“Đầu tư cho thanh niên là đầu tư cho tương lai của đất nước“

16:04 11/07/2014     1001

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Thành công của chương trình DS-KHHGĐ đã làm cho mức sinh, số lượng và tỷ lệ trẻ em, thanh niên ngày càng giảm. Điều đó mang đến những cơ hội rất lớn cho việc tập trung nâng cao chất lượng dân số, trong đó có thanh niên.
Trong thời gian tới cần phải tăng cường đầu tư hơn nữa đối với thanh niên - lớp chủ nhân tương lai của đất nước - để các em bước vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước với hành trang tri thức, bản lĩnh, khí phách dân tộc Việt vươn tầm thời đại.

Cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở cho thấy, vào thời điểm 1/4/2009 số lượng thanh niên (nhóm dân số trong độ tuổi từ 10 - 24) của nước ta là 23,94 triệu người, chiếm 27,9% tổng dân số. Đến ngày 1/4/2013, Điều tra Biến động Dân số - KHHGĐ cho thấy, nhóm dân số này là 21,21 triệu người, chiếm 23,7% tổng dân số.

Như vậy, sau 4 năm (từ năm 2009 - 2013), nhóm dân số này liên tục giảm cả về quy mô lẫn tỷ trọng trong tổng dân số. Trong 4 năm qua, trung bình nhóm dân số này giảm 1,05 điểm phần trăm/năm, tương ứng giảm hơn nửa triệu thanh niên/năm.

Dự báo của Tổng cục Thống kê cho biết, đến năm 2049, nước ta sẽ có khoảng 19,1 triệu thanh niên, chiếm 17,6% tổng dân số. Xu hướng này của Việt Nam cũng nằm trong xu hướng chung của thế giới.
d
ảnh minh họa

Thành công trong chương trình DS-KHHGĐ nước ta từ hàng thập kỷ trước đã làm cho mức sinh giảm đi nhanh chóng và tuổi thọ của người dân ngày một tăng lên.

Giờ đây là cơ hội rất lớn cho chúng ta tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng cuộc sống, con người, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là việc quan tâm, đầu tư cho lực lượng thanh niên - thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.

Chăm lo sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình

Một điều đáng chú ý là thanh niên ngày càng kết hôn muộn nhưng tuổi trưởng thành và tuổi quan hệ tình dục lần đầu của thanh niên lại “trẻ hơn”. Điều tra 1/4/2013, cho thấy tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam là 26,4 (thành thị: 27,7; nông thôn: 25,8) và nữ là 22,5 (thành thị: 24,1; nông thôn: 21,8).

Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam năm 2009 cho thấy, tuổi nữ có “nguyệt san” trung bình lần đầu là 14,21 và mộng tinh/xuất tinh lần đầu ở nam giới là 15,61 tuổi. Tuổi trung bình quan hệ tình dục lần đầu của thanh niên của nam là 18,2 và nữ là 18.

Điều này cho thấy xu thế chấp nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân đang nổi lên ở giới trẻ. Sống chung, sống thử ở thanh niên đang nổi lên như là một hiện tượng trong các trường đại học, các khu công nghiệp, kèm theo đó là những hệ lụy khó lường.

Điều đó đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các nhà quản lý, giáo dục và gia đình các em trong việc trang bị những kiến thức, kỹ năng và các biện pháp về tình dục an toàn.

Giáo dục sức khỏe, giáo dục tình dục không còn được coi là vấn đề nhạy cảm hay “vẽ đường cho hươu chạy” mà đang thực sự là vấn đề cấp thiết của xã hội đối với giới trẻ. “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” là một trong những mô hình mà Tổng cục DS-KHHGĐ đã và đang triển khai hiệu quả tại các địa phương.

Mô hình đã cung cấp những thông tin, kiến thức chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho các vị thành niên, thanh niên. Tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, một số đồng bào dân tộc, Tổng cục đã triển khai mô hình can thiệp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đề án sàng lọc và chẩn đoán bệnh tan máu bẩm sinh… từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống đồng bào.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu


Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” với lực lượng lao động dồi dào. Để có thể tận dụng được cơ hội này cho hội nhập, phát triển, đi tắt đón đầu, trước hết chúng ta cần xây dựng một lực lượng lao động thực sự “vàng” về chất lượng mà điều đầu tiên cần bắt đầu từ giáo dục và đào tạo.

