13 ngày không thể quên của người lính tàu không số

15:21 22/09/2011     3513

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Web.ĐTN: 18 tuổi tham gia bộ đội; 2 lần được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công; 13 ngày kiên cường trên đảo... đó là những ấn tượng để lại trong tôi sau lần gặp ông Nguyễn Văn Phong- cựu binh tàu không số 235 do Nguyễn Phan Vinh làm thuyền trưởng (đã được đặt tên cho một hòn đảo ở Trường Sa).

Bác Phong (thu 4 tu trai qua) cùng đoàn đại biểu chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyễn Giáp
Bác Phong (thứ 4 từ trái qua) cùng đoàn đại biểu chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyễn Giáp


Từ người lính bảo vệ cầu Hàm Rồng…


Trên con phố Vũ Chí Thắng (quận Lê Chân) tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Phong, một trong số 5 người còn sống sót trên chuyến tàu 235 do Nguyễn Phan Vinh là thuyền trưởng xuất phát cuối tháng 2 năm 1968. Hồi tưởng lại quá khứ tuổi trẻ hào hùng cùng những năm tháng cả nước sục sôi đánh Mỹ cũng là những trang vẻ vang nhất của đời ông.

Từ khi còn nhỏ ông Phong đã ước mơ được mang trên mình màu áo trắng xanh của bộ đội Hải quân. Năm 1963, khi vừa tròn 18 tuổi, Nguyễn Văn Phong viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Là người cao to nên được chọn đi lính Hải quân, về tàu 120 thuộc phân đội 1, Tiểu đoàn 1 (Vùng 1 Hải quân) có nhiệm vụ lai dẫn, kéo các tàu bị bom đạn Mỹ làm hư hại. Tháng 4-1965, tàu T120 được lệnh tham gia bảo vệ cầu Hàm Rồng. Nhớ lại trận đánh ngày 3 và 4-4-1965, tàu 120 ngày đó cùng các đơn vị bạn và quân, dân Thanh Hóa bắn rơi 47 máy bay Mỹ. Sau những thất bại nặng nề, ngày 21-5-1965 Mỹ điều thêm những máy bay, tàu chiến đánh phá Hàm Rồng. Tàu T120 trở thành tâm điểm bắn phá, hơn một nửa trong số 27 chiến sĩ trên tàu 120 hy sinh, số còn lại đều bị thương. Ông Phong cũng bị một mảnh bom găm xuyên qua đùi. Với tinh thần quả cảm trong trận chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng ông được thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ký tặng. 

2 lần đi tàu không số và 13 ngày định mệnh

    Năm1966, vết thương vừa lành, ông được lệnh nhận nhiệm vụ mới tại tàu 235 thuộc đoàn tàu không số, cũng với vị trí súng 14 ly 5. Đến đầu tháng 2 năm 1968, lợi dụng thời tiết gió mùa, tàu 235 xuất bến tại vịnh Hạ Long, chở 60 tấn vũ khí vũ khí vào khu vực đảo Hòn Hèo (Khánh Hòa). Theo trí nhớ của ông Phong, tàu 235 là tàu cao tốc, chạy bốn máy, tốc độ trung bình 12 hải lý/ giờ. Do xuất phát vào thời điểm thời tiết rất xấu, biển động dữ dội, tàu tròng trành khiến mọi người trên tàu lăn như trái bóng, lăn lộn hết bên này đến bên kia. Các chiến sĩ trên tàu ai cũng mệt lừ.  Trong khi đó, tàu 235 liên tục bị máy bay, tàu chiến Mỹ “kèm cặp”. Sau 3 ngày 3 đêm, tàu 235 vào đến vùng biển Khánh Hòa, nhưng không được lệnh cập bến vì bến động phải quay ra Bắc.

    Tới ngày 28-2-1968, tàu 235 được lệnh xuất phát vào khu vực Hòn Hèo. Khoảng 18 giờ chiều ngày 31-2, tàu cách Hòn Hèo khoảng 10 hải lý bất chợp có một máy bay trinh sát của địch bay lượn quanh tàu sau đó bay thẳng vào bờ. Chi bộ tàu nhận định khả năng tàu đã bị lộ, tranh thủ lúc trời tối chi bộ quyết định cho tàu cập bến. Khoảng 23 giờ đêm ngày 31-2, tàu vào khu vực Hòn Hèo. Tất cả 20 thủy thủ trên tàu được được lệnh sẵn sàng chiến đấu, đồng thời nhanh chóng thả hàng xuống bến. Sau hơn 30 phút toàn bộ vũ khí được thả hết xuống bến. Vừa thả hết số vũ khí xuống bến, có một số kiện hàng bị nổi  mọi người đang nghĩ cách để gom lại thì bất thình lình một tốp máy bay địch xuất hiện, thả pháo sáng rực cả bầu trời. Tàu 235 hiện rõ lồ lộ. Ngoài khơi, hàng chục tàu chiến Mỹ - Ngụy dàn hàng ngang, kéo tới nã đạn pháo như mưa vào tàu 235, ép tàu ta vào bờ để bắt sống. Trên bờ phía núi pháo sư đoàn Bạch Mã ngụy liên tục câu về khu vựctàu 235 - ông Phong căng thẳng nhớ lại.

