Dương Đình Hưng - Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng
13:56 05/06/2014 3704
Công tác tuyên truyền, giáo dục Web.ĐTN: Là một thanh niên được nhiều người biết đến, Dương Đình Hưng (Tổ 1, Thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình – Thái Nguyên) ít nhiều đã có “Thương hiệu” trong nghề cơ khí.
Anh Dương Đình Hưng (bên phải) hướng dẫn công nhân trong quá trình làm việc |
Ngắm các đồ vật đã được làm thành phẩm, cửa cuốn, cầu thang, trần nhựa…, chúng tôi thấy tất cả đều có đường nét hoa văn tinh tế. Anh Nguyễn Văn Trúc, một người công nhân làm ở đó cho biết: “Những mẫu đó do anh Hưng tự nghĩ ra. Cũng may Giám đốc năng nổ nên chúng tôi mới có việc làm với thu nhập ổn định, chứ trong thời buổi kinh tế đang khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp nhỏ còn không trụ được, nói gì đến trả lương cho anh em…”.
Dáng người nhanh nhẹn với khuôn mặt hiền, phúc hậu và cách nói chuyện cởi mở, nhìn anh Hưng trẻ hơn so với tuổi 30. Anh vui vẻ kể cho chúng tôi “cái duyên” của anh với nghề cơ khí. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, cuộc sống khó khăn nên anh đã không có điều kiện như chúng bạn cùng trang lứa tiếp tục cắp sách đến trường. Học hết lớp 9, anh xin cha mẹ nghỉ học để đi làm. Sau một thời gian tìm hiểu và thử sức mình với nhiều công việc, từ làm thợ mộc, thợ sửa chữa đồ dân dụng đến kinh doanh, buôn bán,…cuối cùng, anh nhận thấy mình “có duyên” với máy hàn... Khi học việc, chỉ cần nhìn người khác làm một lần, anh có thể làm lại được, và còn có thể làm ra những mẫu kệ, cửa nhôm, kính độc đáo mà không cần bản vẽ. Anh Hưng cho biết: “Ngày nào mà không hàn, xì, uốn nắn những thứ ấy, mình lại thấy ngứa ngáy chân tay. Mỗi khi làm hoàn thiện một sản phẩm nào đó, mình cảm thấy như có thêm một niềm vui mới. Lúc ấy, mình phải dành thêm thời gian để ngắm lại từng đường nét của nó…”.
Hơn 5 năm gắn bó với nghề cơ khí, làm thuê cho khắp các cửa hàng từ Bắc vào Nam, với tay nghề khá vững, năm 2007, anh quyết định trở về thị trấn Hương Sơn mở cửa hàng cơ khí nhỏ, sản xuất các sản phẩm nhôm, kính. Với hơn 20 triệu đồng tích góp được, anh thuê thêm 1 thợ làm, mua 1 cái máy cắt và 1 máy khoan cũ. Lúc đầu, để có tiền mua nguyên vật liệu, anh đề nghị khách đặt cọc trước 1/3 giá thành sản phẩm. Dần dần, khi có nhiều vốn, anh thuê địa điểm mở rộng xưởng và thuê thêm thợ về làm. Rồi không chỉ dừng lại ở kệ, tủ kính, anh còn làm thêm các sản phẩm như cầu thang, cửa cuốn thủy lực, ốp trần nhựa…. Năm 2011, anh mạnh dạn vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 230 triệu đồng, thành lập Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Hưng, sản xuất, kinh doanh các mặt hàng cơ khí, nhôm, kính, inox… Do có nền tảng vững chắc từ trước nên chỉ sau hơn 1 năm hoạt động, Doanh nghiệp của anh đã cho thu lãi trên 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho gần 10 lao động thường xuyên, với mức lương 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Theo kinh nghiệm của anh Hưng, để tạo ra một sản phẩm đẹp, người thợ cần làm kiên trì, tỷ mỉ, cẩn thận trong từng công đoạn từ cắt khung, uốn, hàn, mài đến đánh bóng sản phẩm… Trong đó, hàn là công đoạn khá khó và quan trọng. Để mối hàn kín, đẹp, cần căn chỉnh sao cho mối hàn sau chồng lên khoảng 1/3 chiều dài của mối trước, tạo thành hình vảy cả. Thêm vào đó, để sản phẩm làm ra đẹp, với mẫu mã mới, người thợ cần có cái nhìn thẩm mỹ riêng. Có những người chỉ làm được theo bản vẽ, nhưng có người lại có sáng tạo trong sản phẩm. Chẳng hạn, khi làm tay vịn cầu thang bằng inox, ngoài bản vẽ có sẵn, chỉ là các thanh inox hàn lại với nhau, có thể uốn thêm hình búp sen tại các mối hàn đó, hoặc tại mỗi bậc của cầu thang… Với những sáng tạo ấy, anh đã tạo ra nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng, giá cả hợp lý, nhờ đó, khách hàng biết và tìm đến anh “Hưng nhôm kính” ngày càng đông.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, anh Hưng còn nhiệt tình tham gia các công tác đoàn thể. Hiện nay, với vai trò là Phó Bí thư Chi đoàn Tổ 1, thị trấn Hương Sơn, anh luôn thu hut, tập hợp đoàn viên trong Chi đoàn tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn thị trấn và Huyện đoàn phát động. Trong các buổi sinh hoạt Chi đoàn hàng tháng, anh thường tư vấn, hướng dẫn đoàn viên để họ phát huy khả năng, năng khiếu của bản thân, giúp họ có những lựa chọn công việc phù hợp.
Bên cạnh đó, Chi đoàn cũng thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, tham gia vệ sinh môi trường trong tổ…Với những việc làm thiết thực đó, anh đã vinh dự được UBND huyện, Tỉnh đoàn tặng Giấy khen do có thành tích trong phong trào xây dựng nông thôn mới, trong công tác Hội và phong trào thanh niên. Năm 2012, anh là 1 trong 65 thanh niên tiêu biểu của tỉnh được Tỉnh đoàn tặng Bằng khen “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”. Anh chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm để hoàn thành tốt cả việc kinh doanh và đoàn thể: “Muốn thành công trong công việc, trước tiên phải say mê, chịu khó và sáng tạo. Khi đã bắt tay vào làm việc thì phải cố gắng làm thật tốt. Hoạt động Đoàn giúp tôi có thêm nhiều cơ hội được hòa đồng, giúp đỡ mọi người, và giúp mình thêm yêu cuộc sống. Mọi công việc đều suôn sẻ một phần do tôi sắp xếp khoa học, phần vì bên cạnh luôn có cha mẹ, bạn bè động viên, giúp đỡ…”.
Nói về dự định tương lai, anh cho biết, thời gian tới, anh sẽ xây dựng lại nhà xưởng, thu hút thêm đoàn viên, thanh niên trong khu vực về làm việc, động viên họ tu thân lập nghiệp, làm giàu ngay tại quê hương. Nhìn gương mặt quyết đoán của anh, tôi tin anh sẽ thành công và có nhiều đóng góp hơn nữa cho xã hội.