Đề xuất Chính phủ tiếp tục ban hành đề án tăng cường giáo dục thế hệ trẻ
14:59 11/05/2021 1012
Công tác tuyên truyền, giáo dục Bộ GD-ĐT đề xuất Thủ tướng tiếp tục ban hành đề án tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống văn hóa và khơi dậy khát vọng cống hiến trong thanh niên, học sinh, sinh viên.
Sáng nay (11.5), Bộ GD-ĐT và T.Ư Đoàn phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28.8.2015 của Thủ tướng phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015- 2020”.
Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Bùi Quang Huy.
Giáo dục đạo đức luôn được đặt lên hàng đầu
Tại hội nghị, TS Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết sau 5 năm triển khai Quyết định 1501 đã đạt nhiều kết quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của thế hệ trẻ Việt Nam và xã hội về công tác này; đồng thời vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong giai đoạn tới.
Theo bà Minh, giai đoạn 2021- 2025 tới đây mở ra nhiều cơ hội cũng như khó khăn, thách thức. Bộ GD- ĐT và các bộ, ngành, địa phương xác định, mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện về đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp; trong đó đạo đức luôn được đặt lên hàng đầu.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh báo cáo tại hội nghị. Ảnh: NHẬT NAM |
“Đồng thời, cần nhìn nhận, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng là quá trình lâu dài, thường xuyên, liên tục. Điều này đòi hỏi sự sáng tạo trong tổ chức thực hiện ở địa phương, cơ sở giáo dục và sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và chính quyền, đoàn thể ở địa phương, sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng trong và ngoài trường”, bà Minh nhấn mạnh.
Bà Minh cho biết, để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống văn hóa và khơi dậy khát vọng cống hiến trong thanh niên, học sinh, sinh viên, cần sự chung tay vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và các địa phương.
Vì vậy, Bộ GD-ĐT, cơ quan thường trực của Đề án đề nghị Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với T.Ư Đoàn và các bộ, ngành T.Ư liên quan tiếp tục xây dựng và trình Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: NHẬT NAM |
Quan tâm đến thiết chế văn hóa
Thay mặt Bộ GD- ĐT, bà Minh kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng nhiều giải pháp, trong đó quan tâm, ưu tiên bố trí kinh phí để các địa phương triển khai tăng cường cơ sở vật chất, sân chơi bãi tập, các thiết chế văn hóa phục vụ hoạt động rèn luyện thể dục thể thao, vui chơi giải trí cho thanh thiếu niên, nhi đồng trong trường học và tại nơi cư trú.
Theo bà Minh, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc Quyết định 2164/QĐ-TTg ngày 11.11.2013 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trước mắt tạm dừng việc sáp nhập các cung, nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi với các thiết chế văn hóa có chức năng không tương đồng theo, kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng đồng thuận với báo cáo này và đưa ra nhiều giải pháp, mô hình hay để tăng cường công tác giáo dục cho thế hệ trẻ.
Anh Bùi Quang Huy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VŨ THƠ |
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy bày tỏ thống nhất cao với giải pháp Bộ GD-ĐT đưa ra, trong đó cần tiếp tục ban hành đề án mới, có bổ sung các nội dung về nêu cao hoài bão, khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đặc biệt, anh Huy cũng cho rằng, giáo dục một con người phải bắt đầu từ nhỏ, nên thiết chế giáo dục rất quan trọng.
“Trước đây chúng ta có cung thiếu nhi, nhà thiếu nhi, nhưng hiện nay nhiều nhà thiếu nhi được vào sát nhập vào các bộ phận khác như nhà văn hóa, cung thanh niên... Trong khi mỗi độ tuổi có tâm sinh lý khác nhau, phương pháp tiếp cận khác nhau, cần có thiết chế giáo dục khác nhau. Vì thế, tôi thiết tha đề nghị các địa phương xem cung thiếu nhi, nhà thiếu nhi, là quan trọng trong giáo dục đạo đức, lối sống cho thiếu nhi. Quan điểm sáp nhập là phải tinh gọn hiệu quả, nhưng một số địa phương mới chỉ quan tâm đến tinh gọn mà không quan tâm đến hiệu quả của việc sáp nhập”, anh Huy nói./.
Theo Báo Thanh niên Tweet