Bồi đắp lý tưởng cách mạng, khơi dậy tinh thần yêu nước trong đoàn viên, thanh niên

22:41 24/01/2018     1800

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Web.ĐTN: Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ngày 24/01, tại thành phố Đà Nẵng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Vai trò của tuổi trẻ và tổ chức Đoàn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”.
Tọa đàm được tổ chức nhằm tuyên truyền đến đoàn viên, thanh thiếu niên về thắng lợi, ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công Xuân 1968 trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời, giúp đoàn viên thanh niên nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về thắng lợi và ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã góp phần quan trọng vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để từ đó khơi dậy lòng tự hào, truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam.

Tham dự buổi tọa đàm có đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, cùng đại diện lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng, Tỉnh ủy Quảng Trị, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; các bậc lão thành cách mạng, chứng nhân lịch sử và gần 400 cán bộ, đoàn viên thanh niên của 3 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Huế và Quảng Trị.


d
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương phát biểu tại buổi tọa đàm

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho biết, thông qua tọa đàm nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và trong lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, từ đó nâng cao ý thức chính trị, khẳng định niềm tin sắc son vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; cụ thể hóa và thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.

Đồng thời, khơi dậy, bồi đắp cho thế hệ trẻ luôn trân trọng và tự hào về lịch sử dân tộc, nhất là những đóng góp hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh, trong đó có thế hệ trẻ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Từ đó, thường xuyên bồi đắp lòng yêu nước, giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ; khơi dậy và phát huy tinh thần tự hào dân tộc, lòng yêu nước tiếp tục tiếp bước truyền thống hào hùng của các thế hệ đi trước tiếp tục học tập, lao động, cống hiến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.


“Đây là dịp để đoàn viên, thanh niên được gặp gỡ, trò chuyện cùng các nhân chứng lịch sử, góp phần định hướng tư tưởng chính trị, đẩy lùi những ảnh hưởng tiêu cực của các thông tin, quan điểm sai trái, lệch lạc về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đồng thời, tạo động lực để cổ vũ thanh niên ra sức thi đua rèn luyện trong học tập, lao động, công tác đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương nhấn mạnh.


Các nhân chứng tham gia giao lưu tại buổi tọa đàm
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương tặng hoa, quà các nhân chứng tham gia giao lưu
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu và các bạn trẻ đã được gặp gỡ, giao lưu với ba nhân chứng lịch sử, đó là: bà Hoàng Thị Nở là 1 trong 11 cô gái sông Hương (tỉnh Thừa Thiên Huế); ông Hồ Văn Xan, người trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng Khe Sanh - Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và ông Lê Ngọc Bảy, Đại tá, nguyên Phó Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh Quảng Nam (Đà Nẵng cũ).

Tại đây, các đại biểu đã chia sẻ những câu chuyện về một thời “hoa lửa” hào hùng, như: câu chuyện của bà Hoàng Thị Nở  về 11 cô gái sông Hương, vừa làm nhiệm vụ dẫn đường, vừa tải thương và trực tiếp cầm súng đánh giặc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Riêng đêm 11, rạng ngày 12/2/1968, Tiểu đội 11 cô gái sông Hương đã đánh lui một tiểu đoàn lính Mỹ, diệt 70 tên và phá hủy 4 xe tăng, thu nhiều vũ khí của địch để trang bị lại, phục vụ chiến đấu. Nhiều người đã anh dũng hy sinh ngay trong trận chiến đấu đó, trong đó có Tiểu đội trưởng Phạm Thị Liên và Tiểu đội phó Đỗ Thị Cúc...
Chiến công của 11 cô gái sông Hương đã góp phần cùng quân và dân ta làm chủ thành phố Huế trong 26 ngày đêm. 11 cô gái sông Hương đã được Bác Hồ gửi thư khen: "Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường/Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường/Bác khen các cháu dân quân gái/Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương".

Hay câu chuyện về những trận chiến khốc liệt qua lời kể chuyện của Đại tá Lê Ngọc Bảy, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nguyên chiến sỹ trinh sát Tiểu đoàn R20 trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại thành phố Đà Nẵng...



Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương tặng quà cho các nhân chứng lịch sử đã tham gia chiến đấu trực tiếp trong chiến dịch xuân Mậu Thân 1968

Dịp này, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn đã trao tặng 20 suất quà, mỗi suất trị giá 01 triệu đồng cho đại diện những gia đình các chiến sỹ đã tham gia vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân1968.

Trước đó, tại Bia chiến tích kỷ niệm xuân Mậu Thân 1968 (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu), Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cùng Thành Đoàn và đoàn viên, thanh niên thành phố Đà Nẵng đã đến đặt vòng hoa, dâng hương, mặc niệm những anh hùng đã hy sinh vì độc lập dân tộc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân1968.



cs
Dâng hương tưởng nhớ các anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968


f
Thăm, tặng quà bác Hoàng Lê Nghĩa, phường An Khê, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng

Nhằm tri ân và cảm ơn sâu sắc những công lao to lớn của các chiến sỹ đã từng tham gia trực tiếp chiến đấu trong chiến dịch xuân Mậu Thân 1968, Trung ương Đoàn, Thành Đoàn Đà Nẵng đã đến thăm và trao 02 phần quà cho hai nhân chứng lịch sử: gia đình bác Chế Viết Toản, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn và gia đình bác Hoàng Lê Nghĩa, phường An Khê, quận Thanh Khê. Hai Bác đều là những chiến sỹ tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.

Ngay sau tọa đàm "Vai trò của tuổi trẻ và tổ chức Đoàn đối với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 " được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, Trung ương Đoàn sẽ tiếp tục tổ chức buổi tọa đàm tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 29/01 tới đây.