Tọa đàm 'Lan tỏa tin tốt trên mạng xã hội mỗi ngày'
15:12 21/04/2018 3077
Công tác tuyên truyền, giáo dục Sáng ngày 19/4, tại TP.HCM đã diễn ra chương trình Tọa đàm 'Lan tỏa tin tốt trên mạng xã hội mỗi ngày' do Báo Thanh Niên tổ chức.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, sự bùng nổ lớn mạnh của mạng xã hội thì tin tức càng có điều kiện phát tán, lan tỏa cấp số nhân. Trong số làn sóng thông tin mà chúng ta tiếp nhận hàng ngày trên mạng xã hội, có những tin tốt, tin xấu, thậm chí là tin giả mạo. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là tin xấu, tin giả mạo ngày càng xuất hiện nhiều và lan tỏa rất nhanh trên mạng xã hội.
Hầu như ngày nào chúng ta cũng thấy xuất hiện trên mạng xã hội những thông tin tiêu cực, thậm chí là bịa đặt. Rồi mọi người cứ vô tư chia sẻ, vô tư bình luận khiến sự việc càng trở nên trầm trọng và tiêu cực hơn. Trong “làn sóng” của tin tiêu cực và tin không được kiểm chứng, bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của nó.
Vậy thì thay vì cứ để xuất hiện tràn lan những tin tiêu cực, bịa đặt, ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống tại sao những người sử dụng mạng xã hội mỗi ngày không chủ động chia sẻ nhiều tin tốt lành để mọi người sống tốt đẹp hơn, giúp lan tỏa những điều tốt đẹp!
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, tại hội nghị công tác tuyên giáo cuối năm 2016, đã phát biểu: “Phải chủ động thông tin tích cực trên internet và mạng xã hội. Nếu mỗi cán bộ, đảng viên có sử dụng smartphone, facebook mỗi ngày chủ động chia sẻ cho nhau một bài báo hay, 1 clip tốt, viết 1 comment tích cực hay tìm kiếm thông tin tốt đẹp có nghĩa chúng ta đã góp phần làm cho công tác tư tưởng của chúng ta thêm tích cực”.
Về phía Trung ương Đoàn cũng đã phát động cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” nhằm tạo ra xu hướng tích cực trên mạng xã hội về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống đồng thời giúp “cạnh tranh” và lấn át trước những thông tin xấu, độc hại.
Trên tinh thần đó, hôm nay chúng ta cùng ngồi lại đây tham dự buổi tọa đàm “Lan tỏa tin tốt trên mạng xã hội” để cùng trao đổi sao cho mỗi ngày vào mạng xã hội là thấy một niềm vui, giúp giới trẻ hướng đến cuộc sống lành mạnh, tích cực hơn.
|
Tham gia buổi tọa đàm hôm nay, xin trân trọng giới thiệu:
- Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn.
- Anh Nguyễn Quang Thông - Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên.
Về phía khách mời, xin trân trọng giới thiệu các nhà nghiên cứu, giới văn nghệ sĩ, doanh nhân và những nhân vật, cá nhân, tổ chức… đã có những ảnh hưởng, trải nghiệm từ việc chia sẻ, tác động của thông tin tốt trên mạng xã hội; cũng như những hệ lụy mà thông tin xấu (tin giả) mang lại.
- PGS-TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn
- TS xã hội học - tâm lý học Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính quốc gia
- Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A, Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM
- Nhà văn Anh Khang
- Ca sĩ Phương Thanh
- Á hậu quý bà thế giới, Hoa khôi thể thao Thu Hương
- Triệu Thanh Lê , Phó khoa Báo chí- Truyền thông, đại diện nhóm dự án "Để trở thành độc giả thông minh" của Khoa Báo chí - Truyền thông, ĐH KHXH&NV TP.HCM.
- Triệu Thanh Lê , Phó khoa Báo chí- Truyền thông, đại diện nhóm dự án "Để trở thành độc giả thông minh" của Khoa Báo chí - Truyền thông, ĐH KHXH&NV TP.HCM.
