Cô học trò có đôi bàn tay khuyết
09:15 07/11/2013 1464
Công tác tuyên truyền, giáo dục 6 tuổi, em không được nhận vào lớp 1 bởi hai khuỷu ta em cong vẹo, tay phải chỉ có hai ngón, tay trái ba ngón, không cầm nắm được. Em đã khổ luyện vượt lên khiếm khuyết vì chất độc da cam, viết được chữ, thêu được tranh, 5 năm Tiểu học luôn đạt học sinh giỏi...
Cô học trò có đôi bàn tay khiếm khuyết là Nguyễn Thị Hồng Gấm, năm học mới này em được vào học lớp 10 Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật tỉnh Bến Tre.
Bàn tay khuyết của em Hồng Gấm có thể viết chữ như người bình thường. |
Khi sinh ra, hai cánh tay, bàn tay của Gấm đã bị dị dạng. Theo lời mẹ Gấm, vùng quê này (ấp Phú Định, xã Phú Đức, huyện Châu Thành) và nhiều xã lân cận bị giặc Mỹ rải thuốc hóa học khai hoang trong những năm chiến tranh khốc liệt. Ngày nay, nhiều gia đình ở vùng đất này sinh con bị khuyết tật. Gấm là con út trong gia đình 5 anh chị em, không may bị khiếm khuyết như vậy.
Đến 8 tuổi, hai bàn tay của Gấm chưa cầm, nắm được. Mỗi lần ăn cơm, mẹ phải đút. Vì vậy, năm 6 tuổi, Gấm không được nhà trường nhận vào lớp 1 như các bạn cùng trang lứa. Không được đi học, nhìn các bạn cắp sách đến trường, Gấm khóc, nằng nặc đòi đi học nhưng mẹ chẳng biết làm sao!
Cơ may đến với Gấm khi xã Phú Đức được xây “Nhà nuôi dưỡng bán trú trẻ em nhiễm chất độc hóa học”. Năm 8 tuổi, Gấm được cô Lê Thị Thanh Vân - chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bến Tre gửi vào Nhà nuôi dưỡng này. Ở đây, Gấm được cô giáo tập viết chữ. Lúc ấy, bàn tay của Gấm cứng đơ, không cầm được cây bút. Nhờ cô giáo kiên trì tập luyện, hướng dẫn, dần dần Gấm cầm được cây viết, nắn nót được cái chữ. Với Gấm, viết được con chữ là niềm phấn khởi lớn. Theo lời mẹ của em và các cô giáo, từ khi vào học ở Nhà nuôi dưỡng bán trú trẻ em nhiễm chất độc hóa học, ít thấy em chơi đùa như bao đứa trẻ cùng tuổi khác mà luôn chăm chú tập viết chữ trong giờ học, giờ ra chơi cũng như lúc ở nhà. Cố gắng tập luyện, nửa năm sau, Gấm viết được những chữ khó, nhiều vần mà còn đẹp như các bạn có bàn tay bình thường.
Viết thành thạo các chữ, năm 9 tuổi, Gấm được Trường Tiểu học xã Phú Đức nhận vào học lớp 1. Được đến trường như bao bạn bình thường khác, lòng Gấm mừng khôn xiết. 5 năm ở Trường Tiểu học, Gấm luôn đạt học sinh giỏi. Hết tiểu học rồi lên học ở Trường THCS Phú Túc (xã Phú Túc, huyện Châu Thành), Gấm luôn đạt điểm cao ở môn văn, toán và là học sinh khá, giỏi.
Tuy nhiên, kỳ tích ở cô học trò có đôi bàn tay khuyết này không chỉ ở viết được cái chữ mà em còn thêu đẹp. Gấm kể: Lúc đang học ở Nhà nuôi dưỡng bán trú, thấy các cô giáo thêu, em đến nhìn hoài, thích thú không đi. Thấy vậy, các cô hướng dẫn Gấm thêu. Người bình thường học thêu đã khó, với Gấm lại càng khó khăn hơn. Thêu phải tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ mà bàn tay của Gấm lại khó điều khiển theo ý muốn của mình. Lúc ấy, cô giáo Châu khuyên Gấm: Con cố lên, sẽ thêu được mà.
Nhờ cô giáo dìu dắt, nửa năm sau từ đường thêu đơn giản, Gấm thêu được những đường thêu phức tạp. Và nay, Gấm thêu được tranh phong cảnh, con vật… Một khích lệ với Gấm nữa là năm 2012 tham dự cuộc thi thêu với người khuyết tật, Gấm đoạt giải ba. Hiện nay, mỗi ngày sau giờ học, Gấm tiếp tục thêu gia công cho Nhà nuôi dưỡng bán trú trẻ em nhiễm chất độc hóa học. Số tiền kiếm được mỗi tháng khoảng 30.000 đồng, Gấm dành sắm đồng phục, dụng cụ học tập, đóng học phí... Sở dĩ Gấm dành tiền thêu cho việc học, bởi gia đình em nghèo lắm. Cha của Gấm mưu sinh, nuôi sống gia đình bằng nghề làm thuê (nhưng không ổn định). Mẹ Gấm bệnh tim, phổi nhiều năm nay, ngày ngày phải uống thuốc. Nhà nghèo, các anh chị của Gấm chỉ được đi học đến lớp 2, lớp 3 rồi nghỉ. Riêng Gấm, gia đình cũng định cho học hết biết chữ rồi thôi nhưng thấy Gấm học giỏi, ham học, nên không đành.
Năm nay, Hồng Gấm 19 tuổi (sinh năm 1994) vào trường này, Gấm vừa học chữ vừa học nghề. Gấm tâm sự: Em cố gắng học giỏi để có kiến thức, nghề nghiệp nuôi sống bản thân, báo hiếu cha mẹ.
Là người khuyết tật bởi chất độc da cam/dioxin nhưng trong Gấm luôn có ý chí phấn đấu vươn lên mãnh liệt. Gấm cố gắng học tập rèn luyện, để có thể lao động như người lành lặn. Gấm tâm tình như vậy.