Chàng sinh viên từ quê nghèo đến đất Mỹ
22:10 30/10/2011 2376
Công tác tuyên truyền, giáo dục Là một trong hai sinh viên Việt Nam hiện theo học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) danh tiếng thế giới, Phạm Thành Thái khiến bạn bè quốc tế thán phục bởi thành tích học tập. Cậu có tham vọng sẽ lấy được bằng tiến sĩ khi bước sang tuổi 25.
Thái sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo yên bình thuộc huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương), nơi mà cách đây hơn 10 năm, nhà trẻ mẫu giáo vẫn là thứ gì đó xa xỉ. Tuổi thơ của Thái là những chiều thả diều-đá bóng-bắt cá giữa đồng cùng lũ trẻ con trong xóm. Những kỷ niệm ngọt ngào của thời thơ ấu đó đã nuôi dưỡng ý chí và tâm hồn chàng trai xứ Đông.
“Chuyên gia” săn học bổng
Ngày bé, điều kiện gia đình không mấy khá giả khiến “sự học” của Thái gặp không ít khó khăn. Thậm chí, ngày bước vào lớp 6, Thái suýt chút nữa phải chuyển từ lớp “chọn” sang lớp “thường” chỉ vì gia đình không có nổi… 40.000 VNĐ đồng tiền học thêm cho cậu hằng tháng.
“Chuyên gia” săn học bổng
Ngày bé, điều kiện gia đình không mấy khá giả khiến “sự học” của Thái gặp không ít khó khăn. Thậm chí, ngày bước vào lớp 6, Thái suýt chút nữa phải chuyển từ lớp “chọn” sang lớp “thường” chỉ vì gia đình không có nổi… 40.000 VNĐ đồng tiền học thêm cho cậu hằng tháng.
Phạm Thành Thái (áo đỏ) cùng bạn bè. |
Kể từ khi học lớp 8 cho tới lúc lên Hà Nội theo học tại trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), Thái luôn đứng đầu lớp. Danh sách học bổng chưa khi nào thiếu vắng tên cậu. Và có lẽ không ít người còn nhớ, Phạm Thành Thái chính là chủ nhân của tấm huy chương vàng Giải Toán Quốc tế và Giải thưởng Toán học Lê Văn Thiêm năm 2007.
Không chỉ học hành đâu ra đấy, Thái còn rất tích cực tham gia các hoạt động Đoàn Hội và tình nguyện. Khi còn học cấp III, Thái từng vinh dự là đại diện tiêu biểu của tỉnh Hải Dương dự Đại hội Đoàn toàn quốc. Từng là Chủ tịch CLB Tài năng trẻ của FPT (FYC) chuyên tổ chức các chương trình vui chơi, tặng quà, chăm sóc, dạy chữ cho trẻ em khuyết tật tại Hà Nội, Hà Tây (cũ), Sơn La, Bắc Giang,…
Theo học tại MIT, Phạm Thành Thái khiến không ít bạn bè quốc tế phải thán phục vì kết quả học tập xuất sắc: Cả 6 học kỳ gần nhất đều đạt điểm tổng kết tuyệt đối 5.0/5.0. Thái cũng là một trong những sinh viên vinh dự giành được MIT Sloan và Paul E. Gray Research Grant, những giải thưởng hết sức cao quý tại MIT. Đây là những học bổng có giới hạn và số sinh viên châu Á giành được giải thưởng này hằng năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thành tích học tập xuất sắc đã giúp Thái liên tiếp giành được những học bổng có giá trị để tự trang trải chi phí cá nhân.
Trải nghiệm từ sự học không độ tuổi
Là học sinh tỉnh lẻ, lại chưa từng được tiếp xúc từ trước nên việc rèn luyện tiếng Anh đối với Thái thực sự khó khăn. Tuy nhiên, cũng chỉ mất khoảng 09 tháng để cậu bạn vượt qua các kỳ thi chứng chỉ TOEFL, SAT và GMAT quốc tế và sẵn sàng cho việc nộp đơn xin học bổng của MIT.
“Các trường đại học tốt ở Mỹ thường chọn những sinh viên mà họ cho là phù hợp với môi trường học tập ở đó và có tiềm năng phát triển sau này”, Phạm Thành Thái chia sẻ.
Những trải nghiệm của Thái tại MIT hầu hết xoay quanh chuyện học. Do nộp hồ sơ muộn nên kỳ đầu tiên, Thái phải học cùng các em sinh viên kém tuổi. Sang kỳ thứ hai, Thái quyết định học các môn khó hơn dành cho sinh viên năm trên. Không những vậy, hiện tại, cậu lại tiếp tục nhảy cóc lên học các môn dành cho chương trình tiến sĩ cùng các anh chị lớn tuổi hơn với tham vọng sẽ lấy được bằng tiến sĩ khi bước sang tuổi 25. Cũng phải nói thêm rằng, chỉ những sinh viên đạt kết quả học tập nhất định mới được phép đăng ký học song song hai bằng cử nhân và nghiên cứu tiến sĩ.
“Sự học không độ tuổi là một trong những điều thú vị nhất ở MIT. Ngôi trường này đã dạy chúng tôi luôn phải nỗ lực để tiến bộ, vì chỉ chốc lát không tiến bộ, chúng tôi sẽ bị vượt qua bởi vô số nhân tài”, Phạm Thành Thái chia sẻ.
Hiện tại, dù đang theo học năm thứ tư tại MIT nhưng Phạm Thành Thái đã có những kế hoạch hướng tới quê nhà. Cậu hiện đang là Giám đốc Công nghệ và kinh doanh của Công ty NES. Sau khi lấy được bằng tiến sĩ Toán học, cậu sẽ trở về Việt Nam tìm kiếm cơ hội để có thể phát triển và ứng dụng những điều đã học được phục vụ nước nhà.