Bản lĩnh thanh niên Cần Thơ

08:21 12/02/2014     1377

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Web.ĐTN: Tại một hội thảo bàn về xây dựng bản lĩnh thanh niên hiện nay, có đại biểu đưa ra công thức khá thú vị: Nhận thức + Ý chí = Bản lĩnh. Những thủ lĩnh thanh niên mà chúng tôi gặp gỡ cũng chia sẻ rằng: chính lý tưởng sống đẹp và ý chí, nghị lực vượt khó đã giúp họ vượt qua mọi thử thách để thực hiện ước mơ của mình.
 “Thủ lĩnh” mê nghiên cứu khoa học

Thạc sĩ Huỳnh Xuân Phong, Bí thư Đoàn cơ sở Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ sinh học (Trường Đại học Cần Thơ)
Thạc sĩ Huỳnh Xuân Phong, Bí thư Đoàn cơ sở Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ sinh học (Trường Đại học Cần Thơ)
Thạc sĩ Huỳnh Xuân Phong, Bí thư Đoàn cơ sở Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ sinh học (Trường Đại học Cần Thơ) là chủ nhiệm của nhiều đề tài khoa học có ý nghĩa thiết thực cho cuộc sống. Người “thủ lĩnh” này cũng đã truyền lửa cho nhiều sinh viên trong phong trào nghiên cứu khoa học. Phong nhận nhiều giải thưởng như: Giải khuyến khích “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” do Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng, Giải thưởng “Lương Định Của” do Trung ương Đoàn trao tặng vào năm 2012. Đề tài “Phân tích vi sinh và đánh giá qui trình lên men ca cao ở qui mô nông hộ” của anh được Trung ương Đoàn trao Giải “Sáng tạo trẻ” toàn quốc lần thứ VI-2013. Trong 4 năm thực hiện đề tài này (từ năm 2009 đến 2012), Phong thường xuyên khảo sát, thử nghiệm quy trình lên men ca cao một số cơ sở thu mua, lên men ca cao ở tỉnh Bến Tre và TP Cần Thơ. Phong chia sẻ: “So với các nước trồng ca cao ở khu vực Đông Nam Á và nhiều nơi khác trên thế giới, hạt ca cao Việt Nam có chất lượng vượt trội. Tuy nhiên, hạn chế của hạt ca cao nước ta là độ axit (chua) vẫn còn cao”. Từ thực tế đó, Phong nghiên cứu đề tài này nhằm xác định hệ vi sinh vật bao gồm nấm mốc, nấm men và vi khuẩn của quá trình lên men ca cao. Qua đó, tạo cơ sở cho việc sử dụng các vi sinh vật này như một nguồn giống chủng để thay đổi quá trình lên men đạt chất lượng tốt nhất, giúp nông dân đạt lợi nhuận cao nhất. Ngoài ra, anh còn làm chủ nhiệm các đề tài khoa học như: “Phân lập và tuyển chọn hệ vi sinh vật hữu ích trong cải tiến chất lượng hạt ca cao lên men”, “Sản xuất nước cà chua lên men bằng vi khuẩn lactic”…

Năm 2003, sau tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Cần Thơ), Phong được tuyển dụng vào làm cán bộ nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ sinh học. Vừa là cán bộ giảng dạy vừa tham gia nghiên cứu khoa học, Phong nỗ lực học tập kinh nghiệm từ thầy cô, đồng nghiệp. Phong còn nhớ rõ lần đầu tham gia nghiên cứu đề tài “Lên men, sấy và đánh giá chất lượng hạt ca cao ở Việt Nam” (từ 2006 đến 2009) do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn làm chủ nhiệm. Sự say mê, nhiệt tình, nghiêm túc trong công việc của thầy đã truyền cho Phong ngọn lửa đam mê và sự tận tụy dìu dắt thế hệ trẻ. Nhiều sinh viên do Phong hướng dẫn nghiên cứu đã đạt giải “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” dành cho sinh viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hoặc tiếp tục chương trình cao học.

