Chàng sinh viên trường nghề chế tạo thùng rác thông minh

08:16 24/02/2015     2058

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Một lần tới bệnh viện thăm bạn, thấy mọi người vứt rác bừa bãi ở hành lang, Yên đã nảy sinh ý tưởng sáng tạo thùng rác thông minh để nâng cao ý thức bỏ rác đúng nơi quy định cho người dân.
Trần Đình Yên (19 tuổi, trú xã Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) hiện là sinh viên năm thứ hai lớp Điện công nghiệp K5, Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh. Gia đình có hai anh em, Yên là anh cả. Bố là cán bộ xã, công việc thường bận rộn, nên ngoài những giờ học ở trường cậu thường về nhà phụ giúp mẹ làm 8 sào ruộng. Chàng trai dáng mảnh khảnh, khuôn mặt sáng, luôn tỏ ra kiệm lời, thi thoảng cười bẽn lẽn khi trò chuyện.

Nói về thùng rác thông minh, Yên cho hay, một lần tới thăm bạn bị ốm ở Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, thấy nhiều người vứt rác bừa bãi, ảnh hưởng tới môi trường, cậu đã nung nấu ý tưởng sáng chế ra thùng rác có thể phát ra tiếng nói đặt ở hành lang bệnh viện, trường học, công sở. Về nhà, Yên lên mạng tìm tài liệu, đồng thời chia sẻ ý tưởng với thầy chủ nhiệm, bạn bè nhờ giúp sức.

Sau ba tháng mày mò nghiên cứu, cuối cùng chàng trai đã thiết kế xong các hệ thống để phát ra âm thanh. “Thùng rác sử dụng đèn Led để gây sự chú ý. Khi mọi người bỏ rác vào, thùng sẽ tự động phát ra âm thanh Cảm ơn mọi người đã cho tôi rác. Khi không ai bỏ rác, cứ vài phút nó sẽ phát âm thanh Vì môi trường xanh, sạch đẹp, xin quý khách hãy bỏ rác vào đúng nơi quy định”, Yên nói.
Mô hình thùng rác thông minh do Yên sáng chế đã giành giải nhất cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật thanh thiếu niên Hà Tĩnh. Ảnh: NVCC
Mô hình thùng rác thông minh do Yên sáng chế đã giành giải nhất cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật thanh thiếu niên Hà Tĩnh. Ảnh: NVCC

Thùng rác thông minh do Yên sáng tạo có kết cấu khá đơn giản. Đó là chiếc thùng nhựa bình thường, cao 50 cm, rộng 25 cm, xung quanh được gắn các hệ thống ắc quy, điện và vi mạch. Mặt trước thùng được gắn đèn nháy với dòng chữ nhấp nháy “Xin cho tôi rác”. Điểm nhấn chính là âm thanh tự động, cứ khoảng vài chục giây lại phát ra một lần để gây sự chú ý với mọi người.

Sản phẩm của Yên dùng hệ thống cảm biến với nguồn điện ắc quy 24 V, có thể sạc và sử dụng được nhiều giờ. Toàn bộ chi phí mua thùng, bảng điện tử, dây nối, thiết kế ước tính 1,5 triệu đồng.

Trong cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật thanh thiếu niên tỉnh Hà Tĩnh giữa năm 2014, thùng rác thông minh của Trần Đình Yên được chọn dự thi và giành giải nhất, đại diện cho tỉnh Hà Tĩnh tham dự cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc. “Được giải em rất bất ngờ và phấn chấn. Em đã không làm bố mẹ, thầy cô và bạn bè hụt hẫng khi kỳ vọng vào mình”, chàng trai cười chia sẻ.

Sản phẩm sau đó không giành giải trong cuộc thi toàn quốc, nhưng Yên cho hay không hề buồn mà tự nhủ bản thân phải cố gắng hoàn thiện nhiều hơn nữa.
Trần Đình Yên trong một giờ thực hành tại trường. Ảnh: Đức Hùng
Trần Đình Yên trong một giờ thực hành tại trường. Ảnh: Đức Hùng

Đánh giá về sản phẩm của học trò, thầy Lưu Trung Kiên, giảng viên Khoa điện, Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh nói: "Đây là sản phẩm được đánh giá cao về ý tưởng độc đáo. Thùng rác chỉ là sản phẩm đơn chiếc mang tính chất mô hình nên nhìn chưa được bắt mắt, khi nào sản xuất ra hàng loạt tác giả sẽ thiết kế lại để đẹp hơn”.

Theo thầy Kiên, từ ngày mô hình được vinh danh ở các cuộc thi, nhiều muốn Yên sáng tạo ra thùng rác thông minh tương tự để họ mua. Phía Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã liên lạc với ban giám hiệu nhà trường đặt vấn đề đưa sản phẩm về các trường mầm non, tiểu học. Riêng Yên cho biết hiện tại vẫn chưa sẵn sàng đưa thùng rác thông minh ra thị trường, bởi muốn cải thiện thêm một số tiện ích, trong đó có chức năng khử mùi hôi.

Chia sẻ về việc lựa chọn trường nghề để làm thợ mà không thi đại học, Yên nói: “Tâm lý ai cũng muốn học đại học, cao đẳng để sau này có công việc tốt, nhẹ nhàng hơn. Từng đậu một trường cao đẳng ở Hà Nội, nhưng em từ chối và theo học nghề vì nghĩ nếu chịu khó tích lũy, rèn luyện tay nghề thì sau này cũng sẽ có nơi nhận, đủ nuôi sống bản thân, phụ giúp cho gia đình. Suy cho cùng đại học, cao đẳng cũng là học nghề, chỉ có mỗi cách học và cách làm khác nhau”.

Nói về ước mơ, Yên bảo chỉ có một mong ước giản dị là sau này tốt nghiệp sẽ được làm việc ở công trường Formosa (Khu Kinh tế Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Theo cậu nơi đó đang phát triển, phù hợp với ngành mình theo học, và nếu được nhận thì sẽ phát huy được sở trường.