Gặp lại các trí thức trẻ "vàng được thử lửa"
10:22 23/11/2015 1417
Công tác tuyên truyền, giáo dục Lần gặp các trí thức trẻ có trình độ đại học được tăng cường làm phó chủ tịch UBND xã cho các huyện nghèo Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn năm 2013, chúng tôi nhận thấy họ là “vàng được thử lửa”. Hai năm sau gặp lại, khẳng định họ thực sự đã trưởng thành, là những trí thức được cán bộ, nhân dân tin yêu; chính quyền các cấp và các sở ngành ghi nhận…
Những chuyện vui
Ở Thạch Giám (Tương Dương), xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên trong 3 huyện thuộc diện 30a của tỉnh, có Phó Chủ tịch UBND xã Lương Thị Hiên là trí thức trẻ Dự án 600. Hiên sinh năm 1989, quê ở xã Phúc Sơn (Anh Sơn), tốt nghiệp ĐH Lâm nghiệp. Về Thạch Giám công tác, Hiên được giao nhiệm vụ phụ trách mảng nông nghiệp và tham gia xây dựng nông thôn mới. Dù ngành học khá phù hợp, lại được tập huấn tròn 3 tháng về nghiệp vụ nhưng do chưa hiểu ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào nên ban đầu Hiên gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực của người trẻ, được sự giúp đỡ của cán bộ cơ sở, của huyện, Hiên đã nhanh chóng khẳng định được mình. Từ năm 2012 đến nay, 4 năm liên tục Hiên đều được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với ông Lương Văn Ngoạn, Bí thư đảng ủy, Hiên là cán bộ có năng lực, năng nổ, hoạt bát, hết lòng với công việc và gắn bó với nhân dân.
Ở Thạch Giám (Tương Dương), xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên trong 3 huyện thuộc diện 30a của tỉnh, có Phó Chủ tịch UBND xã Lương Thị Hiên là trí thức trẻ Dự án 600. Hiên sinh năm 1989, quê ở xã Phúc Sơn (Anh Sơn), tốt nghiệp ĐH Lâm nghiệp. Về Thạch Giám công tác, Hiên được giao nhiệm vụ phụ trách mảng nông nghiệp và tham gia xây dựng nông thôn mới. Dù ngành học khá phù hợp, lại được tập huấn tròn 3 tháng về nghiệp vụ nhưng do chưa hiểu ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào nên ban đầu Hiên gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực của người trẻ, được sự giúp đỡ của cán bộ cơ sở, của huyện, Hiên đã nhanh chóng khẳng định được mình. Từ năm 2012 đến nay, 4 năm liên tục Hiên đều được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với ông Lương Văn Ngoạn, Bí thư đảng ủy, Hiên là cán bộ có năng lực, năng nổ, hoạt bát, hết lòng với công việc và gắn bó với nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Giám Lương Thị Hiên bên con dê con mới đẻ của mô hình nuôi dê sinh sản. |
Tại xã Tam Thái (Tương Dương), Vi Viết Kiều được ghi nhận là cán bộ trẻ, luôn tiên phong đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ. Là người địa phương, Kiều hiểu rõ thực trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự cấp của đồng bào mình nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, khi nhận nhiệm vụ với sự quan tâm của cấp ủy, lãnh đạo xã, Kiều đã tập trung chỉ đạo các mô hình mang tính phát triển kinh tế tập trung theo nhóm hộ hưởng lợi, tại cùng một địa điểm. Để “như thế các hộ trong nhóm, tổ sẽ giúp đỡ nhau, quan tâm nhắc nhở nhau, phê bình những hộ không thực hiện. Về lợi ích kinh tế, sẽ tạo ra nhiều sản phẩm mang tính chất hàng hóa, với số lượng nhiều, tạo được thương hiệu sản phẩm”, Vi Viết Kiều cho biết. Vì thế, ở Tam Thái đã hình thành các mô hình hiệu quả như mô hình trồng rau an toàn; trồng chuối tiêu hồng; nuôi cá lồng; phát triển các gia trại nhỏ ở các vùng khe suối thuận lợi về đất đai và nguồn nước. Bên cạnh đó, với sự tạo điều kiện của huyện, em đã cùng các cán bộ xã tổ chức thành công các phiên chợ (vào ngày 14 và 29 âm lịch hàng tháng) ở chợ Tam Thái để tạo môi trường kinh doanh, buôn bán cho nhân dân”.
