Dự án 600: Sức trẻ đề án - Động lực phát triển vùng cao Yên Bái

14:40 31/10/2014     2757

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, hơn ai hết Đặng Phúc Long thấu hiểu được cuộc sống khó khăn vất vả của cha mẹ. Do vậy, ngay từ khi còn nhỏ Long luôn có một tâm niệm phải luôn phấn đấu học thật giỏi để vươn lên thoát nghèo.
Học xong THPT, anh quyết định thi vào trường Đại học Văn hóa chuyên ngành Văn hóa Dân tộc. Sau 4 năm học tập, bằng sự cố gắng, nỗ lực của mình năm 2009 Long tốt nghiệp với tấm bằng loaị Khá trong tay. Vừa ra trường, với kiến thức được đào tạo và lòng nhiệt huyết đang căng tràn sức trẻ, anh đã đăng ký tham gia Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước được Chính phủ phê duyệt tháng 01/2011 và bắt đầu triển khai từ tháng 4/2011.

Dự án 600 trí thức trẻ về xã nghèo nhằm thực hiện 3 mục tiêu: tăng cường nguồn nhân lực có trình độ giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội; tạo nguồn cán bộ trẻ và góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách về cán bộ công chức trẻ. Và qua các khâu sơ tuyển khá chặt chẽ Đặng Phúc Long đã được UBND tỉnh Yên Bái phân công, điều động tăng cường về làm PCT UBND xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu.

a
Đội viên hướng dẫn bà con kỹ thuật làm đất vườn ươm
Bước vào một công việc mới, nơi ở mới, cuộc sống mới và đặc biệt là ở xã Phình Hồ tất cả là đồng bào dân tộc Mông nên cuộc sống sinh hoạt cũng như giao tiếp gặp rất nhiều khó khăn đối với đội viên Đặng Phúc Long. Vượt lên những khó khăn đó, với lòng nhiệt huyết và sự quyết tâm, đội viên Đặng Phúc Long đã vượt qua, thử thách, nêu cao tinh thần học hỏi, không ngại khó khăn gian khổ, tận tâm, tận tụy với công việc, có ý thức trách nhiệm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
 
Sau 2 năm tham gia làm PCT UBND xã Phình Hồ huyện Trạm Tấu tỉnh Yên Bái, đội viên Đặng Phúc Long không những được Đảng ủy, HĐND, UBND đánh giá là người có quan điểm lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, chấp hành tốt các quy định của địa phương, có lối sống lành mạnh, trung thực giản dị, phát huy được tinh thần đoàn kết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xã mà điều quan trọng hơn đó là Long đã được đồng bào Mông nơi đây quý mến, coi như con em trong gia đình, dòng họ.
Để làm tốt chức trách nhiệm vụ của một phó chủ tịch UBND xã, đội viên Đặng Phúc Long thường xuyên xuống các thôn, bản để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, tìm hiểu phương thức sản xuất, tập quán canh tác cũng như những vướng mắc, khó khăn của người dân để kịp thời giải quyết và phản ánh lên cấp trên những kiến nghị đề xuất của nhân dân. Đồng thời tuyên truyền, vận động bà con áp dụng những biện pháp khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, xóa bỏ những phong tục không còn phù hợp, xây dựng đời sống văn hóa mới.
     
Qua công tác thực tế ở cở sở, cùng với sự chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền địa phương, Đặng Phúc Long đã có những đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương phát triển. Năm 2013, tổng sản lượng lương thực có hạt của xã Phình Hồ đạt trên 805 tấn, mức cao nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 69 %, giảm gần 6% so với năm 2012. Cả xã đã có 60% hộ gia đình có chuồng trại nuôi nhốt gia súc, người dân tích cực tham gia vào xây dựng nông thôn mới. Xã đã huy động hàng nghìn ngày công để mở mới, tu sửa được 9 km đường giao thông, xây dựng, làm mới nhiều công trình phúc lợi. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, công tác huy động trẻ trong độ tuổi ra  lớp đạt 98%. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện KHHGĐ được triển khai tích cực đã góp phần phòng chống có hiệu quả, không để dịch bệnh xảy ra. Trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đã giảm xuống còn 34,5%. Các hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin, truyền thông tiếp tục có sự đổi mới và từng bước nâng cao chất lượng. Xã đã có 2 thôn, bản đạt danh hiệu làng, bản văn hóa. Công tác quốc phòng - an ninh được duy trì và giữ vững, an ninh chính trị ổn định, không xảy ra các vụ việc phức tạp. 
Bên cạnh đó Đặng Phúc Long còn luôn trăn trở, tìm tòi đưa những loại giống mới vào trồng tại địa phương. Năm 2012, qua các mối quan hệ của mình Long đã đưa giống ngô lai có năng suất cao vào trồng nhưng do khí hậu khắc nghiệt nên giống ngô này không đem lại hiệu quả. Không nản chí, năm 2013 Long đã về quê hương Văn Yên mua 30 kg hạt cây quế mang lên ươn tại địa bàn xã Phình Hồ. Nhờ thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật nên cây quế trong bầu ươm đang sinh trưởng và phát triển tốt. Dự kiến, số quế giống này sẽ trồng trên diện tích 20 ha. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi khi cây quế đủ tuổi xuất vườn anh sẽ giao cho nhân dân các thôn, bản tự trồng bảo vệ, chăm sóc và quản lý.  Nếu phù hợp với khí hậu, đất đai nơi đây thì trong tương lai cây quế có thể sẽ là một loại cây trồng mở hướng đi mới cho người dân vùng cao xã Phình Hồ có cơ hội thoát nghèo. Đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp nhưng đã phần nào nói lên sự năng động, sáng tạo của Đặng Phúc Long.
 
a
Vườn ươm cây giống sau 4 tháng gieo hạt
 
Ở nơi non cao, còn nhiều khó khăn như Trạm Tấu sẽ rất cần có những cán bộ trẻ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như Đặng Phúc Long. Với kiến thức được trang bị ở giảng đường đại học cùng những kinh nghiệm tích lũy sau 2 năm thực tế ở cơ sở, đặc biệt là bầu nhiệt huyết mong được cống hiến sức trẻ cho quê hương sẽ là những yếu tố quan trọng giúp Đặng Phúc Long trên con đường đầy gian nan phía trước./.