Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của thanh niên trong lĩnh vực lao động và việc làm

08:29 16/11/2011     2541

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Web.ĐTN: Điều 34, Luật Thanh niên đã nêu: “Là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên và các tổ chức thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên”.
Chiều ngày 15/11/2011 tại Hà Nội, Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tham gia bảo vệ quyền và lợi ích của thanh niên trong lĩnh vực lao động và việc làm”.

Tham dự Hội thảo có
TS Đỗ Ngọc Hà, Viện trưởng Viện nghiên cứu Thanh niên; TS Chu Xuân Việt; TS Lê Văn Cầu, Tổng biên tập Tạp chí Thanh niên;  TS Trần Văn Miều, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ giáo dục, môi trường và phát triển; đại diện Viện nghiên cứu thanh niên Việt Nam, Ban TN Công nhân và Đô thị Trung ương Đoàn; cùng đại diện Thành đoàn Hà Nội và Tỉnh Đoàn Hải Dương.

TS Trần Văn Miều phát bểu với Hội thảo
TS Trần Văn Miều, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ giáo dục, môi trường và phát triển  phát bểu với Hội thảo

Với chức năng đoàn kết tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh niên, Hội LHTN Việt Nam có chức năng cơ bản là chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp thanh niên cả trong và ngoài nước. Đây không chỉ là một chức năng được ghi trong tôn chỉ mục đích của Hội, mà còn là một nhiệm vụ pháp định của Hội. Điều 34, Luật Thanh niên có nêu: “Là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên và các tổ chức thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên Việt nam có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên”.

Chức năng là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của thanh niên của Hội LHTN Việt Nam đã được pháp luật quy định, đặc biệt là trong Luật Thanh niên, Luật Lao động, Luật hôn nhân và gia đình…ở các lĩnh vực: học tập, lao động, bảo vệ Tổ quốc, trong hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường, trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, trong bảo vệ sức khỏe, hoạt động thể dục thể thao, trong hôn nhân và gia đình, trong quản lý Nhà nước và xã hội. 

Trong đó, lao động là một quyền cơ bản của công dân nói chung và của thanh niên nói riêng. Do đó, quyền và lợi ích của thanh niên trong lĩnh vực lao động, việc làm là một nội dung quan trọng để tổ chức Hội LHTN các cấp thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích thanh niên. Tuy nhiên, đến nay vai trò, chức năng đó còn chưa được thể hiện đầy đủ, rõ nét.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, các cán bộ làm công tác lý luận, các chuyên gia nghiên cứu, các đại biểu cán bộ Đoàn, Hội đã phát biểu để góp thêm cơ sở lý luận và thực tiễn giúp Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam xây dựng hệ thống giải pháp của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tham gia bảo vệ quyền và lợi ích của thanh niên trong lĩnh vực lao động và việc làm, ở 3 khía cạnh: Đánh giá việc thực hiện quyền và lợi ích của thanh niên trong lĩnh vực lao động và việc làm hiện nay; Vai trò của tổ chức Hội LHTN Việt Nam và giải pháp của Hội trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của thanh niên.

Hải Dương là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, với 12 huyện, thị, thành phố, diện tích tự nhiên là 1.648km2, dân số hơn 1,7 triệu người. Hiện toàn tỉnh có hơn 41 vạn thanh niên trong độ tuổi lao động, chiếm 33,5% dân số và trên 55% lực lượng lao động xã hội.

Theo đ/c Hoàng Quốc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Hải Dương cho biết: Hội LHTN tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, thể hiện sự đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, hướng tới bảo vệ quyền và lợi ích của thanh niên về lao động và việc làm.

Đ/c Thưởng đề nghị trong thời gian tới cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, thanh niên về việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, nhu cầu nguyện vọng chính đáng của thanh niên trong lĩnh vực lao động và việc làm trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ thường xuyên, là động lực để thanh niên gắn bó với tổ chức, đồng thời là sự sống còn đối với tổ chức.

Là Trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước, đ/c Nguyễn Mạnh Đạt, Chánh Văn phòng Ủy Ban Hội LHTN thành phố Hà Nội khẳng định: hoạt động của Đoàn TN – Hội LHTN thành phố trong thời gian qua đã đồng hành, hỗ trợ thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm, chủ yếu là các hoạt động tập huấn, hỗ trợ tư vấn ở một số đề án cụ thể như: Phổ cập tin học và internet; hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; thực hiện mô hình CLB hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp; xây dựng quỹ vốn vay giải quyết việc làm … cụ thể, Tổng dư nợ của ĐVTN hiện quản lý là 66,6 tỷ đồng và đầu năm 2011, UBND thành phố đã có Quyết định số 468/QĐ-UBND ngày 26/01/2011 phân bổ 5 tỷ đồng nguồn vốn vay các dự án vay vốn giải quyết việc làm của ĐVTN và giao cho Thành đoàn quản lý.

Gắn bó với thanh niên từ nhiều năm, TS Trần Văn Miều cho rằng: quyền và lợi ích là động lực quan trọng để đưa thanh niên vào các mô hình hoạt động của Đoàn, Hội. TS Miều đã đưa ra 3 nhóm lợi ích của thanh niên, đó là: Chính trị, kinh tế và xã hội.

Vậy, để đưa thanh niên vào hoạt động thì tổ chức Hội LHTN không thể hoạt động một mình, mà cần có sự liên kết, lồng ghét trong các hoạt động của Đoàn để tạo nguồn lực, kỹ năng, kinh phí hoạt động … đây là bài toán đặt ra cho Hội LHTN.

TS Miều cũng nêu nên khó khăn đối với tổ chức Hội đó là, một số ý kiến đáng giá thanh niên còn mang nặng tính phong kiến, không khách quan dẫn đến thanh niên xã rời tổ chức.

Để tập hợp, thu hút thanh niên, theo TS Miều, Hội LHTN cần đề xuất có những chính sách cho thanh niên; đưa chính sách đó vào đời sống thanh niên; kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách và tổ chức các phong trào thi đua, khen thưởng động viên kịp thời …

Với 9 ý kiến phát biểu tại Hội thảo mang tính gợi mở đã chỉ ra những vấn đề của thanh niên hiện nay trong lĩnh vực lao động và việc làm; đồng thời nêu ra những vấn đề mà Hội LHTN Việt Nam cần quan tâm và có nhiều giải pháp hiệu quả nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của thanh niên trong thời gian tới.