Trong 13 trí thức trẻ Dự án 600 ở Tương Dương, có 2 người nên duyên vợ chồng. Đó là Chu Văn Hùng (Phó Chủ tịch UBND xã Yên Na) và Lương Thị Vân Anh (Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông). Hùng sinh năm 1986, quê ở Diễn Trường (Diễn Châu), Vân Anh sinh năm 1985, quê ở xã Thanh Sơn (Thanh Chương). Cả hai đều đã có việc làm trước khi đến với Dự án 600. Vân Anh được phân công nhiệm vụ ở xã Hữu Khuông, là vùng khó khăn nhất, không có đường, không sóng điện thoại, không có điện lưới nhưng em đã từng bước khắc phục khó khăn, gian khổ hoàn thành tốt mọi công việc. Không thua kém vợ, ở Yên Na, Chu Văn Hùng cũng vượt qua những trở ngại ban đầu, bắt nhịp được với công việc và cuộc sống. Hùng đã tham mưu cho đảng ủy, chính quyền và tham gia thực hiện nhiều công tác góp phần để Yên Na hoàn thành, vượt các chỉ tiêu, tiêu chí đề ra. Trong đó nổi lên việc tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện các mô hình kinh tế, nâng cao năng suất chất lượng lao động của người dân, từ đó góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo của xã Yên Na là 82%, đến năm 2015 giảm còn 52,8%...
Còn ở xã Mường Lống (Kỳ Sơn), Phó Chủ tịch UBND xã Vừ Bá Lềnh là một trong những cán bộ năng nổ, mẫn cán nhất. Lềnh dành nhiều thời gian tham gia thực hiện các mô hình đạt hiệu quả cao, nhất là mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo tập trung. Lềnh tìm kiếm những giống trâu, bò chất lượng cao, phù hợp với khí hậu lạnh của địa phương rồi giao cho những hộ nghèo như Xồng Sái Khù, Vừ Vả Lòng chăm sóc. Với sự hướng dẫn của Lềnh, các hộ này đều chăn nuôi tốt, tăng thu nhập và đã thoát nghèo trong năm 2014. Ở xã Mường Lống tổng đàn trâu bò đã tăng cao so với những năm trước…
Chuyện vui về các trí thức trẻ Dự án 600 tại 3 huyện 30a gồm: Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong rất nhiều, chẳng thể nào kể xiết. Qua công việc, đều đã ghi được những dấu ấn tốt đẹp trong lòng cán bộ, nhân dân. Họ là những người trẻ có nhiều những sáng kiến, áp dụng thành công các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi sản xuất; tiên phong đi đầu trong thực hiện các chương trình, dự án, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương nơi công tác. Và quan trọng hơn, đã cùng các cấp ngành, đoàn thể cơ sở tạo ra luồng gió mới, tích cực, thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũ, lạc hậu cho đồng bào các dân tộc vùng cao…
Hướng mở tương lai
Trong 26 trí thức trẻ có trình độ đại học được tăng cường làm phó chủ tịch UBND xã theo dự án 600, đã có 20 người được bầu vào cấp ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020. Ở huyện Kỳ Sơn, 5 phó chủ tịch UBND xã là đã được bầu vào cấp ủy là Nguyễn Đình Tài, Lô Mạnh Quân, Phan Văn Hòa, Lưu Đức Cường, Vừ Bá Lềnh. Hiện cả 5 người đang theo học lớp trung cấp chính trị ở Trường Chính trị tỉnh. Gặp gỡ các trí thức trẻ đều tự tin khi có được chỗ đứng vững chắc trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi họ đang công tác. Dù vậy, họ cũng trải lòng bởi dự án 600 đã gần đến giai đoạn cuối khi nghĩ về tương lai của mình.
