Đề án tăng cường 600 Phó Chủ tịch xã nghèo: Đã vượt chỉ tiêu dự tuyển

11:30 25/07/2011     473

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên - Bộ Nội vụ cho biết, sau 3 tháng kể từ ngày bắt đầu nhận hồ sơ tuyển chọn (từ tháng 4/2011), Bộ Nội vụ đã nhận được hơn 600 bộ hồ sơ đăng ký, chưa kể hiện nay vẫn tiếp tục nhận được hồ sơ của nhiều trí thức trẻ gửi về với hy vọng được tham gia Dự án. Nguồn ảnh internet
a
Đ/c Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội vụ
Xung quanh Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo, phóng viên có cuộc trao đổi với đồng chí Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên-Bộ Nội vụ, Giám đốc Ban quản lý Dự án.

PV: Thưa
đồng chí, theo Quyết định 1097/QĐ-TTg ngày 8/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, thay vì chỉ tổ chức triển khai thử nghiệm Dự án tại 5 tỉnh, thì nay đến tháng 12/2012 phải tuyển chọn, bồi dưỡng và bố trí đủ 600 trí thức trẻ tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo, đồng chí có thể cho biết lý do?

Đồng chí Vũ Đăng Minh: Ngày 26/1/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 170/QĐ-TTg phê duyệt Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo.

Trong đó, giai đoạn 1 triển khai thí điểm ở 5 tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Nghệ An, Quảng Ngãi và Kon Tum; giai đoạn 2 từ sau năm 2013 đến năm 2020, triển khai tổng thể đối với các xã còn lại thuộc phạm vi dự án. Bộ Nội vụ đã có văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh có huyện nghèo triển khai thực hiện Dự án theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án này đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội bởi tính thiết thực và tính đột phá, thể hiện ở việc Thủ tướng Chính phủ cho phép tuyển chọn những trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học mà chưa phải là cán bộ, công chức, viên chức để giao giữ chức danh Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo nhất của cả nước.

Chỉ trong tháng đầu tiên kể từ ngày có thông báo tuyển chọn đội viên Dự án (từ ngày 25/4/2011 đến ngày 25/5/2011), Bộ Nội vụ đã tiếp nhận được trên 171 hồ sơ của các trí thức trẻ đăng ký tình nguyện tham gia Dự án. Trong đó, hầu hết ở độ tuổi từ 26 đến 29, chủ yếu tốt nghiệp đại học thuộc các chuyên ngành phù hợp với nhu cầu của địa phương như: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, xây dựng, tài nguyên môi trường và tài chính kế toán.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu tăng cường đội ngũ cán bộ cho các huyện nghèo (theo Quyết định số 08/2011/QĐ-TTg ngày 26/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ) và phù hợp với thời gian hoạt động của Hội đồng nhân dân xã nhiệm kỳ 2011-2016, tại Hội nghị triển khai thực hiện Dự án do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 5/5/2011, các tỉnh có huyện nghèo đều thống nhất và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép trong năm 2011-2012 tổ chức tuyển chọn để tăng cường ngay các trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo.

PV: Đồng chí có thể cho biết thêm những căn cứ khác để có Quyết định 1097/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 170/QĐ-TTg?

Đồng chí Vũ Đăng Minh: Thứ nhất, trong quá trình triển khai thực hiện Dự án chúng tôi nhận thấy, để tuyển chọn được một đội viên Dự án phải tốn rất nhiều công sức của nhiều cơ quan như huyện, tỉnh, các tổ chức Đoàn thanh niên ở Trung ương và địa phương, các cơ quan truyền thông đến các Vụ chức năng của Bộ Nội vụ; thực hiện từ khâu tuyên truyền, tiếp nhận hồ sơ đến tổ chức xét duyệt hồ sơ, phỏng vấn trực tiếp các ứng viên để lựa chọn những người đáp ứng đủ tiêu chuẩn và điều kiện tham gia Dự án.

Nếu trong năm 2011 và 2012 chỉ tuyển chọn có 100 đội viên thì vẫn phải tiến hành đầy đủ các bước nêu trên và đến giai đoạn 2 từ năm 2013 trở đi chúng ta lại phải lặp lại quy trình trên thì sẽ rất tốn kém (vì việc tuyển chọn phải thành lập hội đồng gồm đại diện của các sở, ban, ngành liên quan; nếu hội đồng họp chỉ để tuyển chọn một vài người thì sẽ lãng phí thời gian).

Mặt khác, hiện nay có rất nhiều trí thức trẻ đang háo hức đăng ký tham gia Dự án này, nếu để đến 2013 - 2014 mới tuyển chọn thì có nhiều bạn không còn cơ hội tuyển chọn do quá độ tuổi hoặc lỡ dở công việc của cơ quan khác vì khi chờ đợi quá lâu thì các bạn ấy cũng phải tìm việc làm cho mình.

Thứ hai, chính các xã thuộc huyện nghèo có tiêu chuẩn được bổ sung thêm 1 Phó Chủ tịch xã cũng đều mong muốn được tăng cường ngay nguồn nhân lực này giúp các xã phát triển kinh tế - xã hội để sớm thoát nghèo. 

Thứ ba, thực tế cho thấy nếu theo phương án trước đây thì người cuối cùng được bố trí về xã sẽ vào năm 2014. Như vậy, khi Hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2011 - 2016 kết thúc thì những đội viên Dự án này mới làm việc được hơn 2 năm và phải “vắt" qua 2 nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân xã mới đủ thời gian 5 năm công tác ở xã. Khi đó, lại phải tiến hành quy trình để Hội đồng nhân dân khóa mới bầu vào chức danh Phó Chủ tịch xã theo quy định tại khoản 1, Điều 34 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân và đến đây sẽ có nhiều tình huống xảy ra, khó có thể lường hết được.

