Chỉ thị về việc tổ chức các đội Thanh niên xung phong công tác địa phương (Brigade locale)

16:50 15/07/2021     1018

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Nhân dịp kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2021), xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc toàn văn Chỉ thị số 13 CT/CQ-VB, ngày 28/8/1950 của Ban Chấp hành Thanh niên cứu quốc Liên khu Việt Bắc về việc tổ chức các đội Thanh niên xung phong công tác địa phương.

 

Nhận thấy trong công tác vận động Thanh niên vấn đề phương pháp Thanh niên đặt ra rất là quan trọng. Hơn nữa trong hoàn cảnh hiện tại, các đoàn viên rất bận rộn về công tác kháng chiến, cần thiết phải gắn liền việc củng cố Đoàn với sự thúc đẩy hoạt động của Đoàn, tiến tới Ban Chấp hành Liên khu Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Bắc đề ra những nguyên tắc và kế hoạch đại cương về việc tổ chức các đội Thanh niên xung phong công tác địa phương một phương pháp để thúc đẩy hoạt động của Đoàn tiến tới làm nổi bật vai trò của Đoàn đồng thời tạo khung cảnh thuận tiện cho việc củng cố Đoàn.

Các Cấp bộ Đoàn sẽ căn cứ vào tài liệu gửi kèm theo tùy theo hoàn cảnh địa phương và xúc tiến ngay việc tổ chức các Đội Thanh niên xung phong công tác địa phương.

Những trở ngại và kinh nghiệm trong việc tổ chức các Thanh niên xung phong công tác các đồng chí sẽ gửi ngay cho Khu Đoàn để rõ.

Đây là một phương pháp mới mẻ thế nào khi thực hành sẽ còn nhiều thiếu sót nhưng chỉ cần với trí cương quyết làm cho bằng được, khuyết điểm sẽ sửa chữa, nhất định chúng ta sẽ THÀNH CÔNG…

“TẤT CẢ ĐỂ CHIẾN THẮNG”

Việt Bắc ngày 28/8/1950 TM/BAN CHẤP HÀNH T.N.C.Q.LK/VB Ủy viên thường trực

TRẦN HIỆP

 

ĐỘI XUNG PHONG CÔNG TÁC

Đội xung phong công tác là một hình thức hoạt động đột kích của Thanh niên, một phương pháp xung phong tập thể để thực hiện một công tác bất thường cấp bách cần đến tinh thần hy sinh dũng cảm của Thanh niên và những phần tử hăng hái tích cực khác đặng giải quyết kịp thời những nhu cầu quan trọng như phục vụ chiến dịch, vận chuyển máy móc, bảo vệ xí nghiệp, v.v… hoàn thành công việc, đội sẽ giải tán và Thanh niên lại trở lại thi đua thường xuyên như cũ.

Đội xung phong công tác bao gồm tất cả Thanh niên và những người lớn tuổi cũng tự nguyện xung phong ra nhập nhưng chủ lực của đội phải là Thanh niên.

Đội là một tổ chức do sáng kiến của Thanh niên và do Đoàn Thanh niên Cứu quốc lãnh đạo.

I. NHỮNG TRƯỜNG HỢP NÀO MỚI CẦN TỔ CHỨC ĐỘI?

1- Giải quyết một công tác tốt cấp bách nhất định phải khai thác triệt để khả năng Thanh niên để hoàn thành.

Ví dụ cần phải tăng mức sản xuất gấp ba bốn lần mức thưởng trong một thời gian rất ngắn để giải quyết kịp thời cho việc phục vụ chiến dịch. Trường hợp ở H53 và H54. Chương trình sản xuất thường là tháng, vì cần cho chiến dịch nên rút xuống có 10 ngày thôi. Đoàn Thanh niên Cứu quốc đã tổ chức đội xung phong sản xuất. Kết quả là đã bảo đảm được mức ấn định, trong 10 ngày, kịp thời cung cấp cho nhu cầu mặt trận. Trường hợp ở K79. Chủ trương chung của xưởng là phải đào hầm bảo vệ máy móc làm thế nào trong 15 ngày phải xong để tiếp tục sản xuất được.