Các cán bộ trẻ xã Yên Na (Tương Dương) xuống đồng cùng với người dân bản Bón |
Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thắng Phan Văn Hòa kể, trong cuộc họp toàn thể trí thức trẻ năm 2014 ở tỉnh Thanh Hóa, Giám đốc dự án, Vụ trưởng Vụ công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ) Vũ Đăng Minh đã trao đổi: “Các đồng chí cứ an tâm công tác cho tốt. Tương lai đã có Ban quản lý dự án lo”. Tuy nhiên, Hòa và các bạn đang đặt ra câu hỏi cho mình, đến năm 2016, khi Luật Tổ chức chính quyền có hiệu lực thi hành, mỗi xã chỉ được bố trí một phó chủ tịch thì tương lai sẽ ra sao?
Lương Thị Hiên, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Giám cho biết: “Hiện Thạch Giám đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nhưng các tiêu chí môi trường, hộ nghèo, thu nhập… còn “hơi non” cần phải quan tâm. Em là người được xã tín nhiệm giao phó việc xây dựng kế hoạch, tham mưu các giải pháp. Em nghĩ, mình cố gắng thực hiện tốt những công việc mà cấp ủy chính quyền giao phó. Còn về tương lai, mong các cấp, ngành liên quan xem xét…”.
Sự thực thì những băn khoăn của các trí thức trẻ chưa có câu trả lời cụ thể. Nhìn rộng ra địa bàn cả nước, chỉ có khoảng 1/4 các trí thức trẻ được bầu vào cấp ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020. Với con số 20/26 trí thức trẻ được bầu vào cấp ủy, Nghệ An là tỉnh đã tạo được dấu ấn trong thực hiện Dự án 600. Khẳng định việc đưa trí thức trẻ tăng cường cho các xã khó khăn theo Quyết định 170/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là một chủ trương đúng đắn. Vì vậy, theo ông Bùi Trầm, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn thì không có lý do gì lại không tạo điều kiện để những người trẻ có năng lực, có nhiệt huyết, đã có một thời gian dài thử thách và có những đóng góp cụ thể để phát triển KT - XH cho các địa phương cơ sở lại phải tự tìm việc làm sau khi dự án kết thúc. Ông Bùi Trầm khẳng định: “Tôi đã nói ý này khi tham gia dự họp Dự án 600 do trung ương tổ chức. Kỳ Sơn chờ hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, đồng thời cũng đã có sự chuẩn bị, dành sẵn một “ô” công chức cấp xã cho các cháu. Xã nào không bố trí được thì huyện sẽ tạo điều kiện để bố trí vào các phòng, ban liên quan…”.
Với chúng tôi, gặp lại các em, biết về những kết quả đã thực hiện, thấy được niềm tin yêu của nhân dân, và nghe những trao đổi của đại diện chính quyền địa phương cơ sở, lãnh đạo các huyện, sở, ngành có liên quan thì tin hướng cho tương lai của các trí thức trẻ 600 đã mở. Mong rằng, những người trẻ có năng lực, tràn đầy nhiệt huyết và đã qua thử thách này sẽ được tạo điều kiện để học tập tích cực cống hiến cho quê hương!
Về tương lai của các trí thức trẻ khi dự án 600 kết thúc, bà Cao Thị Hiền, Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, đây là dự án của Chính phủ, vì vậy khi dự án kết thúc Chính phủ sẽ có tổng kết và có hướng sử dụng các em. Bà Hiền trao đổi: “Từ những kết quả đã thực hiện, các em đã khẳng định được giá trị của bản thân. Đồng thời căn cứ đề án của trung ương, tỉnh đã có những định hướng để huyện, xã giới thiệu các em vào quy hoạch, vào cấp ủy. Đó là sự quan tâm rõ nhất của tỉnh. Về tương lai như thế nào thì cần chờ thêm một thời gian nữa mới có câu trả lời chính xác. Tỉnh đã đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ sớm có tổng kết, đánh giá khi dự án kết thúc và có định hướng cụ thể để sử dụng các em…”.