Đoàn tham gia phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam
09:02 25/03/2014 1673
Công tác tuyên truyền, giáo dục Web.ĐTN: Chiều ngày 24/3, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn đã tổ chức Hội thảo một số vấn đề lý luận về thực tiễn qua 30 năm Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.
Tham dự hội thảo có các nhà nghiên cứu, nhà khoa học; đồng chí Dương Văn An – Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn, Tổ trưởng tổ biên tập một số vấn đề lý luận về thực tiễn qua 30 năm và đại diện các tỉnh, thành Đoàn, gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hưng Yên …
Đ/c Dương Văn An – Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn, Tổ trưởng tổ biên tập phát biểu tại Hội thảo |
Với 30 năm đổi mới, đất nước ta có sự phát triển về nhiều mặt, những thành tựu của công cuộc đổi mới, sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của giới trẻ. Theo báo cáo, phần lớn thanh thiếu nhi có đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, nhu cầu giải trí lành mạnh. Thanh niên ngày nay có xu hướng thích các loại hình nghệ thuật mang tính sôi động, trẻ trung, hiện đại phù hợp với tâm lý cũng như nhịp sống của giới trẻ hiện nay. Nhu cầu thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân gian, cách mạng mang tính hào hùng, khí thế của thời kỳ cách mạng vẫn tồn tại qua thời gian”.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế trong việc tiếp thu một số trào lưu văn hóa không phù hợp với văn hóa Việt Nam, tình hình tệ nạn trong thanh niên ngày càng phức tạp, tỉ lệ tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm; …
Tại Hội thảo lần này, các ý kiến đã tập trung làm rõ một số nội dung cơ bản về thực trạng đời sống văn hóa, đạo đức, lối sống của TTN Việt Nam; kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng và bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh qua 30 năm đổi mới đặc biệt 10 năm đổi mới gần đây; những yếu tố tác động đến nhiệm vụ phát triển văn hóa, phát triển con người Việt Nam trong thời gian tới và giải pháp của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; những đề xuất, kiến nghị với Đảng, Chính phủ và các ngành về việc chăm lo công tác chăm lo thế hệ trẻ Việt Nam.
Theo TS Trần Văn Miều – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục, Môi trường và Phát triển cho rằng ở hội thảo lần trước các ý kiến cho rằng: Đoàn chính phải tự đổi mới mình, đổi mới quan hệ giữa Đoàn với thanh niên và tham gia chăm lo quyền lợi, lợi ích chính đáng của thanh niên
Theo TS Miều, thanh niên tiên tiến và không tiên tiến có lẽ đan xen lẫn nhau, tuy nhiên không tiên tiến như đốm lửa lan ra rất nhanh ảnh hưởng đến các thế hệ thanh niên. Đồng thời TS Miều cũng chỉ ra 5 yếu tố tác động đến thanh niên gây nên sự ô nhiễm và niềm tin của thanh niên. “Nếu bỏ 5 yếu tố đó mà không có chính sách, không kiểm soát được thì Đoàn có tuyên truyền, vận động cũng rất khó thành công” – TS Miều nói.
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh Đỗ Đình Hữu trao đổi với Hội thảo |
Từ thực tiễn cơ sở, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh Đỗ Đình Hữu chia sẻ, để phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam nhất là thể hệ trẻ, đối với Bắc Ninh thời gian qua đã triển khai thực hiện một số nội dung, như: đã tổ chức 15 điểm trường về văn hóa đọc được thông qua các thư viện, giá sách thân thiện, phát động mỗi 01 học sinh mang 01 cuốn sách đến trường. Bên cạnh đó, Tỉnh Đoàn đặt ra chỉ tiêu mỗi đoàn viên thanh niên, thiếu niên hát được ít nhất từ 1-2 bài hát quan họ … qua các hoạt động đã tác động đến phát triển văn hóa trong thanh thiếu nhi rất tốt.
Từ những bài học kinh nghiệm thực tế, đồng chí Đỗ Đình Hữu khẳng định “Thông qua môi trường cụ thể đó có tác dụng giáo dục các bạn trẻ tham gia giữ gìn bản sắc và phát triển văn hóa của dân tộc”.
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Thái Nguyên Lê Ngọc Linh có ý kiến đề nghị, hiện nay các thiết chế dành cho thanh thiếu nhi là rất kém, rất yếu, do đó cần có sự đầu tư các điểm vui chơi và cơ cở vật chất về văn hóa tinh thần dành cho thanh thiếu nhi để qua đó giúp thanh niên tránh xa được các tệ nạn xã hội.
Hội thảo góp ý vào báo cáo dự thảo một số vấn đề lý luận về thực tiễn qua 30 năm Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, nhất là đối với thế hệ trẻ là dịp trao đổi, thảo luận và đưa ra những ý kiến góp ý một cách sâu sắc giúp cho Tổ biên tập có thêm những căn cứ để tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh dự thảo báo cáo trong thời gian sớm nhất.