Đại thắng mùa Xuân năm 1975 – Bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

08:21 30/04/2022     1593

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang vàng chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam;

mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; để lại bài học quý báu về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc (ĐĐKDT), có giá trị lý luận, thực tiễn và tính thời sự sâu sắc đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Khu vực Dinh độc lâp 40/4/1975. Ảnh tư liệu

 

NHỮNG BÀI HỌC QUÝ BÁU

Một là, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, nhạy bén, kịp thời của Đảng là nhân tố quyết định phát huy sức mạnh ĐĐKDT cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975Thắng lợi vang dội của các hướng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam tạo bước ngoặt căn bản về tương quan so sánh giữa lực lượng giữa ta và địch; ta giành thế chủ động tiến công chiến lược, nhất là sau thắng lợi Chiến dịch Tây Nguyên đã xuất hiện nhân tố mới, trực tiếp làm xoay chuyển cục diện chiến trường, đưa chiến tranh cách mạng ở miền Nam phát triển nhảy vọt. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch giải phóng miền Nam từ hai năm (1975 - 1976) lúc đầu, sang kế hoạch rút xuống còn một năm, rồi quyết định kết thúc trước mùa mưa, tốt nhất là trong tháng 4/1975; đồng thời, tổ chức các đòn tiến công chiến lược vào những địa bàn, mục tiêu chiến lược của địch, tạo thời cơ chín muồi cho ta mở trận quyết chiến chiến lược tại Sài Gòn - Gia Định bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh. Những quyết sách đóđã trở thành ngọn cờ hiệu triệu toàn dân, toàn quân phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, tạo “sự đồng tâm của đồng bào đúc thành bức tường đồng xung quanh Tổ quốc” tiến hành tổng tiến công và nổi dậy trên toàn chiến trường miền Nam, đánh tan ngụy quân, xóa bỏ ngụy quyền, giải phóng, thống nhất đất nước; với khí thế thần tốc, táo bạo, bất ngờ, một ngày bằng hai mươi năm… xốc tới mặt trận quyết chiến, quyết thắng, v.v.. 

 

Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu

Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu

 

Hai là, phát huy vai trò của mặt trận đoàn kết trong vận động, tập hợp lực lượng, tạo cơ sở vững chắc cho củng cố và tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Tuy khác nhau về tên gọi, nhưng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở miền Bắc và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đều đặt dước sự lãnh đạo của Đảng và có chung mục đích tập hợp, đoàn kết, huy động mọi nguồn lực từ các tầng lớp nhân dân, thực hiện “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”,vì mục tiêu toàn thắng, thống nhất đất nước. Mặt trận đã tập hợp rộng rãi các tầng lớp, giai cấp, tôn giáo, dân tộc, các nhân sĩ, trí thức yêu nước và tiến bộ, không phân biệt tuổi tác, giới tính…ở hai miền, đồng tâm, hợp lực vượt qua mọi khó khăn giankhổ, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. Đồng thời, khai thác những nội dung tương đồng về mục tiêu hoạt động củatổ chức Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam để mở rộng khối ĐĐKDT. Qua đó, tuyên truyền, bảo vệ cuộc đấu tranh chính nghĩa và lập trường hòa bình của nhân dân Việt Nam; vạch trần tính chất phi nghĩa, phản động của cuộc chiến tranh do Mỹ - ngụy gây ra; tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới… nhằm cổ vũ phong trào đấu tranh cách mạng và phát huy sức mạnh ĐĐKDT cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Ba là, vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp tiến hành công tác vận động quần chúng để phát huy sức mạnh ĐĐKDT cho tổng tiến công và nổi dậy.Trung ương Cục, Quân ủy Miền đã chủ động, sáng tạo xây dựng các giải pháp, nội dung, mục tiêu công tác vận động quần chúng phù hợp với điều kiện thực tiễn của các vùng miền, địa phương và đặc điểm của công nhân, nông dân, nhân sĩ, trí thức, thanh niên, học sinh, sinh viên, thân nhân binh sĩ…; được tiến hành bằng nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt, như: Công vận, nông vận, thanh vận, phụ vận… với mục tiêu đòi chấm dứt chiến tranh, giải tán ngụy quân, giải thể ngụy quyền; nhằm quy tụ và phát huy sức mạnh ĐĐKDT. Hiệu quả công tác vận động quần chúng và những thắng lợi vang dội từ chiến trường góp phần phát huy cao độ khí thế, tinh thần cách mạng tiến công của quân và dân ta; đồng thời, đánh sập ý chí chiến đấu, sức phản kháng của địch, đẩy ngụy quyền Sài Gòn vào tình thế lúng túng, bị động, hoang mang tột độ; tạo thời cơ lớn để tiến hành tổng công kích - tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Qua đó, cổ vũ động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước củng cố niềm tin tất thắng vào sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, vào thành công của tổng tiến công và nổi dậy; thể hiện sự thống nhất “ý Đảng - lòng Dân”, “trên dưới đồng lòng” kết thành sức mạnh vô song của khối ĐĐKDT.

