Cao Bằng: Trí thức trẻ góp sức xây dựng xã nghèo

15:10 06/11/2013     2257

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá, cô gái dân tộc Tày Trần Thị Hương đã tham gia Dự án 600 trí thức trẻ ưu tú có trình độ đại học về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo của cả nước và trở thành nữ cán bộ xã đầy năng động, nhiệt tình.
Hiện tại, Trần Thị Hương đang làm phó Chủ tịch UBND xã Nam Quang (Bảo Lâm, Cao Bằng) và là đội viên Dự án 600 trí thức trẻ ưu tú có trình độ đại học về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo của cả nước. Cô từng vinh dự được Ban Bí thư Trung ương Đoàn chỉ định là đại biểu chính thức dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X và được tín nhiệm tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội.

Trần Thị Hương phát biểu tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X

Sinh ra và lớn lên tại xã biên giới Chí Viễn (Trùng Khánh), Hương có thành tích họp tập tốt từ những năm học phổ thông. Sau đó, cô đã thi đỗ vào khoa Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên và tốt nghiệp vào năm 2011 với tấm bằng loại khá. Không chỉ học tập tốt, Hương là một đoàn viên tích các tham gia các hoạt động của cả trường phổ thông và đại học. Vì thế, sau khi tốt nghiệp, biết có Dự án 600 trí thức trẻ ưu tú có trình độ đại học về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo của cả nước, Hương đã nộp hồ sơ tham gia và Phó Chủ tịch xã Nam Quang.

Hương tâm sự: “Nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch xã phụ trách mảng kinh tế, ban đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu kinh nghiệm quản lý, điều hành, nhưng nhờ có sự tạo điều kiện, giúp đỡ của đồng nghiệp, đặc biệt là sự hướng dẫn tận tình của Chủ tịch UBND xã và sự ủng hộ của  nhân dân địa phương tôi đã quen dần với công việc".

Về công tác tại xã Nam Quang, Hương đã tích cực vừa học vừa làm, tranh thủ tích lũy kinh nghiệm. Cô đã đạt được những thành tích bước đầu đáng ghi nhận trên vai trò công việc mới như: Kiểm tra, lập danh sách các hộ dân xâm canh, xâm cư trên địa bàn xã và đề xuất phương pháp giải quyết; cùng tổ công tác của xã giải toả bãi khai thác vàng trái pháp luật trên địa bàn; phối hợp với cán bộ chuyên môn quy hoạch đất để xây dựng chợ trung tâm và UBND xã; xây dựng, phát triển mô hình trồng lạc, trồng ngô lai thí điểm tại thôn Tồng Phườn, được chính quyền xã ủng hộ, tích cực vận động, phối hợp với Đoàn Thanh niên xã triển khai, thực hiện.

Để phát huy lợi thế của địa phương, Hương mạnh dạn xây dựng Đề án “Phát triển chăn nuôi lợn đen” nhằm phát triển sản phẩm thịt lợn đen  vốn là sản phẩm tự cung tự cấp trở thành sản phẩm hàng hoá bán ra thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân. Hương còn là Tổ trưởng tổ thực hiện Dự án PSARD tại xã và Phó ban Quản lý quỹ hỗ trợ phát triển xã. Với cương vị là người lãnh đạo chính quyền ở cơ sở, Hương đã cùng tổ công tác đến 10/10 thôn xóm trên địa bàn xã tìm hiểu, xác định nhu cầu của nhân dân để xây dựng bản kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã. Từ nguồn quỹ hỗ trợ của Dự án PSARD, Hương và tổ Dự án đã xây dựng hồ sơ dự toán công trình Bê tông hoá đường giao thông nông thôn xóm Pác Ròm, công trình này đã hoàn thành đầu tháng 12/2012, giúp người dân đi lại thuận tiện.

Ngoài công tác chuyên môn, là một cán bộ trẻ nên Trần Thị Hương tham gia rất nhiệt tình các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao ở địa phương.