Để trí thức trẻ được cống hiến hết mình

16:22 16/10/2015     1628

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Dự án đưa trí thức trẻ về làm Phó chủ tịch xã ở 64 huyện nghèo trong cả nước theo Quyết định số 08/2011/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ được coi là bước đột phá nhằm bổ sung nguồn cán bộ đang thiếu ở các xã thuộc huyện nghèo.
Nhiều trí thức trẻ với nhiệt huyết, tài năng, bản lĩnh của tuổi trẻ, khi đảm nhận cương vị Phó chủ tịch xã đã có đóng góp nhất định, góp phần giúp địa phương xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Hầu hết đạt yêu cầu

Mục tiêu của dự án là tuyển chọn 600 đội viên trí thức trẻ đưa về làm Phó chủ tịch UBND các xã đặc biệt khó khăn, kết quả là có 580 đội viên tham gia, vì 20 xã đã đủ chức danh 2 Phó chủ tịch. Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, sau hơn 3 năm về cơ sở, có 94,09% đội viên đạt yêu cầu, trong đó đội viên xuất sắc chiếm 31,83%. Với tinh thần xung kích tình nguyện, với sức trẻ dấn thân, nỗ lực cố gắng học hỏi, cách tiếp cận phù hợp, “4 cùng” với nhân dân, các đội viên đã có đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

f
Phó chủ tịch xã Bùi Thị Lập xuống bản nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con

Các đội viên đã đề xuất hoặc tham gia những đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội giúp cho địa phương bước đầu có sự thay đổi như giúp bà con thay đổi tập quán chăn nuôi, trồng trọt; tuyên truyền giúp đồng bào nhận ra một số tập tục lạc hậu trong việc cưới xin, lễ hội; giữ gìn vệ sinh môi trường, vận động đồng bào không nuôi nhốt trâu bò dưới gầm sàn...

   Ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè (Lai Châu):

  Huyện Mường Tè có 6 đội viên tham gia dự án. Đây là huyện vùng cao biên giới, đặc biệt khó khăn, các xã rất thiếu nguồn cán bộ qua đào tạo có trình độ đại học. Các trí thức trẻ về làm Phó chủ tịch UBND xã đã phát huy năng lực, học hỏi, nhiệt huyết, sáng tạo xây dựng các mô hình phát triển kinh tế để người dân học theo, được chính quyền ghi nhận. Khi hết thời gian thực hiện dự án, ai có nguyện vọng ở lại cống hiến lâu dài, chính quyền sẵn sàng đề đạt ý kiến với cấp trên để giữ lại, làm cán bộ nguồn tại địa phương. Tuy nhiên, với điều kiện các đội viên này phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 3 năm và 2 năm hoàn thành tốt nhiệm vụ, được chính quyền cơ sở ghi nhận đề nghị giữ lại. Tuy nhiên, 5 năm thực hiện dự án là ngắn để các em đội viên phát huy được năng lực, sở trường của mình. Các em ở miền xuôi lên công tác, năm đầu tiếp nhận công việc và làm quen với địa bàn, các năm tiếp theo trải nghiệm thực tế và xây dựng các mô hình, đến thời điểm phát huy hiệu quả thì kết thúc dự án. Nếu dự án được kéo dài thêm thời gian, thì kết quả công tác của các đội viên sẽ biểu hiện rõ nét, đánh giá rõ ràng hơn.
Nghệ An có 26 đội viên theo dự án về làm Phó chủ tịch ở 26 xã thuộc 3 huyện khó khăn (Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn). Các đội viên phát huy được sức trẻ, tinh thần xung kích đã sớm bắt nhịp, tiếp cận với công việc, thường xuyên chủ động xuống thôn bản, tìm hiểu và nắm tình hình phong tục tập quán, cách thức sản xuất của người dân. Qua đó, đội viên trí thức trẻ đã tích cực tham mưu cho Đảng ủy, HĐND, UBND xã các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Đội viên Hà Minh Tuấn được phân công về làm Phó chủ tịch UBND xã Châu Kim, huyện Quế Phong đã mạnh dạn đề xuất phương án chuyển đổi cây trồng trên quỹ đất trước kia không mang hiệu quả kinh tế. Trên cơ sở đó, UBND xã Châu Kim triển khai thí điểm trồng cây mía nguyên liệu, các loại rau sạch. Ban đầu có 2 gia đình chuyển đổi sang trồng mía với mô hình thí điểm 1,5 ha, đến nay đã được nhân rộng lên 19,5 ha mía giống tạo được thu nhập cao, ổn định. Ngoài ra, mô hình chuyên canh cây rau màu đối với đất bỏ hoang với diện tích nhỏ không liền vùng khoảnh cũng được triển khai. Mô hình chuyên canh bắp cải với quy mô 0,6 ha sau 1 năm thực hiện đã thấy được hiệu quả nên được nhân rộng 10 ha/vụ/năm... Sáng kiến của Hà Minh Tuấn đã được địa phương ghi nhận, Tuấn được bầu vào cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, quy hoạch là Chủ tịch UBND xã Châu Kim.

