Cô giáo trẻ dân tộc Khơ Mú tâm huyết với nghề

08:59 20/11/2012     1740

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Năng động, sáng tạo, luôn nhiệt tình, tâm huyết với công tác giảng dạy cũng như các phong trào khuyến học của xã nhà - đó là điều dễ dàng nhận thấy khi tiếp xúc với cô giáo trẻ Cụt Thị Bích, giáo viên Trường Mầm non xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An.

>>  Người thầy truyền lửa đam mê môn Văn cho học trò
 >>  Cô giáo mang tình yêu lịch sử đến với học trò

Cô Cụt Thị Bích ở rẻo cao biên giới Tương Dương (Nghệ An).
Cô Cụt Thị Bích ở rẻo cao biên giới Tương Dương (Nghệ An).

Sự nhiệt tình, năng động của cô Cụt Thị Bích đã góp phần đưa Trường Mầm non Mai Sơn ngày càng đổi thay cả về chất và lượng. Tốt nghiệp Trường Trung cấp sư phạm Nghệ An - Khoa Mầm non năm 2007, cô giáo trẻ người dân tộc Khơ Mú được phân công về giảng dạy tại Trường Mầm non thuộc xã Hữu Khuông - một trong những xã vùng lòng hồ thủy điện Bản vẽ, huyện Tương Dương.

Sau một năm giảng dạy tại trường, năm học 2010-2011, cô Bích được chuyển về dạy ở khối lớp bản Piêng Cọoc, Trường Mầm non biên giới Mai Sơn, cách trung tâm xã hơn 4 tiếng đi bộ đường đồi núi. Nơi đây có 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, sự học nơi đây còn mang nặng tập quán trọng nam, khinh nữ. Nam thì được đi học, nữ phải ở nhà đỡ đần việc gia đình giúp đỡ bố mẹ. Những ngày đầu nhận nhiệm vụ ở trường, cô đã gặp không ít khó khăn. Thế nhưng với phương châm “Trường là nhà - Cô giáo như mẹ hiền”, cô Bích luôn miệt mài với công việc, yêu nghề, mến trẻ, bám trường, bám lớp, vận dụng mọi kinh nghiệm trong việc vận động phụ huynh học sinh cho con cháu được đến lớp.

Không ngừng trau dồi kiến thức, nghiệp vụ sư phạm để mỗi giờ lên lớp đạt hiệu quả cao, cô Cụt Thị Bích cho tâm sự: “Là một giáo viên mới ra trường, công tác ở xã xa nhất huyện,bản thân lại là dân tộc Khơ Mú lại được phân công dạy ở bản thuần dân tộc Mông, sự bất đồng về ngôn ngữ làm tôi gặp rất nhiều khó khăn rất nhiều. Cơ sở vật chất nơi miền biên viễn này thì còn thiếu thốn trăm bề, tôi đã cố gắng rất nhiều, đầu tiên cố gắng vận động phụ huynh cho con em đến trường từ 30% lên được 99%. Khi vận động được phụ huynh cho con em đến được lớp thì tôi lại mày mò kiến thức đã học để vận dụng vào giảng dạy, tạo thêm đồ chơi cho trẻ ngay từ những đồ dùng thường ngày, hay những ống tre, nứa trên rừng về, tôi làm đồ chơi cho trẻ. Tôi rất yêu thương các cháu, dù ở đâu tôi cũng coi các cháu như con cháu của mình”.

Cô Cụt Thị Bích đi đến từng gia đình người Mông vận động cha mẹ cho các em học sinh tới trường.
Cô Cụt Thị Bích đi đến từng gia đình người Mông vận động cha mẹ cho các em học sinh tới trường.

