Trí thức trẻ về làng, không phải dễ
13:18 03/12/2015 1137
Công tác tuyên truyền, giáo dục Khác với háo hức buổi ban đầu khi tham gia dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ có trình độ đại học làm phó chủ tịch các xã thuộc hơn 60 huyện nghèo trên cả nước (Đề án 600), các thành viên thuộc dự án này tại huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, lại có nhiều vui buồn lẫn lộn khi họ chuẩn bị kết thúc đề án kéo dài năm năm.
Riêng đối với Đề án 600, một số đơn vị tiếp nhận đã đề cập đến hai trở ngại lớn: nhiều trí thức trẻ chưa phải là đảng viên và thiếu biên chế cho họ tại địa phương! |
Theo kết quả của đại hội đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2015-2020 của huyện, chỉ có bốn trong số 14 bạn trẻ được bầu vào cấp ủy, nghĩa là 10 người còn lại vẫn chưa biết mình sẽ đi đâu, về đâu khi thời gian tham gia đề án của họ kết thúc.
Bản tin VTV tuần trước dẫn nguồn Bộ Nội vụ cho thấy tỷ lệ này của toàn đề án thậm chí còn thấp hơn: không đến 25% số phó chủ tịch trẻ của các xã được bầu vào cấp ủy. Nói khác đi, hơn ba phần tư số trí thức trẻ tình nguyện không thể tiếp tục công tác tại các vị trí ban đầu họ được bố trí với rất nhiều kỳ vọng.
Điều đáng nói là kết quả bầu cử này trái ngược hoàn toàn với đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các phó chủ tịch xã tham gia Đề án 600 khi, theo VTV, tất cả các thành viên được ghi nhận là hoàn thành xuất sắc hay hoàn thành tốt.
Như vậy, có thể thấy dường như có điều gì không ổn giữa nhận định về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của những trí thức trẻ và chuyện họ không được tín nhiệm ở lại các chức vụ được bố trí theo đề án này. Hai khả năng có thể xảy ra.
Thứ nhất, nếu đánh giá là chính xác, các phó chủ tịch trẻ này phải được giữ lại để tiếp tục các vị trí mà họ đang đảm nhận một cách hiệu quả (theo như đánh giá). Nên biết, Đề án 600 nhằm thực hiện nghị quyết của Chính phủ về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Rõ ràng Đề án 600 nhắm đến việc tăng cường năng lực lãnh đạo và thực hiện các chương trình giảm nghèo của chính quyền cấp xã thông qua đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện. Đây là một chủ trương đúng đắn. Do đó, không có lý do gì để loại những người tình nguyện ra khỏi cuộc chơi nếu đánh giá cao khả năng của họ.
Thứ hai, nếu các đánh giá là “cả nể” dành cho người tình nguyện, thì cần nhìn lại hiệu quả của toàn bộ Đề án 600 - từ khâu tuyển chọn, huấn luyện cho đến việc bố trí, tạo điều kiện làm việc. Với một thứ trưởng đứng đầu ban chỉ đạo, Bộ Nội vụ có hẳn một trang web dành riêng cho dự án này mà thông tin cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng dành cho các thành viên tham gia. Sau vòng sơ tuyển, các ứng viên được tham gia các khóa huấn luyện từ lý thuyết đến thực tế các công việc họ sẽ đảm nhiệm. Chưa thấy thông tin về ngân sách dành cho dự án này, nhưng không có nghĩa là không tốn kém. Trang web cũng cho biết đợt huấn luyện công chức trẻ tăng cường cho các xã đang tiếp tục. Do đó, tìm nguyên nhân để khắc phục tình trạng “không vào được cấp ủy xã” là chuyện cần làm nhằm bảo đảm sự thành công của một chủ trương đúng.
Tình trạng thiếu tin tưởng vào lớp trẻ nói chung và trí thức trẻ nói riêng thường được viện dẫn là do sức ỳ, tư tưởng cục bộ, “chủ nghĩa kinh nghiệm - sống lâu lên lão làng”... Riêng đối với Đề án 600, một số đơn vị tiếp nhận đã đề cập đến hai trở ngại lớn: nhiều trí thức trẻ chưa phải là đảng viên và thiếu biên chế cho họ tại địa phương! Cả hai đều không phải không khắc phục được.