"Đại học không phải con đường duy nhất để lập nghiệp"

07:39 29/08/2014     2349

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Web.ĐTN: Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Trung ương Đoàn cùng đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội tại buổi giao lưu trực tuyến "Tư vấn hướng nghiệp và dạy nghề cho thanh niên".
Chiều 28/8, Ban điều hành Đề án Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015 (Đề án 103), Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp với Báo Thanh Niên tổ chức Chương trình giao lưu trực tuyến "Tư vấn hướng nghiệp và dạy nghề cho thanh niên" tại hai đầu cầu Hà Nội và TP HCM.
Tặng hoa khách mời tham dự chương trình giao lưu trực tuyến
Tặng hoa khách mời tham dự chương trình giao lưu trực tuyến


Tham gia buổi giao lưu trực tuyến có đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Trung ương Đoàn, đồng chí Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Phạm Văn Tiến - Phó vụ trưởng Vụ Học sinh - sinh viên, Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội; đồng chí Ngọ Văn Khuyến - Phó trưởng Ban thanh niên Công nhân và đô thị, T.Ư Đoàn: đồng chí Nguyễn Tri Quang - Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP HCM.

Trong những năm gần đây, tình trạng "thừa thầy thiếu thợ", sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm đã trở nên đáng báo động. Điều này không chỉ cho thấy những vấn đề trong chất lượng đào tạo đại học, công tác dự báo, quy hoạch và điều hành vĩ mô để đảm bảo cân đối trong cơ cấu trình độ đào tạo, mà còn cho thấy tình trạng nặng nề chuyện bằng cấp, chưa nhận thức đúng đắn về trình độ, khả năng, sở thích và điều kiện của bản thân mỗi thanh niên trong việc lựa chọn con đường lập nghiệp. Vì thế, Đề án 103 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2008 - 2015 với 4 mục tiêu: truyền thông nâng cao nhận thức của thanh niên về nghề nghiệp, việc làm; tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp; xây dựng 10 trung tâm tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm kiểu mẫu cho thanh niên; giám sát các chủ trương, chính sách về dạy nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên.

Sau 3 năm đầu triển khai Đề án 103, việc truyền thông nâng cao nhận thức của thanh niên về nghề nghiệp, việc làm đã được thực hiện tốt, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Và từ năm 2013, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tăng cường các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp nhằm trang bị cho thanh niên những kiến thức, hiểu biết, thông tin cần thiết nhất để có thể lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp đã được triển khai rộng khắp ở tất cả các vùng miền, các trường THPT trên cả nước, qua các phương tiện truyền thông, báo chí và được lồng ghép trong các chương trình, hoạt động của Đoàn - Hội.

Phát biểu tại buổi giao lưu, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Trung ương Đoàn cho biết, thực tế trong những năm qua cho thấy, đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp. Kinh nghiệm của các nước đi trước cũng cho thấy điều này. Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức của xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ, trong vấn đề này không phải là việc có thể "ngày một ngày hai", cần sự chung tay của toàn xã hội.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại buổi giao lưu
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại buổi giao lưu


Ông Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho rằng, tình trạng cử nhân thất nghiệp ngày càng gia tăng cho thấy thực tế sinh viên cần bằng cấp hơn là năng lực thực sự. Thực chất, học CĐ, ĐH để làm việc chứ không chỉ học để lấy kiến thức và để được tuyển dụng thì người học phải có năng lực làm việc. Vì vậy, có bằng ĐH không có nghĩa là đương nhiên phải có việc làm mà đòi hỏi bản thân mỗi sinh viên phải rèn luyện nhiều kỹ năng khác như: kỹ năng tìm kiếm việc làm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng giải quyết vấn đề... đặc biệt là phải có năng lực thực hành. Việc học thêm các kỹ năng này là cần thiết và có thể học ở bất cứ cơ sở đào tạo nghề nào để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.

Ông Nguyễn Tri Quang - Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM cũng khẳng định, Đại học không phải là con đường duy nhất để bước vào đời. Hiện nay có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH nhưng không có việc làm, trong khi có rất nhiều người đã thành công sau khi học nghề. Việc lựa chọn học nghề hợp lý, phù hợp với năng lực, trình độ và điều kiện của bản thân sẽ giúp các bạn trẻ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm. Sau khi đi làm, nếu thấy có nhu cầu và khả năng học cao hơn thì mỗi bạn trẻ hoàn toàn có cơ hội để học đại học và cao hơn nữa để có cơ hội làm việc tốt hơn, thăng tiến trong sự nghiệp.

Hơn nữa, theo đồng chí Ngọ Văn Khuyến - Phó trưởng Ban thanh niên Công nhân và đô thị, T.Ư Đoàn, hiện nay, có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho thanh niên học nghề và khởi nghiệp, như đề án Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015 (đề án 103), đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, chương trình cho vay vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia việc làm (vốn 120)... Tại một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM còn có nguồn quỹ hỗ trợ vay vốn cho thanh niên khởi nghiệp.
Các vị khách mời trả lời câu hỏi giao lưu của độc giả
Các vị khách mời trả lời câu hỏi giao lưu của độc giả




Diễn ra trong khoảng thời gian 120 phút, các khách mời đã giải đáp nhiều băn khoăn, thắc mắc của học sinh, sinh viên nói riêng và thanh niên nói chung về việc lựa chọn nghề nghiệp, ngành nghề đào tạo, cơ sở đào tạo, nhu cầu việc làm của mỗi ngành nghề...  trước ngưỡng cửa chọn nghề để lập nghiệp. Các vị khách mời cũng tư vấn, giúp cộng đồng nhìn nhận đúng về giá trị bằng cấp, vị trí nghề nghiệp trong bối cảnh hiện nay.