Các số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ biết chữ của dân số 15+ tuổi nước ta luôn ở thứ hạng cao trên thế giới. Tuy nhiên, theo Điều tra 1/4/2013, tỷ lệ đi học chung của cả nước ở cấp trung học phổ thông chỉ có 70,1%, tức có tới 30% các em không tới trường trung học phổ thông.

Tỷ lệ này còn rất khác biệt giữa các vùng, đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long, chỉ có 55,8% các em đến trường, tức có tới 44,2% các em không đến trường trung học phổ thông. Khu vực có tỷ lệ đi học chung cao nhất là đồng bằng sông Hồng (85,2%) thì cũng có tới 14,8% các em không đến trường trung học phổ thông.

Tại bậc học cao đẳng và đại học, tỷ lệ đi học chung chỉ chiếm 29,9%. Một số vùng như Tây Nguyên chỉ có 10,2%, Trung du và miền núi phía Bắc là 13%.

Điều này cho thấy một sự thật rất đáng báo động về giáo dục tại nước ta. Đó là chúng ta mới chỉ nói về tỷ lệ đến trường mà chưa bàn về chất lượng của giáo dục đào tạo, cơ cấu ngành nghề đào tạo có phù hợp với nhu cầu xã hội hay không?

Thực trạng này đặt ra nhu cầu thiết thực cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho giáo dục đào tạo, đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ; xây dựng các chương trình khuyến khích tạo việc làm trong cả nước.

Vì mùa xuân của đất nước

Những khó khăn, thách thức hiện nay của giới trẻ, của thanh niên không chỉ là chăm lo sức khỏe, giáo dục đào tạo mà còn cả lao động việc làm, xây dựng kỹ năng sống, biết ước mơ, hoài bão phụng sự Tổ quốc và biết trân quý những giá trị nền tảng đạo đức văn hóa dân tộc.

Nhà nước cần tiếp tục quan tâm đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho thanh niên về giáo dục đào tạo, y tế dân số nhằm trang bị, nâng cao kiến thức, nâng cao sức khỏe, kỹ năng sống cho các em.

Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động truyền thông vận động chuyển đổi hành vi nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Tăng cường các chương trình xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, đảm bảo các quyền của thanh niên đặc biệt là nữ thanh niên để các em được học tập, vui chơi và lao động đúng tuổi. Điều đó đòi hỏi sự chung tay góp sức của cả cộng đồng xã hội, các gia đình và cá nhân mỗi thanh niên.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm và tình cảm đặc biệt đối với thanh niên. Người dạy: “Thanh niên là chủ tương lai của nước nhà”. Người ví tuổi thanh niên là mùa xuân của xã hội: “Mỗi năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.

Trước lúc đi xa, trong Di chúc Người viết: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Thực hiện những lời di huấn của Người, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo giáo dục cho đội ngũ thanh niên. Chiến lược Phát triển Thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã khẳng định: Bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người, nhằm mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chiến lược Dân số-SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020 cũng đặt ra các chỉ tiêu cải thiện sức khỏe sinh sản cho người chưa thành niên và thanh niên. Chiến lược Phát triển Giáo dục 2011-2020 nhất quán quan điểm: Phát triển giáo dục phải thực sự là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.

Đại hội XI của Đảng đã nhấn mạnh phải: “Khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại. Hình thành lớp thanh niên ưu tú trên mọi lĩnh vực, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”.

Thực vậy, thanh niên Việt Nam ngày nay vẫn tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng mà các thế hệ cha anh đi trước đã hun đúc; giữ gìn truyền thống văn hóa, văn hiến, tinh thần đoàn kết dân tộc, thái độ và ý thức chính trị rõ ràng đối với vận mệnh của đất nước, dân tộc, cùng nhau tôi luyện ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao trí tuệ, không cam chịu nghèo nàn lạc hậu vì sự phồn vinh của đất nước, sự trường tồn của dân tộc.