Kỹ sư người Tày "ba cùng" với đồng bào dân tộc Mông
15:58 28/10/2015 1296
Công tác tuyên truyền, giáo dục Gần hai năm rưỡi “ba cùng” với đồng bào dân tộc Mông ở xã vùng cao Pá Hu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), có việc thành công, có việc còn dang dở… nhưng không làm vơi đi sự quyết tâm của Hà Chánh Thảo, một Đội viên của Dự án 600 Phó Chủ tịch xã.
Tốt nghiệp Khoa Nông Lâm, chuyên ngành Trồng trọt, Trường Đại học Tây Bắc, Hà Chánh Thảo - chàng kỹ sư dân tộc Tày (sinh năm 1988) hăng hái tham gia Dự án thí điểm 600 trí thức trẻ có trình độ đại học làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo nhất nước.
Gần hai năm rưỡi kể từ khi lên vùng cao Pá Hu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) “ba cùng” với đồng bào dân tộc Mông, có việc thành công, có việc đang làm, khó khăn thật nhưng với nhiệt huyết tuổi trẻ, Thảo không ngừng học tập và cống hiến với mong muốn góp phần cho đồng bào vùng cao bớt nghèo, bớt khổ…
Gần hai năm rưỡi kể từ khi lên vùng cao Pá Hu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) “ba cùng” với đồng bào dân tộc Mông, có việc thành công, có việc đang làm, khó khăn thật nhưng với nhiệt huyết tuổi trẻ, Thảo không ngừng học tập và cống hiến với mong muốn góp phần cho đồng bào vùng cao bớt nghèo, bớt khổ…
Hà Chánh Thảo vận động gia đình chị Thị Nu ở thôn Tà Tầu chuyển đất trồng lúa nương sang trồng ngô giống mới - Ảnh: VGP/Tuấn Anh |
Mở hướng làm ăn mới
Trụ sở UBND xã Pá Hu nằm trên đỉnh núi. Ngoài sân trụ sở UBND xã ồn ào tiếng xe, tiếng người giao nhận, thử bình phun thuốc do Chương trình 135 hỗ trợ. Vài phút ở trụ sở rồi tôi kéo Hà Chánh Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã đi bản. Thấy Phó Chủ tịch xã người Tày trẻ trung, gặp bà con người Mông thì vồn vã: “Mồng kháo từ" (đi đâu đấy?), "Vang chế cho blê tàng chi tâu?" (nhà đã cấy xong lúa chưa?), tôi thật ngỡ ngàng...
Bất đồng ngôn ngữ là khó khăn, cản trở hàng đầu, để nói và nghe được tiếng của đồng bào cách tốt nhất là “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân. Nhờ Bí thư Thào A Tông, Chủ tịch Mùa A Lềnh rồi bà con giúp thêm vào, vốn tiếng Mông của Thảo cũng tàm tạm.
Về công tác, Hà Chánh Thảo cùng cán bộ, đảng viên ở Pá Hu bám dân, bám bản, kiên trì vận động, giải thích, hướng dẫn để bà con dần hiểu và thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất lạc hậu.
Đất ruộng ít, để lo cái ăn cho trên 500 hộ dân thì phải tăng vụ, chuyển đất trồng lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô.
Thôn Pá Hu, nơi anh trực tiếp phụ trách đã đi đầu mở rộng diện tích ngô vụ Xuân. Phó Chủ tịch xã Hà Chánh Thảo vừa làm đất, trồng ngô với dân, vừa hướng dẫn kỹ thuật vừa chỉ đạo trồng mô hình đối chứng giống mới.
Vụ Xuân năm ngoái cả thôn đã trồng 22,5 ha ngô bằng giống 838, năng suất đạt trên 22 tạ/ha. Thảo cười tươi nói: “Thế là bà con có thêm gần 50 tấn lương thực vụ xuân, nếu cán bộ mình không hướng dẫn bà con làm theo thì không có thêm nhiều ngô thế đâu, anh Vàng nhỉ?”. Trưởng thôn Vàng cười đồng ý.
