối hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Bên cạnh đó, để định hướng, nâng cao nhận thức của cho thanh thiếu niên về giá trị sống tốt đẹp, gia đình, các tổ chức Đoàn - Hội quan tâm, tạo điều kiện, trang bị cho bạn trẻ các kỹ năng, kiến thức về giá trị sống, sự cảm thông, chia sẻ… Bên cạnh đó, cần lồng ghép giáo dục đạo đức lối sống thông qua việc tuyên truyền gương người tốt việc tốt, gương các bạn trẻ giàu nghị lực vượt khó, vươn lên trong cuộc sống, nhằm định hướng thanh thiếu niên vào những mục tiêu tốt đẹp của cuộc sống. Quan trọng hơn, gia đình và các tổ chức Đoàn - Hội cần tạo điều kiện để thanh thiếu niên trải nghiệm thực tế, từ đó rèn luyện kỹ năng sống.