Đoàn Thanh niên Cứu quốc nhận trách nhiệm tổ chức đội xung phong đào hầm. Kết quả, trong 1 tuần lễ đã hoàn thành nhiệm vụ, vượt mức ấn định 1 tuần.

2- Trường hợp cần giải quyết nốt một mặt yếu nhất của xí nghiệp để đẩy mạnh thi đua.
Như xưởng Hoàng Văn Thụ, một thời gian nồi hơi chạy bị bế tắc luôn, làm mức sản xuất phải đình trệ mãi. Đoàn Thanh niên Cứu quốc liền tổ chức Đội xung phong giải quyết nồi hơi. Kết quả đem lại là sau một thời gian ngắn, đã giải quyết được cho xưởng có đủ hơi chạy máy đều làm mức sản xuất tăng gấp bội.

Ở K77 trong đợt thi đua thứ III, khó khăn của xưởng là vấn đề thiếu củi chạy máy. Đoàn Thanh niên Cứu quốc đề nghị với Công đoàn vận động mọi người xung phong 2 giờ ngày chủ nhật để chuyển củi. Ý kiến được mọi người tán thành. Toàn thể công nhân đã hăng hái tham gia cho nên trong 2 giờ ngày chủ nhật đã vác được 48 m3 củi trên quãng đường dài 1.300 m.

Số củi này đã đủ bù vào sự thiếu hụt vì phương tiện vận tải khó khăn cung cấp đầy đủ cho hai tuần lễ thi đua đợt 3.
Ở T38 Ban vận tải than là ban yếu nhất của xưởng. Các đợt thi đua không cung cấp đủ than cho các ngành làm đình trệ một phần lớn cho sản xuất. Không những thế, anh em trong ban lại làm việc với tinh thần làm khoán, ý thức tập thể rất kém.

Đoàn Thanh niên Cứu quốc đã nhận trách nhiệm tổ chức đội xung phong vận tải. Kết quả đã giải quyết đủ than cho xưởng, cuối đợt III toàn ban đã vượt mức 130% và có một nề nếp làm việc rất hợp lý.

Nói tóm lại chỉ tổ chức đội trong những trường hợp không cần đến làm mất tác dụng lớn của nó đi.

II. PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC ĐỘI
1- Chuẩn bị:

- Nhận xét cần tổ chức đội, Đoàn Thanh niên Cứu quốc sẽ đề nghị với Chi bộ phối hợp với Công đoàn tổ chức.

- Được sự đồng ý của Chi bộ, ra trước hội đồng thi đua Đoàn nhận nhiệm vụ tổ chức đội.

- Chi đoàn có nhiệm vụ hô hào công nhân tham gia tích cực vào đội.

- Đoàn sẽ chuẩn bị cho Thanh niên tham quan kỹ, sự cần thiết của công việc sắp làm, đặt nhiệm vụ cho Đoàn viên Thanh niên Cứu quốc xung phong gương mẫu nhất là cán bộ càng phải gương mẫu trước tiên.

Nói rõ công tác đột kích là để đẩy mạnh công tác thường xuyên trong lúc làm công tác đột kích phải chuẩn bị để rồi làm công tác thường xuyên và trong lúc làm công tác thường xuyên phải chuẩn bị để làm công tác đột kích để tránh tư tưởng rã đám.

Trong lúc xung phong phải lôi cuốn mọi người cùng theo mình ngay từ lúc gọi tên cũng tránh ồ ạt làm người ngoài Đoàn mất phần tham gia, Đoàn viên Thanh niên Cứu quốc lại có nhiệm vụ báo cáo cho Đoàn biết những việc đã thành công và thất bại để Đoàn chuyển hướng kịp thời.