- Khả Ái: từ việc anh Khương viết nhật ký nuôi và dạy con bị điếc câm, nhiều người biết đến đã hỗ trợ để bé Khả Ái đạt học bổng vào đại học
- “Hiệp sĩ” Trần Hoàng Anh (CLB Phòng chống tội phạm ở Bình Dương)
- Hồ Tuấn Sáng (Trưởng nhóm cứu nạn đêm khuya miễn phí SOS Sài Gòn)
- Đại diện nhóm tình nguyện Những ước mơ xanh
- Nhóm FAPTV
- Bùi Hồng Hạnh, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM
- Bùi Hồng Hạnh, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM
Tham gia chương trình còn có các bạn sinh viên, học sinh, những người hằng ngày đều sử dụng mạng xã hội.
|
Phát biểu đầu chương trình anh Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên cảm ơn sự có mặt của đông đảo quý thầy cô, các chuyên gia tâm lý, doanh nhân, văn nghệ sĩ và đông đảo các bạn trẻ có mặt trong buổi giao lưu hôm nay.
"Chúng ta đang ở thời đại phát triển công nghệ, người dùng có thể chia sẻ thông tin, tương tác tốt, sự bùng nổ mạng xã hội đã làm cho con người gần nhau hơn. Kho kiến thức, trải nghiệm từ mạng xã hội đã giúp cho con người ở nhiều lúc nhiều nơi. Không thể phủ nhận sự tác động tích cực của mạng xã hội, nhưng cũng không thể không âu lo trước nhiều tin tức của mạng xã hội, trong đó có nhiều thông tin xuyên tạc tổ chức cá nhân, không ít thông tin lừa đảo, đi ngược lại lợi ích của cộng đồng, đất nước”, anh Nguyễn Quang Thông nói.
Theo anh Thông, hiện ở Việt Nam có hơn 50 triệu tài khoản mạng xã hội, trung bình mỗi người Việt có 2,5 tiếng rưỡi dùng thiết bị cầm tay để lướt web, dùng mạng xã hội.
|
“Trên nền tảng mạng xã hội, thông tin được lan tỏa đa chiều, chúng tôi quan niệm, thế giới ảo nhưng thật ra được làm ra, được phát triển bởi con người thật, tác động lớn đến con người. Chúng tôi nghĩ rằng môi trường mạng xã hội sẽ phát huy tính tích cực nếu mọi người chia sẻ những thông tin tốt đẹp, mối quan hệ tương quan giúp đỡ cho mọi người… Chúng tôi cũng mong muốn những facebooker có thể nhận biết, có thể “đề kháng”, tẩy chay với thông tin giả, tiêu cực. Nhất là các bạn trẻ cân nhắc phân bổ thời gian, trí lực hợp lý, tương tác trên mạng xã hội hiệu quả”, anh Nguyễn Quang Thông nói.
Anh Nguyễn Quang Thông, cũng dẫn ra cuộc phát động mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp trên mạng xã hội do Trung ương Đoàn phát động, cuộc tọa đàm do Báo Thanh Niên tổ chức ngày hôm nay là một phần việc thể hiện hưởng ứng với cuộc vận động trên của Trung ương Đoàn.
“Chúng tôi hy vọng những ý kiến của các chuyên gia, thầy cô, văn nghệ sĩ và các bạn trẻ trong cuộc tọa đàm hôm nay sẽ chuyển tải những thông tin nhân văn đến bạn đọc nói chung, bạn đọc trẻ nói riêng, giúp lan tỏa lẽ phải, những điều tốt đẹp từ thế giới ảo đến đời sống thực”, anh Thông nói.
Anh Nguyễn Quang Thông cho biết sắp tới Báo Thanh Niên sẽ thực hiện mỗi tuần một câu chuyện đẹp và cuối năm 2018, Báo Thanh Niên sẽ tổ chức biểu dương những nhân vật và người kể chuyện tốt đẹp trên mạng xã hội.
