Cơ hội học nghề miễn phí cho 250 người khuyết tật năm 2015
17:16 12/05/2015 287
Công tác tuyên truyền, giáo dục Gần 500 người khuyết tật đã tham dự các chương trình; 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, CLB thanh niên khuyết tật quảng bá, tư vấn, giới thiệu việc làm và đặc biệt là Lễ ký kết chương trình phối hợp dạy nghề miễn phí cho 250 người khuyết tật năm 2015 ...
Cơ hội cho người khuyết tật
Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn TP. Hà Nội đã đạt nhiều kết quả khả quan, giúp người khuyết tật tự nuôi sống bản thân, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, việc dạy nghề, giải quyết việc làm cho người khuyết tật cần tiếp tục có sự quan tâm và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội, các cấp, các ngành và trong đó có tổ chức Đoàn, Hội để giúp cho nhiều người khuyết tật nói chung, thanh niên khuyết tật nói riêng được hòa nhập với cộng đồng và có động lực vươn lên trong cuộc sống.
Với Ngày hội việc làm hòa nhập người khuyết tật lần thứ IV năm 2015 do Hội LHTN Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Thành phố, Hội Khuyết tật Hà Nội và Hội Thanh niên Khuyết tật Thành phố tổ chức là một minh chứng cụ thể trong việc quan tâm đến người khuyết tật.
Sống trung thực, sống nghị lực và sống có trách nhiệm
“Tôi mong muốn thông qua những Ngày hội như thế này sẽ mang đến những cơ hội để các bạn thanh niên khuyết tật vươn lên, để các bạn được chia sẻ, cùng đoàn kết. Đồng thời mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự chia sẻ của các doanh nghiệp, của cộng đồng để gúp đỡ cho người khuyết tật nói chung, thanh niên khuyết tật nói riêng được khẳng định vị trí, sự đóng góp của họ vào sự phát triển chung của đất nước”.
“Chính những bạn thanh niên khuyết tật không chỉ đóng góp vào những công việc cụ thể các bạn đang làm mà đóng góp rất nhiều vào việc xây dựng giá trị mới của thanh niên Việt Nam, của thế hệ trẻ hiện nay, đó là sống trung thực, sống nghị lực và sống có trách nhiệm”
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn nói.
|
Tại Ngày hội đã có gần 500 người khuyết tật đến từ các quận, huyện ngoại thành đến tham dự và điều khác biệt so với những ngày hội lần trước được tổ chức đó là sự có mặt của nhiều bạn thanh niên thuộc thành viên của hội người mù, người điếc và người câm ở trên địa bàn Thành phố và một số tỉnh lân cận.
Theo thống kê của Ban tổ chức Ngày hội, qua 3 lần tổ chức đã giới thiệu được hơn 3.000 thanh niên khuyết tật về học nghề và các cơ hội học bổng và đã có 175 người khuyết tật có cơ hội việc làm mới.
Ở ngày hội năm nay, ngoài việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm do chính người khuyết tật làm ra, nhiều bạn trẻ khuyết tật nói chung còn có cơ hội tìm kiếm việc làm tại các Công ty, cơ sở sản xuất, CLB Thanh niên khuyết tật của các quận, huyện trên địa bàn Thành phố. Là thành viên CLB khuyết tật quận Hoàng Mai Phạm Quang Khoát cho biết: “Ngày hội đã không chỉ giúp thanh niên khuyết tật tìm được việc làm phù hợp mà qua ngày hội này chúng tôi muốn nói lên rằng những Thanh niên khuyết tật muốn được thể hiện mình và mong muốn hãy tạo cho chúng tôi sự bình đẳng nhiều hơn nữa để chúng tôi hòa nhập vào cuộc sống”.
Với mục tiêu chính của Ngày hội là tạo nhiều cơ hội cho người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, tại ngày hội việc làm hòa nhập cho người khuyết tật lần IV diễn ra nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực như: tổ chức đăng ký học nghề miễn phí, ngắn hạn cho 300 người khuyết tật (thời gian từ 10 ngày đến 3 tháng); Tuyển dụng, tuyển sinh học nghề cho 400-500 người khuyết tật với sự tham gia của 25-30 doanh nghiệp; Tư vấn sức khỏe miễn phí cho người khuyết tật; quảng bá thương hiệu và giới thiệu sản phẩm các cơ sở sản xuất của người khuyết tật; Tọa đàm, tư vấn, phổ biến các chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến người khuyết tật; giao lưu văn nghệ, trao giải thưởng các hoạt động thể thao và các trò chơi cho người khuyết tật…
Anh Trịnh Công Thanh - Chủ tịch Hội thanh niên Khuyết tật thành phố Hà Nội cho biết, “Đến với ngày hội việc làm lần thứ VI năm nay có Công ty vàng bạc đá quý Phúc Tiệp, Khách sạn Melia Hà Nội, bệnh viện Việt Pháp, tại đây các đơn vị đã có những hoạt động tuyển dụng lao động người khuyết tật. Điều này đã chứng tỏ thanh niên khuyết tật ngoài ngành nghề truyền thống thì họ đã tham gia và những ngành nghề đòi hỏi trình độ và mang lại thu nhập cao”- anh Trịnh Công Thanh nói.
