An Giang: Hành trình" Tuổi trẻ quê hương Bác Tôn với Côn đảo"

10:36 04/09/2018     470

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Web.ĐTN: Chào mừng kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2018), Tỉnh Đoàn An Giang đã tổ chức hành trình “tuổi trẻ quê hương Bác Tôn với Côn Đảo” tại huyện Côn Đảo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đoàn công tác do đồng chí Võ Thị Thủy Tiên – Phó Bí thư Tỉnh Đoàn dẫn đầu, cùng với gần 30 đoàn viên thanh niên ưu tú trong toàn tỉnh.
Đoàn dâng hương tại nghĩa trang Hàng Dương
Đoàn dâng hương tại nghĩa trang Hàng Dương


Với các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", sau khi đặt chân lên đảo, đoàn đã bắt tay ngay vào chương trình với hoạt động đầu tiên vô cùng ý nghĩa đó là tặng 10 suất quà cho các gia đình chính sách và 10 suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi tại huyện Côn Đảo.

Thật may mắn và đặc biệt hơn khi đoàn đã có cơ hội được mẹ Nguyễn Thị Ni - nữ cựu tù tại nhà tù Côn Đảo kể về những ngày tháng mình bị giam giữ tại địa ngục trần gian này, thông qua đó giúp cho đoàn có thể hiểu và cảm nhận sâu sắc về những ngày tháng đầy giao lao, cực khổ nhưng luôn bừng sáng khí chất của những người chiến sỹ  cách mạng anh hùng, kiên cường của các thế hệ đi trước không chịu khuất phục trước kẻ thù.

g
Đoàn trao tặng 10 suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn


Cùng với đó, đoàn cũng đã đến bảo tàng Côn Đảo để tìm hiểu về lịch sử huyện Côn Đảo, tại đây đoàn được nghe thuyết minh về lịch sử hình thành Côn Đảo một cách khái quát và tìm hiểu về các cuộc đấu tránh của những tù nhân chính trị bị giam cầm  tại địa ngục trần gian và ý chí kiên cường của những chiến sỹ cho đến ngày Côn Đảo được giải phóng. 
Thông qua các hoạt động về nguồn tại hệ thống nhà tù Côn Đảo như: trại Phú Hải, Phú Tường, Phú Bình, nơi có những chứng tích còn lại về một thời đen tối của lịch sử với chuồng cọp kiểu Pháp, chuồng cọp kiểu Mỹ, hầm phân bò và hầm xây lúa và nhiều hình thức tra tấn khác được Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xây dựng nên nhằm đàn áp những người yêu nước, những người Cộng sản kiên trung một cách tàn bạo nhất. Có đến đây những bạn trẻ mới có thể thấu hiểu được vì sao người xưa gọi đây là địa ngục trần gian, nhưng vượt lên trên tất cả sự tàn độc đó là ý chí kiên cường… Và sự anh dũng của những tù nhân chính trị, những chiến sỹ anh hùng dân tộc Việt Nam, họ đã vì lý tưởng của Đảng quang vinh, vì lòng yêu nước thiết tha, mà quên đi cả bản thân, chịu sự tra tấn dã man giữa con người với con người, để có thể biến nhà tù thành “trường học cách mạng” để đào tạo ra nhiều thế hệ lãnh đạo ứu tú của Đảng và nhà nước trong đó có Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu.
Núi Côn Lôn được pha bằng máu
Đất Côn Lôn năm, sáu lớp xương người
Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời
Mỗi tảng đá là một trời đau khổ…
Nghĩa địa Hàng Dương vùi chôn bao số phận
Hết lớp này, lớp khác dập lên trên
Mặt phẳng lì không mô đất nhô lên
Không bia mộ và không tên, không tuổi…

Một hoạt động không thể thiếu khi đến với Côn Đảo đó là viếng và dâng hương tại nghĩa trang Hàng Dương, nơi an nghỉ của hàng vạn tù nhân chính trị đã nằm lại trên mãnh đất Côn Đảo và trong số đó có những người con kiên trung, lỗi lạc như: Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, người nữ anh hùng Võ Thị cùng với rất nhiều vị anh hung, những chiến sĩ kiên trung khác.

Nối tiếp các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, đoàn đã đến Đồn Biên phòng Côn Đảo để giao lưu văn hóa văn nghệ cùng với các cán bộ, chiến sĩ tại đồn nhằm mang hơi ấm từ đất liền ra các anh chiến sĩ đóng quân nơi đảo xa để các anh vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biên giới thiên liêng của tổ quốc. 
Đến thăm Côn Đảo, thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ An Giang nói riêng nguyện phấn đấu hết mình vì sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, giữ vững độc lập chủ quyền, lãnh thổ thiên liêng của tổ quốc, không phụ lòng các thế hệ tiền nhân đi trước.