Dự án 600 tri thức trẻ: Để có được thành công phải từ lòng nhiệt huyết, kiên trì
10:37 01/08/2014 2996
Công tác tuyên truyền, giáo dục Web.ĐTN: “Nói đến thành công trong công việc đối với một Phó chủ tịch thuộc dự án 600 tri thức trẻ về công tác tại các xã đặc biệt khó khăn theo em phải xuất phát từ lòng nhiệt huyết, sự kiên trì và ham học hỏi”. Đó chính là lời khẳng định của Nguyễn Thị Thanh Lam – Phó chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
Hơn hai năm lên công tác tại xã La Pán Tẩn để “ba cùng” với bà con nơi đây. Lam đã vượt qua tất cả những khó khăn ban đầu, không ngừng nghiên cứu phong tục tập quán, học tập ngôn ngữ của đồng bào với mong muốn “Nói dân hiểu, làm dân tin” góp một phần công sức cùng bà con thoát nghèo. Để làm được điều đó thì cần phải gần dân, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của bà con. Chính vì vậy, việc sát dân, gần gũi với dân luôn được Lam đề cao hơn lúc nào hết.
Ngoài những buổi đi kiểm tra thực tế, Lam tranh thủ đến với các em, các chị đang tham gia lớp học xóa mù chữ tổ chức tại xã; trực tiếp đến tận nương ngô, ruộng lúa để thăm hỏi, động viên và tham gia làm mùa cùng bà con. Tranh thủ sự giúp sức của các già làng, trưởng bản, người có uy tín để vận động bà con thực hiện đúng chủ trương của Đảng, nhà nước sau mỗi ngày làm việc.
Ngoài những buổi đi kiểm tra thực tế, Lam tranh thủ đến với các em, các chị đang tham gia lớp học xóa mù chữ tổ chức tại xã; trực tiếp đến tận nương ngô, ruộng lúa để thăm hỏi, động viên và tham gia làm mùa cùng bà con. Tranh thủ sự giúp sức của các già làng, trưởng bản, người có uy tín để vận động bà con thực hiện đúng chủ trương của Đảng, nhà nước sau mỗi ngày làm việc.
Nguyễn Thị Thanh Lam cùng các em nhỏ |
“Đôi chân của phó chủ tịch không chỗ nào không biết. Phó chủ tịch cũng thức đêm cùng bà con giỏi lắm; 2h đêm họp xong, có hôm ở lại cùng bà con, nhiều hôm họp xong lại về trụ sở luôn. Con ma rừng đã quen với phó chủ tịch Lam rồi” một người dân cho biết.
Sự nỗ lực, cố gắng của Nguyễn Thị Thanh Lam đã được đền đáp khi đồng bào H’Mông đã vui chung một tết, 300 hộ dân xây dựng công trình vệ sinh cải thiện môi trường. Kết hợp với các tổ chức, nhà trường vận động 100% học sinh khối mầm non, tiểu học; 97% học sinh khối THCS ra lớp; công tác chăm lo sức khỏe của bà con được quan tâm.
Đặc biệt, mô hình du lịch cộng đồng tại xã đã được triển khai, mặc dù đây mới là giai đoạn thí điểm. “Đây là thế mạnh của xã nhưng chưa được phát huy. Nếu khép kín dịch vụ phục vụ khách du lịch thăm quan danh thắng ruộng bậc thang thì thu nhập của bà con sẽ tăng lên, đời sống bà con sẽ được cải thiện” - Lam cho biết.
Hơn hai năm, số ngày về thăm gia đình chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhà xa một phần, một phần cũng do công việc nên không thể xin nghỉ để về quê. Nỗi nhớ nhà luôn thường trực trong Lam, đã bao đêm trong căn phòng của mình giọt nước mắt từ sâu trong tâm khảm từ từ lăn xuống trên gò má.
Lam tâm sự: “Nhận được tin mẹ ốm, em không sao về được vì đang ở trên bản. 1h sáng, dưới cái rét của vùng cao, thân gái dặm trường, em đã vượt qua gần 200km đường để được về bên mẹ…”
Khi được hỏi: “Dự án kết thúc, em không làm việc ở đây nữa em có thấy tiếc công sức của mình không? Chuyện gia đình em tính sao?”…Lam cười nói: “Rất nhiều người hỏi em câu này, đã nguyện cống hiến thì nghĩ gì đến tương lai. Ngày mai, khi dự án kết thúc nếu được ở lại em nguyện làm người con của gia đình La Pán Tẩn. Còn chuyện tình cảm ư? Biết đâu sẽ có tác phẩm Hoa trên đá thứ 2 ra đời”.
Nói vậy tôi hiểu, ngoài tập trung công tác chuyên môn, gắn bó với bà con, Lam vẫn hàng ngày cập nhật thông tin để theo dõi bước đi của 19 trí thức trẻ đang công tác trên địa bàn tỉnh nói riêng và các trí thức trẻ trên cả nước nói chung. Qua đó Lam cũng học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ bạn bè để áp dụng những điều rút ra vào chính thực tế ở địa phương.
Lam nói riêng, các bạn trẻ trong dự án nói chung đang nỗ lực hàng ngày tham mưu cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các nghị quyết, đề án, chương trình đề ra trong nhiệm kỳ. Những nỗ lực và kết quả công việc đã và đang đạt được trong nửa hành trình học làm "công bộc" của dân được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận.
Ông Ngô Thanh Giang - Bí thư huyện ủy Mù Cang Chải cho rằng: “Chính những đội viên đã góp phần thúc đẩy tinh thần làm việc, trách nhiệm công tác của cán bộ, công chức xã, thôn, bản. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ của mỗi cấp ủy, chính quyền và cán bộ, đảng viên ở vùng cao hôm nay”.
Có thể khẳng định, những kết quả bước đầu của Lam cũng như các đội viên là một thành công lớn; thành công của lòng nhiệt huyết, khát khao cống hiến sức trẻ. Thành công đó bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, được lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng bước đầu đã đóp góp nhất định vào sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.