Công đoàn CQ Trung ương Đoàn: Tọa đàm triển khai phong trào “Ba trách nhiệm” trong CBCCVC, người lao động cơ quan

15:39 03/03/2015     1533

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Web.ĐTN: Sáng ngày 3/3, tại Hà Nội, Ban Thường vụ Công đoàn cơ quan Trung ương Đoàn đã tổ chức Tọa đàm triển khai phong trào “Ba trách nhiệm” trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan năm 2015.
Đến dự buổi Tọa đàm có đồng chí Đào Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam; cùng đông đảo các đồng chí là cán bộ Công đoàn cơ sở và Công đoàn trực thuộc Công đoàn cơ quan Trung ương Đoàn.

a
a

Sinh thời lãnh đạo toàn dân kháng chiến, kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã bàn về trách nhiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: đó là tích cực tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao. Đối với công việc của Đảng, Nhà nước và cấp trên giao, bất kỳ việc to hay nhỏ, khó hay dễ, cán bộ đảng viên phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi, đến chốn để đạt kết quả cao nhất. 

Theo Người, nêu cao tinh thần trách nhiệm cũng có nghĩa là phải ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, mọi vị trí công tác. Đề cập đến trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, theo tư tưởng của Hồ Chí Minh là: “Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc phục vụ nhân dân”.

Đối với phong trào “Ba trách nhiệm” đã được BCH Trung ương Đoàn phát động triển khai thực hiện từ năm 2009 trong đối tượng thanh niên công nhân viên chức. Ngày 21/10/2013, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã ban hành Hướng dẫn số 26 về triển khai phong trào “Ba trách nhiệm” trong thanh niên công chức, viên chức, bao gồm: Trách nhiệm với bản thân; Trách nhiệm với công việc và Trách nhiệm với cộng đồng. 

Tại buổi Tọa đàm, đã có 12 ý kiến đại diện cho các Công đoàn cơ sở và Công đoàn trực thuộc trao đổi, chia sẻ những cách làm hay, những sáng tạo trong triển khai thực hiện phong trào “Ba trách nhiệm” thời gian qua, cũng như đề xuất các giải pháp, kiến nghị trong quá trình thực hiện phong trào trong thời gian tiếp theo.

Đại biểu Đào Quang Dũng – Công đoàn Văn phòng khu vực phía Nam cho rằng, “Ba trách nhiệm” đối với cán bộ, công chức trẻ, Trách nhiệm với bản thân, đó là thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 01 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn; Trách nhiệm với công việc là có những sáng kiến, những cải tiến và nâng cao được chất lượng công việc nơi chính mình đang làm. Bên cạnh đó, trách nhiệm với cộng đồng chính là tham gia xây dựng môi trường làm việc thân thiện, cởi mở và gắn với các hoạt động an sinh xã hội.

Nói về “Ba trách nhiệm”, đại biểu Nguyễn Văn Tuấn – Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn đã đề cập đến “Ba trách nhiệm” ở tại đơn vị công tác, đó là: trách nhiệm với đồng nghiệp, cấp dưới và khách đến liên hệ công tác; trách nhiệm với công việc và trách nhiệm với bản thân. Đại biểu Tuấn cho rằng, “Ba trách nhiệm” không chỉ riêng những người trẻ tuổi mà là nhiệm vụ của cả hệ thống các phòng, ban, các lứa tuổi trong một đơn vị cũng cần phải thực hiện. 

Với đại biểu Nguyễn Thị Thu Hiền – Ban Thanh niên Công nhân và Đô thị Trung ương Đoàn chia sẻ, thực tế phong trào “Ba trách nhiệm” được triển khai tại cơ quan Trung ương Đoàn đã đạt được một số kết quả trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh công sở, tinh thần trách nhiệm với công việc, tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau cũng như trách nhiệm tham gia hỗ trợ các hoạt động cộng đồng … 

Tuy nhiên để “Ba trách nhiệm” đạt hiệu quả hơn nữa, theo đại biểu Thu Hiền cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, tăng cường chia sẻ các mô hình, cách làm hay tại các ban, đơn vị để biểu dương, nhân rộng, đồng thời tuyên dương, khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt phong trào.

a
Chủ tịch Công đoàn cơ quan Trung ương Đoàn Trần Thị Bích Ngọc tóm lược các ý kiến trao đổi tại buổi Tọa đàm

Cũng tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã cùng thống nhất trong thời gian tới để thực hiện tốt hơn nữa phong trào “Ba trách nhiệm” trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cơ quan thì cần có hướng dẫn tiêu chí cụ thể đối với từng đơn vị và mỗi cá nhân có những giải pháp hiệu quả để thực hiện. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền phong trào “Ba trách nhiệm” nhằm nâng cao nhận thức của lãnh đạo, cá nhân gắn với thực hiện phong trào thi đua “Ba trách nhiệm” với các đợt thi đua khác tại đơn vị. Có biện pháp kiểm tra, đánh giá thường xuyên như: bình xét công chức tiêu biểu quý (khối phong trào), bình xét xếp loại thi đua đối với các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp … gắn với hoạt động suy tôn, tuyên dương điển hình tiêu biểu; Công đoàn luôn chủ động tham mưu với lãnh đạo sơ kết, tổng kết phong trào, có hình thức khen thưởng kịp thời động viên cán bộ, công chức thực hiện tốt phong trào và xác định kết quả thực hiện phong trào thi đua “Ba trách nhiệm” là một trong những tiêu chí để phân loại và xếp loại thi đua hàng năm của đơn vị, cơ quan.

Phong trào “Ba trách nhiệm” là dịp tạo môi trường để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phấn đấu, rèn luyện; phát huy vai trò, trách nhiệm trong triển khai nhiệm vụ chuyên môn, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Trung ương Đoàn ngày càng năng động, sáng tạo, giỏi chuyên môn và có bản lĩnh chính trị vững vàng.