Tại Ngày hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Trung ương Đoàn, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội, Hội Thanh niên khuyết tật Hà Nội ký kết chương trình phối hợp dạy nghề miễn phí cho 250 người khuyết tật (mỗi suất trị giá 4 triệu đồng). Được biết, để tổ chức cho ngày hội thì trước đó các đơn vị đã tổ chức các lớp học nghề cho người khuyết tật và thanh niên nông thôn, như: mở lớp may dân dụng công nghiệp cho 30 học viên tại huyện Ba Vì; lớp tẩm quất cho 20 học viên người khiếm thị tại quận Hà Đông.
Thông qua Ngày hội là dịp thể hiện sự quan tâm trách nhiệm, tình cảm của tổ chức Đoàn, Hội dành cho người khuyết tật trong việc đào tạo, dạy nghề, tư vấn, tuyển dụng lao động. Đồng thời, cũng cơ hội để người khuyết tật tự tin và không ngừng phấn đấu, trở thành những tấm gương sáng trên nhiều lĩnh vực; có thêm niềm tin, bản lĩnh, nghị lực để vượt qua những trở ngại, khó khăn trong cuộc sống và vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Theo Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt, Ngày hội là dịp biểu dương những tấm gương sáng luôn vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, để giáo dục cho đoàn viên thanh niên cùng chung tay vì một xã hội phát triển.
Vẫn còn những rào cản
Minh chứng cho những hoạt động này, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội Trịnh Xuân Dũng cho biết: Hội người khuyết tật TP.Hà Nội hiện có gần 9.000 hội viên. Đến nay, Hội đã tổ chức 10 chương trình tọa đàm “Kinh doanh nhỏ - Thành công lớn” tại 10 địa điểm cho 27 hội quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà nội với sự tham dự của hơn 300 người khuyết tật. Thông qua các chương trình này đã tạo điều kiện để người khuyết tật trao đổi kinh nghiệm trong thực tế sản xuất kinh doanh và việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội.
Được biết, tính đến hết năm 2014, số hội viên người khuyết tật, hộ gia đình có người khuyết tật của các hội quận, huyện của Thành phố được vay vốn giải quyết việc làm thông qua Ngân hàng chính sách xã hội là 1.235 người, với tổng số tiền là 24 tỷ 304 triệu đồng; đã có 15 cơ sở được công nhận là cơ sở sản xuất kinh doanh với trên 30% lao động là người khuyết tật. Chủ yếu các nghề mà người khuyết tật tham gia đảm nhận, như: May, Công nghệ thông tin, nhân viên văn phòng, kế toán, phiên dịch, trực tổng đài, lao động phổ thông, nhân viên tại thẩm mỹ viện, bán hàng, nghề thủ công mỹ nghệ… Điều này sẽ giúp người khuyết tật trên địa bàn Hà nội có việc làm ổn định, tự nuôi sống bản thân, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.
Thực tế cũng tại Ngày hội việc làm hòa nhập người khuyết tật lần thứ IV năm 2015 cho thấy, có rất nhiều các công ty, cơ sở sản xuất của người khuyết tật tham gia giới thiệu các sản phẩm do chính tay những khuyết tật làm ra, đa dạng về sản phẩm, mầu sắc và hình thức… Theo đại diện CLB Thanh niên khuyết tật quận Hoàng Mai cho biết, CLB đang tham gia sản xuất các mặt hàng thủ công được làm bằng tay với mức lương thu nhập trên 2 triệu đồng/hội viên. Tuy vậy, chúng tôi vẫn hy vọng thông qua những ngày hội như thế này sẽ giúp chúng tôi có dịp giới thiệu quảng bá sản phẩm nhằm tạo thêm việc làm cũng như thu nhập cho các hội viên.
Theo ông Trịnh Xuân Dũng, rào cản lớn khi đi tìm việc đối với những người khuyết tật có trình độ là hạ tầng kỹ thuật đều chưa có sự phù hợp khiến người khuyết tật đi lại khó khăn. Còn với nhiều người khuyết tật có thể làm việc giản đơn thì chưa được đào tạo nghề và tìm việc phù hợp. Hà Nội có nhiều người khuyết tật nhưng phần lớn vẫn sống phụ thuộc vào gia đình và hiện có khoảng 30% người khuyết tật tại Hà Nội đang có nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm để hòa nhập với xã hội.
Thiết nghĩ, dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật là việc làm cần thiết và với Ngày hội việc làm hòa nhập Người khuyết tật do tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam tổ chức lại càng có ý nghĩa hơn để toàn xã hội tiếp tục thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ cho người khuyết tật nói chung và thanh niên khuyết tật nói riêng trong cuộc sống. Đặc biệt là trong việc đào tạo, tuyển dụng lao động để từ đó giúp họ có thêm niềm tin, bản lĩnh và nghị lực để vượt qua những trở ngại, khó khăn trong cuộc sống và vượt qua nỗi bất hạnh để vững bước hòa nhập cộng đồng tạo cơ hội tốt để họ có thể thực hiện ước mơ, được sống, được làm việc và cống hiến vào sự phát triển chung của đất nước.
Tweet