Năm học 2011-2012, ngành giáo dục huyện Tương Dương tiếp tục đưa chương trình mầm non mới vào giảng dạy ở bậc học mầm non, đòi hỏi giáo viên phải thực sự sáng tạo, luôn tìm tòi học hỏi để tìm ra những cách dạy hay phù hợp với khả năng, phát huy được tính tích cực của trẻ. Với sự yêu nghề, mến trẻ, cô Bích đã mày mò, tìm tòi học hỏi những người đi trước để nâng cao chất lượng dạy và học nơi đây. Trước tiên, cô đã tuyên truyền vận động phụ huynh nơi đây thay đổi nếp nghĩ “trọng nam, khinh nữ”. Xác định được điều đó, cô không quản ngại khó khăn, vượt khe suối, đến từng nhà để vận động phụ huynh cho con em được đến lớp học.

Ban đầu, không những nhận được sự đồng tình của phụ huynh mà cô còn bị phụ huynh ghét bỏ vì đã làm trái với phong tục tập quán từ xưa đến nay của dân tộc Mông. Với khả năng, sự tận tụy, tâm huyết yêu nghề, cô Bích đã làm được điều mà bấy lâu nay nhiều thế hệ giáo viên nơi đây không làm được. Các cháu không chỉ được đến lớp đông đủ, mà còn nhận được sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Từ một khối lớp chỉ có 5 -6 cháu, đến nay đã có đến 33 cháu, trong đó có đến một nửa lớp là học sinh nữ, các cháu rất vui và ham học.

Phụ huynh Và Bá Tu - Bản Piêng Cọoc xã Mai Sơn, Tương Dương tự hào nói về cô Bích.“Cô Bích là một người tốt. Cô Bích rất quan tâm đến con cháu ta, ta đã biết cái bụng của cô Bích là muốn con cháu ta được biết cái chữ Bác Hồ, muốn cho con cháu ta biết hát, múa như trên vô tuyến. Ta là cha là mẹ mà từ trước tới nay không cho con cháu ta được, giờ cô Bích đã làm được, cho được,con cháu bản ta đã biết hát, biết múa, được ăn, uống ngon, mặc sạch, và cái chữ Bác Hồ đã về đến nhà ta rồi. Ta là cha mẹ ta rất cảm ơn cô Bích và không muốn cô Bích đi đâu….”.

Ngoài thời gian dạy học, cô Bích còn hoạt động trong các đoàn thể ở xã biên giới.
Ngoài thời gian dạy học, cô Bích còn hoạt động trong các đoàn thể ở xã biên giới.

Những nỗ lực cố gắng phấn đấu của cô Bích, chương trình mới mà ngành giáo dục đưa vào thực hiện giảng dạy đã nhanh chóng được cô đưa vào giảng dạy tại khối bản lẻ Trường Mầm non Mai Sơn, góp phần nâng cao phong trào khuyến học ở xã biên giới xa xôi.

Ông Lô Đại Dương - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Mai Sơn cho biết: “Nhờ có cô giáo trẻ Cụt Thị Bích mà phong trào học tập ở bản Piêng Cọoc được nâng lên rõ rệt, ngay từ ở bậc học Mầm non,các phụ huynh đã ý thức được việc cho con đi học là rất cần thiết. Khi cô Bích chưa về, bản Piêng Cọoc là một trong những bản có số trẻ vào mầm non ít nhất, phụ huynh ít hiểu biết về sự học nơi đây, nhưng cô Bích đã về và vận động được phụ huynh và thu hút được học sinh đến lớp đầy đủ không chỉ ở bậc mầm non mà các bậc học khác cô Bích cũng đa vận động được. Chúng tôi sẽ luôn chuyển cô Bích đi nhiều khối bản lẻ để giúp các bản vận động học sinh đến lớp”.

Với lòng say mê nghề nghiệp và trách nhiệm trong công tác giảng dạy của một cô giáo trẻ, cô Cụt Thị Bích đã góp phần vào nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc học mầm non, góp phần không nhỏ vào phong trào khuyến học ở xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, được phụ huynh tin yêu.