Chàng trai nuôi ước mơ cho học sinh khiếm thị

09:39 03/05/2015     1204

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Dù bận rộn với công việc riêng, nhưng chàng trai trẻ luôn dành thời gian tới dạy học cho những học sinh khiếm thị.
Không vì tiền bạc hay danh hiệu, tiếng tăm, chàng trai trẻ Hoàng Ân luôn cố gắng đem tình yêu và kiến thức của mình thắp lên trong lòng các em học sinh khiếm thị một ước mơ, một hoài bão.

Vũ Đắc Hoàng Ân (sinh năm 1990) hiện là lập trình viên công ty PeaceSoft. Dù bận rộn, chàng cựu sinh viên trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM vẫn tranh thủ đến lớp với những em học sinh khiếm thị, tiếp thêm sức mạnh cho nhiều ước mơ còn dang dở.

Người thầy không biết mặt

7 năm trước, Vũ Đắc Hoàng Ân tình cờ đi ngang qua Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (P.3, Q.10). Ban đầu là chỉ vì hiếu kỳ và ngẫu nhiên mà tìm hiểu, đến nay, trường như ngôi nhà thứ 2, nơi Ân có những kỷ niệm và tình cảm đặc biệt.

Lúc đó, Ân mới học lớp 12. Cũng là một học sinh, nên Ân hiểu rõ những sự vất vả, áp lực trong học tập. Nhưng đối với những em học sinh khiếm thị, việc đó còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Học trò có khi là những cô bé, cậu bé mới chừng 7, 8 tuổi, cũng có khi là những người đã ngoài 20. Ân không chỉ dạy một môn mà còn kiêm thêm 3,4 môn khác, nào toán, lí, hóa, nào tiếng Anh, tin học… dạy từ chữ thường cho đến chữ nổi. Và hầu hết đám học trò không ai... biết mặt thầy.

s
Vũ Đắc Hoàng Ân

Ân tâm sự: “Sau khi tiếp xúc với các em học sinh, mình nhận thấy các em có nhu cầu học tập rất cao, nhưng lại không có nhiều cơ hội. Việc học rất khó khăn, chỉ một số ít các em giỏi mới có thể theo kịp chương trình. Nên mình quyết định dành thời gian tới dạy kèm thêm cho các em”.

Đúng là vạn sự khởi đầu nan. Mọi thứ không hề đơn giản như trong suy nghĩ của Ân. Ân đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc giao lưu, và hiểu những học sinh đặc biệt của mình. Nhiều em học sinh còn mặc cảm với việc khiếm thị, tránh không tiếp xúc hoặc lạnh nhạt với người thầy chân thành.

Ân kể: “Khi dạy cho các học sinh thì mình không chỉ dùng lời nói mà chỉ dẫn hành động. Quan trọng nhất là lời nói, sao cho các em có thể hình dung được điều mình muốn truyền đạt. Mình không thể chỉ vào một vật và nói: “Đây là hình hộp chữ nhật”, mình phải diễn tả nó là một đồ vật có hình dáng như thế nào, góc cạnh ra sao và đặc biệt là cầm tay các em sờ trực tiếp vào đồ vật theo như lời nói. Có như vậy các em mới có thể hiểu và ghi nhớ”. Cũng có khi Hoàng Ân tự bỏ tiền túi của mình ra để mua thêm một số vật dụng cảm thấy cần thiết trong việc dạy và minh họa hình ảnh cho các học trò.

Trong quá trình giao tiếp, Ân cũng phải rất chú ý vì sợ một câu nói lỡ lời cũng có thể làm tổn thương tâm hồn các bạn học sinh từng chịu nhiều thiệt thòi. Cứ thế, từng chút từng chút một nhẫn nại, tinh tế, Ân đã trở thành người thầy, người bạn thân thiết của tất cả các em học trò. Nhận thấy tấm lòng của Ân, các thầy cô trong trường Nguyễn Đình Chiểu cũng tạo điều kiện giúp đỡ, để Ân tham gia buổi tập huấn của các thầy cô ở trong trường để có thể hiểu thêm về các em và phương pháp dạy cho học sinh khiếm thị.

