Bước đột phá thu hút người tài

13:31 21/11/2014     2120

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, dự kiến, từ nay đến năm 2020 có 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ sẽ được tuyển chọn vào các lĩnh vực công tác của cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp...

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, dự kiến, từ nay đến năm 2020 có 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ sẽ được tuyển chọn vào các lĩnh vực công tác của cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang và doanh nghiệp nhà nước. Đây được đánh giá là bước đột phá về chính sách để thu hút người tài vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thêm cơ hội cho trí thức trẻ

Những năm vừa qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về tuyển dụng, quản lý và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều cơ quan ở Trung ương, địa phương và doanh nghiệp đã xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về tuyển chọn, đào tạo và đãi ngộ nhằm thu hút những người có năng lực, trình độ về cơ quan, đơn vị, địa phương công tác.

Các tân thạc sỹ trong ngày nhận bằng tốt nghiệp

Trong những dự án tuyển chọn trí thức trẻ, không thể không kể đến dự án thí điểm đưa 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo trên cả nước. Sau thành công của đề án này, Thủ tướng vừa phê duyệt đề án Thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, những dự án này đã tạo thêm nhiều cơ hội để trí thức trẻ phát huy được năng lực, chuyên môn, đóng góp sức lực, trí tuệ vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Bộ Nội vụ đã xây dựng dự án tuyển 1.000 trí thức trẻ vào nhiều lĩnh vực công tác của các cơ quan Nhà nước và đang trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, từ nay đến năm 2020, dự kiến 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ (tiến sĩ khoa học không quá 35 tuổi, tiến sĩ không quá 32 tuổi, thạc sĩ không quá 28 tuổi và sinh viên tốt nghiệp xuất sắc không quá 25 tuổi) sẽ được tuyển chọn vào các lĩnh vực công tác của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước; lực lượng vũ trang và doanh nghiệp nhà nước. Để đạt được mục tiêu này, dự án đề ra một quá trình thống nhất, đồng bộ từ khâu phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và tôn vinh để các trí thức trẻ phát huy hết tài năng, sở trường của mình cống hiến cho đất nước.

Đề cập đến đối tượng được tuyển chọn, Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết thêm, học sinh có triển vọng từ năm cuối trước khi tốt nghiệp THPT, học sinh đỗ thủ khoa, đạt giải quốc gia, quốc tế, sinh viên đại học có kết quả học tập, nghiên cứu, rèn luyện xuất sắc ngay từ năm thứ nhất được phát hiện, đánh giá để đưa vào diện chính sách và được cấp học bổng để đào tạo. Khi tốt nghiệp loại xuất sắc, các đối tượng này sẽ được bồi dưỡng thêm kiến thức về lý luận chính trị, quản lý nhà nước theo chương trình riêng và được giới thiệu cho các cơ quan, đơn vị có nhu cầu để xem xét, tuyển dụng. Riêng cán bộ khoa học trẻ trong và ngoài nước được phát hiện ngay từ cơ sở đào tạo và trong thực tiễn công tác ở cơ quan, đơn vị; trong đó đặc biệt chú trọng đến các ngành kinh tế - kỹ thuật, nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu công nghệ nguồn, quốc phòng, an ninh... Các đối tượng này hàng năm được đánh giá, lựa chọn, được cấp kinh phí bồi dưỡng kiến thức, sau đó được giới thiệu với các cơ quan, đơn vị có nhu cầu.

Sau tuyển dụng từ 1 đến 2 năm, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ, các đối tượng này sẽ được xem xét, bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương ở cấp huyện trở lên, kể cả trường hợp cán bộ đó chưa là đảng viên. Riêng những cán bộ khoa học có năng lực nghiên cứu được tập trung bồi dưỡng theo hướng trở thành nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành cho các lĩnh vực, được giao chủ trì các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học từ cấp tỉnh trở lên. “Hy vọng, sau quá trình tuyển chọn, đào tạo và được trải nghiệm thực tế, các trí thức trẻ trong dự án 1.000 sẽ là nguồn cán bộ cho các chức danh quan trọng ở Trung ương và địa phương”, Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh.

Nhiều băn khoăn

Những dự án tuyển chọn và bố trí trí thức trẻ trong thời gian qua đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Bạn Nguyễn Hoàng Long, sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Kiến trúc, cho biết, Long rất quan tâm đến dự án 1.000 này bởi nó tạo thêm nhiều cơ hội cho sinh viên mới ra trường. “Em mong muốn được cống hiến sức trẻ và khả năng của mình đóng góp xây dựng đất nước và những dự án như thế này là dịp để em thực hiện điều đó. Tuy nhiên, theo em, đề án cần đưa ra những tiêu chí tuyển chọn và có cơ chế, chính sách hỗ trợ về vật chất cho những người đạt tiêu chuẩn bổ nhiệm ở các vị trí lãnh đạo”.

Cũng cho rằng đây là cơ hội để các trí thức trẻ thử sức, anh Nguyễn Tiến Hải, thạc sĩ công nghệ thông tin lại băn khoăn về cơ chế đãi ngộ đối với những tài năng này. Theo anh Hải, tuyển chọn được nguồn nhân lực xuất sắc chưa phải là quan trọng nhất mà điều cốt yếu là làm sao “giữ” được những tài năng này để họ gắn bó lâu dài với cơ quan, đơn vị. “Tôi biết ở nhiều nơi còn có tư tưởng định kiến trong việc đề bạt cán bộ trẻ khiến nhiều người không yên tâm công tác, thiếu tập trung suy nghĩ nghiên cứu nên họ không phát huy được hết năng lực, sở trường của mình”, anh Hải cho biết.

Phân tích ở góc độ quản lý nhà nước, PGS.TS Bùi Xuân Đức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học mặt trận (thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), cho rằng, việc triển khai đề án này là rất tốt và hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Bởi việc này có thể giúp hạn chế được tình trạng chạy chức, chạy quyền; dần dần dẹp bỏ tâm lý “sống lâu lên lão làng” trong việc tuyển chọn cán bộ quản lý từ cấp phòng trở lên. Ông Đức cũng cho biết thêm, để có được những cán bộ quản lý giỏi thì ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng cho họ các kiến thức chuyên ngành, trình độ lý luận chính trị thì cũng cần tạo điều kiện cho họ lăn lộn vào đời sống thực tiễn. Bởi theo ông Đức, chương trình đào tạo khó có thể giúp tạo ra một nhà quản lý giỏi nếu những cán bộ đó thiếu những trải nghiệm thực tế trong công tác.

Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương cũng như Chính phủ cần có cơ chế đặc thù, có mức đầu tư thỏa đáng để thu hút được những tài năng trẻ, nhằm bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn cán bộ, chuyên gia giỏi phục vụ cho đất nước.