Tại Lai Châu, đội viên Bùi Thị Lập, Phó chủ tịch xã Bum Nưa, huyện Mường Tè từ miền xuôi lên công tác, thời gian đầu gặp không ít khó khăn về ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào và tính chất cục bộ địa phương... Sau hơn 3 năm, Lập đã giao tiếp thành thạo được với người dân tộc trên địa bàn, phong tục tập quán của bà con cũng biết khá nhiều. “Người dân dần bỏ những hủ tục lạc hậu, vệ sinh nơi ở sạch sẽ, nghe lời cán bộ hướng dẫn”, Lập cho biết. Với những kết quả đạt được, Bùi Thị Lập được chính quyền địa phương quy hoạch chức vụ Phó chủ tịch HĐND xã và được bầu vào cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Các địa phương được thụ hưởng Dự án 600 trí thức trẻ đều ghi nhận những đóng góp của các đội viên. Ông Trần Khánh Thục, Trưởng phòng Đào tạo bồi dưỡng công tác thanh niên, Sở Nội vụ Nghệ An cho rằng: “Dự án 600 trí thức trẻ được triển khai là chủ trương đúng đắn, kịp thời, phù hợp của Đảng và Nhà nước, nhằm tăng cường nhân lực giúp các xã nghèo sớm hoàn thành Chương trình xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ - CP của Chính phủ”.

Băn khoăn khi dự án kết thúc

  Ông Vi Văn Dũng, Phó trưởng Phòng Nội vụ Quế Phong (Nghệ An):

   Huyện Quế Phong có 5 đội viên trí thức trẻ. Các đội viên đã có những đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp người dân phát triển sản xuất và dần bỏ những hủ tục lạc hậu trong hiếu hỉ... Huyện Quế Phong đang băn khoăn sau khi kết thúc dự án sẽ bố trí công việc cho các em như thế nào, vì hiện nay bộ phận con em địa phương học cử tuyển ra rất nhiều vẫn chưa bố trí được việc làm. Tôi thiết nghĩ Trung ương cần có định hướng, hay có cơ chế chính sách đặc thù để tuyển dụng tối đa các trí thức trẻ, vì họ có kinh nghiệm, nhiệt tình, đã qua thử thách, để lực lượng này có điều kiện cống hiến lâu dài ở địa phương đặc biệt khó khăn, tránh lãng phí nguồn nhân lực qua đào tạo và trải nghiệm thực tế.
Mặc dù hầu hết đã hoàn thành nhiệm vụ được giao với kết quả ban đầu được ghi nhận, rất nhiều đội viên vẫn đang băn khoăn khi thời điểm kết thúc Dự án - năm 2016 - đang đến gần. Đội viên Trần Điệp Trùng Dương, quê ở Thừa Thiên - Huế, về xã Quế Sơn (Nghệ An) làm Phó chủ tịch từ năm 2010. Dương có nguyện vọng, sau khi kết thúc dự án sẽ được ở lại địa phương công tác lâu dài, dù ở vị trí nào, làm công việc gì thì bản thân anh sẽ cố gắng để làm tốt nhiệm vụ được giao. Hiện nay, Dương được quy hoạch chức vụ Chủ tịch UBND xã, bầu vào cấp ủy khóa 2015 - 2020, anh cũng đã xây dựng gia đình và sống ổn định tại địa phương.

Tuy nhiên, không phải ai cũng được ổn định tư tưởng như Dương. Nhiều đội viên đã được quy hoạch tiếp tục làm Phó chủ tịch xã, thậm chí quy hoạch giữ chức vụ cao hơn, nhưng vẫn chưa thực sự an tâm vì “cũng chỉ là quy hoạch”. Thực tế, đã có nhiều đội viên được vào cấp ủy, nhưng việc có được bầu tiếp tục làm Phó Chủ tịch xã hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như uy tín của chính đội viên đó, nhu cầu thực tế của địa phương, và cũng không loại trừ yếu tố cục bộ địa phương chỉ muốn người của địa phương mình trở thành cán bộ của chính quyền sở tại.

Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An cho rằng, nếu kết thúc dự án, các em không được bố trí công việc thì quá thiệt thòi. Chính phủ cần có cơ chế chính sách cụ thể, rõ ràng điều kiện được tiếp tục bố trí công việc để các em yên tâm công tác. Nếu đội viên dự án có 3 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc 2 năm hoàn thành tốt nhiệm vụ, mà có nguyện vọng ở lại công tác lâu dài thì phải bố trí công việc hợp lý cho các em.

Đồng ý với quan điểm trên, Ông Nguyễn Minh Tăng, Giám đốc Sở Nội vụ Lai Châu cho rằng, việc quy hoạch các chức vụ như vậy là theo quy trình, một người được quy hoạch nhiều chức vụ và nhiều người quy hoạch vào một chức vụ. Vì vậy, việc các đội viên trí thức trẻ không phải được quy hoạch, hay bầu vào cấp ủy là nghiễm nhiên được ở mãi vị trí cũ, nếu địa phương đó không có nhu cầu thì bố trí ở đâu?! Theo ông Tăng, tư duy dự án không có tầm nhìn lâu dài, vì không tính đến việc để dành vị trí cho đối tượng này sau khi kết thúc dự án. Tâm lý của các tỉnh, do chưa có văn bản chỉ đạo của Trung ương nên cứ chờ dự án kết thúc rồi tính sau. Bộ Nội vụ cần tham mưu với Chính phủ để có chính sách đặc thù, nhằm đảm bảo quyền lợi các đội viên tham gia Dự án 600 trí thức trẻ. Nếu thời gian sắp tới, các đội viên này không được bầu vào Hội đồng nhân dân cấp xã thì rất khó khăn để được tiếp tục ở lại công tác lâu dài.