- Đến ngày ghi tên vào Đội, Đoàn Thanh niên Cứu quốc phối hợp với công đoàn vận động công nhân tham gia vào đội nhắm đối tượng chính là Thanh niên.

- Chuẩn bị sẵn cho đội có một nội quy hẳn hoi.

- Chú ý đề nghị biểu dương vật chất cho đội.

- Về chuyên môn phải chuẩn bị trước một chương trình trù bị dự trữ để khi đó làm vượt quá mức trước khi bị lúng túng, tránh được giờ chết.

2- Hình thức tổ chức Đội

Đội do Đoàn Thanh niên Cứu quốc trực tiếp lãnh đạo thực hiện công tác. Bí thư Chi đoàn nên trực tiếp làm chỉ huy.

Đội gồm có nhiều tiểu đội có nơi gọi là tổ cũng được dựa theo các ban chuyên môn như tiểu đội nguội, tiểu đội rèn, v.v…

- Toàn đội có một đội trưởng có nhiệm vụ đôn đốc toàn đội làm việc, liên lạc với chính quyền và công đoàn lãnh đạo chung.

- Một tiểu đội có một tiểu đội trưởng có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, theo dõi các đội viên trong tiểu đội giữ vững sinh hoạt, phản ánh kịp thời những khó khăn, những trở ngại, những sáng kiến, những thắc mắc lên đội để kịp thời giải quyết, có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với trưởng ban và phân đoàn trưởng trong lúc điều khiển và tham gia ý kiến trong khi thảo luận kế hoạch tiến hành.

Trường hợp đặc biệt như khi cần phải làm gấp 3, 4 lần số giờ bình thường 13, 14 giờ 1 ngày chẳng hạn thì nên tổ chức hai bộ phận:

1- Bộ phận trực tiếp gồm đội viên thuần túy sản xuất.
- Bộ phận gián tiếp gọi là đội dự trù gồm các ông quản đốc, anh em văn phòng, các thủ kho, cấp dưỡng v.v…

- Bộ phận trực tiếp chỉ chuyên chú ý việc sản xuất không phải lo nghĩ gì.

2 - Bộ phận dự trù giúp đỡ những việc cần thiết hàng ngày cho bộ phận trực tiếp như múc nước, giặt giũ quần áo, cơm nước…, giải quyết nhu cầu cho họ như thế nào để họ an tâm sản xuất thì thôi. Tổ chức thành hai bộ phận ấy cũng có tác dụng hay là gây thêm tình thân mật giữa công nhân và cán bộ, giữa trực tiếp sản xuất và gián tiếp sản xuất, làm cho không khí đoàn kết càng tăng và làm cho thợ cộng thêm phấn khởi.

3 - Sinh hoạt đội
- Toàn Đội sinh hoạt một lần lúc mới thành lập để thông qua chương trình hoạt động và bầu các tiểu đội trưởng.

- Trước lúc giải tán họp 1 kỳ để tổng kết rút kinh nghiệm và bầu chiến sĩ của đội.

- Các tiểu đội hội ý hàng ngày vào cuối giờ làm việc để kiểm thảo công tác rút kinh nghiệm, kiểm điểm tinh thần làm việc, tinh thần tương trợ, nhận xét cá nhân trong hôm đó để tiện cho việc tổng kết về sau.

4 - Tuyên truyền đoàn viên trong khi hoạt động.

- Dùng 4 câu thơ của Hồ Chủ tịch:

Không có việc gì khó Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí cũng làm nên.

- Phát thanh truyền tin từ ngành này sang ngành khác theo lối dây truyền.

- Ở H53 và H54 đánh điện tín động viên nhau. Xưởng H53 và xưởng H54 cùng thuộc trong một nhà máy, sản xuất liên can tới nhau. Hai bên cũng đều tổ chức đội cả. Trong khi làm hai chi đoàn tổ chức trao đổi kinh nghiệm và động viên bằng điện tín.