Con tàu huyện thoại đường Hồ Chí Minh trên biển- Ảnh tư liệu ông Phong cung cấp
Con tàu huyện thoại đường Hồ Chí Minh trên biển- Ảnh tư liệu ông Phong cung cấp

Vòng vây ngày càng xiết gần, thuyền trưởng Phan Vinh bình tĩnh chỉ huy các chiến sĩ lái tàu sát vào bờ, kiên cường đánh trả. Ông Phong nhớ lại, với việc dùng DKZ và súng 14 ly 5, tàu 235 làm cho một số tàu nhỏ của địch bị bất ngờ trước hảo lực của 235. Chính khẩu 14 ly 5 của ông Phong trong đêm tối đã khiến nhiều tàu địch trúng đạn, có tàu trúng đạn quay tròn rồi phát nổ. Nhưng, tàu 235 hơn nửa giờ chiến đấu có 5 đồng chí hy sinh, 7 đồng chí bị thương, trong đó có cả thuyền trưởng Phan Vinh.

 Nhưng, do cuộc chiến quá chênh lệch, thuyền trưởng Phan Vinh mặc dù trên đầu quấn băng trắn, tay xách tiểu liên tuyên bố đanh thép: “Chúng ta quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trên con tàu này. Nếu bất thành sẽ dùng phương án cho hủy tàu”- hơn 40 năm sau trận đánh, nhưng với ông Phong mệnh lệnh của thuyền trưởng Phan Vinh vẫn như còn văng vẳng bên tai. Tàu 235 quay mũi hướng ra biển, phá vòng vây địch. Không cho 235 chạy thóat, pháo địch liên tiếp xả như mưa vào tàu 235. Một quả pháo trúng vào khoang máy, máy tàu bị phạt nát, tàu 235 đứng khựng lại. Lúc đó tàu cách bờ khoảng hơn 200m, thuyền trưởng Phan Vinh lệnh cho các chiến sĩ rời tàu, kích nổ tàu, quyết không để địch chiếm tàu. Thuyền trưởng Phan Vinh và thượng sĩ Ngô Văn Thứ ở lại chiến đấu kiềm chân địch, hẹn giờ kích nổ tàu. Trong cuộc chiến không cân sức đó 14 chiến sĩ hi sinh, số còn lại bị thương, có người thậm chí không đủ sức bơi vào bờ. 5 người trong tốp của ông Phong vào bờ trước, thuyền trưởng Phan Vinh và thượng sĩ Ngô Văn Thứ bơi vào sau. Vừa tới bờ tàu 235 phát ra một tiếng nổ vang trời, cột nước dâng cao hàng trăm mét, nhiều mảnh tàu bắn văng lên bờ. Lúc này địch huy động thêm máy bay cày lát khu vực bến Hòn Hèo nhằm bắt sống thủy thủ tàu 235. Thuyền trưởng Phan Vinh và thượng sĩ Ngô Văn Thứ là hai người kiên cường chiến đấu cầm chân địch để đồng đội rút lui. Trong cuộc chiến không cân sức này thuyền trưởng Phan Vinh và Ngô Văn Thứ đều hy sinh – ông Phong ngẹn ngào nhớ lại.

Đối với ông Phong và những người còn lại của tàu 235, những ngày trên đảo Hòn Hèo đến giờ vẫn là những ngày tháng không thể quên. 13 ngày đêm trên đảo Hòn Hèo- là 13 ngày không lương thực, không nước uống, trong khi ai cũng bị thương. Các chiến sĩ lúc đó phải ăn kiến, ăn ốc sên sống…, uống nước tiểu của chính mình để tồn tại. Chiến sĩ Mai Văn Khung đến ngày thứ 6 vì không chịu được cơn khát quyết đi tìm nguồn nước nhưng không may bị địch bắt. Trong khi trên đầu máy bay địch phát loa ra rả chiêu hàng bằng lời lẽ dụ dỗ ngon ngọt. Nhưng, với một lòng son sắt theo Đảng, theo Bác Hồ, ông Phong cùng đồng đội quyết không hàng địch. Đến đêm ngày thứ 13, có người lả đi vì đói, khi cái chết chỉ còn cách gang tấc, thì bất ngờ trong anh em gặp được giao liên quân ta. Ở lại đơn vị giao liên hơn 3 tháng để dưỡng sức, tới tháng 6-1968, 5 chiến sĩ còn lại của tàu 235 hành quân theo đường Trường Sơn ra Bắc, tiếp tục nhận nhiệm vụ mới. Năm 1982, sau 19 năm binh nghiệp, ông giải ngũ.

Bước sang tuổi 67, sức khỏe yếu đi nhiều vì những vết thương nơi chiến trường năm xưa nhưng mỗi khi nhớ lại những năm tháng binh nghiệp của mình ông Phong không thể nào quên được lần tham gia đoàn tàu không số. Tàu không số với những con người kiên cường, bất khuất, không sợ hy sinh gian khổ một lòng vì miền Nam ruột thịt vẫn mãi là dấu ấn đẹp nhất, oanh liệt, hào hùng, đáng nhớ nhất của đời ông.