Sinh viên Bùi Hồng Hạnh, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, chia sẻ: Có những tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng đến cuộc sống của em. Cách đây không lâu có tin đồn trên mạng xã hội bạn bè báo tin, có người dùng hình ảnh của em và một số sinh viên khác để mời gọi hành nghề không hợp pháp. Điều này khiến cuộc sống của em đảo lộn. Những tin đồn đó ảnh hưởng cuộc sống của em rất nhiều, làm cho mọi người và gia đình cảm thấy không biết thực hư ra sao. Người ngoài đường nhận ra mình cũng nhìn mình bằng con mắt khác, khiến mình rất xấu hổ. Những tin đồn thất thiệt đó, mình chưa biết sự thật ra sao nhưng không nên chia sẻ mà nên báo báo với đội ngũ mạng xã hội. Những người trên mạng đó không nghĩ rằng họ có thể giết người khác bằng lời lẽ của mình. Qua câu chuyện này, em mong chúng ta sử dụng mạng, nếu gặp tin đồn thất thiệt thì không nên chia sẻ thông tin để giúp cuộc sống lành mạnh và tốt đẹp hơn.
|
Theo TS Phạm Thị Thúy: Tin xấu có 2 loại là tin bịa đặt, xúc phạm, tiêu cực một cá nhân hay tổ chức nào đó và điều này vô cùng tồi tệ. Loại số 1 này thực sự rất nguy hiểm vì có thể hậu quả là dẫn đến cái chết nào đó. Loại thứ 2 là chuyện xấu có thật được đưa ra để rút ra bài học và có tinh thần trách nhiệm sống tốt hơn - những tin này tôi nghĩ cần thiết đưa tin. Nhưng vấn đề nằm ở cách đưa tin, ví dụ đưa tin về giết người, cướp của không nên miêu tả quá chi tiết mà thay vào đó đưa ra các biện pháp phòng tránh. Thực sự sáng ra đọc tin xấu thì tôi có thể cảm thấy mất tinh thần. Tôi nghĩ truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, thay vì đả kích phê phán mang tính tiêu cực.
|
Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A, Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM, chia sẻ chúng ta cần định nghĩa thế nào là tin tốt?
“Tôi nhìn lại trang cá nhân của mình, một tuần qua tôi chia sẻ 5 tin, nào là xung khắc mẹ chồng nàng dâu, rồi chàng trai làm cho cô gái có bầu nhưng không cưới… Vậy thì tôi đã chia sẻ toàn tin xấu hay sao? Chúng ta cần nhìn ra động cơ chia sẻ tin tức trên mạng xã hội là gì, người chia sẻ có mục đích gì?”, thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A nói.
Theo thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A, chúng ta cần công bằng với mạng xã hội, mạng xã hội là công cụ, nó chỉ là một ứng dụng công nghệ, nó không có lỗi, những vấn đề còn lại là do người sử dụng.
|
“Khi chúng ta còn đổ lỗi cho mạng xã hội thì chúng ta còn lúng túng. Chúng ta cần phải xem lại, người dùng mạng xã hội là ai, phông nền giáo dục của họ… ra sao”, chị Tô Nhi A ý kiến.
“Tôi quan tâm đến hai từ 'lan tỏa', nhưng có một thực tế là khi chia sẻ tin tốt rất ít lượt like, còn những cái gì kinh dị thì nhiều like, tại sao tin tốt lan tỏa chậm hơn tin xấu? Vậy thì cách nào để chia sẻ tin tốt mà có nhiều người xem? Giống như các nhà báo khi viết bài và giật tít vậy, nếu tít báo hấp dẫn, người đọc rất lớn”, thạc sĩ Tô Nhi A chia sẻ.
Theo chị Tô Nhi A, chị hay vào các fanpage, group của cộng đồng sinh viên để xem sinh viên nói gì, nghĩ gì, chị thấy rằng những thông tin chính thống đoàn hội thường ít người đọc nhưng nhiều khi chỉ hành động thân thiết của các sinh viên ở căng tin, người đọc và chia sẻ rất nhiều.
Theo chị Tô Nhi A, chị hay vào các fanpage, group của cộng đồng sinh viên để xem sinh viên nói gì, nghĩ gì, chị thấy rằng những thông tin chính thống đoàn hội thường ít người đọc nhưng nhiều khi chỉ hành động thân thiết của các sinh viên ở căng tin, người đọc và chia sẻ rất nhiều.
Cũng theo thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A, chị quan tâm đến yếu tố người dùng mạng xã hội. “Đây là thời đại 4.0 nhưng chúng ta trang bị năng lực 4.0 hay chưa?”, chị Tô Nhi A nêu vấn đề.
