"Cán bộ 600" ở Si Ma Cai
14:50 06/10/2015 1500
Công tác tuyên truyền, giáo dục Triển khai Dự án “Tuyển chọn 600 trí thức trẻ về tăng cường làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 63 huyện nghèo” (dự án 600), huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai...
Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn Giàng Seo Châu (người thứ hai từ trái sang) vận động bà con giữ gìn điệu múa truyền thống của đồng bào Mông. |
Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn Giàng Seo Châu là thạc sĩ người Mông đầu tiên của huyện Si Ma Cai. Là con thứ năm trong gia đình có sáu anh em, cha mẹ đều không biết chữ, Giàng Seo Châu là niềm tự hào của gia đình và thôn bản quê anh khi đỗ một lúc hai trường đại học. Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, Châu về quê ứng cử làm phó chủ tịch xã theo dự án 600. Phụ trách mảng kinh tế-nông nghiệp, Châu vay ngân hàng 30 triệu đồng để tiếp tục học cao học. Sau hơn hai năm vừa học vừa làm, với tấm bằng thạc sĩ trong tay, Châu có thêm kiến thức để giúp đỡ bà con trong sản xuất. Trước đây, bà con chỉ trồng một vụ lúa hoặc một vụ ngô, không phát triển chăn nuôi nên thu nhập rất thấp, nhận thấy nếu không chăn nuôi sẽ khó thoát nghèo, Châu vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kỹ thuật chăn nuôi để chuyển hướng sản xuất từ thuần nông sang kết hợp vừa trồng trọt, vừa chăn nuôi để tăng thu nhập. Nhiều mô hình điểm xuất hiện, trong đó mô hình trồng cây bắp cải được người dân trong xã triển khai rất hiệu quả, mô hình chăn nuôi lợn đen bản địa cũng mang lại thu nhập cao cho bà con. Dấu ấn của Giàng Seo Châu trên cương vị phó chủ tịch xã là vận động bà con tham gia xây dựng đường nông thôn. Đường đến Mản Thẩn cheo leo núi đá, thế nhưng với sự chung sức của bà con, 7/7 thôn, bản của xã có đường bê-tông đến trung tâm thôn và là xã dẫn đầu toàn huyện về làm đường giao thông nông thôn. Các tuyến đường nội đồng, nội bản sẽ sớm hoàn thành trong nay mai. Từ những đóng góp cho Mản Thẩn, đầu năm 2015 Giàng Seo Châu được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn, anh tiếp tục sát cánh cùng bà con tìm hướng phát triển mới cho đồng đất quê mình. Hơn một năm trước, người dân trong xã và các xã chung quanh bắt đầu đưa cây tam thất vào trồng nhưng giống và kỹ thuật chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nước ngoài. Tìm hiểu kỹ thuật trồng cây tam thất, thấy cây tam thất có giá trị kinh tế rất cao, sức tiêu thụ lớn, Giàng Seo Châu vận động nông dân tiếp tục trồng và nghiên cứu nhân rộng để nâng cao thu nhập. Đến nay xã Mản Thẩn đã có bảy hộ trồng cây tam thất với 4,2 ha. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn còn vận động bà con trồng cỏ VA06 ở những diện tích đất đá, đất không canh tác được để phát triển chăn nuôi, phục vụ mô hình chăn nuôi đại gia súc. Với dự án phát triển chăn nuôi, Giàng Seo Châu mong muốn làm sao mỗi hộ sẽ có ba con trâu, bò sinh sản, xây dựng các trang trại chăn nuôi gia súc để người dân thoát nghèo bền vững.
