Á khoa ĐH FPT: “Học ĐH như xây cao ốc trong thời sốt giá”
07:52 30/11/2011 2685
Công tác tuyên truyền, giáo dục Với Nguyễn Công Danh - Á khoa tốt nghiệp của ĐH FPT năm 2011, việc giành được ghế PM (Quản trị dự án) tại một tập đoàn CNTT lớn nhất VN khi chưa nhận bằng tốt nghiệp không phải may mắn. Danh chia sẻ về chiến lược học như xây cao ốc trong trời “sốt giá”.
Nguyễn Công Danh vừa đỗ á khoa tốt nghiệp ĐH FPT năm 2011. |
Chuẩn bị nền móng
Sinh năm 1989, chàng trai quê Phú Yên đã học 1 tháng tại khoa CNTT - ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM, nhưng quyết định rẽ ngang táo bạo khi khăn gói ra Hà Nội trở thành sinh viên khóa 3, chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm của ĐH FPT - khi đó vừa mới thành lập.
Bỏ qua nhiều suy nghĩ an toàn, cho rằng quyết định đi xa và bắt đầu lại từ đầu là quá mạo hiểm, Danh tin rằng mình muốn thành công trước hết phải giành được 2 thứ đúng ý: Học đúng với đam mê, và chọn đúng môi trường phù hợp nhất dành cho mình.
Do nhận thức được về tốc độ thay đổi và cập nhật chóng mặt của công nghệ, ngay từ đầu khi quyết định theo đuổi đam mê với CNTT, cậu đã xác định chiến lược học giống như xây cao ốc trong thời “sốt giá” nhà đất, cần chuẩn bị một nền móng thật vững, để đủ khả năng chồng tiếp các tầng kiến thức khác tùy theo nhu cầu của thị trường. Nhưng trước khi đặt những tầng kiến thức đầu tiên, cần tìm hiểu và suy nghĩ thật kĩ để chọn được mảnh đất “có giá”, nơi vừa đáng để đầu tư, vừa cho mình nhiều giá trị gia tăng sau này.
Chỉ sau 2 năm học tại ĐH FPT với 100% nỗ lực, Công Danh đã khẳng định được lựa chọn của mình, khi cậu trở thành một trong những trưởng nhóm trẻ nhất của công ty FPT Software, ngay 2 tháng sau khi cậu còn là sinh viên đi thực tập tại đây theo chương trình bắt buộc của nhà trường. Trước khi chính thức nhận bằng tốt nghiệp cậu nhận tin vui khi trở thành PM (Project Manager - Quản trị dự án) trẻ tuổi nhất của FPT Software, đảm nhận một trong những dự án quan trọng của công ty.
Không có thành công “Mì ăn liền”
Ở cương vị Quản trị dự án với các nhân viên dưới quyền nhiều hơn mình cả về tuổi đời và thâm niên công tác nhưng điều bất ngờ là Danh không gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý. Ngay cả suy nghĩ của nhiều người rằng thành công đến với cậu sớm và dễ dàng cũng chỉ được trả lời đầy ngạc nhiên bằng một cái lắc đầu.
Danh chia sẻ, ngay từ học kì thứ 4 khi học môn Kỹ thuật phần mềm tại ĐH FPT, cậu đã đặt ra mục tiêu ngắn hạn sẽ trở thành PM trong tương lai, dù đây có thể là mục tiêu lớn và sớm so với một SV mới bước vào năm 2. Với mục tiêu rõ ràng, cậu đã học và góp nhặt kiến thức một cách có mục đích và chuẩn bị chu đáo. Từ các môn chuyên ngành cho đến các tiết kỹ năng mềm dạy về làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng quản trị Danh đều học và nghiên cứu một cách đặc biệt nghiêm túc. Vậy nên với chàng PM trẻ này, thành công hiện tại chỉ là kết quả của cả quá trình đặt mục tiêu và nỗ lực hết sức, thay vì suy nghĩ thành công nhanh và dễ như úp mì ăn liền của nhiều người dành cho cậu.
Nguyễn Công Danh và mẹ trong lễ tốt nghiệp. |
Đừng ước mơ nhỏ và ngắn
Sinh ra và lớn lên ở thành phố biển Tuy Hòa, Phú Yên, Danh đặt ra mục tiêu tương lai là trong vòng 20-30 năm nữa có thể về quê và sống tốt bằng chuyên ngành của mình - ngành CNTT. Để làm được điều này ở một thành phố với dịch vụ phát triển nhất là du lịch thay vì ngành công nghiệp phần mềm, cần sự phát triển nhanh, lớn và đồng bộ của ngành CNTT trên cả nước. Dự định của Danh sẽ còn phải đi một quãng đường dài phía trước. Nhưng cậu cho rằng, nhất thiết không nên bó hẹp ước mơ của mình trong những khung hình nhỏ và tầm nhìn quá ngắn, đặc biệt khi bạn làm việc trong ngành CNTT - nơi mà vài dòng code có thể thay đổi nhiều mặt trong cuộc sống, và tính logic cũng như bước đi thông minh nhất sẽ khiến những thuật toán không tưởng nhất “động đậy”.
Thời điểm hiện tại khi vừa tốt nghiệp ĐH FPT và xuất sắc giành vị trí Á khoa với đồ án tốt nghiệp được đánh giá rất cao trong toàn hội đồng phản biện, Danh chia sẻ mong muốn sớm hiện thực hóa đồ án thay vì dừng lại ở việc giành điểm tuyệt đối trong ngày bảo vệ tốt nghiệp. Và cậu lại tiếp tục cân nhắc tìm mảnh đất “có giá” cho một cuộc đầu tư mới, để gặt hái được thành công như cậu đã làm được khi đầu tư nỗ lực vào ĐH FPT 4 năm trước.