600 Phó Chủ tịch xã trẻ tuổi và thành quả sau 4 năm
13:52 16/11/2015 1717
Công tác tuyên truyền, giáo dục Đề án tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú về làm phó chủ tịch xã thuộc 62 huyện nghèo đã triển khai được gần 4 năm. Những người trẻ tham gia đề án, khi đó, mới chỉ là cử nhân, kỹ sư vừa tốt nghiệp, giờ đây ra sao?
Tăng năng suất gấp 5 lần
Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội Vụ, đồng thời là Giám đốc Ban Quản lý Dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã. Ông chia sẻ: “Sau gần 4 năm dự án đi vào hoạt động, những kết quả đạt được rất đáng khích lệ. Hằng tháng, chúng tôi đều theo dõi qua hệ thống từ huyện đến tỉnh. Có những tỉnh yêu cầu hằng tháng, các bạn trẻ phải báo cáo xem đã làm được những gì. Các bạn đã bắt tay vào công việc một cách chững chạc. Trong đó, có nhiều bạn trưởng thành một cách vượt bậc. Ngoài việc điều hành công việc của một phó chủ tịch xã, nhiều bạn còn phát triển các đề án phát triển kinh tế – xã hội, tăng năng suất gấp 5 và thậm chí nhiều hơn thế cho bà con trong xã”.
Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội Vụ, đồng thời là Giám đốc Ban Quản lý Dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã. Ông chia sẻ: “Sau gần 4 năm dự án đi vào hoạt động, những kết quả đạt được rất đáng khích lệ. Hằng tháng, chúng tôi đều theo dõi qua hệ thống từ huyện đến tỉnh. Có những tỉnh yêu cầu hằng tháng, các bạn trẻ phải báo cáo xem đã làm được những gì. Các bạn đã bắt tay vào công việc một cách chững chạc. Trong đó, có nhiều bạn trưởng thành một cách vượt bậc. Ngoài việc điều hành công việc của một phó chủ tịch xã, nhiều bạn còn phát triển các đề án phát triển kinh tế – xã hội, tăng năng suất gấp 5 và thậm chí nhiều hơn thế cho bà con trong xã”.
Tráng Seo Pao, Phó Chủ tịch xã Hoàng Thu Phố, Bắc Hà, Lào Cai |
Ông Minh cho biết, ông đã đến khảo sát ở nhiều nơi, tham quan nhiều mô hình sản xuất mới của các bạn. Phạm Văn Điều, Phó Chủ tịch UBND xã Na Hối, huyện Bắc Hà, Lào Cai là một ví dụ. Điều đã chuyển đổi từ cây trồng truyền thống của bà con nơi đây là ngô sang cây dược liệu atiso. Sau khi nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, Điều đã quyết định mang loại cây vốn chỉ được trồng nhiều ở Đà Lạt về với vùng Na Hối. Điều còn hỗ trợ bà con thành lập một hợp tác xã để lo đầu ra của sản phẩm. Người dân chỉ cần lo khâu sản xuất cây trồng. Hợp tác xã sẽ đứng ra thu mua sản phẩm, nấu thành cao atiso và bán cho công ty đối tác. “Khi trò chuyện với một bác nông dân, tôi đã xúc động khi bác ấy nói rằng, những gì người dân thấy hôm nay như một giấc mơ. Nếu ngày trước, cũng trên mảnh vườn của mình, bác chỉ thu nhập được 7 triệu đồng thì giờ đây, số tiền đã lên đến 34 triệu đồng, gấp gần 5 lần. Gia đình có năng suất cao nhất thì thu nhập lên đến 120 triệu đồng/ha”, ông Minh kể. Phạm Văn Điều vốn là sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Cương vị Phó Chủ tịch xã Na Hối và kiến thức từ nhà trường đã giúp Điều hoàn thành ước mơ ấp ủ bấy lâu.
Tại xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, Phú Thọ, 93% người dân là dân tộc Mường, rất ít người biết tiếng phổ thông, thu nhập bình quân đầu người chỉ 10,2 triệu đồng/năm. Nhưng những khó khăn không làm người trẻ nản lòng, Phó Chủ tịch xã Nguyễn Thái Sơn đã quyết định triển khai mô hình chăn nuôi lợn rừng để cải thiện thu nhập của người dân. Còn Phó Chủ tịch xã Lê Văn Thiện, La Thị Hằng lại triển khai mô hình trồng mía cao sản và nuôi ong mật ở Thanh Hóa và Bắc Giang. Mỗi người một ý tưởng, một con đường nhưng cùng chung đích đến là mang lại đổi thay, ấm no cho người dân ở những xã nghèo.
Mang lại diện mạo mới
Tráng Seo Pao là một trường hợp đặc biệt trong số 600 phó chủ tịch xã trẻ tuổi. Đặc biệt không chỉ bởi Tráng Seo Pao là một trong “10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” năm 2014 mà còn bởi những gì mà anh đã làm cho bà con ở xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Vốn là sinh viên trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, anh chàng dân tộc Mông này khi trở về với quê hương trong vai trò của một phó chủ tịch xã, đã đem hết tâm huyết của mình cho một đề án xây dựng đường. Đề án ấy có tên: “Xây dựng đường liên gia, ngõ xóm cho nhân dân xã Hoàng Thu Phố.
Ông Vũ Đăng Minh nói: “Khi đi trên con đường mà Tráng Seo Pao làm, tôi càng thêm khâm phục ý chí của bạn trẻ này. Tráng Seo Pao đã làm một con đường mà bao đời nay người ta không thể làm được. Người dân bao năm vẫn gùi ngô rất nhọc nhằn. Đường dốc núi cheo leo, mưa lầy lội, trẻ con đi học có khi tối muộn mới về đến nhà. Giờ thì mọi việc đã khác. Có đường mới nghĩa là có cả một cuộc sống mới theo về”.
Phó Chủ tịch xã Tráng Seo Pao đã trực tiếp thiết kế và vận động nhân dân làm được 13 km nền đường liên gia, thuộc 9/12 thôn của xã, hoàn thành 200 nhà vệ sinh, 220 chuồng nuôi gia súc. Tết năm 2015, anh xin tài trợ được 400 tấn xi măng. Dự kiến, hết quý II năm nay, Tráng Seo Pao sẽ hoàn thành nốt đường liên gia của 3 thôn còn lại. Hoàng Thu Phố của anh sẽ có một diện mạo hoàn toàn mới.
Ông Vũ Đăng Minh cho rằng, bên cạnh rất nhiều những câu chuyện vui từ hiệu quả của các đề án, vẫn còn những điều khiến các bạn trẻ tâm tư. Ông chia sẻ: “Tôi muốn nói đến việc bố trí, quy hoạch các đội viên của dự án trong và sau khi hoàn thành dự án. Các địa phương cũng đã tiến hành công tác quy hoạch và bổ sung.
Trong quá trình triển khai, nhiều bạn được quy hoạch ở vị trí cao hơn nhưng cũng có bạn chưa được quy hoạch. Cũng có bạn có tâm tư. Nhưng tôi nghĩ, cần “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Thêm nữa, dù nhiều bạn làm việc rất chăm chỉ, nhiệt tình nhưng khi tiến hành bỏ phiếu ở cấp xã, vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn (chừng 5 – 7 người). Đây là quá trình cạnh tranh và thải loại. Nếu chính quyền địa phương cô lập thì các bạn sẽ không thể hoạt động với hiệu quả tốt”.