Không có được những thuận lợi như Giàng Seo Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Mế Bùi Thị Chung trước kia là cô giáo dạy văn. Khi có dự án 600, Chung nộp đơn tuyển dụng vào vị trí phó chủ tịch UBND xã. Là người Kinh, công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sự bất đồng về ngôn ngữ là rào cản khiến Chung chưa thể bắt nhịp ngay với công việc. Từ cô giáo dạy văn chuyển sang phụ trách mảng nông nghiệp, tài chính nên tân Phó Chủ tịch UBND xã Bản Mế gặp không ít khó khăn. Xác định khó đâu tháo đấy, Bùi Thị Chung học từ việc nhỏ nhất, cấy bao nhiêu cân ngô, cân lúa trên một ha, lăn lộn trên từng cánh đồng để tìm tòi, thử nghiệm giống mới… Tuổi đời và tuổi nghề còn hạn chế, nhưng được sự nhiệt tình đón nhận của bà con, Bùi Thị Chung dần dần thích ứng. Câu hỏi mà nữ Phó Chủ tịch xã luôn trăn trở là đưa giống cây gì vào trồng để giúp bà con chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nuôi con gì để có thể chuyển dịch cơ cấu vật nuôi của xã? Nghiên cứu khí hậu Bản Mế ấm và nóng, cao hơn các xã khác trong địa bàn huyện từ 3 đến 40C, năm 2013, Bùi Thị Chung đề nghị cấp ủy, chính quyền chuyển đổi từ trồng cây sao mộc sang trồng quế. Bà con các thôn bản mặc dù chưa trồng quế bao giờ nhưng khi nghe chuyển đổi cây trồng thì rất hưởng ứng, bởi không ít người dân trồng cây sao mộc nhiều năm nhưng hiệu quả không cao. So với cây sao mộc thì trồng quế có lợi nhuận cao hơn, chăm sóc tốt chỉ tám đến mười năm là thu hoạch được. Việc đưa cây quế vào trồng làm rừng sản xuất hằng năm bước đầu đã thắng lợi. Năm vừa rồi, xã đã cấp gần 41 nghìn cây quế cho bà con, nâng diện tích trồng quế lên
10 ha, hiện tại cây phát triển tương đối tốt. Là xã được chọn thí điểm thực hiện Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy Lào Cai về giảm nghèo bền vững, trong đó giải pháp là tập trung vào chăn nuôi gia súc, Bùi Thị Chung đã vận động bà con làm chuồng nuôi nhốt gia súc và trồng cỏ cho chăn nuôi, thay đổi tập quán chăn nuôi thả rông trước đây. Đến nay, dự án đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc triển khai tại xã Bản Mế đã giải ngân cho tám hộ vay với số tiền 355 triệu đồng để mua 11 con trâu. Mong muốn làm sao trong thời gian tới, ngành chăn nuôi sẽ giúp bà con nâng cao thu nhập… Tuy vẫn còn khó khăn, nhưng Bùi Thị Chung và bà con Bản Mế đang quyết tâm hoàn tất 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trong năm nay.
Có thể nói đội ngũ trí thức trẻ được tuyển dụng theo dự án 600 của Si Ma Cai đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Họ mang sức trẻ đến những vùng đất còn nhiều khó khăn khiến diện mạo thôn bản thay đổi, số hộ nghèo giảm, năng suất lao động tăng… Đó là những minh chứng rõ nét cho trình độ, năng lực và hoài bão được cống hiến của họ. Tuy nhiên, những đội viên của dự án 600 không khỏi băn khoăn, lo lắng, không biết đi đâu, về đâu khi dự án này sắp kết thúc. Ngoài cán bộ đã biên chế, những đội viên chưa phải là viên chức, khi hết dự án nếu không được bầu vào ban chấp hành đương nhiên sẽ gặp khó khăn. Phần lớn các đội viên không phải là người địa phương, trong quá trình thực hiện dự án, họ đã lập gia đình, mua nhà tại đây, tất cả đều mong muốn được định cư lâu dài để tiếp tục cống hiến, nhưng chính sách chưa rõ ràng khiến các đội viên chưa thật sự yên tâm công tác.
Đem những trăn trở của các đội viên dự án 600 đến gặp Phó Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai Lê Ngọc Quỳnh, đồng chí cho biết: Phần lớn các đội viên dự án 600 đều phát huy sức trẻ, năng lực, bắt nhịp và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, những đội viên dự án công tác tốt, có năng lực, nếu huyện có nhu cầu thì sẽ bố trí sử dụng, nếu không thì phải chờ ý kiến của tỉnh và Trung ương.
Thiết nghĩ, cần sớm có những chính sách cụ thể, rõ ràng, để những trí thức trẻ của dự án 600 tiếp tục được cống hiến cho sự phát triển của địa phương mà họ đã gắn bó gần năm năm qua.