Dựng lều học chữ

08:33 22/09/2011     2729

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Nhiều phụ huynh của các em học sinh tại các điểm trường ở xã Cư Pui, Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đến đầu năm học mới lại tất tả mang tre, gỗ, tôn... lên các khu vực quanh trường dựng lều cho con học chữ.

Lều của học sinh về học tại Trường THCS xã Cư Đrăm - Ảnh: T.B.D.

Ông Lý Seo Pao, cha của em Lý Văn Pênh, lớp 8 Trường THCS xã Cư Đrăm, cho biết: “Vì đường sá xa xôi nên vừa biết con lên xã học cấp II, cả hai vợ chồng tui bàn nhau lên rừng chặt cây lồ ô, chuẩn bị mọi thứ để về trường dựng lều”. Cùng đi với ông còn có cha mẹ của ba học sinh khác ở cùng thôn. Các em năm nay đều lên lớp 6 nhưng đường sá xa xôi nên không thể đi về trong ngày.

Xung quanh Trường THCS xã Cư Đrăm có khoảng 20 túp lều của các học sinh từ xa đến trọ học. Thầy Nguyễn Văn Nhân, hiệu trưởng nhà trường, cho biết do chưa có khu nội trú riêng nên khoảng 70 học sinh ở các thôn buôn cách xa trường phải ở lại. Cứ đến đầu năm học, phụ huynh lại chở con em trên những chiếc xe công nông chất đầy cây lồ ô, tấm lợp và xoong nồi để đến xung quanh trường tìm đất dựng lều cho con.

Ông Lầu Sao Chá, phụ huynh của em Lầu Văn Sàng, thôn Ea Lới, cho biết chi phí dựng một túp lều cho con ở lại theo học khoảng 2-3 triệu đồng. Để tiết kiệm, ông cùng một số anh em trong thôn góp tiền mua dụng cụ, rồi lên rừng chặt lồ ô. Đến ngày, mấy anh em bàn nhau thuê xe cùng nhau về trường tìm chỗ dựng lều cho con.

Trong túp lều được phủ quanh bằng bạt, ba cô học trò học lớp 6 Trường THCS xã Cư Đrăm vừa học bài vừa tranh thủ nấu cơm cho bữa tối. Hơi khói bốc lên trên nền đất ẩm ướt không thể thoát ra ngoài khiến mắt ai cũng đỏ hoe.

Thầy Nhân kể hiện các em ở lại trọ học đều dựng lều tại hai địa điểm quanh trường là thôn Chàm A và buôn Cư Đrăm. Các căn lều này được tách thành từng tốp phân theo các lớp hoặc nhóm học trò tại các thôn buôn. Thầy cô giáo rất quan tâm đến các “khu trọ” này, hễ có em nào ốm đau đều có mặt ngay để chăm sóc. “Học trò ở đây ăn uống thiếu thốn, ở trong các căn lều dột nát, ẩm ướt nhưng các em vẫn ở và học được, nhìn rất thương!” - thầy Nhân cảm động nói.

Lớp học bên kia dốc Cổng Trời

Trong khi ở trung tâm xã, những học trò đang vượt qua mọi thiếu thốn về vật chất để có thể ở lại theo học thì tại Trường tiểu học Cư Pui 2, các thầy cô giáo mới được luân chuyển công tác cũng vừa qua dốc Cổng Trời (thôn Ea Lang, Cư Pui, Krông Bông) để về điểm trường tại thôn Ea Rớt (Cư Pui) dạy chữ cho học sinh.

Thầy Nguyễn Ngọc Thế - hiệu phó nhà trường - cho biết trong số bảy điểm trường thì thôn Ea Rớt là nơi xa nhất, cách trung tâm xã khoảng 20km nhưng cách trở với bên ngoài bởi dốc Cổng Trời. Tại đây hiện có 200 em học sinh được phân thành bảy lớp với chín thầy cô giáo phụ trách.

Vào thôn Ea Rớt chỉ có một con đường của người dân đi làm rẫy. Thầy Thế cho biết mấy năm về trước khi vợ chồng thầy còn dạy học ở đây thì mỗi lần vào trường phải đi bộ. Mới đây, chủ một cơ sở hàng thủ công mỹ nghệ đã cho người vào mở con đường nhỏ dẫn qua thôn để vận chuyển cây lồ ô, thầy cô đã có thể đến trường bằng xe máy.