Chàng Phó chủ tịch xã ăn ngủ cùng trưởng thôn
16:08 26/08/2013 2532
Công tác tuyên truyền, giáo dục Trong vòng chưa đầy một năm nhận nhiệm vụ phó chủ tịch xã miền núi Vĩnh Quang, Vĩnh Thạnh (Bình Định), Trịnh Bảo Luân (SN 1984) đã vận động người dân triển khai, thực hiện 3 đề án góp phần đổi thay cuộc sống.
PCT xã Vĩnh Quang, Trịnh Bảo Luân (ngồi, giữa) hướng dẫn bà con làm đường bê tông. |
Sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Thạnh, Luân hiểu rõ quê mình còn nghèo lắm và nhiều người chỉ muốn rời quê tìm việc tại những thành phố lớn. Năm 2009, tốt nghiệp chuyên ngành xây dựng tại ĐH kiến trúc Hà Nội, Luân về Vĩnh Thạnh công tác tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng của huyện.
Công việc đang thuận lợi cùng với khoản thu nhập lớn từ việc làm thêm của Luân là mơ ước của nhiều thanh niên cũng là lúc Bình Định chiêu mộ trí thức trẻ làm PCT xã nghèo. Tháng 7/2012, Luân được bầu làm PCT xã Vĩnh Quang, phụ trách lĩnh vực kinh tế.
Từ niềm vui chưa trọn vẹn
Trịnh Bảo Luân kiểm tra trên cánh đồng mẫu lớn. |
Nắm thông tin và hiểu xã Vĩnh Quang như lòng bàn tay, trong 3 vụ lúa, vụ mùa cho năng suất thấp và khó khăn khi thu hoạch, phơi sấy lúa vì mùa mưa bão, nhiều vụ mất trắng, Luân đề xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đến đặt vấn đề trực tiếp với lãnh đạo trang trại bò sữa tỉnh về việc cung cấp cây và bắp ngô non và được Cty chấp nhận bao tiêu sản phẩm, đề xuất của Luân được lãnh đạo xã ủng hộ, trạm khuyến nông huyện đầu tư vốn. Liền đó, Luân vận động người dân từ trồng lúa vụ mùa chuyển sang trồng ngô non với diện tích thí điểm 2 ha đất ruộng và 15,5 ha trên đất soi (đất màu).
Thí điểm đúng mùa mưa bão nên ngô trồng trên 2ha đất ruộng không phát triển được vì ngập nước nhưng trái lại, diện tích 15,5 ha trồng trên đất soi lại đạt năng suất cao.
Trong khoảng hơn 2 tháng chăm sóc, người dân đã thu hoạch cả trái non lẫn thân cây bán với giá 900 đồng/kg. Năng suất trung bình đạt 360 tạ/ha, so với trồng ngô lấy hạt lãi khoảng 8,4 triệu/ha, thuận tiện hơn khi không phải phơi sấy ngô hạt trong mùa mưa bão.
Hiệu quả thấy rõ nên nhiều hộ dân đăng ký năm tới tiếp tục trồng cây ngô non. Tham gia vụ thí điểm, ông Lương Thế Quang ở thôn Định Xuân cho biết gia đình ông tiếp tục dành diện tích 5000 m2 đất màu trồng ngô non.
Đến những chương trình dân hưởng
Vĩnh Quang là một trong hai xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện nên được lựa chọn xây dựng cánh đồng mẫu lớn cây lúa với diện tích 20 ha. Để mô hình thành công, Luân cùng đội ngũ lãnh đạo xã luôn bám sát đồng ruộng, hướng dẫn nhân dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật đã được tập huấn, cộng với sự chăm chỉ của bà con, kết quả mang lại thật đáng mừng với năng suất đạt cao nhất từ trước đến nay là 72,2 tạ/ha.
Trong khoảng thời gian gần một năm nhận nhiệm vụ, ngoài việc triển khai đề án trồng cây ngô non và xây dựng cánh đồng mẫu lớn, Luân cùng HTX xây dựng đề án thu gom rác thải, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình 167 tấn xi măng của tỉnh (Tỉnh hỗ trợ xi măng định mức 167 tấn/km, người dân bỏ tiền và công sức để làm đường bê tông).
Lần đầu tiên thực hiện 2 đề án mới ở xã miền núi, Luân cùng tổ công tác xuống từng thôn vận động cán bộ và nhân dân toàn xã hiểu được vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thu gom rác thải và bê tông hóa đường giao thông thôn xóm.
Thường xuyên ăn ngủ tại nhà các trưởng thôn, Luân vận động được những người đứng đầu thôn xóm, rồi lan tỏa đến từng người dân để Vĩnh Quang là xã duy nhất huyện Vĩnh Thạnh thực hiện được việc thu gom rác thải. Từ tháng 1/2013, đều đặn mỗi tuần có 2 chuyến xe thu gom rác tại tuyến đường chính của xã.
Thấy được lợi ích của việc thu gom rác, người dân ở các thôn đề xuất tăng tuyến, thêm xe để thu rác tại từng thôn. Trước nhu cầu của bà con, Luân trăn trở, hiện xã phải thuê xe tải của tư nhân nên không đảm bảo giờ thu gom rác và chất lượng như xe chuyên dụng. ”Tôi đang kêu gọi, vận động các nguồn lực để xã có tiền mua xe chở rác chuyên dụng”, Luân nói.
Công việc khiến Luân vất vả nhất là vận động, hướng dẫn kỹ thuật bà con làm đường. Năm 2012, xã đã hoàn thành được 11,85 km trên tổng số 21 km toàn huyện, năm 2013 triển khai thêm 7 km. UBND tỉnh đã sơ kết đánh giá chương trình 167 tấn xi măng trong toàn tỉnh, xã Vĩnh Quang được tỉnh chọn là một trong ba xã đề nghị trung ương khen thưởng trong công tác giao thông nông thôn.
Sau một năm thực hiện đề án đưa trí thức trẻ về làm PCT xã nghèo, ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định đánh giá đây là sự thành công rõ nét trong công tác cán bộ, triển khai nhiều dự án kinh tế cải thiện cuộc sống người dân ở các xã nghèo mà trước đây tỉnh chưa thực hiện được. Ông Dũng đề xuất mở rộng mô hình này, tạo nguồn và đào tạo cán bộ lâu dài cho các cấp chính quyền địa phương. |
Dự án 600 trí thức trẻ làm PCT xã đang góp phần tạo nên những vị công bộc tuổi đôi mươi hết lòng vì dân.