Dự án thí điểm 600 Phó chủ tịch xã tại Kon Tum: Trí thức trẻ cống hiến cho quê hương

10:46 20/11/2013     2598

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Các đồng chí lãnh đạo cùng 18 trí thức trẻ hiện đang là Phó Chủ tịch UBND xã của 02 huyện nghèo Kon Plông và Tu Mơ Rông.
Kon Tum là 1 trong 5 tỉnh được Bộ Nội vụ chọn là tỉnh thực hiện giai đoạn 1 của dự án 600 Phó chủ tịch xã. Sau hơn 1 năm thực hiện, 18 trí thức trẻ đã thể hiện được khả năng của mình, bước đầu đem lại hiệu quả khá thiết thực trong phát triển kinh tế xã hội tại địa phương công tác.

Triển khai dự án 600 Phó chủ tịch xã trên địa bàn, tỉnh Kon Tum đã chọn được 18 đội viên từ 69 hồ sơ của các thí sinh trên cả nước. Đây là các đội viên năng động, nhiệt tình công tác và có trình độ chuyên môn phù hợp với thực tế ở cơ sở; 12/18 đội viên là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại nơi đang công tác, am hiểu tập quán của nhân dân trên địa bàn.

a
Các đ/c lãnh đạo cùng 18 trí thức trẻ hiện đang là Phó Chủ tịch UBND xã của 02 huyện nghèo Kon Plông và Tu Mơ Rông

Sau khi được phân công về công tác tại 18 xã đặc biệt khó khăn của 2 huyện nghèo nhất của cả nước trên địa bàn tỉnh, 18 trí thức trẻ đã cống hiến khả năng, trí tuệ của mình giúp xã phát triển kinh tế xã hội và được HĐND các xã nhất trí bầu chọn vào chức danh Phó chủ tịch UBND với tỉ lệ phiếu đạt 100%. Từ khi các trí thức trẻ về làm lãnh đạo tại xã, nhiều xã đã thay đổi lề lối và tác phong làm việc của cán bộ xã. Theo ông U Huấn, Phó Giám đốc Sở nội vụ tỉnh Kon Tum, hầu hết các đội viên trí thức trẻ cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đề ra, bước đầu góp phần tạo sự chuyển biến tích cực, nhất là trên các lĩnh vực xã hội như: tỷ lệ học sinh đến trường cao hơn, các hộ gia đình sinh con đều đến xã làm thủ tục khai sinh, gia đình có người thân mất đã làm thủ tục khai tử, nam nữ lập gia đình đều đến xã làm thủ tục kết hôn... Đặc biệt các đội viên đã giúp người dân ở đây hiểu biết hơn về chính sách, pháp luật và biết bảo quản hồ sơ tư pháp cá nhân, gia đình…

Sau khi nhận công tác, các Phó chủ tịch đã xây dựng được đề án đóng góp phát triển kinh tế xã hội tại địa phương; trong đó, đã xác định rõ vị trí công tác cũng như nhiệm vụ của bản thân trên địa bàn xã. Nhờ đó, UBND các huyện có cơ sở chỉ đạo UBND xã có kế hoạch bố trí cho các đội viên phụ trách theo lĩnh vực phù hợp với khả năng, bản lĩnh của mình. Hiện có 13/18 trường hợp được phân công phụ trách lĩnh vực văn hóa xã hội và xóa đói giảm nghèo, 5 trường hợp còn lại được bố trí phụ trách lĩnh vực kinh tế, nông lâm.

Tự tin với công việc của mình, anh A Rù, Phó chủ tịch UBND xã Măng Cành, huyện Kon Plong tâm sự: Là người dân tộc tại chỗ, mình rất hiểu thực tế của địa phương nên mình đã đưa ra nhiều đề xuất, tham mưu cho cấp trên những phương án cụ thể giúp các hộ nghèo phát triển sản xuất, không đầu tư, hỗ trợ tràn lan như trước mà hỗ trợ có địa chỉ và phù hợp với thực tế của địa phương mình.

Bên cạnh đó, với nhiệt huyết và sức trẻ, A Rù còn phối hợp với các đoàn thể tại địa phương triển khai vay vốn, giúp người dân tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách. Sau khi có đồng vốn vay, A Rù hướng dẫn, tư vấn và vận động người dân sử dụng đồng vốn có hiệu quả. Nhờ có A Rù mà người dân xã Măng Cành biết vay tiền để nuôi con lợn, con gà, thả cá và trồng các loại cây lương thực ngắn ngày. Theo A Rù, đây là những mô hình nuôi rất gần gũi và phù hợp với người dân xã Măng Cành.

Còn đội viên Vũ Trọng Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Tem, huyện Kon Plong thì xây dựng đề án phát triển cây bời lời trên địa bàn; hướng dẫn bà con đào ao, nuôi cá, trồng rau, nuôi gà để tăng gia sản xuất. Bên cạnh đó, anh Hùng còn vận động bà con không đem trâu, bò đi bán hoặc giết thịt, không thả rông ngoài đường. Anh hướng dẫn, giúp đỡ họ cách sử dụng sức kéo của trâu trong công việc lên nương, làm rẫy và làm chuồng nuôi nhốt trâu bò đúng cách, hợp vệ sinh…

Đánh giá những việc làm của các tân Phó chủ tịch xã tại địa phương, ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó chủ tịch UBND huyện Kon Plong cho biết: Dù thời gian đội ngũ trí thức trẻ về nhận nhiệm vụ tại các xã trên địa bàn huyện đến nay mới hơn 1 năm nhưng qua quá trình làm việc đã có nhiều chuyển biến, đặc biệt trong lề lối làm việc của cán bộ cấp xã, hoạt động của các phòng, ban qui củ hơn. Tuy nhiên, do còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên đội ngũ cán bộ mới còn khá hạn chế trong việc đóng góp và đề xuất ý kiến với cấp trên.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng với bầu nhiệt huyết và sự năng động của tuổi trẻ, 18 Phó chủ tịch xã vẫn luôn cống hiến, góp phần đưa các xã khó khăn của 2 huyện nghèo Tu Mơ Rông và Kon Plông phát triển. Dự án 600 Phó chủ tịch xã tại Kon Tum đang được các cấp chính quyền tỉnh quan tâm và tạo điều kiện để đội ngũ trí thức trẻ ngày càng trưởng thành phát triển và cống hiến cho quê hương./.