Triệu phú từ mô hình VACR

Nhiều bạn trẻ ở xã Thới Xuân (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) thấy tự hào khi nhận được tin vui:
f
Trần Văn Phúc, Bí thư Chi đoàn ấp Thới Bình 1, xã Thới Xuân, (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ)
“thủ lĩnh” Trần Văn Phúc, Bí thư Chi đoàn ấp Thới Bình 1, xã Thới Xuân vừa được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Giải thưởng Lương Định Của năm 2013. Sự cần cù, năng động lập nghiệp và gặt hái thành công với mô hình VACR (vườn – ao – chuồng và ruộng) của Phúc là sự khích lệ lớn đối với phong trào tuổi trẻ lập thân lập nghiệp tại địa phương.

Tháng cận Tết cũng là thời điểm Phúc gần như có mặt suốt ngày ngoài đồng để chăm sóc 3 ha lúa cao sản và vườn xoài cát Hòa Lộc trái sai oằn. Từ hai bàn tay trắng, sau 10 năm cật lực lao động, Phúc trở thành triệu phú trẻ với cơ ngơi vững vàng. “Do thiếu kiến thức và tập quán sản xuất lạc hậu mà đại đa số người dân địa phương còn nghèo. Cũng vì vậy, khi tôi bàn với gia đình xây dựng mô hình khép kín VACR với quy mô lớn, cả nhà đều lo lắng, bàn ra” – Phúc tâm sự. Phúc kiên trì thuyết phục gia đình bằng cách vạch ra những kế hoạch thật chi tiết, từ việc xây dựng chuồng trại, đầu tư con giống, chăm sóc đàn heo... Phúc cũng nhiều lần đến những trang trại chăn nuôi lớn để học hỏi kinh nghiệm. Từ năm 2006, Phúc chuyển toàn bộ 1,5 ha đất sang trồng lúa cao sản cho năng suất từ 9 đến 11 tấn/ha, thu lợi nhuận cao hơn. 3 năm gần đây, Phúc còn thuê 1,4 ha đất ruộng để mở rộng diện tích trồng lúa cao sản. Hằng năm, tổng thu nhập từ ruộng lúa của gia đình Phúc trên 200 triệu đồng. Nhận thấy nhiều nông dân có nhu cầu mua lúa giống chất lượng cao, Phúc liền cải tạo 5 công ruộng để sản xuất lúa giống, giá bán ra thị trường cao hơn giá lúa thông thường 50%, thu lợi gần 4 triệu đồng/công. Mô hình khép kín VACR dần hoàn thiện, trong đó, Phúc tận dụng đất đê bao trồng trên 120 gốc xoài cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan; cải tạo 1.000m2 mặt nước nuôi cá trê lai, lươn, ếch và xây dựng trại chăn nuôi heo với quy mô hàng chục con. Mô hình này mỗi năm đem lại cho gia đình Phúc khoản thu nhập không dưới 500 triệu đồng. Đây cũng là điểm tham quan mô hình kinh tế hiệu quả của thanh niên trong huyện. Theo Phúc, để xây dựng mô hình này thành công, Phúc đã đi tìm hiểu, học hỏi rất nhiều từ các kỹ sư, nông dân sản xuất giỏi, nhất là tìm hiểu các mô hình đã làm thành công và vừa làm vừa rút tỉa kinh nghiệm.

Để giúp cho nhiều thanh niên trong ấp có việc làm, thu nhập ổn định, Phúc thành lập Tổ thanh niên lao động thời vụ với 12 thanh niên. Khi đến vụ mùa, Tổ giới thiệu việc làm thêm cho thanh niên, từ sạ lúa, bón phân, xịt thuốc đến thu hoạch và cày xới thuê. Trung bình mỗi vụ mùa, một thanh niên có thu nhập trên 30 triệu đồng. Đoàn viên thanh niên muốn ứng dụng mô hình chăn nuôi, trồng trọt, Phúc đều tận tình hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm và hỗ trợ con giống. “Phần lớn thanh niên rất chí thú làm ăn, nhưng ngặt nỗi là thiếu vốn sản xuất. Nếu được gỡ khó vấn đề này, tôi tin phong trào thanh niên lập nghiệp sẽ khởi sắc” – Phúc bộc bạch.