Hướng sản xuất mới mở ra, Hà Chánh Thảo cùng cán bộ, đảng viên vận động, hướng dẫn bà con ở Háng Gàng, Cang Giông, Tà Tầu mở rộng diện tích ngô xuân và chuyển đất trồng lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô.
Năm 2012, nhờ tập trung chỉ đạo quyết liệt, Pá Hu đã mở rộng diện tích ngô vụ xuân lên 295 ha, tăng 85 ha với vụ xuân năm 2011, sản lượng ngô hạt thu hoạch trên 663 tấn.
Trong câu chuyện làm ăn, Hà Chánh Thảo nói đến mấy việc: Tăng vụ sản xuất lương thực, phát triển và bảo vệ đàn gia súc, trồng và bảo vệ rừng.
Diện tích cấy lúa ở Pá Hu vẻn vẹn 80 ha, vụ xuân chỉ cấy 50 ha, còn lại bỏ hoang vì thiếu nước. Trông vào thóc thì đói to, mà Pá Hu mấy năm qua vẫn nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ đều.
Thảo tính: "Nếu chuyển được 90 ha đất lúa nương sang trồng ngô thì bà con sẽ có thêm khoảng 200 tấn ngô hạt. Nếu dẫn nước về cấy hết diện tích lúa xuân thì sẽ thêm khoảng 80 tấn thóc, tổng sản lượng ngô và thóc của Pá Hu sẽ chừng 1.100 tấn, chưa kể sản lượng bổ sung từ 50 ha sắn duy trì ổn định hàng năm".
Hà Chánh Thảo nắm bắt tình hình học tập của học sinh ở điểm trường mầm non thôn Tà Tầu- Ảnh: VGP/Tuấn Anh |
Muốn rừng sẽ nuôi người
Trong suy nghĩ của người Phó Chủ tịch trẻ này, số ngô thóc đó chưa đủ để bà con “yên” cái bụng.
Gần hai năm rưỡi ở Pá Hu, anh thấy đây là vùng đất nuôi trâu rất tốt, do nguồn cỏ dồi dào, giống trâu to khỏe, kháng bệnh tốt, lớn nhanh. Hiện xã có 430 con trâu, với giá bình quân 25 - 30 triệu đồng/con thì tiền thu từ bán trâu cũng dư bạc tỷ.
Vụ rét vừa qua, Pá Hu không còn trâu chết rét, chết đói nữa vì bà con đã được hướng dẫn và làm tốt việc dự trữ thức ăn, làm chuồng trại bảo vệ, cho thấy nhận thức của người dân đã thay đổi đi lên.
Chỉ cần có thêm vài “cú hích” để phát triển đàn trâu hàng hóa thì đời sống của trên 500 hộ chắc chắn sẽ khá lên.
Theo chân Hà Chánh Thảo đi thôn Tà Tầu, Pá Hu, qua những cánh rừng phòng hộ và những vùng núi trống đồi trọc, tôi thấy anh suy tư nhiều về rừng trên núi.
Pá Hu có 859 ha rừng, trong đó 1/3 là rừng sản xuất, còn lại là rừng tái sinh khoanh nuôi, phòng hộ. Người Mông đã nhận khoán bảo vệ rừng, nhưng chút tiền từ bảo vệ rừng còn nhỏ bé quá. Trồng rừng nguyên liệu thì không thể làm được vì núi thì cao, sương muối nhiều. Liệu có thể đem cây tre măng bát độ, thứ cây đem lại tiền tỷ cho nông dân Trấn Yên quê anh lên đây được không?
Trồng tre lấy măng bán, dân sẽ có khá tiền mà rừng trống trọc được phủ xanh, Thảo cho rằng làm được vì bên Hát Lừu đã trồng khá tốt, việc còn lại là sự tham mưu của anh và quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Đó cũng là trăn trở của anh…
Chia tay, Thảo bật mí, anh đang phấn đấu để được trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam sớm nhất có thể và thêm nữa, anh đã quyết định xây dựng tổ ấm hạnh phúc riêng của mình ngay trên đất núi nghèo khó này của núi rừng Yên Bái.