Dự án 600 Phó Chủ tịch xã: “Phong hàm” ngay chưa hẳn đã phù hợp
09:47 10/11/2017 1055
Công tác tuyên truyền, giáo dục Bởi lẽ, một cán bộ bình thường, phải sau vài năm công tác, rèn luyện mới tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm thực tế.
Qua thực tế 5 năm triển khai dự án 600 Phó Chủ tịch xã, lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng, hạn chế lớn nhất của các đội viên về làm Phó Chủ tịch xã là thiếu kinh nghiệm thực tế. Trong khi đó, nhờ được hỗ trợ theo chủ trương thu hút trí thức về với vùng nghèo nên mức lương của những đội viên này được hưởng cao gần gấp đôi so với lương công chức xã. Mức thu nhập chênh lệch như vậy gây nên tâm lý so bì đối với một số cán bộ ở cơ sở, khi môi trường làm việc như nhau.
Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đang đôn đốc các địa phương sắp xếp công việc cho các đội viên tham gia dự án |
Có một thực tế là do lãnh đạo nhiều địa phương chưa hiểu hết mục đích, ý nghĩa của dự án, họ cũng chưa tin tưởng về khả năng làm việc của các đội viên nên không giao nhiệm vụ cụ thể. Vì vậy, đến thời điểm này, khi dự án gần kết thúc, vẫn còn khoảng 20%, tức là gần 120 trí thức trẻ chưa được sắp xếp, bố trí công việc mới.
Anh Hoàng Đức Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang là người trong số này, cho biết: “Bây giờ tôi đang đợi các cấp có thẩm quyền có ý kiến để sắp xếp, quy hoạch. Tôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa đến các trí thức trẻ và thanh niên tình nguyện.”
Do những đội viên tham gia dự án học nhiều ngành nghề khác nhau, có người học ngành sư phạm ngoại ngữ, người học du lịch, ngữ văn, lao động-xã hội… nên khi về những xã nghèo là không phù hợp. Chị Vi Thị Xuân Hồng khi về làm Phó Chủ tịch UBND xã Sỹ Hai, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đã gặp rất nhiều khó khăn. Do không biết tiếng của đồng bào dân tộc bản địa nên mỗi lần đến tìm hiểu về phong tục tập quán, cách thức sản xuất của bà con ở địa phương đều phải nhờ một người khác đi cùng. Chị Hồng cho rằng, nếu được phân công về làm cán bộ Trạm Khuyến nông của huyện Hà Quảng thì phù hợp hơn là làm Phó Chủ tịch xã.
Chị Hồng nói: “Khi được bố trí về Trạm Khuyến nông, thực sự tôi thấy phù hợp với chuyên ngành của mình. Công tác tại đây, tôi sẽ phát huy được năng lực và sở trường là có thể đưa được cây, con hay kỹ thuật mới để bà con áp dụng vào sản xuất”.
Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhận xét, việc đưa trí thức trẻ về địa phương là đúng, nhưng “phong hàm” ngay cho họ làm Phó Chủ tịch xã chưa hẳn đã phù hợp. Bởi, một cán bộ bình thường, phải sau vài năm công tác, rèn luyện mới tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm thực tế; từ đó mới đưa vào quy hoạch. Sau đó, còn phải bồi dưỡng, đào tạo rồi mới được bổ nhiệm vị trí phù hợp. Để “lên” được Phó Chủ tịch xã phải trải qua nhiều thử thách và có thời gian.
