Bắc Kạn: Những triệu phú trẻ ở Pác Nặm

14:39 09/08/2013     1907

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Từ bao đời nay, người Mông, người Dao ở vùng cao heo hút này bị cái nghèo, cái đói đeo bám. Là những người trẻ của bản làng ngày nay, trách nhiệm của chúng tôi là phải đuổi cái nghèo vào quá khứ...
Đó là tâm huyết của chàng thanh niên người Dao Triệu Văn Dậu ở bản Khau Pảng, xã Bộc Bố (huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn).

Từ chàng chăn bò thành triệu phú

Cách đây gần chục năm, bản Khau Pảng từng có tên là “bản túy lúy”, bởi tối ngày, từ người già, người trẻ, từ thanh niên đến phụ nữ và cả trẻ con đều làm bạn với “ma men”.

a
Chị Mùa Thị Thúy (vợ anh Triệu Văn Dậu) đang đan bện cỏ lau để lợp lại mái khu chuồng bò.
 
Nhưng chàng thanh niên Triệu Văn Dậu không cam chịu điều tiếng ấy. Sinh năm 1983 trong một gia đình có bố bị khiếm thị, khiếm thính, mẹ lại bệnh tật đau yếu liên miên, nên từ nhỏ Dậu đã phải cáng đáng hầu hết những việc lớn nhỏ trong nhà. Học hết cấp II, anh đành phải nghỉ học để đi nương giúp mẹ. “Mình còn trẻ, có sức khỏe, không thể cam chịu nghèo mãi được, phải học để làm giàu thôi!” - Dậu nghĩ.

Nghĩ sao làm vậy, sau khi tìm đến cán bộ khuyến nông và các điển hình làm kinh tế giỏi trong xã, trong huyện để học hỏi kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, Dậu hạ quyết tâm khai hoang đồi núi để trồng cây ăn quả và cỏ voi để nuôi bò. Vốn ban đầu chưa có, anh đánh liều đi vay để đầu tư vào nuôi bò...

Sau 5 năm nỗ lực không ngừng, kinh tế gia đình Dậu đã khá lên trông thấy, lương thực không những đủ ăn mà còn dành một phần để chăn nuôi. Đến nay đàn bò của Dậu đã có gần 30 con béo tốt, trị giá cả trăm triệu đồng, cùng với thu nhập từ các loại cây ăn quả, gia súc, gia cầm, đã giúp cho gia đình anh không chỉ thoát nghèo mà hiện được coi là giàu nhất bản.

Giờ Triệu Văn Dậu là tấm gương cho thanh niên người Dao ở bản Khau Pảng học tập làm theo để thoát nghèo và loại bỏ tệ nạn xã hội.

Bí thư Đoàn giỏi làm kinh tế

Đến bản Phja Đeng của đồng bào Mông ở xã Nghiên Loan (huyện Pác Nặm) hỏi thăm chàng Bí thư Chi đoàn Lý Văn Dinh thì từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể chỉ đến tận nhà. Sinh năm 1986, sau khi tốt nghiệp lớp 12, do gia đình khó khăn không đủ điều kiện để học tiếp, Dinh đành phải “gói gém sách vở” trở về bản Phja Đeng. Nhìn thấy cái nghèo khó cứ đeo đẳng bản làng như khối đá lớn, đã nhiều đêm cậu trăn trở phải làm sao để thoát nghèo. Khi nghe tin Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho thanh niên vay vốn sản xuất, Dinh đã mạnh dạn vay 10 triệu đồng để mua một cặp bò phục vụ sức kéo.

"Mong ước lớn nhất của em là một vài năm nữa, người Mông ở đây không ai bị đói, bị rách nữa...” - Anh Lý Văn Dinh nói

Việc độc canh cây ngô, cây khoai đem lại hiệu quả không cao, Dinh đã tính toán và chuyển sang chăn nuôi trâu, bò vỗ béo làm hàng hóa. Từ năm 2007 đến nay, mỗi tháng có 6 phiên chợ bò, Dinh đều đưa bò ra chợ bán và tìm mua những con gầy yếu với giá rẻ về nhà vỗ béo. Cứ mỗi phiên chợ như vậy, cậu lãi từ 700.000 đến 1 triệu đồng.

Tính thu nhập từ nuôi bò vỗ béo và trồng trọt, mỗi năm Lý Văn Dinh thu về hàng trăm triệu đồng để tái sản xuất bằng cách mở thêm ruộng, vườn, trồng cây ăn quả, giúp đỡ các đoàn viên thanh niên trong bản phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Giờ đây, nhiều hộ ở Phja Đeng nhờ làm theo cách của Dinh mà đã có của ăn, của để, sắm được nhiều vật dụng đắt tiền trong nhà.