Xuất phát từ những lý do nêu trên, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh thời gian tuyển chọn, bồi dưỡng và bố trí đội viên Dự án về các xã thuộc huyện nghèo theo nguyên tắc tôn trọng thực tế khách quan.

PV: Đến nay, đã hơn 3 tháng nhận hồ sơ từ các trí thức trẻ, đồng chí có thể cho biết số lượng trí thức trẻ tham gia ở các tỉnh? 

Đồng chí Vũ Đăng Minh: Chúng tôi xin vui mừng thông báo là số hồ sơ Bộ Nội vụ nhận được đã vượt con số 600 và hàng ngày vẫn tiếp tục nhận được hồ sơ của nhiều trí thức trẻ khác gửi về Ban quản lý dự án 600 Phó Chủ tịch xã (thuộc Bộ Nội vụ) để đăng ký tham gia Dự án này.

Hướng thanh niên đến nơi cần người, cần việc

PV: Nếu sau kỳ thi đào tạo tuyển chọn, số trí thức trẻ đáp ứng được yêu cầu của địa phương nào đó vượt qua con số đã đặt ra ban đầu, vậy làm thế nào để tránh tình trạng "dư thừa" nguồn nhân lực trẻ này, thưa đồng chí?

Đồng chí Vũ Đăng Minh: Sau kỳ thi đào tạo tuyển chọn nếu tại một số huyện, xã nghèo đã lấy đủ chỉ tiêu nhưng số lượng trí thức trẻ có đủ năng lực đáp ứng được công việc vẫn còn, chúng tôi sẽ có trách nhiệm hướng dẫn và khuyến khích tinh thần tình nguyện của các bạn đến một số huyện nghèo khác đang thiếu những trí thức trẻ.

Điều đó đồng nghĩa với việc trách nhiệm của chúng tôi là hướng cho các bạn thanh niên của chúng ta đến đúng những nơi đang cần người, cần việc, những cơ sở phù hợp với ngành nghề các bạn đã được đào tạo.

PV: Được biết, vừa qua Bộ đã có nhiều đợt kiểm tra tình hình thực hiện Dự án tại một số tỉnh, vậy đồng chí có thể cho biết tình hình thực hiện tại một số tỉnh nói riêng và tất cả các tỉnh áp dụng Dự án nói chung như thế nào?

Đồng chí Vũ Đăng Minh: Một thực tế qua kiểm tra cho thấy có nhiều đồng chí Chủ tịch UBND xã chưa nắm rõ mục tiêu, nội dung và thẩm quyền, trách nhiệm cũng như quyền lợi của các xã trong việc thực hiện Dự án.

Tuy nhiên, sau khi trao đổi, thảo luận thì Chủ tịch UBND các xã đều nhất trí và ủng hộ chủ trương của Chính phủ về việc tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng (cụ thể là tăng thêm 1 chức danh Phó Chủ tịch UBND xã) về cơ sở phát triển kinh tế - xã hội.

Mặc dù, điều kiện về cơ sở vật chất của các xã thuộc huyện nghèo còn nhiều khó khăn, song các đồng chí Chủ tịch UBND các xã đều khẳng định sẽ cố gắng tạo điều kiện hết sức để các trí thức trẻ được bố trí về làm Phó Chủ tịch UBND xã có nơi ăn, ở như ở nhà dân, ở tại trụ sở UBND xã hoặc nhà công vụ....

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND các xã đều thống nhất quan điểm mạnh dạn giao việc để phát huy năng lực và sức trẻ của các đội viên Dự án nhằm giúp các xã, huyện thoát nghèo và phát triển bền vững; tạo điều kiện thuận lợi để các đội viên Dự án sớm ổn định cuộc sống, hoà nhập và thích nghi với hoàn cảnh, điều kiện, phong tục tập quán của địa phương.

Chủ tịch UBND các huyện nghèo đều có chung đề nghị Sở Nội vụ địa phương quan tâm và tạo điều kiện cho phép sử dụng nguồn trí thức trẻ tại chỗ để bố trí làm Phó Chủ tịch UBND xã trên địa bàn của huyện nếu có nguồn là con em người địa phương.

Nhưng điểm mấu chốt mà các địa phương quan tâm là các trí thức trẻ khi được bố trí về làm Phó Chủ tịch UBND xã phải luôn luôn cố gắng, chịu khó, chịu khổ, sát cánh cùng người dân; tăng cường đi cơ sở để nắm bắt và giải quyết kịp thời các công việc của người dân nhất là đồng bào dân tộc ít người.

PV: Hiện nay, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó, vai trò của các đoàn thể là rất lớn, thanh niên với vai trò xung kích đi đầu trong các hoạt động, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Vậy đồng chí có cho rằng, Dự án này sẽ là "chất xúc tác" cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới không?

Đồng chí Vũ Đăng Minh: Trước hết, chúng tôi cho rằng kết quả của Dự án này sẽ là căn cứ thực tế để khẳng định thêm quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tăng cường trí thức trẻ về tham gia phát triển nông thôn, miền núi.

Mô hình của Dự án là tăng cường đội ngũ trí thức trẻ về các huyện nghèo, đây là nhân tố con người, một nhân tố quan trọng trong việc phát triển nông thôn, miền núi. Thành công của Dự án sẽ góp phần thay đổi diện mạo cho các huyện nghèo ở vùng sâu, vùng xa.

Hiện nay, Vụ Công tác thanh niên cũng được Lãnh đạo Bộ Nội vụ giao xây dựng đề án chính sách thu hút trí thức trẻ về xây dựng nông thôn trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí.