Chuyện về người Bí thư thứ nhất đầu tiên của Trung ương Đoàn
11:33 28/02/2021 23260
Công tác tuyên truyền, giáo dục T.Ư Đoàn vừa tổ chức Tọa đàm tham vấn ý kiến góp ý bản thảo ấn phẩm "Đồng chí Nguyễn Lam - Bí thư thứ nhất đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh" để phát hành cuốn sách vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn. Về người Bí thư đầu tiên của T.Ư Đoàn có những câu chuyện còn ít được biết.
Đồng chí Nguyễn Lam trong lần được tiếp đón Bác Hồ làm việc với Trung ương Ðoàn
Ðám cưới vắng cô dâu, chú rể
… Ngày ấy, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công một thời gian, cô gái trẻ sớm tham gia cách mạng Nguyễn Thị Lan (quê Xuân Trường, Nam Ðịnh) được cử đi học một lớp bồi dưỡng cán bộ huyện ủy được tổ chức ở tỉnh nhà. Trong số giảng viên tham gia giảng dạy tại đây có ông Nguyễn Lam. Sau một thời gian học tập, cứ đến tiết của Nguyễn Lam giảng bài, Nguyễn Thị Lan lại cảm thấy ánh nhìn của thầy với mình có điểm gì đó khác lạ. Cô không hề biết rằng, giảng viên Nguyễn Lam khi đó đã yêu mình ngay từ lần gặp đầu tiên. Về phần Nguyễn Lam, tuy có tình cảm, nhưng anh lại không biết bày tỏ ra sao nên chỉ có thể bộc lộ qua ánh nhìn.
Khi lớp học sắp được nghỉ ít ngày, Nguyễn Lam bèn thổ lộ tình cảm của mình với chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng, thời đó là lãnh đạo phụ nữ tỉnh Nam Ðịnh để nhờ giúp đỡ. Thế là mỗi khi đến gặp Nguyễn Lam, chị Diệu Hồng lại rủ Lan đi theo. Tuy nhiên, kế hoạch đó không có hiệu quả khi Nguyễn Thị Lan không hề biết ý tứ này. Cuối cùng, chị Diệu Hồng phải nói thẳng với Lan: “Em này, anh Lam thương em lắm đấy”. Lan sửng sốt: “Em làm sao mà anh ấy lại thương hả chị?”. Chị Diệu Hồng cười: “Em ngốc quá, thương là tiếng miền trong của chị, thương tức là “yêu” ấy mà”. Nghe vậy, Nguyễn Thị Lan bèn nói lảng: “Thôi, chị em mình ngủ đi để ngày mai còn đi học”.
Vào một buổi tối, khi Nguyễn Thị Lan đang ngồi xem lại tài liệu được nghe giảng ở lớp thì Nguyễn Lam sang chơi. Anh hỏi thăm cô về việc học tập, sinh hoạt tại đây ra sao, có gì khó khăn không?... Giọng Nguyễn Lam nhẹ nhàng, thoải mái, cứ rủ rỉ thân thiết như người anh nên Nguyễn Thị Lan thấy vui vẻ, tin tưởng. Sau đó, vào một đêm trăng thanh, nhân có văn công tới phục vụ, Nguyễn Lam mạnh dạn rủ Nguyễn Thị Lan đi xem. Trong quá trình xem, anh ướm hỏi: “Lan đã có bạn trai thân chưa?”.“Dạ chưa. Hồi còn đi học, bạn của anh em có gửi cho em một bức thư bằng tiếng Pháp, nhưng em không biết anh ấy viết gì”. Nghe vậy, Nguyễn Lam nói: “Vậy sau này nếu có ai hỏi thì em bảo mình đã có bạn trai rồi nhé”.
Một thời gian sau, chị Diệu Hồng chính thức kết nối để Nguyễn Lam và Nguyễn Thị Lan nên duyên vợ chồng. Ðám cưới diễn ra ở quê. Nhưng đúng ngày cưới, Nguyễn Lam bất ngờ nhận được tin địa bàn mình phụ trách tại Ninh Bình diễn ra việc bọn phản động đội lốt tôn giáo bắt cán bộ ta định chôn sống nên anh phải gấp rút đi xử lý. Ngay sau đó, cô dâu Nguyễn Thị Lan cũng mắc công việc đột xuất ở Nam Ðịnh nên cũng vắng mặt tại đám cưới. Tuy nhiên, đại diện hai họ đã có mặt, và tất cả đều cảm thông do hoàn cảnh thời chiến nên hôn lễ vẫn được tiến hành.
Bà Nguyễn Thị Lan bên cạnh bức phù điêu do báo Tiền Phong kính tặng để tri ân đồng chí Nguyễn Lam, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập báo
Tại làng Ðại Cầu (xã Tiên Tân, Duy Tiên, Hà Nam) quê chồng, Nguyễn Thị Lan thấy có người gọi Nguyễn Lam với tên thật là Lê Hữu Vỵ. Quê ông trước đây thuộc tổng Lam Cầu của tỉnh Hà Nam, nên khi hoạt động cách mạng Lê Hữu Vỵ lấy bí danh là Lam và mang họ Nguyễn, trở thành Nguyễn Lam. Không lâu sau đám cưới, Nguyễn Lam chào mẹ và họ hàng để cùng vợ lên chiến khu Việt Bắc tiếp tục tham gia kháng chiến.
Chí công vô tư
Tại nhà bà Nguyễn Thị Lan, trong phòng riêng có một bức tranh khá to chụp ông Nguyễn Lam trên đường đi công tác, đang dắt chiếc xe đạp qua một con suối cạn tại chiến khu Việt Bắc. Bà Lan cho biết, bức ảnh đó chụp năm 1948, cách đây đúng 70 năm, sau khi vợ chồng ông bà sinh con gái đầu được một tuần. Rồi bà kể, lên Việt Bắc, do nhiệm vụ nên hai người ít khi được ở gần nhau. Ðến khi sinh con đầu lòng, họ mới được ở cùng nhau một thời gian. “Năm 1948 cũng là thời gian chồng tôi chuyển về Ban Dân vận do đồng chí Hoàng Quốc Việt phụ trách. Tại đây, anh Lam được phân công đảm nhiệm phong trào thanh niên cứu quốc (TNCQ). Bức ảnh này chụp tại thời điểm anh Lam đi công tác tới các địa phương để kết nối các phong trào thanh niên”- bà Lan cho biết.
Bà Lan chia sẻ: “Chồng tôi trưởng thành từ phong trào thanh niên nên ông tâm niệm, muốn giáo dục được thanh niên cần chí công vô tư”. Rồi bà kể một số chuyện, trong đó câu chuyện bà kể liên quan đến gia đình của mình khiến tôi ấn tượng hơn cả. Ðó là được sự quan tâm của cha mẹ, các con của vợ chồng ông Nguyễn Lam đều chịu khó học tập và học giỏi. Kết quả, người con gái lớn của ông khi thi đại học đã đủ điểm đi học nước ngoài. Sau đó, một người con gái khác thi đỗ đại học loại giỏi và cũng được Bộ Ðại học cử đi học nước ngoài. Khi giấy báo về gia đình, ông Nguyễn Lam quyết định xin rút vì quy định thời đó chỉ cho mỗi gia đình một người đi học nước ngoài. Nhưng khi nhận được đề nghị của gia đình, Ban Tuyển sinh không cho rút vì Bộ Ðại học đã chốt danh sách.
Thân nhân gia đình đồng chí Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đầu tiên tới tham dự lễ gắn biển tên phố Nguyễn Lam tại Hà Nội
Ðang lúc chuẩn bị lên Bộ Ðại học để đề nghị, tình cờ bà Lan đi chữa răng thì gặp Bộ trưởng Bộ Ðại học Tạ Quang Bửu. Sau khi nghe đề nghị, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu trả lời: “Anh Lam nói vậy là đúng”. Sau đó, con ông Nguyễn Lam đã học Ðại học Bách khoa ở trong nước. “Lần khác, con trai tôi học Ðại học Kỹ thuật Quân sự mắc khuyết điểm. Khi hiệu trưởng nhà trường là anh họ tôi đến nhà hỏi ý kiến, chồng tôi đã trả lời: Cháu là người của nhà trường thì tùy các anh giáo dục, tôi có ý kiến sao được. Thế là con tôi được đưa xuống một đơn vị ở Ninh Bình, ở đó đã chịu khó phấn đấu và được kết nạp Ðảng” - bà Lan chia sẻ khi kết thúc câu chuyện./.
theo TPO Tweet