Hoa khôi Thu Hương: Tôi có sự đồng cảm nhất định với bạn sinh viên là nạn nhân của mạng xã hội. Khi tôi đóng phim Cô thư ký xinh đẹp năm 2001. Khi tôi tìm thông tin thì thấy rất nhiều người lấy hình ảnh của tôi để phục vụ cho đối tượng giống bạn sinh viên Hồng Hạnh.
|
Mới đây khi được giải Hoa hậu quý bà thế giới, hình ảnh của tôi tiếp tục bị lợi dụng. Có rất nhiều thông tin xấu, nhưng quan điểm của mình là mỉm cười. Vì mình không thể nào “đập hết muỗi”, không thể dẹp hết những tin tức đó. Nếu thông tin đó không đúng thì mình cũng bỏ qua, tiếp tục làm mọi thứ, tiếp tục sống, sự thật sẽ chứng minh, không cần quan tâm đến lời bịa đặt.
Nếu con người ta hướng về những điều tốt đẹp thì điều tốt đẹp sẽ đến...
Anh Hồ Tuấn Sáng (Trưởng nhóm SOS Sài Gòn): Sau bài báo đăng trên Thanh Niên, tôi rất bất ngờ trước sự đón nhận của cộng đồng, từ đó sự lan tỏa rất mạnh mẽ và tích cực hơn. Tin tốt bao giờ cũng được đón nhận tích cực, đâu đó ở trong xã hội cũng có những người muốn cống hiến và làm những điều tốt đẹp cho xã hội. Nhờ sự lan tỏa của mạng xã hội mà nhóm chúng tôi nhận được những cuộc điện thoại, những dòng tin nhắn động viên tinh thần, chia sẻ những khó khăn. Bản thân chúng tôi luôn cố gắng vì những điều đang làm cho cộng đồng tốt đẹp hơn.
|
Bạn đọc chắc hẳn còn nhớ câu chuyện của anh Trần Khương kiên cường cùng con gái Khả Ái bị câm điếc bẩm sinh trải qua 18 năm khổ luyện để học hành. Với tất cả những yêu thương, trăn trở, anh Khương đã viết nhật ký nuôi dạy, chăm sóc con bị điếc câm, những dòng nhật ký lan tỏa trên mạng xã hội, làm lay động bất cứ ai đọc được. Sau đó có nhiều người hỗ trợ Khả Ái, ngoài những món quà là những máy trợ thính, Khả Ái nhận được học bổng của một trường ĐH để vững bước vào đời.
Anh Trần Khương chia sẻ: Tôi không ngờ thông tin được lan tỏa nhiều như vậy. Khi đó, chúng tôi chỉ biết cố gắng dành cho con một con đường tốt nhất có thể (anh đã hơn mười năm đứng ngoài lớp học nghe cô giáo giảng để về dạy lại cho con - PV).
|
Nhật ký tôi viết bình thường, sau đó nhờ con trai biên tập đưa lên mạng. Bắt đầu từ đó bức thư lan tỏa ra cộng đồng. Và thông tin từ các Hội cha mẹ khiếm thính, các em khuyết tật được hỗ trợ nhiều hơn.
Hoa khôi Thu Hương: Hương nghĩ những việc từ thiện, gia đình Hương làm khá thường xuyên. Chẳng hạn hiệp sĩ bắt cướp bị mất xe máy, thì anh Nam (chồng Hương) cũng lặng lẽ giúp hiệp sĩ này. Câu chuyện tài xế đánh lái cứu 2 nữ sinh, cả hai vợ chồng cùng thống nhất sẽ giúp anh tài xế số tiền 240 triệu. Khi thông tin đưa lên facebook rất nhiều người like và share, chứng tỏ còn rất nhiều người tốt. Chỉ cần có một người nói lên điều chính nghĩa thì xã hội sẽ ủng hộ chúng ta.
Hương đứng trên vai trò người hoạt động xã hội, khi gặp gỡ bạn bè quốc tế, các bạn hoài nghi đồ ăn Việt Nam bẩn, thì mình đã nói với các bạn là Việt Nam vẫn có rất nhiều nơi bán thực phẩm sạch. Thay vì bêu xấu người bán thực phẩm bẩn thì mình nói về những nơi, những người bán tử tế. Khi đó, người ta sẽ tìm đến nơi bán thực phẩm sạch, và người bán thực phẩm bẩn sẽ không còn đất sống.