“Báo để các đồng chí biết. Stop - Hiện nay chúng tôi đã làm được 5000 quả lựu đạn và còn dùng đến 3000 di to mà các đồng chí phải cung cấp. Stop. Các đồng chí gửi gấp cho Stop, chúng tôi bắt tay cương quyết vượt chương trình”.

Nơi nhận được lại gửi điện văn trả lời, hứa hẹn, thách thức lẫn nhau.
Hằng ngày trong giờ chào cờ, đọc lên cho anh em nghe gây thêm lòng phấn khởi cho anh em.

Hình thức động viên như thế này linh động, vui vẻ tỏ ra sự liên quan giữa chi đoàn nọ với chi đoàn kia, là một lời thách thức thi đua tập thể rất hiệu nghiệm.

III. ĐỀ PHÒNG CÁC TƯ TƯỞNG SAI LỆCH

Đội xung phong công tác là 1 hình thức hoạt động rất rầm rộ, vui vẻ, kích thích tinh thần làm việc hăng hái của mọi người. Nhưng trong lúc đó cũng có tư tưởng sai lệch cần chú ý:

- Tư tưởng anh hùng, làm sống làm chết, xung phong cố đòi, không động viên được người khác.

- Tư tưởng rã đám. Trong lúc làm việc rất vui vẻ.

Nhưng sau khi xong công việc trở lại thi đua bình thường thì chán nản. Nhất là thanh niên, trong lúc có tổ chức Đội thì làm chết thôi. Đến khi xong việc quên hẳn nhiệm vụ của mình là lúc nào cũng làm động cơ của thi đua thường xuyên và căn bản là lúc nào cũng xung phong, xung phong lôi cuốn bất cứ trường hợp nào chứ không phải chỉ lúc nào có tổ chức đội mới dám xung phong.

Cho nên, điều cần thiết trong lúc tổ chức đột kích phải chuẩn bị công tác thường xuyên và trong lúc công tác thường xuyên phải chuẩn bị đột kích.

IV. TỔNG KẾT KINH NGHIỆM

Trước kia ta thường mắc phải khuyết điểm là làm việc thiếu tổng kết, mà có chăng nữa cũng chú ý nhiều là bầu chiến sĩ thi đua mà thôi.

Như vậy thì theo tác phong làm việc của Trung Quốc công tác ta chỉ mới xong một nửa.
Phải tổng kết công tác rút kinh nghiệm, về tổ chức cũng như lãnh đạo thì công tác mới gọi là hoàn toàn.

Đội xung phong công tác cũng thế, sau khi hoàn thành nhiệm vụ cấp bách, trước khi tuyên bố giải tán, đội cần họp để tổng kết kinh nghiệm.

Tổng kết từ tiểu đội rồi đến toàn đội và cần chú ý mấy điểm sau:

1- Sự lãnh đạo của Đội.

2- Kinh nghiệm sai lầm, trở ngại, khó khăn trong lúc làm việc, các sai lệch của toàn đội.

3- Sự phối hợp công tác.

4- Lựa chọn chiến sĩ toàn đội, tuyên dương đề nghị khen thưởng.

5- Nhận xét chủ trương của đoàn về phê bình cá nhân đoàn viên trong lúc hoạt động.

Như vậy sự liên quan mật thiết giữa đoàn và ngoài đoàn càng thêm chặt chẽ và đoàn nắm được tư tưởng sai lầm của đoàn viên nên đã kịp thời giáo dục.

Đoàn chú ý để các thành tích của những anh em ngoài Đoàn cũng như trong Đoàn để phát huy tích cực tính của anh em, gây lòng tin tưởng cho anh em.

Đồng thời cần kiểm thảo những đoàn viên lơ là với công tác, để đề cao kỷ luật và nguyên tắc tổ chức của Đoàn.

 

Nguồn Báo Nhân dân