Thực tế cho thấy, những kiến thức mà các đội viên học được ở trường còn xa với công việc thực tế. Khi được giao việc, nhiều cán bộ chưa biết phải làm gì và tham mưu như thế nào. Số người chưa làm “tròn vai” Phó Chủ tịch xã không phải là ít. Vì vậy, ở tỉnh Hà Giang có 67 đội viên về làm Phó Chủ tịch xã, nhưng hiện giờ chỉ bố trí, sử dụng được 7 người. 60 đội viên còn lại, tỉnh chưa biết phải sắp xếp vào đâu. Với tỷ lệ rất cao là gần 90% số người chưa sắp xếp được việc làm sau dự án là một câu hỏi lớn. Do đánh giá chưa đúng năng lực của đội viên? Do họ yếu kém thực sự hay do các địa phương ở tỉnh Hà Giang chỉ muốn đưa người tại chỗ lên làm Phó Chủ tịch xã? Những câu hỏi ấy đang cần lời giải khi mà hiện nay, 500 trí thức trẻ của một dự án khác cũng đang về tăng cường tại các xã nghèo.
Dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã gặp nhiều khó khăn |
Theo ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, sở dĩ số cán bộ về làm Phó Chủ tịch xã ở đây không đưa vào được là do nhiều nguyên nhân.
“Vì lãnh đạo xã bây giờ rất trẻ, không thể cho người ta đi được. Trong khi đó, quy định hiện nay là nghỉ 2 mới tuyển 1. Số đồng chí này, ví dụ như ở ngành sư phạm hay bác sỹ có thể sắp xếp được ngay, nhưng đây lại là những ngành khác. Khi chúng ta đưa ra điều kiện để tuyển chọn đã không phù hợp với tình hình thực tế”, ông Trần Đức Quý cho biết thêm.
Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ cho biết, những địa phương không muốn sắp xếp các trí thức trẻ vào làm việc là do những cán bộ trẻ này chưa thông thạo địa bàn, thiếu kinh nghiệm thực tế. Nhưng một tỷ lệ rất cao những người không bố trí được việc làm sau 5 năm họ nỗ lực phấn đầu thì cần phải xem lại.
Bởi vậy, nếu dự án tiếp tục triển khai thì trước tiên cán bộ địa phương phải thay đổi nhận thức là những đội viên được đưa về không phải để chiếm vị trí lãnh đạo ở đây mà là được tăng cường để giúp địa phương phát triển kinh tế-xã hội. Các trí thức trẻ cần được các cấp quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để phát huy năng lực của mình. Như thế, lớp trẻ mới yên tâm để cố gắng cống hiến nhiều hơn cho những vùng khó khăn, thiếu thốn.
Ông Vũ Đăng Minh nói: “Kết thúc dự án 600, chúng ta cần phải xây dựng một cơ chế, chính sách để phát hiện, tuyển chọn, đào tạo đội ngũ cán bộ trưởng thành từ thực tiễn rèn luyện ở cơ sở. Thông qua việc đưa thanh niên trí thức về những nơi gian khổ để chúng ta thử thách, rèn luyện trí thức trẻ.
Dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã sẽ kết thúc vào tháng 6 này. Nhưng cách đây 2 năm, Bộ Nội vụ cũng đã triển khai một dự án khác là đưa 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi. Hiện tại, 500 người này cũng đang phấn đấu để đóng góp sức trẻ của mình cho đồng bào miền núi, vùng cao. 3 năm nữa, họ lại phải tìm chỗ đứng cho tương lai và cuộc sống.
Trong khi đó, hàng trăm, hàng ngàn sinh viên thuộc diện cử tuyển tốt nghiệp đại học ở các xã nghèo cũng chưa có việc làm. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là khi khung định biên đã đủ, những trí thức trẻ rất khó có cơ hội sau khi làm Phó Chủ tịch xã, dù họ mong muốn tiếp tục ở lại làm việc. Đây là vấn đề thực tế cần được Bộ Nội vụ và chính quyền các địa phương tìm giải pháp hữu hiệu để đảm bảo “đầu ra” cho những trí thức trẻ tham gia dự án; nhằm tạo nguồn nhân lực lâu dài và đội ngũ cán bộ trẻ, có tri thức cho vùng núi, vùng sâu, vùng xa; từ đó mới đáp ứng được yêu cầu đổi mới của từng địa phương và cả nước./.