Ca sĩ Phương Thanh bộc bạch: Nếu khán giả buồn quá thì mình hát cho người ta vơi nỗi buồn, và trong lúc mình hát mình tranh thủ nhắn nhủ cuộc sống không chỉ có hôm nay mà còn có ngày mai nên nếu không vượt qua được hôm nay thì ngày mai sẽ không thể tới.
|
Phương Thanh là người gặp nhiều rắc rối như bị đồn là nghiện ma túy, thuốc lắc. Người nào có cá tính dữ dội thì đồn những điều cũng dữ dội. Mình là một trong những người năng động, được đi Trường Sa 3 lần. Khi diện kiến những người lính là mình có thêm nguồn năng lượng, tinh thần rất tích cực.
Mỗi bạn trẻ hãy cố gắng tiếp nhận thông tin và thay đổi chính mình. Và chúng ta cố gắng thành thật đưa thông tin ở mọi khía cạnh, chỉ có những gì thành thật mới mang lại được năng lượng và điều tốt đẹp cho khán giả.
Nhà văn Anh Khang tâm sự: Tuổi trẻ nào cũng đi qua nỗi buồn. Nỗi buồn nào cũng có đáy, hãy cứ buồn tận cùng để chuẩn bị tâm thế đến với niềm vui.
Mình tâm đắc với câu mạng xã hội chỉ là công cụ, người sử dụng là chính chúng ta. Điều tốt đẹp còn rất nhiều trong xã hội, vẫn có những câu chuyện cổ tích giữa đời thương. Nhưng vì sao chúng ta chỉ chú ý đến điều xấu? Chúng ta đã sử dụng mạng xã hội một cách thông minh hay chưa?
Thông tin trên mạng xã hội không được kiểm duyệt. Nhiều bạn thấy một tin được đăng lên là “share liền tay, hạ hồi phân giải”, không cần biết tin đó đúng hay sai.
|
Nguyên nhân là vì nền tảng đọc của chúng ta thấp, kiến thức về đời sống chưa nhiều, chưa có kỹ năng nhận định vấn đề. Chúng ta cần biết rà soát và đối chiếu thông tin. Trước khi share phải kiểm tra nguồn tin có chính xác hay không? Hãy đọc những kênh thông tin chính thống vì tin tức ở đó đã được thẩm định.
Mỗi ngày có thể chúng ta có quá nhiều thứ mệt mỏi, chính vì thế đừng lên mạng xã hội để “xả” vì mỗi chúng ta đã chứa đầy mệt mỏi rồi. Mới sáng ra đọc một tin dễ thương sẽ giúp cho một ngày mới dễ chịu. Hãy chọn những tin tốt để tiếp nhận và chia sẻ.
Người tử tế chắc chắn sẽ là người hạnh phúc. Để làm người tử tế thì trước hết hãy chọn điều tích cực để đọc, để làm, để lan tỏa.
PGS-TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn: Trường ĐH Sài Gòn sử dụng mạng xã hội để thông báo nhanh và rộng thông tin với sinh viên. Mạng xã hội có nhiều lợi ích cho cuộc sống con người. Tuy nhiên người dùng cần sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm, luôn nhớ việc bấm like hoặc chia sẻ có thể là rất tốt mà cũng có thể rất xấu.
|
TS Triệu Thanh Lê (Phó khoa Báo chí - Truyền thông, đại diện nhóm dự án "Để trở thành độc giả thông minh" của Khoa Báo chí - Truyền thông, ĐH KHXH-NV TP.HCM) thông tin: Dự án mà chúng tôi thực hiện bắt đầu từ năm 2013. Chúng tôi có những lớp hướng dẫn cho sinh viên cách tiếp cận và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Hiện có lớp cho hàng ngàn sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM tham gia trong năm đầu tiên và mở rộng ra nhiều trường ĐH khác. Chúng tôi mong muốn kỹ năng sử dụng mạng xã hội còn được hướng dẫn tới học sinh phổ thông.
|
Hiện nay số lượng người sử dụng mạng xã hội của Việt Nam tăng rất mạnh, đặc biệt là người trẻ. Thống kê của Facebook có khi tăng mỗi tuần thêm 500.000 người . Vì vậy việc trang bị kỹ năng phân tích và chọn lọc thông tin rất quan trọng.