Bốn là, kết hợp công tác vận động quần chúng với công tác binh vận và đấu tranh với sự chống phá của kẻ thù để củng cố, phát huy sức mạnh ĐĐKDT. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương Cục đã kịp thời chỉ đạo các tổ chức, lực lượng trên toàn miền Nam quán triệt, nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của kết hợp công tác vận động quần chúng với công tác binh vận; coi công tác vận động quần chúng, binh vận là một trong những mũi tấn công quan trọng, “thắng địch bằng công tác binh vận cũng quan trọng như thắng địch bằng tác chiến”. Triển khai quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, thực hiện nghiêm 10 chính sách của Chính phủ Cách mạng lâm thời và Chỉ thị số 218-CT/TW ngày 18/4/1975 của Ban Bí thư về chính sách đối với tù, hàng binh trong tình hình mới, nhất là đối với binh sĩ khởi nghĩa, binh sĩ giác ngộ trở về với cách mạng và tù binh(1), v.v.. Huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia vận động, giác ngộ, cảm hóa binh lính, nhân viên, các phe phái trong nội bộ ngụy quân, ngụy quyền trở về với gia đình, với cách mạng; chú trọng vận động binh sĩ rã ngũ tập thể, buông súng, từ chối chấp hành nhiệm vụ, phản chiến, khởi nghĩa, chủ động từ bỏ hàng ngũ địch sang hàng ngũ cách mạng, v.v.. Đồng thời, đấu tranh, trừng trị, cô lập những kẻ ngoan cố, chống đối và những luận điệu xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của cách mạng; vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn thổi phồng vấn đề “dân tị nạn”, “cuộc tắm máu”, cổ vũ tư tưởng “tử thủ”, kích động hận thù giai cấp, dân tộc của Mỹ - ngụy, nhằm nói xấu cách mạng và tạo cớ cho Mỹ tiếp tục can thiệp vào miền Nam. Hiệu quả của sự kết hợp đó đã “làm tan rã lực lượng lớn quân địch, buộc ngụy quyền Sài Gòn phải đầu hàng không điều kiện, giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định, đưa chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại đến toàn thắng”(2), hạn chế hy sinh, đổ máu, Sài Gòn và các đô thị của miền Nam hầu như nguyên vẹn.

GIÁ TRỊ LÝ LUẬN, THỰC TIỄN VÀ TÍNH THỜI SỰ SÂU SẮC

Quán triệt, vận dụng bài học phát huy sức mạnh ĐĐKDT của Đảng trong Đại thắng mùa Xuân 1975 vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với phát huy sức mạnh ĐĐKDT.Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hoá, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(3), nhằm khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là ngọn cờ quy tụ, sự quản lý của Nhà nước là phương thức bảo đảm để ĐĐKDT thực sự là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể xã hội và các tầng lớp nhân dân trong quán triệt, thể chế hóa, cụ thể hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng và xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát huy sức mạnh ĐĐKDT. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo toàn dân đoàn kết, chung tay cùng hệ thống chính quyền các cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. 

 

Bộ đội ta tấn công sân bay . Ảnh tư liệu

Bộ đội ta tấn công sân bay . Ảnh tư liệu

 

Thứ hai, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong củng cố, tăng cường sức mạnh ĐĐKDT, đáp ứng sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặt trận Tổ quốc cần “phát huy ngày càng tốt hơn vai trò chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội; làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị”(4).Tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng vững mạnh về “chính trị, tư tưởng, đạo đức tổ chức và cán bộ”, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”; thực hành dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các chương trình mục tiêu quốc gia… do Đảng, Nhà nước phát động. Mặt trận Tổ quốc đã kịp thời cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo, lời kêu gọi của Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước thành phong trào, chương trình hành động thiết thực; huy động hàng chục tấn trang thiết bị, vật tư y tế, hàng chục triệu liều vaccine, hàng nghìn tỷ đồng… để triển khai các biện pháp bảo hộ công dân bằng những chuyến bay giải cứu đồng bào tại các tâm dịch, vùng chiến sự và thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống, thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả, từng bước bình thường hóa dịch bệnh COVID-19, nhằm hạn chế sự tác động của dịch bệnh và xung đột vũ trang xảy ra ở một số nước trên thế giới, bảo vệ quyền lợi, tính mạng và tài sản của nhân dân.

Thứ ba, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức tiến công tác vận động quần chúng và khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cần “tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, vận động đông đảo nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước…góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước”(5), nhằm tạo sự nhất trí, đồng thuận về chính trị tinh thần rộng rãi trong nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Theo đó, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược do Đại hội XIII xác định; các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, cuộc vận động, phong trào thi đua của Đảng, Nhà nước phát động… nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Những tấm gương cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành Y, lực lượng vũ trang và đội ngũ tình nguyện viên, cùng sự ủng hộ vật chất, tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, kiều bào trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 là biểu hiện sinh động nhất về hiệu quả đổi mới nội dung, phương thức phát huy sức mạnh khối ĐĐKDT của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể thành viên hiện nay.

Thứ tư, kết hợp chặt chẽ công tác vận động quần chúng với công tác đối ngoại và đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chia rẽ khối ĐĐKDT của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trịỦy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên các cấp cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, bạn bè quốc tế nhận thức sâu sắc hơn, đồng thuận hơn về chủ trương, đường lối “đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”(6) của Đảng. Triển khai hiệu quả nội dung đối ngoại nhân dân, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, góp phần huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Đồng thời, tích cực chủ động, kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng các vấn đề: “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”; những hạn chế, yếu kém trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội, trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và dịch bệnh COVID-19… để xuyên tạc, chống phá và chia rẽ khối ĐĐKDT.

 

Kỷ niệm 47 năm Đại thắng mùa xuân năm 1975 là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ôn lại quá khứ đấu tranh hào hùng của quân và dân ta; tưởng nhớ, tri ân chiến sĩ, đồng bào anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước và rút ra những bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh ĐĐKDT của Đảng. Quán triệt, vận dụng bài học đó trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là trách nhiệm, tình cảm, niềm tin, niềm tự hào của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, chung sức, đồng lòng thực hiện khát vọng xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

 

Đại tá, TS. Thái Doãn Tước 
Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
Trung tá, ThS. Thái Doãn Hùng
Trường Sĩ quan Pháo binh

----------------

GHI CHÚ:

(1) (2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2004, t.36, tr.122, 173.

(3) (4) (5) (6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr. 192, 70, 70, 101.

 

 

theo tạp chí Tuyên giáo