Công đoàn cơ quan Trung ương Đoàn tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
12:56 14/03/2013 6406
Công tác tuyên truyền, giáo dục Web.ĐTN: Sáng 13/3, Ban Thường vụ cơ quan Trung ương Đoàn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đối với toàn thể cán bộ chủ chốt Công đoàn cơ quan Trung ương Đoàn.
Đ/c Trần Thị Bích Ngọc- Chủ tịch Công đoàn cơ quan phát biểu khai mạc Hội nghị |
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam, Đảng ủy, Ban Bí thư Trung ương Đoàn, trong nhiều tháng qua, Ban Thường vụ Công đoàn cơ quan đã chỉ đạo Công đoàn các ban đơn vị triển khai kế hoạch công tác năm 2013 với rất nhiều nội dung trong đó có 2 nội dung quan trọng là: Tổ chức sinh hoạt chính trị tại công đoàn các ban, đơn vị nhằm góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và Dự thảo Quy chế văn hóa cơ quan Trung ương Đoàn. Theo đó, cán bộ công chức nhiều ban đơn vị đã tham mưu cho BBT Trung ương Đoàn tổ chức nhiều hội nghị với nhiều đối tượng nhằm thảo luận đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan Trung ương Đoàn Trần Thị Bích Ngọc đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận và đóng góp vào một số nội dung của bản Hiến pháp như: Góp ý về lời nói đầu; kết cấu các chương, điều, về các điều quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, của UBTV Quốc hội, về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, các điều liên quan đến quy định về sự lãnh đạo của Đảng, về Mặt trận Tổ quốc, về tổ chức Công đoàn, về tổ chức Đoàn TN và những vấn đề về giáo dục thế hệ trẻ, quyền con người, quyền có việc làm, lựa chọn nghề nghiệp...
Nhiều ý kiến tham ra thảo luận trực tiếp tại Hội nghị, theo đó, bàn về điều 35 (sửa đổi, bổ sung điều 67): "Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội", đại biểu Trần Thị Tuyết Nhung- Chủ tịch Công đoàn Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam nhận định: Quy định này đã thể hiện cam kết của Nhà nước về bảo đảm quyền cơ bản của con người. Thực hiện Ðiều 35, hệ thống an sinh xã hội của đất nước sẽ được xây dựng và phát triển trên cơ sở quyền con người, hướng đến thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu an sinh xã hội của mọi người dân.
Để thực thi quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân thì Ðiều 63 Hiến pháp sửa đổi quy định: "Nhà nước phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ, công bằng, bền vững, trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Nhà nước và xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với nước". Quy định này đã xác nhận công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với người và gia đình có công với nước, bảo đảm an sinh xã hội cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, nhóm yếu thế là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo.
Cũng tại Điều 61, đồng chí Trần Thị Tuyết Nhung cũng đề nghị sửa thành: "Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tạo việc làm có thu nhập chính đáng và hợp pháp cho người lao động" nhằm khuyến khích mọi tiềm lực trong và ngoài nước trong việc tạo công ăn việc làm và thu nhập hợp pháp cho người lao động. Tại khoản 2, đồng chí cũng đề nghị bỏ từ "tạo điều kiện" mà xác định ngay trách nhiệm của Nhà nước là xây dựng quan hệ lao động. Bởi vì, từ "Tạo điều kiện" vô hình chung xác nhận Nhà nước là chủ thể đứng lên trên hết các chủ thể khác để ban phát quyền xây dựng quan hệ lao động. Vì vậy, khoản 2 nên viết lại như sau “Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định”.
Bí thư Thường trực Phan Văn Mãi cho rằng nên giữ lại và phát triển điều 66 |
Bàn về vai trò thanh niên trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định "Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc", hầu hết các đại biểu đề nghị giữ lại và phát triển điều 66, đồng chí Phan Văn Mãi- Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam cũng cho rằng Dự thảo bỏ đi Điều 66 của Hiến pháp năm 1992 là không hợp lý, chứng tỏ nhận thức về vai trò của thanh niên chưa đầy đủ. Đồng chí đề nghị bổ sung thêm một số nội dung cho phù hợp liên quan tới thanh niên và với tình hình mới, theo đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội LHTN Việt Nam cùng Nhà nước đảm bảo việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của thanh niên. Đây là cơ quan giám sát và thực hiện các quyền của thanh niên, vì thanh niên là một thế hệ, là một lực lượng xung kích cách mạng, là tương lai của đất nước.
Trao đổi về Dự thảo Quy chế văn hóa cơ quan Trung ương Đoàn, nhiều ý kiến cho rằng, đối với tác phong làm việc cần nhanh nhẹn, khẩn trương, khoa học, có thái độ văn minh lịch sự trong các mối quan hệ giao tiếp; Chấp hành tốt pháp luật chủ trương chính sách của Đảng, quy chế hoạt động của cơ quan cũng như quy chế hoạt động của các ban, đơn vị; Về ý thức trách nhiệm, không quan liêu, không lợi dụng chức vụ quyền hạn làm sai quy định của pháp luật, cơ quan thẩm quyền; Có ý thức thực hành tiết kiệm đối với việc sử dụng các trang thiết bị, giữ gìn tài sản cơ quan; Về trang sức, trang phục, phải lịch sự, đảm bảo thuần phong mỹ tục, tránh phản cảm; Về ý thức kỷ luật, không đánh bạc dưới mọi hình thức, không uống rượu bia trong giờ làm việc và giờ nghỉ trưa, không mê tín dị đoan, không làm những điều đi ngược với chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước.