35 năm nhìn lại một công trình của thanh thiếu niên Việt Nam
09:41 31/12/2013 3814
Công tác tuyên truyền, giáo dục Web.ĐTN - Nhân kỷ niệm 35 năm (1/1/1979 – 1/1/2014), ngày ra đời đoàn tàu chở khách mang tên Đội Thiếu niên tiền phong. Web.ĐTN xin giới thiệu tới bạn đọc công trình của thanh thiếu niên Việt Nam do một cựu cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hồi ký lại.
Năm 1978 đất nước gặp thật nhiều khó khăn. Ngành Đường sắt Việt Nam không những thiếu than chạy tàu mà còn thiếu phụ tùng sửa chữa đầu máy toa xe, thiếu phương tiện…Đời sống của CBCNV thực sự khó khăn do thiếu thốn, chậm lương, ăn cơm trộn bo bo...
Trong bối cảnh đó, thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh đã có sáng kiến và được Trung ương Đoàn chỉ đạo phát động trong thiếu nhi toàn quốc phong trào làm kế hoạch nhỏ; thu nhặt 4 triệu tấn giấy loại, đóng đoàn tàu kế hoạch nhỏ mang tên Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Nghị quyết Hội nghị lần thứ XXV (mở rộng) của BCH TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh họp vào tháng 1/1978 đã nêu : “…Cần hoàn thành kế hoạch nhỏ thiếu niên tiền phong thu nhặt 4 triệu ki lô gam giấy loại và phát triển lên thành phong trào thiếu nhi góp 4 triệu đồng bằng lao động và tiết kiệm làm đoàn tàu thiếu niên tiền phong chào mừng Đại hội lần thứ IV của Đoàn”.
Được sự hỗ trợ của lãnh đạo Tổng cục Đường sắt, Công đoàn Đường sắt và Đoàn thanh niên Đường sắt Việt Nam đã tổ chức triển khai thành công Công trình khôi phục đầu máy; đóng một đoàn tàu chở khách mang tên Đội Thiếu niên tiền phong.
Cựu Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Tiên Phong (bìa phải) cùng các đồng chí lãnh đạo Tổng Cục đường sắt và các bạn thanh thiếu nhi tại Lễ khởi động đoàn tàu |
Ngày 19-5-1978, ông Trần Mẫn, Tổng cục trưởng TCĐS đã cùng đồng chí Nguyễn Tiên Phong, Bí thư TƯ Đoàn ký Nghị quyết liên tịch về việc ngành Đường sắt thực hiện Công trình đóng Đoàn tàu mang tên Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Tổng cục Đường sắt đã chọn cử nhiều kỹ sư toa xe giỏi nghiên cứu thiết kế toa xe phù hợp điều kiện nguyên vật liệu và khả năng chế tạo trong nước lúc đó. Trong một thời gian ngắn, các bản vẽ thiết kế tổng thể, thiết kế chi tiết được tập thể kỹ sư thiết kế toa xe hoàn thiện và trực tiếp chỉ đạo việc đóng mới đoàn xe tại Nhà máy xe lửa Dĩ An. Đoàn tàu này gồm 15 toa xe, có 3 toa giường nằm, 9 toa xe ghế ngồi, 1 toa xe hàng cơm, 1 toa xe hành lý, 1 toa xe trưởng tàu.
Công trình khôi phục lại chiếc đầu máy hơi nước Tự lực số 141-215 bị hư hỏng nặng được lãnh đạo Nhà máy xe lửa Gia Lâm giao cho Đoàn Thanh niên nhà máy chủ trì phối hợp triển khai. Cuối năm 1978, khi chiếc đầu máy hơi nước 141-215 chạy thử trên hành trình Gia Lâm – Hải Dương trước khi hoàn thiện; Trung ương Đoàn đã giao cho Tỉnh Đoàn Hải Dương tổ chức lễ đón trang trọng tại thị xã Hải Dương. Ngày 1-1-1979, chuyến tàu khánh thành đón đông đảo đại biểu Trung ương, ngành đường sắt và thanh thiếu nhi từ Hà Nội đi Bắc Giang.
Đoàn tàu kế hoạch nhỏ Thiếu niên tiền phong là sản phẩm mong ước tiết kiệm của thiếu nhi Việt Nam, sản phẩm của ý chí tự lực tự cường, khắc phục khó khăn của hàng nghìn kỹ sư, công nhân trẻ ngành đường sắt mà chủ yếu là những đoàn viên thanh niên ở 3 đơn vị: Cục đầu máy toa xe (Phòng Thiết kế), Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Nhà máy xe lửa Dĩ An.
Báo Nhân dân số ra ngày 1-1-1979 đã đăng bài viết như sau:
“… Cho đến hôm nay, thiếu nhi thu nhặt gần 3 triệu tấn giấy loại, gần 95.000 kg các loại vật liệu khác; 94.000 kg thóc rơi, chăn nuôi được gần 152.000 con gia súc, gia cầm. Ở 18 tỉnh và thành phố, các em đã gửi vào tài khoản số 549 gần 681.000 đồng; dẫn đầu là thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh gửi 300.000 đồng, thiếu nhi Hà Nội gửi 106.000 đồng.
Việc đóng đoàn tàu Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh được thực hiện ngoài kế hoạch năm 1978. Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Công đoàn ngành đường sắt phát động phong trào 40 nghìn ngày công lao động sáng tạo đóng góp cho Đoàn tàu Thiếu niên Tiền phong, Đoàn thanh niên đường sắt nhận việc đóng đoàn tàu là một Công trình thanh niên và giao cho Đoàn thanh niên Cục đầu máy toaxe, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Nhà máy xe lửa Dĩ An đảm nhận việc thiết kế và thi công.
Cán bộ, đoàn viên thanh niên chi đoàn Phòng thiết kế (Cục Đầu máy toa xe) lao động khẩn trương và sáng tạo, hoàn thành bản vẽ tổng thể thiết kế trong 3 tuần. Đoàn thanh niên Nhà máy xe lửa Gia Lâm góp gần 1.000 công lao động cộng sản chủ nghĩa. Đầu máy hơi nước 141-215 của các em được hoàn thành trong gần 80 ngày, xong trước thời hạn 45 ngày, tiết kiệm 265 công. Thanh niên công nhân Nhà máy xe lửa Dĩ An làm thêm mỗi ngày 4 giờ, nhận những việc khó khăn nhất: sản xuất và lắp đặt các thiết bị điện, nước, trang trí mỹ thuật toa xe. Các toa xe đều có chiều dài 20,6m. Toa xe được thiết kế thoáng mát, hợp với khí hậu nhiệt đới, kết cấu thùng bệ là kết cấn gân (loại kết cấu tiên tiến hiện nay); cửa sổ dùng kết cấu đối trọng mở dễ dàng, phòng tránh được tai nạn .v..v..Các toa đều sơn màu trang nhã, trang bị hiện đại, đủ tiện nghi cho khách đi tàu trên chặng đường sắt….”.
Sau 35 năm nhìn lại thành công của công trình Thanh niên này, chúng ta có thể thấy được bài học kinh nghiệm rất đáng tự hào và ghi nhớ :
Đây là sản phẩm của tình yêu nước, là sáng kiến của thanh niên, thiếu niên Việt Nam, được sự hưởng ứng thực sự tự giác, nhiệt tình của thanh thiếu nhi cả nước. Đây là kết quả của sự lãnh đạo đồng bộ, dứt điểm từ lãnh đạo chuyên môn, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Tổng cục ĐS đến lãnh đạo chuyên môn, Công đoàn và Đoàn cơ sở. Lần đầu tiên trong một thời gian ngắn, cán bộ công nhân đường sắt – chủ yếu là những người thợ Xe lửa Dĩ An đã hoàn thành sản phẩm đóng mới đồng bộ một đoàn xe lửa chở khách. Đoàn tàu này đã được đưa vào khai thác phục vụ cho hành khách trên tuyến đường sắt Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh, bảo đảm “an toàn, chu đáo, lịch sự.” lời kết luận của đoàn kiểm tra của Trung ương Đoàn cùng 60 đội viên TNTP vào năm 1979, sau khi đoàn xe đã chạy trên 50 chuyến. Đây là thành quả của việc tổ chức, tập hợp thanh niên xung kích trên mặt trận lao động sản xuất, hoàn thành vượt tiến độ công trình đề ra, đảm bảo chất lượng.Cán bộ BCH Đoàn các cơ sở đều bám sát công trình, là tấm gương tích cực, sáng tạo cho thanh niên; Đoàn viên TN Đường sắt Việt Nam lúc đó đều sẵn sàng làm thêm giờ, tình nguyện làm thêm vào ngày chủ nhật. Bức trướng của Trung ương Đoàn tặng Đoàn Thanh niên Nhà máy xe lửa Gia Lâm được thêu các hàng chữ :Lao động hăng say / Cùng đàn em nhỏ/ Hoàn thành đoàn tàu/ Rực rỡ chiến công. Đây cũng là thành công của một phong trào toàn quốc, tạo nên sự gắn bó phối hợp chặt chẽ của phong trào thanh thiếu nhi các tỉnh thành phố với thanh niên đường sắt.Nhà thiếu nhi Hà Nội đã cử Đội văn nghệ sang Nhà máy xe lửa Gia Lâm biểu diễn phục vụ công nhân; Tỉnh ĐoànSông Bé,và nhất là huyện đoàn Thuận An động viên thanh thiếu nhi hỗ trợ Đoàn Thanh niên xe lửa Dĩ An thực hiện công trình. Trung ương Đoàn đã quyết định tặng thưởng nhiều Huy chương Vì thế hệ trẻ cho nhiều tập thể và cá nhân trong ngành đường sắt có thành tích xuất sắc trong công trình.