Cô Đảng viên 9X “mê” hoạt động tình nguyện

08:06 04/01/2012     2886

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Ngay sau khi trúng tuyển vào ĐH Ngoại thương Hà Nội, Đào Thị Thủy Vân không chỉ tham gia Đoàn Thanh niên và hoạt động nhiệt tình, năng nổ mà còn thành công với 2 dự án xây nhà tình nghĩa, giếng nước giúp đỡ cộng đồng hàng trăm triệu đồng.
Được bình chọn là một trong 10 gương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu năm 2011, Đào Thị Thủy Vân hiện là sinh viên năm 4, khoa Kinh tế Đối ngoại, ĐH Ngoại thương. Thủy Vân cũng giành nhiều giải cao trong các cuộc thi quốc tế về kinh tế như đoạt giải Nhất Marketing 2011 do công ty Nielsen - công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu của Mỹ.
dv
Thủy Vân chụp ảnh cùng một em nhỏ trong chuyến tình nguyện tại trung tâm trẻ em khuyết tật Thụy An, Ba Vì.

 
Đảng viên 9X

Bắt đầu hoạt động tình nguyện từ khi còn là học trò của chuyên Anh, Trường THPT Phan Bội Châu (TP Vinh, Nghệ An), Thủy Vân đã sôi nổi tham gia các hoạt động giúp đỡ cộng đồng và được kết nạp Đảng viên khi còn học tại đây.

Khi hỏi về niềm đam mê tình nguyện, cô Đảng viên trẻ cho biết: “Mình đi đến vùng nông thôn, chứng kiến thực tế cuộc sống nông thôn như thế nào, hiểu được khó khăn vật chất lớn như thế nào đối với họ. Từ bé mình mong muốn là sẽ làm gì đó để giúp đỡ mọi người vì mình thấy mình may mắn có được cuộc sống không phải lo việc cơm ăn áo mặc”.

Đam mê tình nguyện trong Vân cứ thế lớn dần lên nên khi bước chân vào ngôi trường ĐH Ngoại thương, cô bạn tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn Thanh niên.

Nhận xét về Đảng viên trẻ Thủy Vân, anh Nguyễn Văn Triệu - Bí thư Đoàn trường ĐH Ngoại thương cho biết: “Thủy Vân luôn luôn nghĩ ra các hoạt động thiết thực, các dự án có ý nghĩa cho cộng đồng và đó là một gương mặt trẻ, xuất sắc của Đoàn. Qua 4 năm hoạt động, Vân thể hiện là người có tố chất lãnh đạo tốt, suy nghĩ sâu, có quyết tâm thực hiện xã hội hóa tình nguyện”.

4 năm hoạt động tình nguyện, nhưng chưa lần nào Vân thấy mệt mỏi, muốn bỏ cuộc bởi tình nguyện đã trở thành đam mê, ngấm vào máu của Vân. Ban đầu chỉ là những chuyến đến thăm các trẻ em kém may mắn ở trung tâm, những chuyến đi tình nguyện hè xa, học hỏi dần kinh nghiệm, Thủy Vân trưởng thành dần và có những ý tưởng, dự án lớn lao hơn để giúp đỡ người dân.

Đến thăm những vùng khó khăn của Tổ quốc, chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, sự thiếu thốn không có ngôi nhà tử tế để ở tránh rét, trẻ con không có lớp học đàng hoàng, hay những nguồn nước sạch để sinh hoạt… đã thôi thúc Thủy Vân nảy ra ý tưởng các dự án xây dựng giếng nước sạch, ngôi nhà tình nghĩa, ngôi trường tiểu học… cho bà con.

Năm 2010, Vân khởi xướng dự án “Xóa nhà tạm” ở Mai Sơn, Sơn La giúp người dân có 35 ngôi nhà tình nghĩa và xây dựng lại một trường tiểu học ở đó. Năm 2010, Vân thành công với dự án nước sạch ở Con Cuông, Nghệ An với 3 giếng trị giá 45 triệu đồng cho bà con sau chuyến đi tình nguyện mùa hè xanh của đoàn trường Ngoại thương.
Những dự án lớn với hàng chục triệu đồng không phải là đơn giản đối với cô sinh viên xứ Nghệ. Khó khăn từ việc lập dự án, khảo sát khó khăn vùng, cho đến đàm phán, “gõ cửa” các doanh nghiệp để xin nguồn tài trợ, gặp không ít thất bại, lời từ chối.

Nhưng Vân luôn quan niệm: “Không có gì là chắc chắn không thể. Mình phải thử sức, điều quan trọng là phải kiên nhẫn. Có thất bại mới có thành công”. Vân kể lại kỷ niệm xin tài trợ của một công ty lớn, họ đòi hỏi rất khắt khe chi tiết dự án. Ban đầu có nhiều khó khăn nhưng Vân không bỏ cuộc và sau một tháng đàm phán Vân xin được 540 triệu đồng cho nhà tình nghĩa.

Từ những hoạt động như thế, Vân học được rất nhiều bài học. “Dự án phải thiết thực, ý nghĩa, xây dựng dự án phải chi tiết, minh bạch. Mình rèn luyện được khả năng trình bày dự án, tính kiên nhẫn, nắm bắt được tâm lý khách hàng và môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Đó là nguồn kinh nghiệm quý báu mà mình tích lũy được”.

“Mê” tình nguyện, vẫn học giỏi

Tâm sự về lý do chọn trường ĐH Ngoại thương, Thủy Vân cười tươi và nói: “Khi còn nhỏ, mình xem một chương trình truyền hình và rằng sản phẩm nông sản ở Việt Nam phong phú nhưng không có sức cạnh tranh. Mình nghĩ cần thiết phải xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam để người nông dân đỡ vất vả, hiệu quả kinh tế cao hơn và mang lại lợi ích cho họ, cho nền kinh tế Việt Nam. Xuất phát từ quan điểm này nên mình chọn học Ngoại thương”. Hơn nữa, từ nhỏ người bố làm bên hải quan đã “truyền” cho cô con gái nhiều kiến thức, thông tin kinh tế, Vân ấp ủ ước mơ trở thành người vạch chiến lược kinh doanh. 

Tham gia tình nguyện năng nổ, nhưng Thủy Vân luôn giữ thành tích học tập xuất sắc, năm học vừa rồi Vân đạt 3.52/4.0. Chia sẻ về phương pháp học tập, Vân chia sẻ: “Mình luôn có ý thức rằng học tập không phải đối phó để có điểm số tốt mà để tích lũy kiến thức. Mình học được cách sắp xếp thời gian qua việc tham gia các hoạt động tình nguyện, sự tự tin và tư duy khi đặt câu hỏi và tranh luận với giáo viên trên lớp giúp mình hiểu bài hơn nhiều”.

Vân còn có cách học theo phương pháp tâm lý học, theo sơ đồ trí nhớ tức là khi học trên lớp, cần đọc luôn để hiểu và nhớ lâu hơn là nếu để đến cuối kỳ đọc lại. Phương pháp này giúp Vân tiết kiệm được thời gian và học đơn giản hơn.

Học chương trình tiên tiến đòi hỏi Vân học tất cả các môn bằng tiếng Anh, coi tiếng Anh là ngôn ngữ chính. “Ban đầu, nhận những cuốn sách hàng trăm trang, nghìn trang tiếng Anh, có rất nhiều áp lực. Nhưng mình phải kiên nhẫn làm quen dần, tự đọc, nghiên cứu và tìm kiếm trên mạng sách báo tiếng Anh dần dần mình thấy đơn giản”, Vân cho hay.