Dự án 600 trí thức trẻ: Đến với bà con bằng sức trẻ

13:47 01/10/2013     3186

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Web.ĐTN: Được cống hiến sức trẻ đó là niềm mơ ướ, khát khao của 20 tri thức trẻ thuộc Dự án 600 về làm Phó Chủ tịch các xã nghèo ở hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải – tỉnh Yên Bái.
Với gần 2 năm gắn bó với bà con nhân dân, các trí thức trẻ đã và đang khẳng định mình.

Cống hiến cho quê hương

Cầm trên tay tấm bằng cử nhân chuyên ngành Lâm Sinh, trường Đại học Tây Bắc, Lý A Sử (sinh năm 1985) người con xã La Pán Tẩn quyết định trở về quê hương lập nghiệp giúp đỡ người dân thay đổi phong tục tập quán canh tác, tạo đà vươn lên thoát nghèo.

Trước đây, phong tục tập quán của bà con nơi đây vốn chỉ canh tác một vụ lúa. Thời gian còn lại lên nương hái măng, chặt củi nên nhiều hộ gia đình đã rơi vào cảnh “đứt bữa” vì hết thóc ăn.

Đ/c Lý A Sử - Phó Chủ tịch xã Nậm Khắt hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cây Sơn Tra
Đ/c Lý A Sử - Phó Chủ tịch xã Nậm Khắt hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cây Sơn Tra

Ngay khi còn là sinh viên, Sử đã nhiều lần đưa những kiến thức đã học được ở trường về thực hành trên chính mảnh đất của gia đình và những người thân trong dòng họ. Ngay vụ đầu tiên, nhiều gia đình đã có tiền dư từ bán nông sản. Thành quả ấy là bằng chứng thuyết phục nhất để Sử vận động người dân trong xã thay đổi tập quán canh tác.

Chỉ sau gần hai năm về quê, gần như toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của các hộ gia đình ở xã La Pán Tẩn đều canh tác thêm vụ đông xuân. Kết quả bước đầu đã giúp người dân La Pán Tẩn thoát khỏi tình trạng thiếu lương thực trong mùa giáp hạt.

Dự án 600 tri thức trẻ đến với Sử thật bất ngờ. Anh được tuyển dụng về làm Phó Chủ tịch xã Nậm Khắt phụ trách mảng Nông Lâm. Những ngày đầu về công tác không khỏi bỡ ngỡ mặc dù đã thành công trong việc hướng dẫn bà con phát triển kinh tế tại xã nhà.

“Không biết phải bắt đầu từ đâu, làm gì để giúp bà con thoát nghèo khi mình đã làm được việc này trên chính mảnh đất La Pán Tẩn nơi mình sinh ra và lớn lên. Nhưng đến với xã Nậm Khắt để làm lại sao mà khó quá” - Lý A Sử tâm sự.

Những khó khăn ấy càng thôi thúc ý chí quyết tâm của Sử, bao đêm suy nghĩ, bao ngày trèo nương lội suối cùng bà con để sớm tiếp cận công việc. Sử cho biết: “Mình có lợi thế hơn các bạn là được làm việc trên chính quê hương, am hiểu một phần phong tục tập quán của bà con nhưng để bà con làm theo mình không có cách nào khác là phải gần gũi, thuyết phục dần dần; biến lý thuyết thành hành động thực tiễn”.

Sau hơn một năm công tác, kế hoạch trồng 70ha cây Sơn tra xen cây ngô trên diện tích đất kém hiệu quả đã thành hiện thực.

Hiện nay, Lý A Sử đã tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền của địa phương cho mình tiếp tục được triển khai Dự án trồng rau thương phẩm trên diện tích đất ruộng một vụ kém hiệu quả sau khi đã tiến hành khảo sát. Tuy nhiên để giải được bài toán về điều kiện tự nhiên và tìm được hướng tiêu thụ sản phẩm cho bà con vẫn là thách thức, khó khăn mà Sử vẫn đang tìm lời giải.

Vượt qua cái khó

Đội viên Hà Chánh Thảo - Phó chủ tịch xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu lại có những trăn trở riêng. Bất đồng ngôn ngữ là khó khăn, cản trở hàng đầu, để nói và nghe được tiếng của đồng bào là cách tốt nhất phải “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân.

Hằng ngày, Thảo đến từng thôn để được “mục sở thị” cuộc sống của người dân, nắm bắt được tình hình và tham mưu với cấp ủy, chính quyền giúp bà con thoát nghèo.

a
Đ/c Hà Chánh Thảo - Phó Chủ tịch xã Pá Hu gặp gỡ bà con nhân dân

“Trước khi về nhận công việc tôi đã được tập huấn, được trang bị kiến thức cơ bản về quản lý nhà nước; kỹ năng của người lãnh đạo, các phương pháp tiếp cận với nhân dân… và khá tin tưởng vào năng lực của mình. Nhưng thực tế lại gặp không ít khó khăn, vì vậy cách tốt nhất là phải thường xuyên đi thực tế” Hà Chánh Thảo nói về phương pháp làm việc.

Từ những thực tế đó, năm 2012, Thảo đã giúp bà con nơi anh phụ trách đi đầu trong việc mở rộng diện tích trồng Ngô vụ xuân lên 295ha, tăng 85ha so với vụ xuân năm 2011 với sản lượng Ngô hạt thu hoạch trên 663 tấn.

Bên cạnh đó, Thảo còn hướng dẫn bà con làm tốt việc dự trữ thức ăn, làm chuồng trại bảo vệ cho 430 con trâu trên địa bàn toàn xã. Vì vậy, vụ rét vừa qua, Pá Hu không còn trâu chết rét, chết đói. Điều này cho thấy nhận thức của người dân đã và đang dần thay đổi tập quán, giúp chăn nuôi trong xã theo hướng phát triển ngày càng một đi lên.

Nói về trí thức trẻ Hà Chánh Thảo, ông Thảo A Khày - người dân xã La Pán Tẩn phấn khởi nói: “Có phó chủ tịch UBND xã trẻ tao ủng hộ lắm, nó giúp cho làng cho xã nhiều. Nó động viên bà con phải biết cách làm kinh tế, con em trong bản phải học cái chữ để sau này còn giúp làng. Tao cảm ơn nó lắm”. 

Nói về Hà Chánh Thảo, đồng chí  Thào A Tông – Bí thư Đảng ủy xã Pá Hu cho biết: “Chủ trương của Đảng và Nhà nước cho các trí thức trẻ về làm Phó chủ tịch UBND xã là rất tốt. Đây là điều kiện để các bạn trẻ được trải nghiệm thực tế, gần dân, hiểu dân. Đó là việc cụ thể hóa kiến thức đã học trong trường vào thực tiễn cơ sở.

Đồng chí  Thào A Tông  cho biết thêm, về phía Đảng ủy, chính quyền sẽ tạo điều kiện tốt nhất để đồng chí Thảo hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có thể đánh giá Thảo là một cán bộ trẻ có năng lực, nhiệt tình và đã dần làm quen với công việc; đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trên cương vị Phó Chủ tịch UBND xã trong việc tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, chính quyền sở tại cũng như chỉ đạo, điều hành, kiểm tra đối với cơ sở. 

Thành công bước đầu của những đề án mà các trí thức trẻ đã mang lại cho người dân các xã nghèo vươn lên đã chứng minh bản lĩnh và trí tuệ của người trẻ nơi gian khó. Chúng ta hãy tin tưởng vào một ngày không xa, với sức trẻ, lòng nhiệt huyết của những trí thức trẻ sẽ đưa xã nghèo đi lên.