Không dám nhận mình là thầy giáo

Dù dã dạy được gần 7 năm, nhưng Ân vẫn không dám nhận mình là một “người thầy” và chỉ nghĩ đơn giản mình là người giúp các em học sinh kém may mắn, truyền đạt lại cho các em những kiến thức và kinh nghiệm của mình.

Ân tâm sự: “Ở đây không có giới hạn thầy trò mà mình chỉ là một người anh, một người đi trước đã từng học qua những kiến thức đó nên hướng dẫn lại cho các em thôi. Giờ đã đi làm, không còn nhiều thời gian như trước nên mình không thể thường xuyên tới lớp được. Nhiều hôm nhớ phải gọi điện hỏi thăm xem mấy đứa nhỏ học có tốt không, hôm nay có đứa nào mệt mà phải nghỉ học không…”

Lúc mới mở lớp, Ân vẫn hằng ngày đạp xe hơn 1 tiếng để tới trường. Khoảng cách hơn 20 km được xóa nhòa bởi nụ cười và sự nỗ lực của lứa học trò nhỏ. Trầm ngâm, ít nói, nhưng với các em, Ân luôn hết mình. Vào những đợt cao điểm như kỳ thi đại học, Ân dành trọn thời gian của mình giúp các em ôn tập, có khi dạy tới 12 giờ đêm. Rồi còn kiêm luôn xe ôm, phụ huynh đứng chờ hàng giờ trước cửa phòng thi. “Ước mơ của học trò là động lực giúp mình phấn đấu nhiều hơn. Mình mãi mong các em có đủ điều kiện để phẫu thuật, thấy lại ánh sáng mặt trời”, đó là điều mà Ân luôn ấp ủ.

Khi mới bắt đầu công việc này, Ân cũng vấp phải sự phản đối của gia đình, nhưng sau này, khi hiểu ra ý nghĩa của những hoạt động tình nguyện, cha mẹ Ân cũng tạo điều kiện để cậu có thêm thời gian gắn bó hơn với trường, với các em học sinh.

Từ đó đến nay, đã bao thế hệ học sinh Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu đã được người “thầy giáo” trẻ dìu dắt, dạy bảo thêm những kiến thức, kỹ năng sống để vào đời.

Câu lạc bộ Ươm Mầm cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ phía nhà trường và bên ngoài
Câu lạc bộ Ươm Mầm cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ phía nhà trường và bên ngoài.

Thành lập câu lạc bộ gia sư

Với mong muốn có thêm nhiều hoạt động ý nghĩa, và được sự đồng ý của nhà trường, Hoàng Ân đã cùng với Tấn Đạt (sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM) và Duy (Trường ĐH Bách khoa) thành lập Câu lạc bộ tình nguyện Ươm Mầm.

Là những người được Ân truyền lửa trong các hoạt động, lại thấy đây là một ý tưởng hay nên Duy và Đạt cũng ủng hộ nhiệt tình. Đạt chia sẻ: “Khi mình biết Ân có ý muốn tập hợp sinh viên tình nguyện thành một câu lạc bộ, mình thấy đây là ý kiến hay nên đã hưởng ứng. Chắc hẳn các em học trò cũng mong có thêm những người bạn". Nhận xét về người "đồng nghiệp", Đạt nói thêm: “Ân là người rất nhiệt tình và cởi mở. Các em học sinh ở trường luôn tỏ ra thích thú với những tiết dạy của Ân. Mọi người cũng rất ngưỡng mộ những việc làm của cậu ấy”.

Sau hơn 4 năm thành lập, hiện CLB là nơi sinh hoạt của hơn 70 tình nguyện viên. Không chỉ dạy thêm ngoài giờ học cho các em học sinh, CLB còn phối hợp với Đoàn trường tổ chức thêm nhiều hoạt động xã hội, tổ chức thi đua cho các em học sinh.

Nhận thấy các em học sinh khuyết tật cũng có khát khao, mong muốn có thể tự lo cho bản thân và gia đình bằng chính sự lao động chân chính của bản thân, CLB cũng đang xây dựng kế hoạch để giúp tìm kiếm và tạo việc làm cho người khuyết tật.

Hỏi về tương lai, Hoàng Ân cho biết anh cũng chưa bao giờ nghĩ tới việc sẽ dừng dạy học ở trường. “Mình sẽ gắn bó với trường đến khi nào còn có thể”, Ân vừa nói, vừa cười thật tươi.