Anh Trí Tài, đại diện nhóm FAPTV, cho hay nhóm hài của anh từng có 2, 3 sinh viên đam mê làm phim, kinh phí không có nhiều, do đó câu hỏi nhóm từng trăn trở là: làm thế nào để kinh phí ít nhưng có thể tiếp cận đông đảo đến khán giả. Câu trả lời là sử dụng mạng xã hội.
“Khi chúng tôi mang phim lên mạng xã hội rất may mắn được cộng đồng khán giả tiếp nhận. Nếu phim hay, có nhiều người khen, nếu sản phẩm dở, chắc chắn là bị chê, đây là cơ hội để chúng tôi hoàn thiện mỗi sản phẩm”, anh Tài nói.
|
“Nhóm càng được biết đến nhiều hơn, trách nhiệm với sản phẩm của chúng tôi lớn hơn, chúng tôi cần phải có trách nhiệm với cộng đồng, có tâm với nghề. Sản phẩm không thể sơ sài, trong mỗi tác phẩm nói về đời sống thường nhật, tình yêu, tình cảm... chúng tôi luôn đưa ra thông điệp cái thiện sẽ chiến thắng cái ác”, anh Tài chia sẻ.
Theo đại diện nhóm hài triệu view, trên fanpage của nhóm, tài sản lớn nhất chính là tiếng cười: “Chúng tôi mong muốn, dù là ai, bạn sinh viên hay bác công nhân sau một ngày làm việc mệt mỏi, xem được những tình huống vui có thể nở nụ cười, từ đó cuộc sống trở nên lạc quan, làm được nhiều công việc ý nghĩa hơn”.
Anh Trần Hoàng Anh (đại diện Hiệp sĩ Bình Dương): Các anh em trong nhóm đều là người dân nhưng có kinh nghiệm đã từng bắt tội phạm, tập hợp lại để làm điều tốt đẹp.
Nhờ mạng xã hội, có bạn sinh viên quay được clip trộm mở cửa nhà trọ lấy đồ. Bạn đó là nữ, không dám bắt, chỉ quay video bằng điện thoại gửi qua cho nhóm. Nhờ đó, nhóm đã xác định được thủ phạm.
|
Nhờ mạng xã hội lan tỏa những điều tốt, nhất là những vụ truy bắt tội phạm của nhóm đã giúp nhóm có thêm nhiều động lực phấn đấu cho chặng đường dài phía trước. Và ai cũng có thể là một hiệp sĩ nếu hướng đến điều tốt đẹp.
Đại diện nhóm tình nguyện những ước mơ xanh: Nhóm tình nguyện những ước mơ xanh ra đời từ năm 2002. Với nhóm, khi làm một chương trình thì sẽ đăng lên Facebook để các mạnh thường quân biết đến và ủng hộ, cùng nhóm làm những điều tốt đẹp.
Kết thúc chương trình, anh Nguyễn Quang Thông cảm ơn tất cả các khách mời đã đến dự buổi toạ đàm và mang đến chương trình nhiều cảm xúc.
“Nghe các chuyên gia, các bạn trẻ ngồi đây chia sẻ, chúng ta đều trăn trở ta sẽ up gì, share gì. Trong hai khái niệm tin tốt, tin xấu, chúng ta đều băn khoăn sẽ like gì đây, share gì đây, thế nào được gọi là tốt. Tôi nghiệm ra rằng, tin vui là tốt, nhưng tin buồn chưa chắc là xấu. Đó là một tin buồn nhưng có tác động tốt, đó là vụ xe chở bia bị lật ở Đồng Nai, nhiều người dân chạy lại hôi của, sau đó bị lên án mạnh mẽ trên mạng xã hội. Từ đó, sau khi các vụ tai nạn tương tự xảy ra, không còn nạn hôi của”, anh Thông nói.
Tôi tin rằng, mỗi nội dung các anh chị chia sẻ với những cảm xúc này, chắc chắn là nhiều tin tốt sẽ lan tỏa trên mạng xã hội từ trưa hôm nay”. “Chúng tôi luôn hy vọng các anh chị và các bạn, mỗi ngày chúng ta thức dậy và đón nhận được nhiều tin tức tốt đẹp để làm phong phú cuộc sống quanh ta, gia đình, và cộng đồng”, anh Nguyễn Quang Thông nhắn gửi.
Tweet