Chàng trai đi “trao yêu thương”

Võ Quốc Thái (Thành đoàn Cần Thơ),BA
Nguyễn Minh Nhật, ở khu vực Yên Bình, phường Lê Bình (quận Cái Răng, TP Cần Thơ).
Hai năm qua, trang web: www.canhdoi.com là địa chỉ quen thuộc của các nhà hảo tâm cùng chung tấm lòng tình nguyện. Ít ai ngờ người thành lập và quản lý trang web trên là Nguyễn Minh Nhật, ở khu vực Yên Bình, phường Lê Bình (quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Nhật cũng là nhóm trưởng Nhóm tình nguyện “Trao yêu thương”, quy tụ hơn 60 bạn trẻ cùng sở thích tình nguyện ở các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tính đến nay, nhóm đã vận động giúp đỡ gần 1.000 hoàn cảnh thương tâm, trong đó có 20 trường hợp đặc biệt khó khăn.

Theo Minh Nhật, điều thôi thúc Nhật thành lập một tổ chức tình nguyện bắt nguồn từ những bài viết về hoàn cảnh thương tâm đăng trên Báo Cần Thơ. Những cảnh đời bất hạnh ở nơi này, nơi khác làm Nhật cứ trăn trở và đi tìm hiểu tường tận từng cảnh đời để vận động các mạnh thường quân giúp đỡ. Sau mỗi chuyến đi, tâm trí Nhật cứ mãi nghĩ về cậu bé mồ côi bị bệnh tim mà không có tiền chữa trị, hay về đôi vợ chồng già, nghèo khó với ước ao giản dị là có tiền mua cặp heo rừng làm giống… Càng đi, Nhật càng trăn trở, nghĩ cách giúp người nghèo vươn lên ổn định cuộc sống mà không làm họ tự ti, mặc cảm hoặc ỷ lại. Nhật kể: “Mỗi hoàn cảnh đều rất đáng thương, vì vậy chúng tôi xác định hỗ trợ cái mà họ thiếu, từ công cụ sản xuất, xây dựng nhà tình thương đến chi phí khám chữa bệnh hoặc tặng học bổng, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo…”.

Sau khi tốt nghiệp đại học (năm 2010), Nhật có thêm nhiều thời gian tập trung cho các hoạt động tình nguyện. Đến nay, Nhóm tình nguyện “Trao yêu thương” thu hút được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức trẻ các sở ngành, học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và một số doanh nghiệp trong và ngoài thành phố tham gia. Cô Đường Thị Hồng Cúc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình phường Thường Thạnh (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) rất tâm đắc trước những việc làm đầy ý nghĩa của Nhật và nhóm tình nguyện. Cô tâm sự: “Nhờ sự giúp đỡ của Nhật, nhiều mảnh đời bất hạnh ở địa phương dần ổn định cuộc sống”. Với sự giúp đỡ của nhóm, ngày càng có nhiều người được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh, xây nhà nhân ái, nhiều trẻ mồ côi được đỡ đầu hoặc nhận nuôi dưỡng và hàng trăm suất quà tặng người nghèo vui Tết hàng năm... Đến chùa Long An (khu vực Thạnh Mỹ, phường Thường Thạnh) – nơi 4 đứa trẻ mồ côi được Nhóm thường xuyên hỗ trợ sữa, thuốc men và quần áo gần 3 năm qua, chúng tôi càng trân trọng tấm lòng nhân ái của những bạn trẻ này.

Bên cạnh tích cực hỗ trợ các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Nhật cùng với các thành viên Nhóm tình nguyện “Trao yêu thương” còn tổ chức thăm, tặng quà và tổ chức sân chơi cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Từ tháng 8 -2013 đến nay, nhóm đã thăm, tặng quà cho gần 1.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh: Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng và Cà Mau. Để có điều kiện giúp đỡ nhiều người nghèo, Nhật ấp ủ sẽ tổ chức các chương trình văn nghệ gây quỹ hỗ trợ người nghèo qui mô hơn. Những việc làm tốt đẹp, thiết thực của Nhật và Nhóm tình nguyện “Trao yêu thương” đã và đang góp phần khơi dậy nhiều tấm lòng nhân ái, tâm huyết góp sức làm những việc có ích cho xã hội.