Công tác thi đua, khen thưởng đạt nhiều kết quả thiết thực
13:08 07/12/2015 1208
Công tác tuyên truyền, giáo dục Phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm (2011-2015) đạt được nhiều kết quả thiết thực. Từ thực tiễn triển khai phong trào, Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm (2011-2015), phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn (2016-2020) đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm lớn.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trình bày Báo cáo tổng kết phong trào thi đua |
Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm (2011-2015), phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương trình bày tại Đại hội khẳng định, từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII đến nay, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các chủ trương, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng ngày càng được hoàn thiện.
Phong trào thi đua đổi mới, thiết thực, hiệu quả
Các phong trào thi đua yêu nước có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, thiết thực và hiệu quả hơn. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã chủ động và phối hợp tổ chức các phong trào thi đua, bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, được đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia hưởng ứng.
Trong lĩnh vực kinh tế, thi đua đã góp phần tích cực vào giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý. Phong trào thi đua trong lĩnh vực văn hóa, xã hội đã thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tiếp tục cải thiện đời sống nhân dân. Phong trào thi đua trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tư pháp và đối ngoại đạt nhiều kết quả, góp phần quan trọng trong việc giữ vững chủ quyền quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đã góp phần quan trọng vào tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” tạo động lực mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, được người dân đồng tình hưởng ứng, trở thành phong trào thi đua trọng tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015, huy động được cả hệ thống chính trị tham gia, tạo bước chuyển biến trong các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương.
Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến được quan tâm chỉ đạo và có nhiều chuyển biến rõ nét.
Công tác khen thưởng đã có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu, suất sắc. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đã chủ động khen thưởng kịp thời các trường hợp có thành tích đột xuất, người lao động trực tiếp lao động, sản xuất, công tác… Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể để phát hiện, quan tâm, đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước cho người lao động, cá nhân, tập thể ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo… Việc phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và khen thưởng kháng chiến được tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả tốt.
Những bài học kinh nghiệm
Từ thực tiễn triển khai phong trào, công tác này, Báo cáo đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm lớn.
Theo đó, thứ nhất là công tác thi đua, khen thưởng phải thường xuyên được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, có sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tổ chức, vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớn nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Phải kiên trì và thực hiện tốt phương châm “cả hệ thống chính trị làm công tác thi đua, khen thưởng”.
Thứ hai, việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước phải gắn với lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cơ quan, đơn vị, địa phương, tạo động lực và sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện. Các phong trào thi đua phải có chủ đề, nội dung tiêu chí cụ thể, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi cơ quan, đơn vị.
Thứ ba, trong công tác thi đua, khen thưởng phải luôn coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nội dung thiết thực, bám sát thực tiễn. Phải huy động được sức mạnh tổng hợp của các cơ quan tuyên truyền, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia tích cực công tác tuyên truyền, giáo dục, cổ động phong trào thi đua và thực hiện chính sách pháp luật về khen thưởng; gắn công tác tuyên truyền với nêu gương, giao lưu, trao đổi, học tập, nhân điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực của đời sống.
Thứ tư, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua nhằm đánh giá đúng hiệu quả của phong trào, rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, phát triển nhân tố mới, cách làm hay để nhân rộng. Thực hiện công khai, dân chủ trong bình xét thi đua, tạo mối quan hệ biện chứng giữa thi đua và khen thưởng để thi đua thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, là cơ sở để thực hiện công tác khen thưởng. Khen thưởng phải chính xác, công khai, công bằng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu “động viên, giáo dục, nêu gương” trong quần chúng nhân dân.
Thứ năm, luôn quan tâm tới việc hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng vì đây là đội ngũ trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác thi đua, khen thưởng.
Quang cảnh Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IX |
Thi đua khen thưởng nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết
Mục tiêu công tác thi đua-khen thưởng giai đoạn 2016-2020 được xác định là: Phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng phải phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị vào việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phong trào thi đua phải trở thành động lực to lớn, góp phần phát triển kinh tế nhanh, bền vững, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ gìn hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Một số chỉ tiêu chủ yếu được xác định là: Hằng năm 100% bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức phát động và ký giao ước thi đua; 100% các phong trào thi đua xây dựng được tiêu chí cụ thể, thiết thực.
Về tỉ lệ khen thưởng cho người lao động trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu: Đối với hình thức khen thưởng cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương đạt 60% trở lên. Đối với hình thức khen thưởng từ Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trở lên đạt 20% trở lên. Kết quả thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đến năm 2020 có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Những giải pháp cụ thể được đề ra là: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thi đua, khen thưởng; đổi mới việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, nhân điển hình tiên tiến; nâng cao chất lượng công tác khen thưởng; nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng và vai trò tham mưu của cơ quan chuyên trách công tác thi đua, khen thưởng các cấp.